HÃY TRẢ LẠI
TRUNG THU ĐÍCH THỰC CHO TRẺ EM
Trong sự quan tâm đến trung thu cho con em, sáng nay, ngày 15/09 Cha Gioan LMQX đã có những lời động viên cha mẹ phụ huynh nên quan tâm hơn nhân ngày tết trung thu – tết của trẻ em, để tạo điều kiện cho con em một ngày trung thu thật vui vẻ hồn nhiên của tuổi thơ.
Hàng năm cứ đến dịp trung thu, có một số em thiếu nhi lập những nhóm múa lân tập luyện công phu để đi nhảy lân, nhằm mục đích kiếm thêm chút tiền quà cho cái tết trung thu được tươm tất hơn, nhưng rồi đã có một số gia đình khó dễ với các em để không rộng lòng cho các em một chút tiền quà.
Để rồi, mỗi năm các em thiếu nhi phải đóng góp 5 ngàn đồng cộng với quỹ đoàn thiếu nhi ít ỏi 5 ngàn góp được một phần quà 10 ngàn đồng. Trong khi, người lớn chúng ta chi tiêu giải trí: cà phê, bia rượu, tiệc tùng cả triệu đồng thì không tiếc, nhưng khi bỏ ra vài chục đồng cho con em thì lại tiếc!
Tôi mong rằng, cha mẹ chúng ta hãy mở rộng tấm lòng, để tạo niềm vui cho con em chúng ta một cái tết thiếu nhi thật vui tươi và ý nghĩa.
BĐD chúng tôi muốn mượn lời cha xứ để dẫn nhập vào bài viết của tác giả Sinh Vương.
BĐD
Mỗi năm, cứ đến Tết Trung thu, ngày hội của nhi đồng, lòng tôi lại bồi hồi nâng cánh ký ức về một thời thơ ấu…
Nhớ không lầm thì cách đây 14 năm về truớc, lúc đó tôi học lớp 3, ngày ấy gần đến ngày lễ là mẹ lo đi mua kẹo và bánh trung thu để cho con cho cháu.
Còn ba tôi thì cứ hì hà hì hục vót nan tre, ba tôi làm 2 chiếc lồng đèn, 1 cái lồng đèn hình bầu dục dành cho tôi và 1 cái lồng đèn ngôi sao dành cho em. Những khung tre đều đặn, mảnh mai, được bàn tay thân yêu của ba phết bột hồ, dán lên mặt lồng đèn những tờ giấy màu xanh xanh đỏ đỏ. Trên phần giấy ngăn cách giữa các mặt lồng đèn, ba chăm chút cắt viền màu trắng hoặc vàng. Đường nét khéo tay của ba càng làm thêm hoa mỹ cho những chiếc đèn Trung thu xinh xắn. Ba nối sợi chỉ thanh thanh buộc vào cây cán cầm tay nhỏ nhắn rồi gắn vào trong lồng đèn một cây đèn cầy màu đỏ. Còn anh chị tôi lại háo hức đi tìm lon bia rồi mỗi nguời một ý tưởng và thành quả là những chiếc lồng đèn bằng lon bia ra đời. Có anh trong xóm khéo léo còn gắn bánh xe (được chế từ mắt cây tre), cục đá vào để lồng đèn có thể đẩy đi như xe và phát ra âm thanh rất vui tai. Đơn giản là thế, nhưng vui lắm, ai cũng rất háo hức đợi đến ngày Rằm để mang “chiến lợi phẩm” của mình ra khoe với bạn bè.
Sau những giây phút mong chờ thì cũng đến ngày Rằm Tháng Tám, chúng tôi mặc bộ đồ đẹp, nguời thì xách lồng đèn cầy, ngừoi thi cầm đuốc , kẻ thì xách lồng đèn lon bia kéo nhau đến nhà thờ để ruớc đèn , sau thánh lễ những em nhỏ như tôi thì có quà, Lỏn lọn chỉ vài cái bánh sữa, vài cây kẹo và một bịch snack mà sau này lớn lên tôi mới biết được là kinh phí chỉ 3 đồng cho mỗi em. Thế nhưng chúng tôi vui mừng khôn xiết, rồi vừa khoe nhau lồng đèn của mình, vừa cùng nhau ăn bánh và nói đủ thứ cái gọi là chuyện của con nít. Sau khi sinh hoạt xong thì chúng tôi theo đoàn lần đi khắp xóm làng để ruớc đèn, vừa đi vừa hát rất to, rất hăng say bài: Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu… Đêm hội trung thu, ngày tết thiếu nhi ngày ấy thật sự lung linh, thật sự đẹp, vẫn mãi ấn tượng, không thể phai mờ.
Mặc dù ở nơi đất khách nhưng cứ mỗi mùa trung thu tôi vẫn không quên gọi đt về cho nhà và nghe mẹ nói sắp có đoàn lần ghé nhà thì trong tôi lại có chút suy nghĩ, thầm cám ơn trời cho tôi được sinh ra tại nơi đó.Vì quê tôi bây giờ vẫn còn giữ được mộc mạc ấy, mặc dù không phải xách lồng đèn lon bia như chúng tôi ngày xưa nhưng các em vẫn còn được ruớc đèn xung quanh làng. Còn ở nơi xô bồ và náo nhiệt như Sài Thành đây. Tết Trung thu với trẻ con dường như không còn những đêm hội vui thế. Bánh trái ngon hơn, đắt hơn, những chiếc đèn trung thu con cá, con gà, ông sao…đã được thay bằng đèn hình máy bay, xe tăng, đèn kéo quân hiện đại, chạy bằng pin, mẫu mã sang trọng, đẹp rực rỡ được cha mẹ mua cho chứ chẳng đứa trẻ nào bỏ công sức tự làm. Ý nghĩa của đêm hội trung thu cho các em cũng mất dần đi, mâm cỗ trung thu đầy ắp bánh trái, thịt thà nhưng gia đình nào cũng rất vội; trẻ con quên trò chơi rước đèn, sự tích “cây đa chú cuội” tất cả đều trở nên mơ hồ khi những trò chơi trực tuyến game online hấp dẫn, thậm chí bạo lực, đâm chém, bắn giết nhau ì xèo, máu me khiếp đảm.
Do đó “Tết Trung Thu” cũng khác hẳn, không còn mang tính truyền thống tinh thần nữa mà đậm nét của một xã hội vật chất. Những chiếc bánh ngày xưa mà những đứa trẻ như tôi đều được nhận thì giờ đây đã không còn nữa, bởi nó là thứ cao lương mỹ vị, hình thức cầu kỳ, giá cực đắt. một chiếc bánh rẻ nhất cũng đã tới 40đ/1. Tết Trung thu đã vượt ngoài tầm sở hữu của trẻ em mà trở thành ngày của lễ vật, thuộc về người lớn. Bánh trung thu chủ yếu để cho người lớn mua làm lễ vật, biếu tặng với mục đích cầu thân, ngoại giao, đền đáp. Đằng sau những hộp bánh trung thu giá 4 – 5 triệu đồng kèm rượu tây hoặc thậm chí có “dát vàng” tất nhiên không dừng lại ở mức tình cảm mà bộc lộ rõ ý của vật chất để mưu cầu lợi danh, đề bạt, chạy này chạy nọ.
Khi “Tết Trung Thu” đã đổi khác, không còn mang ý nghĩa của ngày tết thiếu nhi nữa thì quả thật trẻ con giờ đây đã mất hẳn một đêm hội trung thu, một đêm rằm trung thu trong sáng, đúng nghĩa tuổi thơ. ….
Với mỗi người, Tết Trung thu sẽ có một ý nghĩa khác nhau. Với tôi, Tết trung thu mang ý nghĩa tinh thần to lớn. Vì vậy, hãy trao tặng món ăn tinh thần này cho trẻ em, và hãy để trẻ thơ được huởng niềm vui trọn vẹn của chính tuổi thơ.
Sinh Vuơng