VỤ ÁN
ĐỨC HỒNG Y NGUYỄN VĂN THUẬN
VỚI CHÍNH SÁCH
“NGOẠI GIAO Ổ KHÓA”
CỦA NHÀ NƯỚC
Vụ án Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, cấm Nhà văn Nguyễn Hoàng Đức xuất cảnh – Chính sách “Ngoại giao ổ khoá”
13.07.2013
nguon: http://giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9629
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức
Chính sách “Ngoại giao ổ khoá”
Vào 9 giờ tối ngày 2-7, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức đã bị công an sân bay Nội Bài, Hà Nội, chặn lại không cho xuất cảnh khi ông được thư mời của Toà Thánh Vatican tham dự lễ “Bế mạc phần điều tra tại địa phương” trong hồ sơ phong chân phước và hiển thánh cho ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Mặc Lâm có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hoàng Đức để tìm hiểu thêm vấn đề này.
Cấm xuất cảnh không lý do
Mặc Lâm: Thưa ông, chúng tôi được biết ông vừa bị công an phi trường Nội Bài không cho xuất cảnh sang Vatican. Xin ông vui lòng kể lại câu chuyện này diễn tiến ra sao?
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đến quầy vé của Hãng Hàng không Thái vì tôi được phép transit qua Thái đến Roma. Khi tôi vào quầy thì một cô nhân viên trẻ, ấp úng khi xem tên tôi, rồi một cô có vẻ dáng như là tổ trưởng đến cô ấy nói mời tôi sang gặp công an trước đã. Tôi vào phòng công an đợi mấy phút thì có một anh Thượng tá tên Phạm Tiến Dũng, anh thông báo với tôi là tôi không được phép xuất cảnh. Nếu tôi có kiến nghị hay khiếu nại gì thì về 44 và 46 Trần Phú Cục Quản lý Xuất nhập cảnh để biết thêm. Anh cũng chỉ biết như thế và cũng chỉ thi hành lệnh.
Sau đó, tôi bảo vì là cơ quan nhà nước nên tôi đề nghị phải có văn bản để xác định việc này chứ không thể xác định bằng miệng. Anh ta nói là do anh ta muốn sự việc nhẹ nhàng thì như vậy là được rồi. Nhưng tôi dứt khoát phải đòi giấy tờ. Sau đó thì anh ta có mời một đại uý khác tới và anh đại uý kia là cũng người của Cục Xuất nhập cảnh luôn, anh ta tên là Hoàng Dương. Anh kia viết biên bản và tôi có giữ một bản photo đây: biên bản về việc giữ tôi lại không cho xuất cảnh.
Tôi có hỏi họ lý do vì sao tôi bị cấm xuất cảnh và tôi muốn biết ngay tại đây. Anh ấy trả lời là Cục Xuất nhập cảnh cũng không cho các anh ấy biết lý do.
Mặc Lâm: Như chúng tôi được biết thì chuyến đi này của ông là do Toà Thánh Vatican mời trong khi chuẩn bị hồ sơ phong thánh cho cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Ông có thể cho biết nhân duyên giữa ông và vị Hồng y quá cố này như thế nào để dẫn ông tới cái vinh dự này ạ?
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi đã từng làm trong Phòng Tôn giáo của Bộ Công an. Trong Phòng ấy người ta có “đối sách” về Đức cha mà sau này là Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận. Ông bị chuyển đổi từ miền Nam ra với cái tội rất to là vì ông là cháu của Ngô Đình Diệm và trở về Sài Gòn làm Phó Tổng Giám mục theo ý là lót ổ để lên Tổng Giám mục. Và ông cứ thế bị chuyển ra ngoài Bắc.
Trong thời gian ông ấy bị cầm cố ở Hà Nội (có nghĩa là không ở tù) tức là được giữ trong mật viện. Có một đội trông ông ta nhưng tôi là một cán bộ cũng khá lâu năm, một sĩ qua khá lâu năm nên tôi đề nghị để tôi ra học tiếng Pháp với Cha, để luyện nói trên tinh thần là luyện tiếng Pháp chứ không phải để trông Cha. Cụ thể là như thế.
Mặc Lâm: Trong lúc tiếp xúc với Hồng y, ông có cảm nhận ra sao về ngài dưới cái nhìn của một sĩ quan công an và nhất là công an chống phản động như ông vừa cho biết ạ?
Nguyễn Hoàng Đức: Sau khi học tiếng Pháp với ngài thì tôi cảm nhiễm tinh thần của Đức cha. Sau này thì tôi thôi việc, lý do là sau khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn, tôi không còn muốn làm công an nữa vì tôi làm ở Cục Chống Phản động nên biết dễ phải đi đàn áp và tôi đã xin chuyển ngành nhưng không được, tôi xin thôi việc cũng không cho. Tôi vẫn cứ bỏ việc.
Sau khi vào Sài Gòn tôi làm cho dầu khí Việt Nam. Tôi có đi một số nhà thờ, Nhà thờ trung tâm Đức Bà, Nhà thờ Kỳ Đồng. Sau khi ra Hà Nội thì tôi được mặc khải trong một giấc mơ là tôi đi nhà thờ và tôi có rửa tội. Đúng đêm tôi rửa tội ở nhà thờ lớn thì Cha Ngân, bây giờ trở thành Giám mục, bảo với Cha Hùng, hiện nay đang học bên Ý hay bên Pháp gì đấy, mời tôi viết diễn giải một cái tin và tôi có viết bài “Con đường đức tin qua cây cầu Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận”. Bài này đã gởi qua Toà Thánh và nằm trong hồ sơ và đã được Cha Sỹ đang ở Việt Nam xin đưa chữ ký vào những bản dịch khoảng 4 – 5 thứ tiếng. Tôi hiểu là việc phong thánh cần phải có phép lạ. Phép lạ thứ nhất là đức tin. Phép lạ thứ hai là chữa bệnh. Phép lạ thứ ba là mồ mả phát. Tôi là một trong những phép lạ về đức tin.
Mặc Lâm: Thưa, trước khi nhận được giấy mời thì ông có được Vatican dò hỏi về thời gian ông tiếp xúc với ngài bằng các con đường không chính thức hay chính thức, thưa ông?
Nguyễn Hoàng Đức: Ở Giáo hội Việt Nam thì thỉnh thoảng tôi cũng chia sẻ đức tin và đặc biệt là ở nhà thờ Thái Hà vài lần, đi đâu tôi cũng nói chuyện, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai thì có Cha thỉnh thoảng về hỏi thăm và tôi còn dẫn đến nhà giám quản Đức cha Thuận ở đấy. Cũng có một số người khi ở Việt Nam cũng gặp, nhưng nói chung cũng không nhiều lắm, 3 – 4 lần thôi.
Mặc Lâm: Ông có nghĩ rằng việc sang Vatican của ông có thể gây khó chịu cho Hà Nội vì ông là nhân chứng đối với những hành xử của chính quyền trong thời gian mà Đức Hồng y bị giam giữ đã dẫn đến việc cấm xuất cảnh ngày hôm nay đối với ông?
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi tổng kết lại thì có mấy lý do chính. Lý do thứ nhất: việc phong thánh cho Đức cha là không hợp ý với Hà Nội vì Đức cha được phong thánh do công trạng Đức cha bị hệ thống nhà tù của Cộng sản quản lý. Như vậy, việc phong thánh cho Đức cha sẽ có một phản ứng ngược, một cái gương xoay ngược về việc cầm cố người ta, tôi tin là Hà Nội không đồng ý. Điều thứ hai tôi là một người tuy đã ra khỏi ngành lâu rồi nhưng tôi cũng là người ở trong ngành, có thể họ cũng ngại điều gì đấy. Điều thứ ba thì tôi cho đó là lý do khá lớn vì tôi là một cây bút viết khá mạnh. Tôi viết ngắn cũng vừa phải thôi nhưng đặc biệt về phê bình văn học thì tôi viết rất mạnh mẽ và thẳng thắn. Điều thứ tư thì thời kỳ này là thời kỳ nhạy cảm, dường như họ đang làm một cách mạnh mẽ nhất.
Mặc Lâm: Sau khi nhận được tin ông bị cấm xuất cảnh thì Vatican có liên lạc với ông để tìm hiểu vụ việc hay không?
Nguyễn Hoàng Đức: Tôi có mail sang Vatican và một Cha đã từng gặp tôi ở Việt Nam khích lệ tôi hãy chia sẻ sự khó khăn trong nhà nước Cộng sản thì phải chịu đựng và hãy cố lên, hãy hy vọng. Hy vọng vào một dịp khác tôi sẽ được gặp các vị và được viếng Đức Thánh. Ông bảo là hãy hy vọng.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn nhà phê bình văn học Nguyễn Hoàng Đức về thời gian ông dành cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Peter Pham Manh Tri
Sacramento, CaliforniaUSA