Tiền bạc dưới con mắt tôn giáo
tienducchauson
06/08/2017
Chia sẻ lời Chúa
340 Views
Không một ai, dù là cá nhân hay tổ chức, nắm trọn con đường đến với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã làm quá rõ ràng điều này.
Ví dụ trong câu chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ bằng cách lật tung các bàn đổi tiền. Việc này thường được dùng để biện minh cho những cuồng nộ và bạo lực được làm dưới danh Chúa. Luôn luôn là thế, khi có người quả quyết Thiên Chúa bất bạo lực, thì họ sẽ gặp phản ứng: “Vậy việc Chúa Giêsu đuổi những người đổi tiền ra khỏi đền thờ thì sao?” “Vậy Chúa Giêsu nổi nóng, nổi giận thì sao?”
Dù các câu hỏi này có hợp lý gì đi nữa, thì chuyện Chúa Giêsu tẩy uế đền thờ vẫn có một dụng ý sâu xa hơn. Điều này đặc biệt rõ ràng trong Tin mừng theo thánh Gioan, khi sự kiện này được đặt trong bối cảnh Chúa Giêsu đang thay thế một loạt những tục lệ tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới. Ví dụ như, ngay trước sự kiện tẩy uế đền thờ, ở tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã thay thế một tục lệ tôn giáo cũ (khi bước vào nhà một người Do Thái, bạn phải thanh tẩy bằng một loạt các nghi lễ tẩy uế trước khi ngồi vào bàn) bằng một cách thức Kitô mới tự thanh tẩy bản thân để được ngồi vào bàn tiệc thiên quốc (với các Kitô hữu thì rượu của cộng đoàn Kitô giáo, rượu của Phép Thánh Thể, giờ đây sẽ thanh tẩy để bạn có thể ngồi vào bàn tiệc nước trời).
Việc tẩy uế đền thờ cần được hiểu trong bối cảnh đó: Chúa Giêsu đang thay thế việc thực hành tôn giáo cũ bằng một cách thức Kitô mới, và Ngài đang mặc khải một điều rất quan trọng về Thiên Chúa khi làm như thế. Diễn tả theo ẩn dụ như sau: Chúa Giêsu đang thay thế loại tiền tệ tôn giáo cũ bằng một loại tiền tệ tôn giáo mới. Đó vừa là một phép ẩn dụ vừa là một bài học:
Chúng ta tất cả đều quen thuộc với sự kiện này: Chúa Giêsu đi vào khu vực đền thờ, nơi những người đổi tiền đặt bàn của họ, Ngài lật tung bàn, đuổi hết những người đổi tiền và nói rằng: “Đem hết tất cả những thứ này khỏi đây, và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”
Nhưng phải hiểu chuyện này một cách cẩn thận. Xét sơ qua, bản văn này có vẻ rõ ràng là như vậy, nhưng đàng sau lại đầy tính hình tượng vi tế (cho dù ý nghĩa thật rõ ràng đi nữa). Chúng ta khơi mở ý nghĩa của chuyện này thế nào đây?
Điều quan trọng là phải nhận ra những người đổi tiền đó đang làm một công việc cần thiết. Dân chúng từ nhiều nơi đổ về Giêrusalem để cử hành việc thờ phượng trong đền thờ. Họ đem theo đồng tiền của nước mình, và khi đến đền thờ, họ phải đổi sang đồng tiền Do Thái để có thể mua những con vật (bồ câu, cừu, dê) dùng làm lễ tế. Những người đổi tiền làm công việc này, cũng như nhân viên ngân hàng bây giờ, khi bạn ra nước ngoài, bước xuống máy bay là phải đến quầy đổi tiền để có tiền nước đó dùng.
Tất nhiên, trong số những người đổi tiền đó, có một số người thiếu lương thiện, nhưng đó không phải là lý do Chúa Giêsu phản ứng mạnh quá đỗi như vậy. Và cũng không phải là Ngài thấy bị xúc phạm quá đáng khi việc đổi chác xảy ra tại một nơi thiêng liêng như thế. Khi Chúa Giêsu nói, “đem hết những thứ này ra khỏi đây và đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”, là Ngài đang dạy một điều, vượt trên yêu cầu phải sống lương thiện, và cũng vượt trên yêu cầu không được buôn bán trong đền thờ. Sâu xa hơn, là “đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” phải hiểu như sau: “Khi đến thờ phượng Thiên Chúa, ngươi không cần phải đổi tiền của mình qua bất kỳ tiền tệ nào khác. Ngươi có thể thờ phượng Thiên Chúa bằng tiền tệ của mình, bằng đồng tiền của mình. Không một ai, không một cá nhân, không một đền thờ, không một Giáo hội, không một tổ chức nào, tuyệt đối là không một điều gì, được phép đứng giữa ngươi và Thiên Chúa mà nói rằng: “Anh phải đi qua tôi mới được!”’
Đó là một lời dạy mạnh mẽ và sẽ không hợp lắm với nhiều người trong chúng ta. Ngay lập tức, họ sẽ bật ra câu hỏi: “Vậy giáo hội thì sao? Giáo hội không cần thiết cho ơn cứu độ sao?” Câu hỏi đó thậm chí càng đau lòng hơn nữa, khi thời này, nhiều người nói thẳng ra họ không cần đến Giáo hội: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.”
Cứ cho là có một nguy cơ trong việc khẳng định và nhấn mạnh lời dạy này của Chúa Giêsu, nhưng, và đây là điểm mấu chốt, lời dạy này không hướng đến những người vào thời đó đang mở miệng nói: “Tôi có lòng đạo, nhưng không theo tôn giáo.” Đúng hơn, lời dạy này nhắm đến những cá nhân có tôn giáo và các tổ chức tôn giáo đang nghĩ rằng con đường đến với Thiên Chúa phải đi qua con đường dẫn cụ thể (con đường đó đang nằm trong tay họ). Tất cả mọi đồng tiền tôn giáo đều phải được đổi sang đồng tiền tôn giáo riêng của họ, vì họ nghĩ rằng, họ nắm con đường đến với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã cố gắng thanh tẩy chúng ta khỏi bất kỳ thái độ hay hành động nào mang suy nghĩ như thế.
Điều này không bác bỏ sự chính đáng hay cần thiết của Giáo hội cũng như những người phục vụ trong Giáo hội. Thiên Chúa làm việc qua Giáo hội và các thừa tác viên của Giáo hội. Nhưng điều này bác bỏ bất kỳ tính chính đáng nào khi người ta cho rằng Giáo hội và các thừa tác viên của mình mới nắm con đường đến với Thiên Chúa.
Không một ai nắm giữ con đường đến với Thiên Chúa, và nếu Chúa đã từng nổi nóng thì đó là vì đôi khi chúng ta tin rằng con đường đến với Ngài đang hoàn toàn nằm trong tay mình.
Rev. Ron Rolheiser, OMI