Quê ngoại mẹ tôi vốn ở Gia Hòa, Nghi Xuân, Hà Tĩnh… Có cùng quê với Đại thi hào Nguyễn Du, làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Cố thi hào đã được UNESCO vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới”, với kiệt tác truyện Kiều bất hủ.

Và cùng quê với mẹ tôi còn có nhà thơ cụ Nguyễn Công Trứ, làng Uy Viễn, Nghi Xuân, Hà Tĩnh… Ông từng làm quan lớn cho triều đình – Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức… Ông có công khai phá, và lập ra hai huyện Kim Sơn Và Tiền Hải. Ông nổi tiếng với tập thơ Chí làm trai:
Chí làm trai nam bắc đông tây – Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Xem ra xuất xứ của quê mẹ tôi cũng “không phải dạng vừa” ấy chứ! Được xếp vào hàng “địa linh nhân kiệt” chứ chẳng phải đùa đâu!!! Nếu phải Chí Phèo là tôi, hắn cũng có thể vỗ ngực xưng danh: nhìn tao lèo phèo vậy thôi, chứ tao ở cùng quê với hai nhà thơ lớn: Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ” đấy! Nói thế, bố bảo đứa nào dám khinh thường Chí Phèo!
Còn tôi, không dám mơ tới các đấng vị vọng ấy! chỉ ăn theo, để viết lách được mấy tập truyện ngắn: Hoa nở giữa vách đá cheo leo – Ngày ấy, Nắng còn thơ dại – Mùa xuân héo hon đợi chờ…. Được đăng trên trang Web: vanchuongviet.org mà thôi. Thế cũng là quá tốt rồi!
Gia đình cha tôi vào Nam năm 55, định cư ở làng Châu Sơn, Ban Mê Thuột. Còn bà con quê ngoại mẹ tôi vào Nam, ở Bình Giã, Bà Rịa, Vũng Tàu. Vì xa xôi cách trở và vì thời cuộc, nên phía quê ngoại ở Bà Rịa và chúng tôi đã không mấy khi liên hệ với nhau. Đành phải bán chị em xa mua làng giềng gần vậy.
Thế rồi thời gian trôi qua, đến nay đã 70 năm… Những tưởng sẽ không còn cơ hội để kết nối tình thân bà con với nhau nữa; Nào ngờ…. Số là đứa cháu tôi ở bên Mỹ, từng về chơi làng Gia Hòa ở bên Mỹ, nói chuyện ra, mới biết cánh ngoại mẹ tôi đã họp họ 3 lần tại Bình Giã VN. Cháu tôi báo cho cánh họ ngoại Gia Hòa bên nớ là, trên Châu Sơn còn có các cánh họ Gia Hòa khác, và mong được nối kết: cho cây liền cành, cho chim liền cánh. Thế là lần họp mặt Gia Hòa lần thứ tư ở Bình Giã, Bà Rịa, Vũng Tàu VN, họ đã gửi thiệp mời chúng tôi vào ngày 09.02.2025 về tham dự họp mặt.
Nhận được thiệp mời, lòng cảm thấy có chút bồi hồi lo lắng; Bồi hồi là bởi một sự kết nối nhận họ phải mất 70 năm mới có một lần. Lòng hồ hởi hân hoan là thế, nhưng cũng có chút lo lắng để phải kê tính kinh tế, sao cho nó ổn mới đi được. Thế là mấy anh em con cháu lên đường “Một chuyến về quê ngoại phía Nam”.
Chúng tôi đến Bình Giã vào sáng Chúa Nhật; Khi ánh bình minh còn ửng hồng ở trời đông, và Bình Giã vẫn còn thiếp ngủ trong cái se lạnh của buổi mai hôm ấy!
Con đường “đại lộ” Mỹ Xuân Hòa Bình rộng lớn, chia xã Bình Giã làm hai; con đường này cũng vừa mới hoàn thành xong, với màu nhựa đen và các vạch phân cách trắng vàng còn mới cáu cạnh. Con đường này là huyết mạch đi nhiều tuyến đường qua đây, với nhịp độ xe cộ đi lại nhộn nhịp, càng làm cho Bình Giã trở nên phố thị hơn…


Dạo một vòng lúc nhàn tản. Quần thể của 3 giáo xứ ở Bình Giã: Vinh Hà, Vinh Châu, Vinh Trung, xem ra, chẳng khác các GX ở miền quê BMT là mấy… Cũng lô vườn 1 sào đất, với cây cối: mít, xoài, bơ, chôm chôm và cây hoa mai, nhà nào cũng có. Cũng nhà cửa xây cất cao thấp: nhà mê lầu đúc, nhà cấp 4, mái thái, nhà bánh ú… Đặc biệt là đường ngang lối dọc thông thoáng trong GX, được trải thảm nhựa bê tông đều do nhà nước hoàn thành toàn bộ, kể cả đường ra rẫy mạc… Nhìn chung mặt ngoài, Bình Giã có vẻ đô thị hơn các làng miền quê ở BMT.


Chúng tôi đến nhà thờ GX Vinh Hà để tham dự thánh lễ Chúa Nhật… Từ xa, đã thấy những hàng cây sao cổ thụ to cao, thắp nắng sáng dẫn lối vào Thành đường. Một ngôi nhà thờ lớn nằm giữa quần thể những hàng cây xanh lá, lèn Đức Mẹ, nhà học giáo lý. Điều ngạc nhiên là, cả nhà thờ lớn như thế mà thiết kế có 2 cánh quạt lớn, mỗi chiếc có đường kính 7 mét, chỉ cần cánh quạt quay nhẹ nhàng là đủ mát cho cả nhà thờ, mà không nghe tiếng xào xạt như những quạt nhỏ như các nhà thờ GX khác. Một điều lạ khác là, cánh nữ đã dám xâm mình quỳ bên cánh nam, mà “chẳng ngán thằng tây nào”. Ở các GX miền quê BMT, cho thêm tiền, phái nữ mọc gạc cũng không dám chen chân vào phía cánh nam. Đúng là các GX Bình Giã đã đô thị hóa ngay trong việc đi nhà thờ rồi.


Phải đến trưa Chúa Nhật, các bà con Gia Hòa từ mọi miền mới lần về đây. Từ xa, ở Bắc vừa đủ một xe con. Hà Lan cũng không kém cạnh, một xe 30 chỗ ngồi… Rồi đến những vùng khác như Châu Sơn, Sài Gòn… Các Sơ, các cha gốc Gia Hòa, có đến 5 cha về đây hội tụ.… Có cha Nguyễn Văn Ngọc con ông bà cụ Báu. Đặc biệt là cánh Gia Hòa ở Mỹ về khá đông.


Mọi người tản mác về bà con. Một số các ông tập trung về nhà ông Nguyễn Đăng Trình dưới bóng mát những cây cổ thụ. Chính ông đã là người đại diện họ tộc. Mọi người lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chào đón, hỏi han nhau một cách đầy thân thương. Xem ra, anh em tôi cánh Nguyễn Hiển cũng khá lớn. Hỏi thăm ra mới biết, anh em tôi là bậc ông, bậc chú, bậc cậu trong dòng họ tộc Cố Nguyễn Đăng Quý. Ngặt một nỗi, các vị ngang bậc với anh em tôi đã khuất núi cả rồi, nên bậc con cháu đều không biết đến. Thành ra, tuy là cấp lớn trong dòng họ là thế, nhưng cũng cảm thấy có chút bơ vơ lạc lõng giữa họ Nguyễn, khi không có ai đón đưa về nhà. Cũng may, có người cháu họ Đậu, bà con ở Bình Giã khá đông, nên mới có nơi ăn chốn nghỉ ngơi thoải mái.

Nhìn chung, cuộc sống ở Gia Hòa, Bình Giã khá cao, vì gần như nhà nào cũng có người đi định cư và lao động ở Mỹ, Canada, Úc… Nhưng nhà cửa ở quê nhà vẫn đóng lại đó, khi về thì mở cửa ra sinh hoạt. Trong sinh hoạt chuyện trò, họ luôn thăm hỏi nhau: “O mới về ạ! khi nào đi lại bên nớ!”. “Chuyến này ông về lâu, hay ở lại luôn quê nhà luôn sao??“. Nguồn thu nhập chính vẫn là do ngoại tệ đem lại. Một số khác làm công nhân nhà máy, công xưởng: dệt may, chế biến nhôm nhựa… Rất ít hộ làm nông tiêu, cà…
Một thánh lễ chiều trong bầu khí trang trọng và đầy sốt sắng, cầu nguyện cho những người đã qua đời và những người đang còn thượng tại của dòng họ Nguyễn Gia Hòa, do cha Nguyễn Đình Vịnh chủ tế tại nhà thờ Vinh Châu.

Sau Thánh lễ, mọi người trong họ tộc Nguyễn tuôn về nhà ông Long, chỉ cách nhà thờ Vinh Châu vài trăm mét để tham dự tiệc mừng hội tụ con cháu dòng họ Nguyễn Đăng Quý. Từ xa, đã nghe tiếng nhạc xập xình, mở ra ngày hội mừng họp mặt của gia tộc họ Nguyễn Đăng Quý. Ánh đèn điện cũng đã chiếu tỏa sáng rực cả một khoảng sân nhà, với 35 mâm khách mời.


Ông cố Nguyễn Đăng Trình được mời lên để đại diện họ tộc cố Nguyễn Đăng Quý. Mặc dầu cố đã chín mươi mấy tuổi, nhưng con người cố đầy đặn, có mái tóc sam bạc mầu, cột sau đầu rất độc đáo; tuy vậy, cố vẫn còn đi lại xoăn xoái, nói năng lưu loát! Cố giới thiệu thành phần gồm: quý cha, quý Sơ, quý bà con thân tộc nội ngoại ở trong và ngoài nước đã bớt chút thời giờ để về đây tham dự buổi họp mặt họ tộc lần thứ IV. Sau khi sơ qua lược sử họ tộc, cố cũng đã dành lời tri ân và cảm ơn đến hết mọi người đã không quản đường xá xa xôi từ Bắc vào Nam và đặc biệt một số Việt kiều Gia Hòa từ bên Mỹ về đây họp mặt.
Cha Nguyễn Văn Ngọc cũng được mời đứng lên làm dấu khai tiệc…



Bữa tiệc bắt đầu mở ra, với bia óng ánh màu vàng tràn ly cúc cụng nhau, vì buổi họp mặt được xem là khá đông đủ hơn 3 lần trước. Những món thức ăn hảo vị cũng dần được dọn lên, ngào ngạt cả bầu khí của khuôn viên của 35 mâm bàn, cũng tạo sự hưng phấn cho khách mời.
Trong bữa tiệc còn có những tiết mục văn nghệ giúp vui. Những bài hát về quê hương: Về đây nghe em, Gia Hòa quê ta ơi!… cũng làm cho bữa tiệc thêm phần ý nghĩa sâu sắc về quê nhà Gia Hòa…
Tiệc vui nào rồi cũng có lúc tàn…
Ngày họp họ Tộc Nguyễn đã cho tôi một niềm cảm hứng về dòng tộc quê ngoại trong tâm hồn tôi, nhưng rồi những lần họp họ tới, liệu có còn tham dự được nữa không, vì thành phần tham dự số đông đã ở tuổi 70, 80 và 90… Mong rằng con cháu các thế hệ sau sẽ tiếp bước, để dòng họ tộc cố Nguyễn Đăng Quý sẽ con đàn cháu đống và lớn lên mãi…
Sau cùng, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến anh chị Hoàn đã chiêu đãi chúng tôi những bữa sáng với bánh cuốn súp bò, với đĩa lòng to tướng, nhấp một ngụm rượu vào cảm thấy sảng khoái biết bao… Cũng xin gửi lời cảm ơn tới anh Huyên đã “cho khách độ nhà” một cách thoái mái, để chuyến về quê ngoại được thêm phần thú vị.
Một người con Gia Hòa ở Châu Sơn





