Thiên Chúa gần gũi

Đang có một dòng văn học ghi lại cảm nghiệm của những người bị chết lâm sàng trong một thời gian (vài phút hay vài giờ) rồi phục hồi về mặt y khoa và sống lại.  Nhiều người chúng ta biết đến quyển sách của bác sĩ Eben Alexander, Bằng chứng về Thiên đàng: Hành trình của một bác sĩ phẫu thuật não vào Đời sau [Proof of Heaven: A Neurosurgeon’s Journey into the Afterlife].  Mới đây, Hollywood có ra mắt bộ phim Phép lạ từ Thiên đàng [Miracles from Heaven], với câu chuyện thật về một cô gái ở Texas đã chết lâm sàng, nhưng rồi sống lại theo y khoa và đã chia sẻ những gì mình cảm nghiệm được trong đời sau.
Qua vài chục năm, đã có hàng trăm câu chuyện như thế được công bố hay đơn giản là chia sẻ với những người thân thuộc.  Điều đáng chú ý (và cũng đem lại khuây khỏa) là những câu chuyện này vô cùng tích cực, dù cho nhân vật chính theo bất kỳ tôn giáo nào.  Trong hầu như mọi trường hợp, dù rất khó tả, nhưng họ đều cảm nghiệm được một cảm giác yêu thương nồng ấm rất gần gũi, ánh sáng và sự chào đón, và một số người còn gặp được những người thân đã qua đời, đôi khi là những người thân mà họ chưa biết.  Và trong hầu như mọi trường hợp, họ không muốn trở lại cuộc sống này, như thánh Phêrô trên núi Biến hình vậy, họ muốn được ở lại đó.
Gần đây, khi diễn thuyết tại một hội thảo, tôi có nhắc đến dòng văn học này và chỉ ra rằng, dường như khi người ta chết, ai cũnglên thiên đàng.  Tất nhiên, điều này sẽ khiến ta bật ra ngay những tranh luận. “Còn địa ngục thì sao?  Khi chết đi, ta không bị phánxét sao?  Không có ai vào địa ngục sao?”  Câu trả lời của tôi cho những câu hỏi này, là trong khi tất cả chúng ta đều lên thiênđàng sau khi chết, nhưng tùy vào khuynh hướng đạo đức và tâm linh của mình, có thể chúng ta lại không muốn ở lại đó.  NhưChúa Giêsu đã nói, địa ngục là một lựa chọn, thật sự là một lựa chọn, và chính chúng ta phán xét mình.  Thiên Chúa không đẩy aivào địa ngục cả.  Địa ngục là do chúng ta chọn.
Tuy nhiên, tôi muốn chia sẻ một chuyện sau buổi hội thảo đó.  Khi tôi sắp ra về, một bà tìm đến và nói là bà từng có cảm nghiệm đó.  Bà đã bị chết lâm sàng trong vài phút rồi sống lại nhờ biện pháp y khoa.  Và như cảm nghiệm của mọi người khác, bà cũng cảm thấy một sự nồng ấm, ánh sáng, và chào đón vô cùng mãnh liệt, đến nỗi bà không muốn quay lại đời này nữa.  Tuy nhiên, điều bà nhớ nhất và muốn chia sẻ với người khác nhất, là thế này: Tôi biết được rằng Thiên Chúa rất gần gũi.  Chúng ta chẳng hiểu nổi Thiên Chúa gần gũi chúng ta đến mức nào đâu.  Thiên Chúa gần gũi chúng ta hơn ta tưởng quá nhiều!  Cảm nghiệm đó đã cho bà ghi khắc luôn mãi một cảm giác về sự nồng ấm, yêu thương và chào đón của Thiên Chúa, nhưng dấu ấn sâu sắc nhất trong bà chính là cảm giác về sự gần gũi của Thiên Chúa.
Tôi chấn động trước lời chia sẻ này, cũng như hàng triệu người khác, tôi chưa cảm được sự gần gũi đó, hay ít nhất là chưa cảm được một cách rõ ràng.  Thiên Chúa có vẻ xa cách, trừu tượng và phi nhân, một Thần Linh với hàng triệu việc phải lo nên chẳng thể chăm lo cho những chuyện vụn vặt của sinh linh bé nhỏ là tôi.
Hơn nữa, là Kitô hữu, chúng ta tin rằng Thiên Chúa là vô hạn và khôn tả.  Thế nghĩa là dù chúng ta có thể biết Chúa, nhưng không bao giờ hình dung nổi Chúa.  Do đó, càng khó hơn khi chúng ta hình dung một Đấng Tạo Hóa vô hạn và Đấng Bao Hàm mọi sự lại ở ngay trong chúng ta, lo lắng cho chúng ta, chia sẻ những dằn vặt của ta, và biết những cảm giác khó nói nhất của ta.
Hơn nữa, bất kỳ lúc nào chúng ta cố gắng hình dung về Thiên Chúa, thì trí tưởng tượng của chúng ta lại bị đẩy lùi trước ngưỡng không thể hình dung.  Ví dụ như, hãy thử hình dung điều này: Có hàng tỷ người trên trái đất, và hàng tỷ người đã sống trước chúng ta.  Mỗi phút, hàng ngàn người sinh ra, hàng ngàn người chết đi, hàng ngàn người phạm tội, hàng ngàn người làm việc tốt, hàng ngàn người yêu nhau, hàng ngàn người chịu khổ, hàng ngàn người rộn ràng vui sướng, tất cả chỉ là một phần nhỏ trong hàng tỷ tỷ sự kiện.  Làm sao một trái tim, một cái đầu, một con người có thể ý thức được tất cả những chuyện này, biết rõ và đồng cảm với chúng ta theo mức độ “tóc trên đầu anh em đều được đếm hết rồi”?  Thật không thể nào hình dung nổi, và đó chính là một phần định nghĩa về Thiên Chúa.
Làm sao Thiên Chúa có thể gần gũi với chúng ta như chính chúng ta được?  Đây là mầu nhiệm, và khôn ngoan thì công nhận mầu nhiệm, vì bất kỳ điều gì chúng ta có thể hiểu được thì chưa đến tận cùng thâm sâu!  Mầu nhiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa, sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, thật vượt quá hình dung của chúng ta.  Nhưng mọi điều trong truyền thống đức tin của chúng ta và hầu hết mọi điều trong lời chứng của hàng trăm người từng có cảm nghiệm về đời sau, đảm bảo với chúng ta rằng, dù Thiên Chúa có thể vô hạn và khôn tả, nhưng Thiên Chúa vô cùng gần gũi với chúng ta, gần gũi hơn ta tưởng.
Rev. Ron Rolheiser, OMI

Check Also

Người quản lý trung tín

Trong phúc âm thánh Luca ( 16 , 1-13 ) ghi lại việc làm người …

TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh …