Im lặng là vàng, càm ràm là phù mỏ…

Hầu như ngày nào, lối xóm cũng phải nghe vợ chồng ông bà Sáu T… ca cẩm tân cổ giao duyên, có khi còn ấu đả, đấu đá nhau nữa.

Cứ chiều xuống nhá nhem, ông Sáu T…chân cao chân thấp, chếnh choáng hơi men bước vào nhà, là bắt đầu cho những tuồng tích. Ban đầu ông hát nghêu ngao nhạc sến: “Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề …”, đến “Đã lâu rồi đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất… Đêm buồn tỉnh lẻ”… Rồi nốc thêm vài ly nữa thì chuyển tông, chửi đổng hết người này qua ngươi khác. Nhưng rồi vợ con vẫn là nạn nhân sau cùng. Thấy mặt đứa nào là hoạch sách bắt tội đứa đó.

Và cuối cùng là bà Sáu T…vừa đặt gánh xuống là ông lên tiếng ca cẩm: “Mụ đi mô cả ngày mà để chồng con tơi bời tất bật, cơm nước chẳng bận bữa ra sao cả”. Bà Sáu đi bán buôn cả ngày mệt nhọc, về nghe thế, cũng sôi máu lên chòi lại với chồng: “Tui đi mần ăn tối mày tối mặt về nuôi chồng con, chứ đâu nằm chổng mông như cha con ông, đến bữa cơm cũng không lo xong, thì còn làm nên tích sự gì nữa”.

Thế là hai bên đấu võ mồm đôi co nhau, chẳng bên nào chịu nhún nhường. Có hôm đấu khẩu bất phân thắng bại, ông bà bèn “song long hổ đấu” với nhau. Con cái khóc nhao nhác. Hàng xóm thấy tuồng tích này cứ diễn ra như cơm bữa, nên chẳng ai quan tâm đến. Rồi một hôm, ông ném chai rượu trúng lỗ đầu bà, máu me loang lỗ khắp mặt, phải đưa cấp cứu bệnh viện.

Khi tỉnh rượu, ông Sáu T…tỏ ra hối hận lắm! Nhưng rồi chứng nào tật nấy: rượu vào lời ra.

Từ bữa đi bệnh viện về, bà Sáu T…bỗng trầm cảm, chẳng hề nói năng, đối đầu với ông Sáu T…nữa. Ông Sáu chửi bới, la mắng mãi, thấy bà không lên tiếng, thì lửa chẳng có rơm chất thêm, dần dà cũng hạ hoả.

Bẵng đi một thời gian, cả xóm lấy làm lạ: không thấy ông la cà quán rượu và không thấy chửi mắng bà nữa. Mỗi tối ông chỉ uống vài ly con rượu trước bữa cơm mà thôi. Hỏi ra mới biết, là từ ngày bà Sáu T… im hơi lặng tiếng và chẳng bao giờ đối đầu với ông, khiến ông Sáu T…cũng đâm ra kiêng nể bà. Bà chỉ nói với ông những điều cần thiết, ngắn gọn, và lời nói đã hiệu ứng trong cuộc sống hơn.

Có người cho biết, từ độ xẩy ra chuyện ẩu đả, mỗi chiều đi chợ về, bà ghé vào nhà thờ để cầu nguyện Chúa và Mẹ Maria: Xin cho con được ơn nhẫn nhịn trong cuộc sống. Xin cho chồng con bớt bê tha rượu chè, để tu tâm dưỡng trí thành một con người có nhân cách hơn trong gia đình.

Dần dà cảnh gia đình êm vui và đầm ấm hơn lên, bà mới tâm tình với ông: “Đàn ông ai chẳng uống rượu, nhưng bố nó uống quá chén, nhiều đêm vật vả, nôn thốc, thì có hại cho sức khoẻ lắm! Tôi cũng rất hiểu cho bố nó, tuổi già sức yếu không làm được việc gì nữa, thì ở nhà trông coi chăm chút cơm nước cho con cái và thúc dục con cái học hành; vì dầu gì đi nữa, ông cũng là gia trưởng trong nhà, phải biết sống sao cho xứng bậc mình, thì nói con cái nó mới nghe chứ!”.

Dần dà, nhờ sự nhẫn nhịn của người vợ, và những lời nói chân tình, đã khiến ông nhận ra cái sai trái của mình và đồng thời cũng nhận ra: tự mình đã đánh mất cái quyền làm người gia trưởng lâu lắm rồi!

thơ về gia đình

Người đàn ông dù nóng nảy và hung hãn đến mấy, cũng đều ngán ngẫm và kiêng nể cái sự im lặng nhục nhằn của người phụ nữ. Nếu cứ đôi co ăn thua đủ với chồng, chẳng những không hạ hoả được cái đầu nóng, mà còn làm họ gay gắt và nóng nảy hơn lên, chẳng khác nào đổ thêm dầu vào lửa, thì tai hoạ sẽ rất khôn lường. Đúng là im lặng là vàng, càm ràm là phù mỏ…

Thế mới biết cái vũ khí “im lặng là vàng” của người phụ nữ lợi hại như thế nào! Chẳng thế mà cánh mày râu đã có câu vè nằm lòng: “Ra ngoài sợ nhất công nông, về nhà sợ vợ buồn không nói gì”.

Mỗi người phụ nữ, nếu biết tận dụng lợi thế: Nhu thắng cương của phái yếu, thì bao giông tố, dâu bể sẽ tan biến để gia đình luôn được đầm ấm yêu thương.

Ba Bàu tui

Check Also

THĂM THẦY GIÁO CŨ

Hôm qua, ngày 01/09,như thường lệ mỗi đầu tháng, ACE trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn …