Xin đừng xúc phạm đến, Các Đấng Bậc trong Giáo hội!
tienducchauson
06/01/2017
Diễn Đàn Bạn Đọc
519 Views
Ngày nay, công nghệ thông tin bùng nổ với lưu lượng thông tin khổng lồ ngập ứ trên xa lộ truyền thông mạng, đã khiến cho người đọc bị “bội thực thông tin” và cũng không ít người bị ngộ độc với những tin hot, những scandal động trời: vô căn cớ, vô tội vạ và vô trách nhiệm khi post lên mạng.
Thú thật, người đọc không biết đâu mà lần, đâu là chuyện có thật, đâu là chuyện hoang tưởng, lộng giả thành chân. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải công tâm nhìn nhận, thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, thượng vàng hạ cám, tạp pí lù đủ mọi thứ, không thiếu thứ gì cho mọi nhu cầu của bạn đọc. “Rằng hay thì thật là hay, xem ra lắm lúc oan sai thế nào”. Người có tội chết đã đành, nhưng người vô tội cũng hết sức oan khiên, tức tưởi…để ngậm một mối oan hờn trong lòng.
Trong dòng đời hỗn mang đó, tôn giáo và chuyện của các Đấng bậc trong Phẩm trật Giáo hội cũng không còn là ngoại lệ, để bị xăm xoi công khai hóa lên mạng. Và lắm khi Giáo hội cũng phải chịu vạ lây với những thông tin động trời tai bay vạ gió…
Để cho bài viết không bị phơi nhiễm của những chuyện tai tiếng trên mạng, người viết không nêu tên tuổi của bất kỳ Đấng bậc nào đã bị xúc phạm, và cũng không phân định có thật, hay không có thật chuyện tai tiếng; mà ở đây, người viết chỉ muốn đặt vấn đề: Có nên, hoặc không nên đưa ra chuyện tai tiếng của các Đấng bậc Giáo hội lên mạng thông tin đại chúng?
Trước hết, chúng ta nhìn nhận chuyện sai phạm, lỗi lầm, scandal… các đấng bậc trong giáo hội là có thể có thật; bởi, các Đấng bậc ấy cũng chỉ là một con người “nhân vô thập toàn”, nên chuyện sai phạm là khó tránh khỏi.
Vậy có nên công khai hóa, khi đưa những sai phạm, tội lỗi của các Đấng bậc ấy lên mạng xã hội đại chúng?
Trước khi trả lời câu này, tôi cũng xin được hỏi ý đồ của những người đưa tội lỗi, sai phạm của các Đấng bậc ấy lên mạng là có mục đích gì? Cảnh báo? Sửa sai? Luận tội, kết án? Hay là để trừng phạt? Hoặc để bôi nhọ, viết cho sướng tay, nói cho hả dạ hả lòng…? Hoặc để tự mãn, phô trương, khoe khoang ta đây biết nhiều, biết hết…? Hoặc để lên mặt ta đây dạy đời?
Cảnh báo ư? Hai bên phải có một tương quan nào đó, mới có quyền cảnh báo. Trọng tài cảnh báo cầu thủ bằng thẻ phạt vàng, đỏ. Người hàng xóm xúc phạm đến nhau…có quyền cảnh báo. Nói chung, muốn cảnh báo ai thì người đó phải xúc phạm đến mình, còn ở đây, họ xúc phạm đến Chúa, đến Giáo hội thì phải để Chúa, hay Giáo hội cảnh báo chứ!
Sửa sai ư? Thông thường, phải là người bậc trên, mới có quyền sửa sai kẻ dưới. Cũng có khi chính mình tự sửa sai mình…cớ sao người đồng đạo lại tự cho quyền sửa sai nhau? Quyền tối thượng để sửa sai là của Chúa Thánh Thần. Mà muốn góp ý, chỉ bảo nhau thì cũng phải đóng cửa chỉ bảo, chứ đâu phải hét toáng lên mạng thông tin đại chúng, vạch áo cho người xem lưng như thế!!
Lên án và luận tội ư? Quyền bính nào để lên án kết tội các vị ấy đây? Chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới có thể luận tội, kết án, nhưng Chúa lại rất bao dung để dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau 70 lần 7, cầu nguyện cho kẻ thù địch. Ví như đám đông đưa người phụ nữ hư hỏng, trắc nết để Chúa phân xử, nhưng Chúa tha thứ mà không kết án. Trừng phạt ư? Lại càng không, vì đã không có quyền luận tội thì đâu có quyền trừng phạt.
Nếu không có những quyền hạn kể trên, làm sao có thể lên án, luận tội họ được? Bức xúc và đau lòng trước những sai phạm của các Đấng chủ chăn, để cầu xin Chúa hoán cải họ, là việc nên làm. Nhưng cũng đừng vì quá bức xúc mà đưa các vị ấy lên mặt báo viết, báo mạng…vì đó không phải là nơi nghiêm túc để góp ý, cảnh báo, sửa sai luận tội họ, mà ngược lại, chính điều đó xúc phạm, bôi nhọ, làm mất danh dự họ, bảo sao còn làm họ cải hóa được nữa. Vô tình chúng ta đẩy họ vào hố thẳm vực sâu ngăn cách.
Nếu điều sai phạm của các vị đó, đã chìm vào quá khứ, và bây giờ họ sống tốt đẹp rồi, thì còn bới móc ra làm gì những lỗi phạm của họ nữa, để làm nhục, và làm mất uy tín của Đấng chủ chăn, khiến họ không còn mặt mũi nào làm mục vụ tông đồ. Làm người, ai mà chẳng có khi yếu đuối, vấp ngã; điều đáng quý nhất là sau vấp ngã, biết tự mình đứng dậy. Thánh Phêrô đã từng chối Chúa ba lần, Thánh Phao lô đã từng bách đạo, Madalena là một người phụ nữ hư hỏng, trắc nết…sau này các vị ấy đã biết thành tâm hối cải, Chúa cất nhắc lên Đấng bậc cao trong Giáo hội. Chúa nói: “Tôi đến không phải cứu thoát cho người công chính, mà cứu rỗi cho những người biết hồi tâm ăn năn trở lại”.
Nếu các vị ấy vẫn đang sống với những sai phạm, làm gương mù gương xấu cho người khác, là một giáo dân, chúng ta phải ra sức cầu nguyện cho vị ấy hồi tâm chừa cải. Nếu có chứng cớ rõ ràng, cụ thể, thì nên viết thư, hoặc nặc danh để góp ý thẳng với các vị ấy, để họ tự sửa chữa. Khi nhận thấy trường hợp cấp bách, vì những điều sai phạm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo hội, thì viết thư bày tỏ với các Đấng bản quyền Giáo hội mà vị đó trực thuộc, để tìm cách ngăn ngừa những điều đáng tiếc xảy ra…
Một điều mà chúng ta cần phải lưu ý là, trước khi đem sự việc tình bày với Đấng bản quyền, cần phải cân nhắc kỹ lượng, xét xem hiện tượng mà mình chứng kiến có thật sự là xấu, là tội lỗi chăng? Hay chỉ nghe dư luận thêu dệt một chiều, hoặc sự việc có thể tình ngay lý gian…Phải thận trọng, kẻo vô tình, lợi bất cập hại, xúc phạm đến các Đấng bậc ấy, là bị tội vu oan giáo họa cho họ đấy!! Vô tình chúng ta tự bôi nhọ Giáo hội Công giáo chúng ta.
Tôi lấy làm lạ là, có những người đem cả hàm vị giáo sư, học vị tiến sĩ này nọ để làm tăng uy tín cho nhiều người tin…Tôi trộm nghĩ, khi xét đoán, Chúa cũng sẽ luận tội theo trình độ học thức bậc tiến sĩ…vì có hiểu biết, có suy xét mà vẫn công khai xúc phạm các Đấng bậc trong Phẩm trật Giáo hội là khó có thể tha thứ.
Xưng tội trỗng của người khác trước công luận là phạm tội trọng đấy! Vì xúc phạm làm mất danh dự của họ, ngay cả xã hội, pháp luật cũng xử phạt nặng tội. Đánh cắp tiền bạc, có thể đền bù được, chứ đánh mất danh dự làm sao có thể đền bù được!??
Viết điều này, thực sự không phải là để bao che cho những lỗi lầm của các vị ấy, nhưng nếu chúng ta muốn thực tâm các vị ấy hoán cải, cũng phải tìm cách thế thật tế nhị, để các vị ấy nhận ra lỗi lầm mà hồi tâm chừa cải. Đây là điều hết sức nhạy cảm, cần phải tinh tế trong cách hành xử, kẻo phản tác dụng.
Tôi lấy làm đau lòng và thương cảm cho một vị cha già có Đấng bậc cao trong Phẩm trật Giáo hội, đã bị búa rìu công luận (một số ít) vùi dập, phỉ báng, mỉa mai…thậm chí là kết án này nọ (người viết không tiện nêu ra…) để cuối cùng phải tự an ủi chính mình bằng một câu hàm súc đầy thánh thiện: “Vâng phục là bình an”. Tôi cũng lấy làm lạ là, một Đấng bậc khác, đang được ca ngợi là nhà thuyết giảng tài ba, không biết sao, khi giảng vướng vào đôi chút “Duy vật”, thế là sau đó, bị phanh phui ra những chuyện động trời, mà trước đó không nghe nói đến!!??
Phải chăng, chỉ vì quan điểm chính trị, ác cảm với chế độ mà ghét lây qua các Đấng bản quyền, có quan hệ giao tiếp với chính quyền, mà giận cá chém thớt??!! Chúng ta biết rằng: Giáo hội hay tôn giáo nào cũng đều phải nội hàm trong một đất nước, một chính thể…chắc chắn sẽ phải chịu những sự chi phối, tác động nhất định của chế độ là điều khó tránh khỏi. Ngày xưa, người Do Thái phải chịu ách đô hộ của đế quốc La Mã áp bức, vậy mà Chúa đâu có bảo dân Do Thái phải quật khởi, dành lại chủ quyền, Ngài chỉ bảo: “Của Cê Da trả lại cho Cê Da” đó sao! Lẽ ra, chúng ta phải cầu nguyện cho các Ngài luôn sáng suốt để hành xử một cách tốt đạo đẹp đời…chứ ai lại vạch áo cho người xem lưng, gà cùng một mẹ lại bôi mặt đá nhau, vô tình xúc phạm đến Giáo hội để ngư ông đắc lợi.
Thú thật, tôi không hiểu sao, có người đã từng gọi một số Đấng bậc có Phẩm trật cao trong Hàng Giáo Phẩm VN, là giáo gian, là ngợm, là giáo sĩ quốc doanh…thì họ có còn là người Công giáo nữa không? Hay họ là những giáo gian tiếp tay cho bè phái rối đạo.
Là một giáo dân, chúng ta hãy cầu nguyện và mong muốn cho các Đấng bậc trong Giáo hội luôn “thập toàn” trong đạo đức, nhưng không vì thế mà khi các Ngài “bất toàn” chúng ta lại tỏ ra bất mãn, oán trách các Ngài; bởi, các Ngài cũng chỉ là con người thôi mà. Chúng ta phải nhớ rằng, đàng sau sự bất toàn của các Đấng bậc ấy, còn có Chúa Thánh Linh trợ giúp, nâng đỡ và sửa sai cho họ. Chúng ta đừng vì quá bức xúc, quá nhiệt tình…để hành động thiếu suy xét, thiếu cân nhắc mà thành ra xúc phạm, phá hoại Giáo hội.
Ngày nay, thế giới đang toàn cầu hóa, và chính Giáo hội cũng phải đối mặt với nhiều thế lực, nhiều thách thức, nhưng có lẽ, Giáo hội lại phải đau đầu nhất, trước những áp lực của những người con dân Giáo hội (một thành phần ít), mà rủi thay, đôi khi lại có cả LM tiếp tay, thì có nghiệt ngã không kia chứ!!! Họ không ngờ rằng, chính họ đã vô tình tiếp tay cho bè rối để xúc phạm, bôi xấu Giáo hội mà không hề hay biết.
Tôi cảm tạ Chúa, vì Ngài biết thân phận tôi tầm thường, tài hèn sức mọn, để chỉ trao cho tôi nửa phân vàng (nửa chỉ vàng) làm vốn đời sống đạo đức, chứ Ngài không dám trao cho tôi 1 yến vàng hay một tạ vàng, vì sợ rằng, ngày sau Ngài sẽ phải luận tội tôi: “Ta cho ngươi một tạ vàng làm vốn, sao ngươi không sinh lợi, mà lấy số vốn đó để xúc phạm và bách hại ta, thì khốn cho tôi lắm thay!!!
Vài tâm tình chia sẻ. Rất mong giáo dân chúng ta, xin đừng bao giờ xúc phạm đến các Đấng bậc trong Giáo hội, nếu họ có lỗi phạm, thì hãy để Chúa phân xử.
Tất cả những thành ý trên đây cũng chỉ mong muốn cho “Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến”.
Nguyễn Vĩnh Căn