CÁI CHẾT, MỘT ĐIỂM DỪNG TÂM LINH ĐẦY Ý NGHĨA
tienducchauson
06/11/2016
Diễn Đàn Bạn Đọc
280 Views
Trời mùa đông Tây nguyên, dường như khó có chút nắng để thể phân biệt được thời khắc: sáng, trưa, chiều, mà chỉ thấy một bầu trời đưa đám, toàn một màu chì xám tro của một sự ảm đạm, ủ ê và tăm tối…
Dường như thi hào Nguyễn Du đã quên mất định luật tâm lý đảo của câu “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, để ngay cả, “cảnh buồn người cũng chẳng vui đâu bao giờ”. Quả vậy, khó ai mà vui được khi tham dự đám tang, có người khóc lóc thảm thiết…Phải chẳng, vì vậy mà giáo hội đã chọn tháng 11 là tháng linh hồn!?
Ai cũng nói ra nghĩa trang là cảnh buồn thảm, đìu hiu, vắng vẻ…Nhưng với tôi thì trái lại, mỗi lần ra nghĩa trang lại cảm thấy tâm hồn mình thư thái và phấn khởi. Những khi có chuyện đời bế tắc, những xào xáo tâm tư, những bức rức trong tâm hồn…tôi thường dạo bước ra nghĩa trang, và cảm thấy bao nhiêu nỗi xào xáo tâm tư chợt tan biến. Dường như mỗi lần ra viếng nghĩa trang, tôi như được xạc lại năng lượng vào tâm hồn, để cảm thấy yêu đời và hưng phấn hơn.
Khi nghĩ về cái chết, con người như rũ bỏ được nợ trần gian để tâm hồn cân bằng trạng thái sống. Nghĩ về cái chết, đôi khi cũng cần cho một con người, nó như một khoảng lặng trong một bản nhạc, để dừng lại và ngẫm ngợi về cuộc sống. Ta sống để làm gì? Để mưu cầu hạnh phúc? Để được vui sướng, an lạc…? Nhưng chính khi ta mong muốn mưu cầu hạnh phúc để được sung sướng, thì ta lại vong thân chính bản thân mình, để chìm trong cái bể dâu khổ đau cơ cực, chỉ vì nợ cơm áo gạo tiền mà ta không hề hay biết. Tìm cái vui sướng mà lại phải chịu thiệt thân cơ cực quá nhiều, thử hỏi, nên chăng để tìm cái vui sướng đó? Quả là cái vòng cuộc đời luẫn quẫn…
Ngẫm nghĩ, một đời tần tảo tất bật để có được: vàng bạc của nả đầy kho lẫm, nhà lầu xe hơi, quyền cao chức trọng, vợ đẹp con khôn…rồi đến khi chết, cũng phải buông xuôi với hai bàn tay trắng ra đi. Vậy thì liệu có nên lao tâm khổ tứ để vong thân để tìm kiếm cái phù hoa chóng qua trần gian, với bất cứ giá nào chăng? Có người nói, cái chết là sự bình đẳng tuyệt đối giữa người giàu và người nghèo, vì chẳng ai có thể đưa đi một tí của nả, vàng bạc nào cho riêng mình.
Chỉ vì muốn an cư lạc nghiệp, để rồi con người cứ luẫn quẫn, tìm cho mình một mảnh vườn, một ngôi nhà… Nhưng lòng tham của con người có dừng ở đó đâu. Thấy người ta nhà lầu xe hơi, tiện nghi đủ bề, thì lại cảm thấy mình thua thiệt, để phấn đấu sao cho bằng em bằng chị. Vậy là thay đổi ngôi nhà từ ván phên, lên nhà xây, đến nhà lầu…Nhà lầu thì cũng đạt rồi, nhưng nhà cao cửa rộng phải là ở chốn phồn hoa đô thị cao sang thì mới mãn nguyện!
Một lần trong tang lễ, linh mục thân nhân tang quyến chia sẻ: cuộc sống chỉ vọn vẹn có 100 năm, vậy mà con người phải bỏ ra cả một đời nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ để gầy dựng nên cơ ngơi cửa nhà. Nhưng với một ngôi nhà vĩnh hằng sau cái chết, thì không mấy ai quan tâm lo lắng đầu tư đúng mức. Thấy người ta theo đạo thì cũng theo, người ta đi lễ mình cũng đi, người ta rước lễ mình cũng rước…chứ tâm hồn thì để đâu đâu về ngôi nhà trần gian, mà chẳng lo quan tâm đến ngôi nhà vĩnh cửu trên nước trời. Mà có phải không có ai mách bảo về việc đầu tư ngôi nhà nước trời đâu. Nào là tiên tri, ngôn sứ…các linh mục thường nhắc nhở về ngôi nhà ngày sau…Chính Chúa Giêsu là nhân viên quảng cáo tiếp thị cho việc mua ngôi nhà trên trời, khi ngài nói: Thầy đi để dọn chỗ cho các con, nhà của thầy đủ rộng chỗ cho các con. Ngài cũng chính là “cò mồi nhà đất” khi nói: ai muốn đến với Cha thầy thì phải qua thầy…
Biết là thế, nhưng con người chúng ta lại cứ thích những cái thực tế trước mắt, nhìn được, sờ mó cầm được, ăn xài được, hưởng thụ được…Nhưng thực ra, những vật chất đó cũng mong manh như khói sương mà thôi, nay có mai không. Đúng như Chúa cảnh báo: một cơn gió thoảng hằng làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết dấu tích.
Quả vậy, tiền bạc, nhà cửa thế gian cũng chỉ là hư ảo mà thôi. Chứng khoán xuống thấp thì cũng đi đong cả một sản nghiệp. Làm ăn khi gặp gió thì lên như diều, nhưng khi đứng bóng thì chao đảo lộn lèo tán gia bại sản là khó tránh khỏi. Đó là chưa nói đến, thiên tai, bão lụt làm nhà cửa xiêu vách đổ tường, cuốn trôi theo dòng chảy. Động đất, núi đồi sạp lở nhà cửa cũng đổ sập xuống…Rồi ngay cả mạng sống của con người, cũng chẳng có gì bảo đảm sống lâu dài trường thọ…Mọi rủi ro luôn rình rập: tai biến, đột quỵ, ung thư, tai nạn, hoả hoạn…
Trần gian đúng là hư ảo, nay còn mai mất…
Ước mong của con người là được sống bất tử.
Ví thử con người bất tử không chết, chuyện gì sẽ xẩy ra đây??
Trước hết là nạn nhân mãn, nếu từ thủa khai sinh lập địa đến bây giờ mà con người không chết, thì ở đâu cho hết. Người đẻ chứ đất không đẻ. Tôn giáo cũng sẽ không tồn tại, vì đâu có một thế giới ngày sau để tôn giáo cứu rỗi, hoặc cứu độ chủng sinh cho con người. Không có luân lý đạo đức, vì chẳng cần ai dạy đạo đức luân lý khi con người được sống đời đời…Không có quyền bính, một xã hội sẽ hỗn loạn, không có trật tự một xã hội sẽ xào xáo, sinh ra giành giật, cướp bóc…Con người sẽ sinh ra biếng nhác, không chịu làm ăn, vì đâu sợ chết đói, chết khát…
Ước vọng về một cuộc sống bất tử, chỉ là một sự vô vọng của một sự phi lý, đầy bế tắc không có lối thoát. Chính khi có cái chết, cuộc sống mới có ý nghĩa.
Cố nhạc sĩ TCS đã gửi một thông điệp cho chúng ta: Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…Trên đôi vai ta, đôi vầng nhật nguyệt. Gọi mãi trăm năm một cõi đi về.
Cái chết là một bến đỗ…Một sự biến đổi như lời bài hát: cuộc sống này, chỉ thay đổi mà không mất đi…Giữa cõi đời dâu bể và chao đao, hãy mau quay lại là bờ, khi còn kịp.
Trong tháng linh hồn, mỗi người chúng ta nên một lần dạo bước ra nghĩa trang để tìm lại ý nghĩa của cuộc sống. Trong nghĩa trang này, nơi ông bà tổ tiên mình đã nằm xuống an giấc. Gần gũi hơn là cha mẹ, anh chị em, vợ con mình…để cảm xúc về nỗi thương nhớ và lòng tri ân về những người đã sinh thành ra mình. Chính điều đó, đánh động chúng ta phải biết sống tử tế và tình ngĩa với nhau hơn. Điều này cũng làm cho tâm hồn chúng ta nhảy bén về những cảm xúc đầy tính nhân văn của tình người. Và quan trọng hơn hết là, biết sống đạo đức, sống thánh thiện tốt lành, để mơ về ngôi nhà vĩnh cửu trên nước trời, là quê thật vĩnh cửu của mỗi người chúng ta.
Chính vì thế, cái chết là một điểm dừng tâm linh đầy ý nghĩa cho mỗi chúng ta.
Thiên Lương – GX Châu Sơn