Vài nét chân dung “chàng Sếu vườn” – Phần II

Đời người chỉ chết có một lần phải không các bạn. Vì vậy xin cho tôi được mượn trang web TĐCS để trả chút nợ tình đời cho người bạn đã đi xa…(Lê Ngọc Chương).

Ngày ấy, trước 75, anh làm ở tòa hành chánh, là cán bộ bên hoạch định kinh tế. Tôi không phải đi lính, với lý do gia cảnh – con trai độc nhất còn lại với cha già, nên vẫn thường gặp anh để đấu láo. Thời học sinh, chúng tôi học cùng trường Hưng Đức, nên gặp nhau đều chi.

Nghe đâu thời đi học, có cô Sương con ông Trợ nào đó, cũng có tình cảm với anh. Tôi chỉ nghe anh kể loáng thoáng thế thôi…Rồi sau này, nghe anh kể: có một cô bạn nào hình như tên Lan? ở đâu Phước An? Ngày xưa học cùng lớp. Sau này gặp lại anh, cô ấy tâm tình là, hồi xưa có tình ý với anh…

Gớm! trông người thế mà đào hoa mới là lạ chứ!!

Xem ra nhân dạng anh cũng chẳng mấy đẹp trai. Khuôn mặt vốn gầy gò, càng làm lưỡng quyền cao lên giữa cặp mắt ré lơ. Thân người đã hao gầy, dáng lại cao nghều, càng làm cho bước đi thêm lòng khòng, nên bạn bè thường được gọi anh là Chương còm hay là “Sếu vườn Lê Chương” nhại lại tên “Sếu vườn Lê Diệp” trong truyện gián điệp Z-28.

Nhìn cái dáng đi chân chữ bát tệnh toạng của anh, không phải là thầy bói hay thầy tướng số cũng đoán biết, số kiếp anh ngày sau chắc “đố khỏi đói khổ”. Giọng anh khi nói, phát âm khó khăn giống như có hòn sỏi kê dưới lưỡi, nên nghe hơi bị lớt đớt. Sau này học trò kể lại, khi giảng bài, anh nói con giun còn gọi là con tùn…

Nhưng phải nói, khi anh lập luận vấn đề nào thì lý luận chặt chẽ và soi rọi vấn đề tranh luận rất thấu đáo. Mặc dầu giọng nói của anh không mấy gây thiện cảm dễ nghe, nhưng anh có cái duyên bắt chuyện rất tài. Khi nói chuyện với người đối thoại, anh rào đón trước sau một cách xởi lởi. Đến khi người nghe đã bắt đầu chăm chú, anh mới vào câu chuyện một các mạch lạc, với điểm nhấn nổi bật lên vấn đề. Một đôi khi trong câu chuyện, anh pha trò tếu táo phá cách, làm cho câu chuyện bớt đi sự căng thẳng, khiến cho người nghe bị lôi cuốn vào câu chuyện một cách thi vị và thoải mái hơn. Thi thoảng anh cũng khá trực tính để nói thẳng toạc móng heo vấn đề ra, khiến đối phương cũng có chút bẻ mặt. Nghe anh nói chuyện, nhiều người rất nể phục về kiến thức và sức học của anh.

Được một điều, anh Chương rất có chí trong việc vượt khó để học hành. Anh từng kể, nhà anh nghèo đến mức, có vài bộ quần áo mặc quanh năm thay đổi để đi học…Cuộc sống cam khổ nên ăn uống cũng hết sức đạm bạc. Buổi sáng đi học chỉ được vài cũ khoai lang dằn bụng. Một chiếc xe đạp tềnh toành cũng chẳng có lấy, nên phải đi bộ dài người. Đã thế, đi học về còn phải đi rẫy giúp cha mẹ, nên thời gian học chẳng là mấy. Nhưng được cái anh học rất giỏi, nhất là môn toán…Về sau, khi anh đi làm công sở, tối về anh còn dạy kèm không công cho những lớp đàn em: Hoàn, Du, Hương, Hùng… luyện thi toán lớp 12. Trong đó, chị Hoàn sau này là vợ của anh.

Ra xã hội, anh đã từng dạy toán trường tư thục Tiến Đức của giáo xứ Châu Sơn trước 75.

Xem ra cuộc sống của anh trước 75, tuy hoàn cảnh nghèo, nhưng anh đã biết vượt khó để có chức phận trong xã hội.

Một vài nét phác hoạ sơ sài chân dung về anh, có lẽ, sẽ rất khiếm khuyết, khi con người là một phức thể phong phú và đa dạng…thì bức vẽ của tôi cũng chỉ là một sự tưởng niệm để nhớ đến anh mà thôi. Mong anh thứ lỗi.

Nguyễn Vĩnh Căn – một tri âm tình bạn

Check Also

Như một lời chia tay!!!

Sáng nay bầu trời có chút nắng hiếm hoi xuất hiện sau cả tuần mưa …

LỜI NGƯỜI TRỞ VỀ !

Qua bao năm chờ đợi, rồi thời gian thấm thoát trôi, ấy vậy mà sau …