Viết xong bài này, tôi đưa cho một người bạn xem để góp ý:
– Tớ thấy cậu gan bằng trời mới dám xâm mình khi viết bài này. Hình ảnh Châu Sơn đang tốt đẹp trong mắt mọi người, bây giờ viết “Người Châu Sơn Xấu Xí”, có mà đốt làng ạ!!
– Cậu chẳng thấy người Mỹ, từ một quốc gia còn non trè chưa có tiếng tăm, vậy mà khi họ viết: người Mỹ xấu xí, lập tức họ nhảy lên hàng đầu thế giới. Đến người Nhật kiệt quệ sau chiến tranh thứ 2, sau khi viết: người Nhật xấu xí họ nhảy vọt lên thứ hai. Người Trung Quốc cũng bắt chước viết: Người Trung Quốc xấu xí, và họ đã đẩy người Nhật xuống để chểm chệ ngồi ghế hạng 2, chỉ sau Mỹ mà thôi.
– Đó là chuyện của người ta, còn tính chất “cá gỗ” người Nghệ Tĩnh dân mình lại ưa sĩ diện “tốt khoe xấu che”, cậu viết phản cảm như ri là không ổn rồi. Bị ném đá là có đấy!!!
– Thực ra, viết bài này, mục đích của tớ là để tự hỏi xem: Người Châu Sơn có xấu xí không??? Và để mọi người tự trả lời!!! Biết đâu sau bài viết này, Châu Sơn nhảy vọt lên hàng đầu về đạo đức, nhân bản, kinh tế, không chừng khi đó tớ được đúc tượng ấy chứ!??
Thôi thì người viết cũng xin một lần chịu đắc tội với người Châu Sơn, để biết đâu: “Lời thẳng khó nghe” nhưng lại “thuốc đắng giã tật”…
-
Xin được hỏi, bản chất của người Châu Sơn thế nào?
– Người Châu Sơn ta xuất xứ từ quê quán Nghệ Tĩnh, một miền đất “địa linh nhân kiệt”, có nhiều danh nhân nổi tiếng: Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà thơ Nguyễn Công Trứ, Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, Huy Cận, Lê Hữu Trác, Phan Đình Phùng…Phải nói, bản chất con người Châu Sơn ta là ưu tú đấy chứ!
-
Liệu khi di cư vào miền đất Tây nguyên, người Châu Sơn có còn giữ được “Hương đồng gió nội”, những thân thương tình làng nghĩa xóm…nữa không?
– Sống là phải thích ứng với điều kiện khách quan địa lý, khí hậu, xã hội, vì vậy con người Châu Sơn cũng không tránh khỏi “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”.
– Nhớ lại thời mới di cư vào Nam, người dân chúng ta sống đầm ấm, đi lại nhà nhau…Còn bây giờ cuộc sống đô thị hoá, nhà nào cũng kín cổng cao tường, ít đi lại nhà nhau hơn hồi xưa…
– Chính Con Đường Vành Đai đã chuyển đổi người dân Châu Sơn từ nông dân trở thành cư dân đô thị, điều này ít nhiều người Châu Sơn chúng ta cũng khó có thể tránh được ảnh hưởng của sự đô thị hoá, nên cuộc sống thực dụng hơn, vị kỷ hơn, sống cho mình hơn là quan tâm đến tha nhân…
-
Nếp sống tình cảm của Châu Sơn chúng ta?
– Nếu về miền Bắc tìm lại nguyên bản, thì đời sống ở miền Bắc bây giờ sung túc và giàu hơn trong Nam chúng ta, chứ không còn khốn khổ như cái thời sau 75, nhưng tình nghĩa bà con làng xóm vẫn còn giữ được nguyên bản. Người ở trong Nam ra Bắc, họ tay bắt mặt mừng, trìu mến thân thương, mời cơm thật tình lắm! Chứ không như có người miền Bắc nói về chúng ta: vào Nam, họ chỉ chào hỏi hời hợt qua loa, dường như họ sợ phải mời bữa cơm…!!!??
-
Còn đạo đức kinh nguyện thì sao?
– Ngày trước, khi cha ông ta mới vào Nam, nhà nào nhà nấy kinh hạt đọc rôm rã, hết kinh này qua kinh khác, lần hạt 50 là chuyện bình thường…Siêng năng đi lễ ngày thường, đến đầu đến đuôi, chứ không có chuyện đi nhà thờ chầu rìa đứng ngoài như bây giờ.
– Điều này, chúng ta thử xem lại đạo đức, kinh hạt trong mỗi nhà vậy? Dường như chẳng mấy nhà còn giữ được thói quen đọc kinh tối nữa, mà có đọc thì 5,10 phút là cảm thấy dài dòng khó chịu. Đạo đức là cây trồng của tâm linh, mà đọc kinh sáng tối là việc tưới tắm vun trồng cho cây đời đạo đức. Không đọc kính sáng tối lấy đâu cây đạo đức lớn lên được.
– Đi dâng thánh lễ, một số Thanh niên, Thanh tráng niên, Tráng niên, đứng ngoài hút thuốc, nói chuyện, điện thoại…thì lấy đâu là thánh lễ!!! Nghe cha giảng lâu một chút thì kêu ca, rên như bọng…Dường như đi lễ chỉ là một sự đối phó với giới luật nữa mà thôi. Một số ít giới trẻ bỏ lễ Chúa Nhật là điều rất đáng báo động cho đời sống đạo đức giới trẻ đang đi xuống.
-
Giới trẻ Châu Sơn ngày nay ra sao?
– Trong lần đại hội chính đốn giới trẻ nào đó? Ban Huấn giáo đã đưa ra con số có tới khoảng trăm em dùng ma tuý bột đá…Điều này cũng phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề tệ nạn xã hội của giới trẻ là trên báo động đỏ rồi. Đã có những con nghiện gây tổn hại và hệ luỵ đến đời sống gia đình, vợ con, xã hội…trong GX chúng ta.
– Chuyện ăn nhậu, bài bạc “chơi nhỏ” ở GX Châu Sơn ta được xem là “bình thường hoá”. Từ nhỏ đến lớn đều ăn nhậu tất tần tật. Đây được xem như một vấn đề “quốc nạn” của GX. Cha ăn nhậu, mẹ bài bạc thì lấy đâu mà răn dạy con cái được. Cha xứ đã nhiều lần cảnh báo, nhưng đâu vẫn hoàn đó, “vũ như cẩn”.
– Còn chuyện “cờ bạc đánh lớn”, bảo kê…cầm sổ đỏ lên đến con số tiền tỷ của giới trẻ cũng không còn hiếm thấy nữa rồi. Đã có dấu ấn của xã hội đen vào siết nợ trong GX, khiến cha mẹ phải cuống cuồng đôn đáo vay vát để trả nợ cho “con đánh bạc cha mẹ trả nợ”.
– Lớp trẻ bây giờ sống lười biếng lao động, chỉ thích hưởng thụ. Cuộc sống vô cảm với căn bệnh thời đại “makeno” (mặc kệ nó).
– Trong giáo dục, cha mẹ dường như bất lực với con cái để chỉ giao khoán cho nhà trường và Ban huấn giáo…
-
Con người văn hoá của Châu Sơn ư???
– Xin mượn lời của cố Đức Giám Mục Trịnh Chính Trực – Nguyên LMQX Châu Sơn, để đánh giá lại 50 năm văn hoá của người Châu Sơn. “Các anh thử nhìn lại 50 năm văn hoá, Người Châu Sơn các anh đã thâu hoạch được những gì trong lĩnh vực văn hoá? Có bao nhiêu: Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, Cử Nhân, Kỹ Sư, Bác Sĩ… và thậm chí có bao nhiêu người tốt nghiệp cấp ba. Hay cái nôi văn hoá Châu Sơn chỉ sản sinh ra các ông anh, bà chị ”Hai Lúa”, có của ăn, của để, nhưng tâm hồn lại rỗng tếch văn hoá”. Lời nhận định có thể quá phủ phàng, nhưng lại là bài học lớn để phụ huynh hôm nay cùng điều chỉnh, sửa chữa những sai lầm (trích trong kỷ yếu 50 năm GX Châu Sơn).
-
Kinh tế Châu Sơn:
– Người Châu Sơn chỉ thuần làm nông nghiệp. Giỏi bắt chước, ít có sự sáng tạo. Không có gan làm giàu kinh tế lớn đại trà như người Hà Lan: vay vát đúc hàng ngàn trụ tiêu, rồi đi mua giống tiêu của Châu Sơn ta…
– Ý tưởng “dại đàn hơn khôn độc” luôn bó chặt người Châu Sơn từ bao đời, nên việc làm kinh tế chỉ là cò con mà thôi, không dám bung ra đầu tư lớn sợ thất bại, và sợ bị cười chê. Hãy xem những người nhập khẩu sau 75 vào Châu Sơn, có những người mới vào, nhưng cũng đã ngồi chiếu trên với các đại gia Châu Sơn rồi. Mức bình quân bây giờ họ chẳng thua kém chúng ta.
– Thử hỏi, vì sao họ phát triển kinh tế theo kịp đà của người dân di cư 54; Là bởi họ chịu khó tần tảo, và điểm cốt lỏi là không sĩ diện hảo như dân ta, bất cứ nghề gì họ cũng làm: Đi cưa, thợ nề, buôn bán, mai mối buôn đi bán lại…
-
Có người bảo rằng: Tâm hồn người Châu Sơn dung dị mộc mạc, nhưng lại mặc lấy chiếc áo “duy ý chí”, vốn là bản năng gốc của người Nghệ Tĩnh, nên có phần sĩ diện và tự mãn.
Xin mượn phần kết bài viết NGƯỜI CHÂU SƠN của tác giả Nguyễn Vĩnh Căn đăng trong Trang web Tiến Đức Châu Sơn để làm lời kết cho bài viết “NGƯỜI CHÂU SƠN XẤU XÍ”.
50 theo dòng chảy thời gian, Người Châu Sơn đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm của thời cuộc. Nay thử nhìn lại, Người Châu Sơn được, mất, hay còn tồn tại những gì còn bất cập?
-
KHÁCH QUAN: Nhận xét về người Châu Sơn, có lẽ chẳng có điều gì nổi cộm đáng phải xét lại và sửa sai. Trái lại còn đáng tự hào: Người Châu Sơn vẫn còn giữ được bản sắc văn hoá làng quê Nghệ Tĩnh trước những sự đổi mới đầy phong ba bão táp, làm sụp đổ nhiều mảnh văn hoá truyền thống và đạo lý con ngườ
-
CHỦ QUAN: Bảo Thủ, Tự Mãn, Sĩ Diện là những thuộc tính của con người Châu Sơn, mà phải chăng nhờ đó người Châu Sơn vẫn giữ được bản sắc riêng mình?
-
TƯƠNG QUAN XÃ HỘI VÀ CON NGƯỜI: Phải chăng, đó là những nhược điểm không đáng có? Bởi:
– Bảo Thủ: Tự bịt mặt trước những diễn biến thay đổi ồ ạt của thời đại và xã hội. Vô hình chung chúng ta tự cô lập mình thành ốc đảo.
Tự Mãn: Tự bằng lòng và mãn nguyện với cái khiêm tốn mình có – chưa đáng là bao so với mặt bằng xã hội, đánh mất cơ hội tìm tòi, học hỏi và cầu tiến của bản thân trước cuộc sống hiện đại đang ngày một tiến bộ.
Sĩ diện: chiếc mặt nạ làm cho bản thân không nhận ra chính mình đang ở vị thế nào trong cuộc sống. Không dám nhận chân sự thật về vị trí và địa vị của mình thì không thể tiến lên được, vì không biết mình đang lạc hậu. Điều đó làm trì trệ và lạc điệu cho sự hội nhập của một xã hội đang đi lên trong hiện đại hoá đất nước. Điều đó cũng làm tụt hậu và cản trở bước tiến của người Châu Sơn.
Đó là những trăn trở cấp bách cho những sự lựa chọn tương lai. Làm sao trở nên con người Đô Thị, mà không đánh mất bản sắc Nghệ Tĩnh giàu tính Nhân văn, Hữu tình và Tự chủ. Đó cũng là những thách thức lớn lao cho con người Châu Sơn trước những dòng chảy cuồng lưu thời đại.
Mỗi Người Châu Sơn phải tự suy nghĩ và trăn trở, để tìm cho mình một lối sống thích nghi với hoàn cảnh sống, nếu không chỉ là những kẻ mơ màng sống giữa thế kỷ ánh sáng.
-
TÍNH CÁCH VÀ ĐẶC TRƯNG CỦA NGƯỜI CHÂU SƠN
CẦN CÙ – HIỀN HÒA – HỮU TÌNH – SĨ DIỆN – BẢO THỦ – TỰ MÃN
Mỗi người Châu Sơn chúng ta hãy tự hỏi và để tự trả lời, “Người Châu Sơn chúng ta có thực sự xấu xí không?”. Bởi, mỗi cá thể của chúng ta góp lại, làm nên một tổng thể Châu Sơn. Vì vậy, mỗi người chúng ta hãy cố gắng hoàn thiện đạo đức và nhân bản thì sẽ làm nên một Châu Sơn tốt đẹp, ngược lại, nếu chúng ta mặc lấy những thói hư tật xấu, thì sẽ làm nên một Châu Sơn xấu xí. Đó là điều tất yếu hiển nhiên, không cần phải bàn cãi.
Thiên Lương