HỌP MẶT HỌ TỘC TRẦN ĐỨC – MỘT NÉT ĐẸP VĂN HÓA

Họp Mặt Họ Tộc TRẦN ĐỨC

Một Nét Đẹp Văn Hóa…

TĐ 1

          Họp mặt họ tộc, nét đẹp văn hóa này ở GX Châu Sơn, dễ có đến gần 20 năm nay với các họ tộc: Trần, Nguyễn, Đậu, Vương…

          Khi mà xã hội đang toàn cầu hóa, xóa đi những ranh giới quốc gia, dân tộc, địa phương…thì nguy cơ bị xóa đi những nét đẹp bản sắc văn hóa về nguồn, tổ tiên, họ tộc là khó tránh khỏi.

          Vì thế, hơn bao giờ hết, họp mặt họ tộc là một nét đẹp văn hóa cần phát huy, cần biểu dương và rất đáng trân trọng, để con cháu, chút chít luôn nhớ đến cội nguồn: tiên tổ, ông bà, cha mẹ, dòng tộc…Ngõ hầu gìn giữ và bảo tồn được những nét đẹp: nền nếp, gia phong, đạo đức luân lý…và xây dựng lại gia phả của họ tộc mình ngày một “con đoàn cháu đống” thêm bề thế.

          Và cuộc họp mặt Họ Tộc Trần Đức hai năm một lần, cũng trong tinh thần đó!

          Năm nay, Chi tộc Hà Lan đăng cai họp mặt họ tộc Trần Đức tại nhà ông Trần Đức Nguyên, vào ngày 20/08/2013 với chủ đề: HỌC TẬP CÁC NHÂN ĐỨC VÀ GƯƠNG SÁNG CỦA TỔ TIÊN.

          Nhưng trước khi ghi nhận cuộc họp mặt Họ Tộc Trần Đức tại Hà Làn (GX Vinh An), tưởng chúng ta cũng nên biết đôi điều về họ tộc Trần Đức.

          Trần Đức không phải là tên của ông tổ dòng họ, mà là họ Trần, chữ lót Đức, như bao dòng họ khác Vương Đình, Trần Văn, Đậu Quang…

          Theo “lời mở đầu” cuốn Gia Phả Trần Đức:

“Họ tộc Trần Đức, theo chuyện kể từ các thế hệ ông bà nối tiếp lưu truyền lại, được biết đến từ đời Cao Tổ TRẦN ĐỨC KIM, vào thập niên đầu của thế kỷ 19 (1810-2010). Cao Tổ có 3 người con trai, nguyên quán tại làng Thọ Ninh, Tổng Việt Yên, Phủ Đức Thọ, Tĩnh Hà Tĩnh. Sau nhiều thập niên vất vả trốn tránh do chính sách cấm đạo của các vua chúa, Cao tổ chỉ còn lại người con thứ hai là Can Trần Đức Vọng.

           Can Vọng có được 6 người con, gồm 4 trai 2 gái. Một trai và một gái lập nghiệp tại xứ đạo: Mỹ Dụ và Nghĩa Yên, còn lại 4 người lập nghiệp tại nguyên quán Thọ Ninh tất cả đều có cuộc sống nhàn nhã với nghề Nông ngày càng đi lên, con cháu sum họp…

          Biến cố chia cắt đất nước năm 1954 có đến 90% con cháu họ tộc lìa bỏ quê cha đất tổ…vào miền nam sống rải rác ở nhiều tỉnh miền Nam Trung Bộ, đông nhất là Bình Thuận và Đaklak…

          Năm 1975 một lần nữa biến cố lớn lịch sử đã làm thay đổi cuộc sống, một số ít có điều kiện đã ra nước ngoài sống rải rác ở Hoa Kỳ và Châu Âu…

          Theo số liệu có được cho đến nay, con cháu họ tộc Trần Đức đã lên tới con số trên  ba ngàn người thế hệ con cháu…”.

          Hiện nay hai chi Trần Đức Phong và Trần Đức Ân là con trai của Can Trần Đức Vọng có số con cháu đến đời thứ 8 hiện sinh sống ở GX Châu Sơn và Trung Hòa là đông nhất.

          Chi Trần Đức Phong là chi tộc trưởng của Họ tộc Trần Đức.

TĐ 2

         Hiện nay, có Ô. Trần Đức Thiện thuộc thế hệ thứ năm là người đại diện lớn nhất của họ tộc, nhưng vai tộc trưởng phải là ông trẻ Trần Kinh Doanh, người đã có con nối dòng tộc trưởng, kế ngôi là Trần Đoàn Nhân Tiếng, nhưng lại đang là tu sinh. Nếu đi tu đạt đạo, thì Nhân Tiếng sẽ lên ngôi “Thái Thượng Hoàng” để phải nhường ngôi trưởng nam cho bào đệ…là khó tránh khỏi.

TĐ 3

      Theo thư mời: Thánh lễ Họ tộc Trần Đức sẽ cử hành tại Thánh Đường GX Vinh Phước, do cha Trần Bảo Ninh đang tại vị LMQX.

       7 giờ sáng ngày 20/08/2013 các điểm phát xuất từ: Trung Hòa, Châu Sơn, Đức Minh…đã lục tục soạn sửa lên đường hướng về Hà Lan bằng mọi phương tiện: xe con, xe khách, nhưng đông nhất vẫn là xe máy hon đa…

         Buổi mai mùa thu, mặt mày âm u, ỉu xìu như bánh đa nhúng nước, nhưng không ngăn được các phương tiện “xe họ ta” thấp thoáng đó đây trên đường bùng binh cây số 3 đi về hướng Hà Lan. Tuy vậy, tốc độ cũng phải hạn chế, kẻo CAGT hỏi thăm sức khỏe, coi như mất toi xuất họp họ Trần Đức.

TĐ 4

       Đúng 9 giờ, tại khuôn viên GX Vinh Phước mọi người trong họ tộc từ khắp mọi miền đất nước đã có mặt nơi đây.

      Sau hai năm “gặp nhau mừng như bão cát”, mọi người vui mừng khôn siết tay bắt mặt mừng, niềm vui đong đầy biết mấy cho vừa. Những lời chúc mừng xen lẫn lời chào hỏi thân thương về sức khỏe, về gia đình…trong tiếng cười nói rộn rã, càng làm ấm lại nghĩa tình họ tộc chan hòa. Câu chuyện đang dở dang phải gián đoạn trong tiếc nuối, vì “tiên vàn hãy tìm nước trời”.TĐ 5

     Mọi người trong họ tộc, ai cũng ăn mặc sang trọng và chỉnh tề tham dự thánh lễ. Cánh nam thịnh hơn cánh nữ, để choáng chỗ hết bàn quỳ.

TĐ 8

       Cánh nữ bận rộn việc nhà và đi xa bất tiện hơn cánh đàn ông, nên số người tham dự không được đông đủ. Đây là một thiệt thòi lớn cho cánh nữ!

TĐ 6

        Lời mở đầu, cha Bảo Ninh gửi lời chào thân ái và chúc mừng đến hết mọi người trong Họ tộc Trần Đức. Đây cũng là niềm vinh dự cho thánh đường GX Vinh Phước được chọn làm nơi dâng lễ họ tộc.

TĐ 7

      Trong thánh lễ, cha đã mượn bài phúc âm của Chúa Giêsu nói về mối liên hệ họ tộc: mọi người trong họ tộc phải luôn khăng khít trong nghĩa tình, đùm bọc nhau trong sự đoàn kết thân thương, để họ tộc chúng ta luôn lớn mạnh và vẻ vang cho tiền nhân tiên tổ. Muốn có được sự nối kết tốt đẹp đó, chúng ta phải cần có nền móng đạo đức và đức tin kiên vững của người Công giáo, ngõ hầu chúng ta là những người con một Chúa Kitô…

TĐ 9

      Thánh lễ kết thúc trong sự trang nghiêm sốt sắng. Mọi người lại di chuyển về họp họ tại Hà Lan (GX Vinh Đức)

TĐ 10

      Hôm nay, cổng Tổ Dân Phố Văn Hóa Hợp Thành 4, bỗng  nhiên náo nhiệt rầm rộ xe cộ rẽ lối vào nhà ông Trần Đức Nguyên, đơn vị đăng cai tổ chức. Một băng rôn chào mừng nơi rạp dọn tiệc với lời: “Họ tộc Trần Đức hân hoan đón chào quý cha, quý anh em con cháu”.

TĐ 11

    Một khung rạp rộng rãi được trang trí với ren màn màu sắc rực rỡ, tạo cho bầu khí thêm phần đẹp mặt và trang trọng. Khoảng 30 bàn tiệc đã bày sẵn những món ăn hảo vị bên những ly chén, đĩa bát…như mời mọc mọi người bước vào bàn tiệc.

TĐ 12

     Phía đối diện là một sân khấu với chữ đề: “Họ Tộc Trần Đức mừng ngày họp mặt lần thứ V”.

        Tiến vào khu vực trung tâm được thiết kế bàn thờ tổ tiên khá hoành tráng với màn phông đỏ rực và hai hàng câu đối sơn son thiếp vàng chạy xuống hai bên, để chính giữa là Thánh giá trên cao nhìn xuống ba bức phù điêu bằng gỗ quý, màu hổ phách được khắc chạm những họa tiết đẹp mắt và trông rất cổ kính uy linh.

TĐ 13

      Giữa là bài vị: CAO TỔ PHÊ RÔ TRẦN ĐỨC KIM. Hai bên phù điều: “Đức thụ trang hoàng nếp gấm hoa – Trần chi tô điểm nền phong nguyệt”. Quyển gia phả Trần Đức đặt giữa hoa nến lung linh sắc màu tươi thắm.

TĐ 15

     Lúc này, mọi người đang dần bước vào bàn tiệc …để ổn định chỗ ngồi. Các vị trưởng thượng đời thứ 5 quý ông già bà lão được xếp ngồi khu vực trung tâm và, quây quần xung quanh là những bàn con cháu thuộc thế hệ thứ VI, thứ VII…Khung cảnh trông rất đầm ấm và thân thương.

TĐ 16

    Để không phải chờ đợi lâu, một MC tuổi trung niên lão thành thông qua chương trình và giới thiệu thành phần khách mời: Vị tộc trưởng họ tộc, Cha cháu, 5 vị đại diện 5 chi tộc và con cháu thuộc thế hệ VI, VII…từ mọi miền trong và ngoài nước như: Xuân Sơn, Mang Kè, Châu Phi, Đà Lạt, Bmt, Đức Minh, Trung Hòa, Châu Sơn…

TĐ 17

       Một vị đại diện chi tộc Hà Lan, gửi lời chào mừng đến quý bà con họ tộc…trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt.

TĐ 18

        Sau đó, kính mời vị đại diện họ tộc và 5 đại diện chi lên lễ đài để ra mắt bà con họ tộc trong tiếng vỗ tay chúc mừng. Vị đại diện họ tộc có lời phát biểu: “Đến hẹn lại lên, năm nay họp mặt họ tại GX Vinh Đức, và được bà con họ tộc tham gia hưởng ứng đông đảo trong tinh thần phấn khởi. Tôi rất lấy làm cảm kích trước tấm lòng của quý bà con luôn dành cho họ tộc những tình cảm ưu ái để tham dự ngày họp mặt…Cầu chúc buổi họp mặt của họ tộc được thành công một cách tốt đẹp”.

TĐ 19

      Và người làm dấu khai tiệc không ai khác là cha cháu Trần Bảo Ninh, sau một vài lời gia huấn về họ tộc, cùng lời chúc bà con họ tộc ta ăn ngon miệng.

    Giờ đã trưa, bụng đã kiến cắn, nên mọi người cắm cúi thưởng thức các móm ăn hảo vị: Món tứ quý với ram, giò cha, nem…được khai vị đầu tiên, trong tiếng cốc bia chúc mừng của MC.

TĐ 20

    Bắt đầu tiếng trò chuyện rân vang, hòa lẫn tiếng khua chén đũa tạo cho bữa tiệc thêm những thanh âm phấn kích. Lúc này nhiều người mới nhận diện ra nhau thuộc chi này, cánh kia…Mặc dầu tham dự lần thứ 2, nhưng nhiều người lúc trước tưởng không bà con, mà nay mới biết là họ tộc mình.

TĐ 21

     Khi món lươn hấp chuối được lên bếp lửa, cũng là lúc khởi động chương trình văn nghệ của 5 chi với hai tiết mục nhảy hip hop cùng với tiếng nhạc disco sầm sập đã làm nóng lên sân khấu.

TĐ 22

     Những cô gái chân dài đầy duyên dáng, múa nhảy với những động tác sôi nổi của tuổi trẻ rất đẹp mắt. Những tiết mục này thường dễ ăn khách, vì sự sôi động của âm nhạc và sự thanh tú của những cô gái rất dễ bắt mắt với người thưởng ngoạn.

TĐ 23

      Tiếp đến là đơn ca của một giọng nữ đứng tuổi với bài nhạc đạo “khúc cảm tạ” giọng ca nữ cao, ngọt ngào ngân vang chuyển tải lời tán dương Đức Chúa một cách đầy cảm xúc, để lại trong lòng người nghe ấn tượng đẹp.

TĐ 24

    Nghe hát đã sướng tai, lại còn được thưởng thức món Bò nhúng dừa non, làm cho vị giác cảm khoái biết mấy. Và lúc này tiếng hô 1,2,3 dô rân vang cả rạp.

      Tiếp đến là “gần nhau trao cho nhau”, được cất giọng bởi một người có y phục khá đời thường, áo cánh sơ mi trắng với một chiếc rope xanh đen, nếu không có mẫu tượng thánh giá trước ngực thì khó ai nhận ra là nữ tu.

TĐ 25

       Sơ tự giới thiệu con là Minh, quê ở Mang Kè, đi tu dòng con gái Chúa Giêsu ở Pháp lâu năm, nên tiếng Việt con không được rành lắm, mong bà con thông cảm. Một tràng pháo tay động viên nổi lên. Sơ nói tiếp, hiện con đang đi mục vụ ở Camerun Châu Phi…

TĐ 26

    Và sau đó vua hài Trần Đức Huyên lên giao lưu với Sơ bằng tiếng Pháp (đúng là nhà thầy làm rầy nhà mụ) được mọi người tán thưởng rất nhiệt tình.

TĐ 27

      Tiếp đến là “vũ điệu gáo dừa”, cũng vẫn những cô gái chân dài lúc nãy, nhưng trong trang phục những cô gái người Chăm với màu xanh và đỏ hòa lẫn nhau. Phải nói đây là một điệu vũ công phu, phối hợp với những động tác uyển chuyển, mềm dẻo tạo dáng đẹp mắt. Lúc nghiêng mình cúi xuống uốn lượn, lúc xòe tay gõ gáo dừa nhịp nhàng trông rất hòa hài.

TĐ28

      Điệu vũ đã mãn nhãn, lại thưởng thức với bánh mì bò kho khoái khẩu thì còn gì ngon bằng…

TĐ 29

     Một tốp ca rập ràng và nhịp nhàng của ca đoàn Sion (Hà Lan) với âm lực trào dâng, cũng làm cho góc sân khấu thêm sắc màu phong phú của bài hát nhạc đạo Tân ca…

    Nhưng khán giả bắt đầu nóng lên khi tiết mục hài tấu “Giận thì giận mà thương thì thương…” của một đôi nam nữ hóa trang thành hai vợ chồng chài lưới, với lời thoại qua lại rất di dỏm tếu táo, khiến cho mục hài tấu vui nhộn lên.

TĐ 30

     Mái chèo xuôi dòng với lẩu Thái trôi tuột những sợi bún vào bao tử một cách trơn tru…với nước lèo, ngon ơi là ngon!!

TĐ 31

      Nhưng thực sự không khí của tiệc trường nóng lên, khi ông Trần Đức Huyên hóa thân vào vai bà Lợi, thì bà con dõi mắt theo trong tiếng trầm trồ bằng những trận cười vỡ bụng.

TĐ 32

      Phải nói danh hài Đức Huyên nhà ta rất có duyên với vai bà nhà quê, từ nguýt ngáy, đến liếc mắt đưa ghèn, từ cách nói đến đi đứng không thua phụ nữ ngày xưa chút nào.

TĐ 33

     Chẳng những thế, lại còn cách điệu lên ngoa ngắt nồng nàn không chê được chỗ nào. Và kết thúc màn độc diễn tấu hài bằng bài “Phút đầu gặp em…” được cường điệu “Dừng bước nơi này, ôi đợi chờ ta có có có có nhau…” khiến cả rạp vỗ tay tán thưởng không ngớt.

TĐ 34

      Lúc này, ông Trần Đức An lên có một vài tâm tình chia sẻ là, cuốn gia phả ra mắt được hai năm nay, mà chưa thấy ai phản hồi bất cứ một điều gì cho ông hay biết. Chính ông cũng không biết cuốn gia phả này có thiếu sót, có sai lệch chi nào không? Để tiện việc điều chỉnh cho những lần sau in lại bổ sung vào có cuốn gia phả đầy đủ.

TĐ 36TĐ 35

        Có ý kiến cho rằng: Phải nói, cuốn gia phả Trần Đức được in ấn trên giấy dó mầu cổ bản và đóng bìa rất công phu đẹp mắt và rất có giá trị của một cuốn gia phả mẫu mực, không chê vào đâu được. Nhưng vì số lượng in ấn quá ít ỏi, vì giá thành khá cao nên không phổ biến đại trà cho con cháu, vì vậy người đọc còn hạn chế, chỉ mới có 5 cuốn cho 5 chi, nên số người đọc chưa được phổ biến. Vì vậy đâu ai biết sai sót…để góp ý.

      Sau đó còn nhiều tiết mục văn nghệ giúp vui đặc sắc…

         TĐ 2

      Để kết thúc bữa tiệc họp mặt, vị tộc trưởng lên công bố: hai năm sau họp mặt họ tộc Trần Đức do đơn vị Châu Sơn đăng cai.

      Bữa tiệc họp mặt kết thúc trong tinh thần đầm ấm yêu thương và nối kết nhau trong niềm vui họ tộc, nhưng cũng có một đôi điều đọng lại sau ngày họp mặt.

     Một số người góp ý:

– Đầu bữa tiệc họp mặt nên hát một bài nhạc đạo như: Hồng ân Thiên Chúa để cảm tạ ơn Chúa đã cho họ tộc ta ân sủng và bình an trong hai năm qua.

– Sau đó, 5 chi nên thắp hương vái niệm tổ tiên…Nghĩa cử này cho con cháu bày tỏ niềm tôn kính lên tổ tiên.

– Nên có một bài gia huấn của một Lm cháu về tổ tiên ta cho con cháu nghe…

– Nên có một bài sớ kể chuyện diễn biến hai năm qua với họ tộc Trần Đức ta, kể những nét son như có con cháu đậu đạt cao vào đại học, những hoa trái tinh thần nam nữ tu sĩ khấn dòng, hay Lm…

– Tiết mục văn nghệ, nên thêm vào những bài hát và những hài tấu về hiếu đạo tiên tổ, về công đức sinh thành…để có ý nghĩa và mục đích hướng về họ tộc.

– Nên khuyến khích con cháu đời thứ VI, VII, VIII tham gia ngày họp mặt, bởi tương lại họp mặt họ tộc phải là của các thế hệ VI, VII, VIII, IX…Để chuyển giao thế hệ kế cận.

      Trên đây là những ghi nhận về buổi họp mặt họ tộc, nếu có gì sai sót, mong quý họ tộc lượng thứ bỏ qua cho.

Nguyễn Văn Kính – cháu rể đời thứ VI – GX Châu Sơn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …