Xưa nay người ta thường nói: “Xa mặt cách lòng”. Vậy mà cha Tuấn ở bên Mỹ về, giảng trong ngày cuối năm lại là “Gần mặt mà cách lòng”. Cả nhà thờ nghe lạ lẫm, bèn hước mặt vễnh tai lên nghe. Nghĩ rằng cha Tuấn đi Mỹ lâu năm, lại là linh mục giảng phòng cho nhiều giáo xứ, chắc có nhiều chiêu trò lắm đây!
Dựa vào bài phúc âm: Đức Mẹ đi thăm bà chị Isave, để nói lên sự thân thương, sự gần gũi nhau. Cũng giống như ngày tết, mọi người con dân GX Châu Sơn đều quy hồi cố hương, để được ăn một cái tết ấm áp xuân đoàn tụ. Đức Mẹ đi thăm bà chị Isave thì rõ là tình cảm chứa chan rồi: Tay bắt mặt mừng …
Đức Mẹ vừa mới bước vào nhà, bà chị Isave đã thốt lên: Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này! Vừa nghe tiếng chào của em, hài nhi trong chị liền nhảy mừng. Em thật có phúc hơn mọi người nữ, vì có Chúa ở cùng…Hai chị em gặp nhau vui mừng tíu tít, thăm hỏi nhau, rồi cũng tám chuyện nhà…Và xuất thân, Mẹ Maria đã thảng thốt lên lời kinh Magnificat: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, Thần trí tôi hớn hở mừng vui….
Còn chúng ta, những sinh viên, những tu sĩ nam nữ, các linh mục đồng hương và những người tha phương cầu thực, về quê ăn tết. Gặp người thân, bạn bè thì tay bắt mặt mừng, nhưng liệu đó có phải là thứ tình cảm thân thương trìu mến nhau không? Hay chỉ là một nghĩa cử lịch sự, một thói quen qua đường. Vì thế, gần gũi mà có thật gần gũi không? Hay “gần mặt mà cách lòng”.
Quả thật, cuộc sống bây giờ có quá nhiều phương tiện truyền thông đa dạng và phong phú: I phone, Đt bàn, Zalo, I Pad, Email, Face Book…rất thuận tiện để sử dụng. Khoảng cách không gian chẳng còn cách trở chúng ta nữa rồi. Cho dù cách nhau nửa vòng trái đất, thì nhờ phương tiện truyền thông đã nối kết chúng ta lại gần nhau một cách dễ dàng. Chỉ cần lích con chuột vào là tám chuyện với nhau trên mạng vô tư. Chỉ cần nhắc điện thoại lên là có thể nhìn mặt nhau, nghe tiếng nói của nhau và trò chuyện thoải mái.
Chúng ta đang sống trong thế giới ảo. Sự gần gũi này, thực sự cũng chỉ là ảo mà thôi. Nhưng nếu qua phương tiện truyền thông mà chúng ta chuyển tải được những chân tình thực sự với nhau, thì chính chúng ta đã chuyển đổi từ ảo qua thực, cũng là một điều tốt đẹp vậy.
Nhớ ngày xưa, phương tiện truyền thông rất khó khăn, chỉ có thư tín, thư điện tử…chưa có điện thoại, thì tình cảm viết trong thư chuyển tải nỗi lòng dạt dào tình cảm chan chứa trìu mến nhau lắm. Nhận được lá thư thì mừng rỡ, như con nít chờ mẹ đi chợ về cho quà! Rồi thì xắm nắm để viết thư lại cho nhau. Lá thư ngày xưa có lớp lang, bài bản thưa gửi trên dưới đàng hoàng lắm! Lá thư chuyển tải nghĩa tình thắm thiết của tình mẹ cha với con cái, tình bạn bè với nhau, tình trái gái yêu nhau…trân trọng và nồng nàn chi lạ!!
Không như ngày nay, chữ nghĩa lếu láo, cố tình viết sai chính tả, viết tắt, chẳng có câu cú, chẳng có chủ từ…Viết ẩu tả, viết dễ dãi, viết buông tuồng…Ai hiểu được thì hiểu, còn không, buồn chịu. Ngôn ngữ VN ta vốn đã “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”, thì ngôn ngữ FB càng làm rối rắm tối tăm mù mịt ngôn ngữ thêm.
Ngày trước, được ai bên Mỹ gọi về thì mừng lắm, cả họ hàng đến nghe, tưởng như nghe người từ hành tinh khác gọi về. Còn bây giờ có đủ phương tiện truyền thông, thì chúng ta lại lười biếng liên hệ, lười biếng gọi nhau. Phải chăng chúng ta đang bị chứng bệnh thời đại “mackeno” – mặc kệ nó, đang làm cho chúng ta dần trở nên vô cảm với nhau? Chúng ta đang trượt trên đồ lì sơ cứng của tâm hồn, để nhám chán nhau, để vô tâm với nhau, để ngại bày tỏ tình cảm với nhau, và để chỉ một mình ta với “một cõi trời riêng tư”.
Thế giới của chúng ta, mỗi người đang là một ốc đảo, một con ốc tự co mình vào trong cái vỏ bọc lì cứng…rất đáng sợ. Chính vì căn bệnh vô cảm Mackeno đang làm cho lòng người dần nguôi lạnh với nhau…
Bài giảng của cha Tuấn gây ấn tượng nơi giáo dân đã đành, mà khiến cha xứ tâm đắc để cuối thánh lễ cha còn nhắc lại: Xin cám ơn cha Tuấn đã cho chúng ta một bài học, làm tỉnh thức lại những tình cảm thân thương trìu mến trong ta, tưởng như đã ngủ quên theo cuộc sống vô tình trôi đi, nay thức giấc để làm cho dòng chảy tình cảm con người trở nên thân thương với nhau trong tình quê lưu luyến…
Trời ạ! tưởng cha ở bên Mỹ về nói những điều gì cao siêu lạ lẫm, ai ngờ cha chỉ đánh thức dậy những tình cảm ngủ quên trong ta, để mỗi người xích lại gần nhau trong sự gần gũi, “gần mặt mà không cách lòng”. Điều này tưởng chừng như cũ rích, để phải bực bội mà nói: “Khổ lắm! biết rồi, nói mãi”. Nhưng xem ra, đây là một thông điệp luôn mới với chúng ta, khi sống giữa dòng chảy của một thời đại lạnh lùng và vô cảm.
Bài tản mạn này chỉ dựa trên ý tưởng của bài giảng của cha Tuấn để phiêu dệt nên, chứ không hoàn toàn theo đúng theo nội dung của bài giảng. Có điều gì không phải mong cha bỏ quá cho.
Nguyễn Vĩnh Căn