Đồng tiền vạn năng!!?? Nén bạc đâm toạc tờ giấy!!!

Thế nào là “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”?? Ở đây, nghĩa đen là lấy đồng bạc kim loại (ngày xưa thường đúc bằng đồng hay kẽm) đâm rách toạc tờ giấy là điều không khó. Nghĩa bóng là lấy đồng tiền để mua chuộc: quan quyền, luật pháp, cán cân công lý… thì dù việc gì sai phạm to tát đến mấy, như giết người, cướp của, hiếp dâm…cũng đều có thể thay đen đổi trắng một cách dễ dàng. Bao nhiêu giấy tờ đơn kiến của bên nguyên đơn cũng chẳng nghĩa lý gì…Công lý bị đồng tiền chi phối. Tiền bạc có thể thay đổi bản án luật pháp.

Đến nỗi cụ Nguyễn Khuyến cũng phải than phiền:

Có tiền, việc ấy mà xong nhỉ,
Đời trước làm quan cũng thế a?

Sống trên cõi đời này, dường như ai cũng đều nhận biết được sức mạnh của đồng tiền là biến thiên vạn năng…Đến nỗi người ta đã đặt ra câu vè:

“Tiền là Tiên là Phật,
Là sức bật của tuổi trẻ,
Là sức khỏe của tuổi già,
Là cái đà của danh vọng,
Là cái lọng để che thân,
Là cán cân của công lý,
Đồng tiền là hết ý.”

Đồng tiền được coi trọng như Tiên, như Phật, vì “Chư Phật có phép Thần thông vô biên, muốn gì được nấy!”. Có người đã cho rằng: Tiền là sức bật lò xo, là thước đo của danh vọng: Tiền không phải là tất cả, nhưng không có tiền thì không có tất cả!

Ngay cả tôn giáo, đạo đức thì cũng phải “Có thực mới vực được đạo”. Nghĩa là có cái ăn để sống mới lo được việc đạo đức. Đời sống vật chất được đáp ứng thì chúng ta mới hướng tới đời sống tâm linh.

Thực ra, đồng tiền xấu hay tốt là do ở con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau.

Ngày xưa, người giàu dù dốt nát vẫn biết sử dụng đồng tiền để mua quan tiến chức. Lão già Nghị Hách hiếp dâm Thị Mịch rõ ràng ràng, bên Thị Mịch có thưa kiện quan trên cũng bằng thừa, vì Nghị Hách nhiều tiền đã đút lót quan quyền thì mọi việc đều ổn. Và như thế mới thấy đồng bạc đâm toạc tờ giấy (văn bản thưa kiện) là thế đấy!!

Người xưa đã nhận định: khôn như tiên không tiền cũng dạidại như chó có ló (lúa) vẫn khôn. Người ta đã so ông tiên – ở chốn bồng lai tiên cảnh cao sang, sánh với chó (loại động vật hạ đẳng), vậy mà không có tiền thì tiên vẫn bị cho là dại, mà có tiền thì chó vẫn được xem là khôn. Đủ biết người xưa đã đánh giá rất cao đồng tiền. Vì thế sức hấp dẫn và sự lôi cuốn của đồng tiền rất lớn, đã khiến cho có người liều lĩnh để để chiếm đoạt tài sản của người khác, mà bất chấp luật pháp để giết người cướp của…

Cũng dùng đồng tiền để mưu chước: Có hai anh mang nhau tới cửa quan kiện nhau. Một anh “khôn” hơn tính rằng: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn“, cho nên đã đem năm mươi nén bạc đến mua lấy phần thắng, quan lớn nhận lễ và hứa cho anh ta thắng kiện, nhưng khi xử kiện quan lớn đó đã xử cho người kia thắng kiện, anh thua liền xòe cả bàn tay ra trước mặt quan có ý nhắc: “Tôi đã mua ông với giá năm mươi nén bạc…”. Quan lớn điềm nhiên cười cũng xòe bàn tay ra, nhưng lật lên úp xuống hai lần, rồi điềm nhiên đáp:

– Cái lý của nó nặng hơn anh…

Thì ra anh thắng kiện đã “mua quan” với giá 100 nén bạc…

Người Công giáo chúng ta phải biết sử dụng đồng tiền như thế nào??

Đạo đức Công giáo đã răn dạy: Chớ lấy của người, chớ tham của người, sống công chính, dùng đồng tiền vào việc công đức…Như bà góa nghèo bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12:41-44)

Bản chất của đồng tiền vốn chẳng tốt cũng chẳng xấu, mà là do người sử dụng nó cho mục đích như thế nào. Hãy đừng để bạn biến thành nô lệ của đồng tiền, hãy luôn làm chủ nó. Khi bạn đã biết cách làm chủ và sử dụng đồng tiền bạn sẽ là người có tất cả những gì mình muốn. (Theo nguồn Trí Thức Trẻ)

Đường Thiên Lý

 

 

 

Check Also

Niệm khúc cuối – cho người thầy: Trăm năm trồng người!!!

Chỉ mới hơn một tuần nay, Ban TĐCS đã đến thăm thầy Trần Duy Duyệt. …