22 C
Buon Ma Thuot
Thứ bảy, Tháng mười hai 28, 2024
More

    Vĩnh ơi! Còn đâu, Một thời huy hoàng cỏ xanh!!

    Tiếng là học chung cùng lớp, cùng trường Tiến Đức và Hưng Đức với Vĩnh; nhưng thực ra, tôi không thân với Vĩnh. Lý do là, Vĩnh học lớp chiều và tôi học lớp sáng, nên đôi phương trời cách biệt để hai đứa tôi không thể chơi thân với nhau là thế đấy!

    Nhưng rồi phải đến cái ngày năm 73, khi cuộc chiến đi vào giai đoạn khốc liệt… Tin dữ báo về, Vĩnh bị thương khá trầm trọng, xem ra khó qua khỏi cửa tử. Lúc đó, mấy người bạn thân đang ngồi trên ghế nhà trường như Đức, Tâm, Thiện… và mình cũng rất bồi hồi lo lắng cho số phận của Vĩnh. Nhưng rồi ngày tháng trôi đi trong khắc khoải chờ tin… Thời đó, thông tin qua lại còn khó khăn lắm, lại gặp vào thời buổi chiến tranh loạn lạc nên thư từ tin tức cứ như đui mù vậy.

    Quả là số Vĩnh xui xẻo, bạn thi rớt Tú tài rồi phải nhập ngũ khóa Hạ Sĩ Quan năm 72, nên mới bị đẩy ra chiến trường Quy Nhơn – Bình Định. Ngày đó, anh Nguyễn Thanh Hải (Lan) cũng bị đẩy lên chiến tuyến PleiKu, sau bị mất tích…

    Sau này nghe Vĩnh kể lại, Vĩnh bị thương tật trong một cuộc hành quân… Chân bị dập nát và mất rất nhiều máu, phương tiện di chuyển tải thương không kịp, nên phải cưa chân. Rồi nằm viện không có ai thân thích nên hết sức cơ cực. Vĩnh kể: tâm trạng của Vĩnh khi đó hoàn toàn chán nản và đầy thất vọng; vì bị thương tật đau đớn, lại một thân một mình đơn côi, không có ai để chia sẻ nỗi niềm… Phải gần một năm sau, khi Vĩnh ra hội đồng Y khoa để được xét là không có khả năng tác chiến, Vĩnh mới được giải ngũ…

    Khi Vĩnh về lại GX thì bạn bè cũng đã đi học xa: Dalạt, Sài Gòn…

    Trong kỷ yếu của lớp kỷ niệm 50 năm ngày đầu vào lớp học có viết về Vĩnh: Vĩnh ngày xưa hao gầy, đẹp dáng thư sinh. Vì chiến cuộc, Vĩnh mang thương tật, để uổng phí một đời trai ươm nhiều ước vọng. Bây giờ, Vĩnh mập trắng, có cái dáng đẹp trai hào hoa rất đàn ông. Hình như Vĩnh có đôi chút mặc cảm, để ít đi lại, giao tiếp với bạn bè chăng? Vĩnh có giọng ca nam, thanh cao truyền cảm. Ngoài ra, Vĩnh cũng sáng tác một số thánh ca. Một thời Vĩnh sinh hoạt ca đoàn với vai trò ca trưởng. Vĩnh có mở lớp dạy học Anh văn. Hình như di chứng thương tật, làm cho Vĩnh sống có vẻ nhọc nhằn cam chịu số phận.

    Xem ra, con người Vĩnh khá bộc trực. Những việc gì không hay, không phải, Vĩnh nói ngay. Đến ngày họp lớp, thấy anh em đi lại mời, Vĩnh cảm thấy khó chịu và thẳng thừng từ chối: “Mình không thể tham gia họp lớp được, thôi, để khỏi phiền hà: anh em cứ gạch tên mình ra khỏi lớp đi là xong”.

    Tuy nhiên, bề ngoài con người bộc trực đó, Vĩnh vẫn là con người sống nội tâm của một sự giằng xé giữa thực tại và quá khứ. Một quá khứ của “một thời huy hoàng cỏ xanh. Nếu mai đây không còn nữa. Thì xin hãy giữ nghị lực cho niềm tin những ngày mai sau đó!” (Câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Words Worth người Mỹ)

    Một Vĩnh ngày xưa dáng vẻ thư sinh và đẹp trai với nụ cười khả ái đầy duyên dáng. Vĩnh có một mối tình thơ của cô gái học sau Vĩnh mấy lớp. Cũng hẹn hò, cũng đưa đón. Một mối tình đầu đầy thơ mộng và lãng mạn, đong đưa trên tháng ngày với những bước chân hò hẹn tới bến thiên đường của tuổi thơ ươm nhiều mộng mơ. Nhưng, một thực tại đắng cay lại chợt trở về với Vĩnh một cách phủ phàng. Một thiên đường hoa mộng đã sụp đổ dưới chân của một thực tại đầy cay đắng và bất lực, khiến cho con người Vĩnh sống bơ thờ, hiu hắt trong cuộc sống. Vĩnh lại muốn che giấu điều đó, để sống ung dung tự tại với cuộc sống. Nhưng trên khóe mắt sâu thẳm đã không giấu được nỗi niềm đó.

    Có lẽ, niềm vui của Vĩnh chính là ca đoàn… Vĩnh được các em trọng vọng và thương mến lắm! Đó cũng như niềm an ủi của đời Vĩnh vậy. Mỗi lần thấy Vĩnh chống nạng gập ghềnh trên con đường làng, tôi lại cảm thấy sắt se lòng, với hình bóng đó qua người thương binh “Vết chân tròn” sau thời chiến của nhạc sĩ Trần Tiến: “Vết chân tròn vẫn đi về, trên con đường cát trắng quê tôi. Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ, bài hát quê hương…”.

    Mỗi khi chiều về, ánh nắng tà nhạt nhòa hắt hiu cuối ngày, như đọng lại trên những bóng cây thoi thóp… lại thấy Vĩnh với đôi nạng gỗ cọc cạch trên đường làng… Trên mỗi bước chân nhọc nhằn đó, Vĩnh như gặm nhắm nỗi đau thời chiến, mà không ai thấu hiểu cho riêng mình. Bước chân nhọc nhằn đó, trải dài 26 năm, như một đoạn đường Thánh giá để Vĩnh thánh hóa đời mình tiến đến với Chúa trong ngày cuối đời.

    Vĩnh ơi! Đừng nghĩ thế nhé Vĩnh, vì cả GX đều biết công lao nhọc nhằn của Vĩnh phục vụ ca đoàn gần 26 năm của Vĩnh lắm đó! Có thế, HĐGX mới dành cho Vĩnh một ngôi mộ đặc biệt, cho người có công với GX.

    Còn đâu tháng ngày tươi đẹp nữa Vĩnh nhỉ!! Để bây giờ, Vĩnh nằm xuống trong lòng Đất Mẹ tại Nghĩa trang GX Châu Sơn, mà mọi người vẫn hằng thương cảm cho số phận nghiệt ngã của đời Vĩnh.

    Vĩnh ơi! Còn đâu, Một thời huy hoàng cỏ xanh!!

    Cầu chúc cho Vĩnh tìm thấy “bóng thiên đường cuối trời thênh thang…” (TCS)

    Một người bạn năm xưa lớp 63 – 64 Tiến Đức

    Bình luận

    Bài liên quan

    BÌNH LUẬN

    Vui lòng nhập bình luận của bạn
    Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

    Thông báo

    Chúng tôi vừa nâng cấp phần mềm lõi của website nên lượt xem của một số bài viết có thể hiển thị sai.

    Thời tiết bây giờ tại Châu Sơn

    Buon Ma Thuot
    overcast clouds
    22 ° C
    22 °
    22 °
    86 %
    3.7kmh
    100 %
    T7
    21 °
    CN
    25 °
    T2
    25 °
    T3
    23 °
    T4
    21 °

    Chuyên mục chính

    Bài mới