– Sao bữa này bảnh vậy ta! Đi uống nước mới mà diện áo quần tươm tất như đi đám tiệc vậy!
– Bữa này dự tiệc cưới, mặc cho sẵn rồi đi tiệc cưới luôn cho tiện.
Lúc này, chủ đề tiệc cưới mới bắt đầu rôm rã lên.
– Mấy tuần này, lịch đám cưới dày đặc, nghe nói đến đám cưới là thấy ớn luôn.
– Được đi ăn uống mâm cao cỗ đầy, sao lại bảo là ớn!
(Hình ảnh minh họa)
– Chả ngán ngẫm là gì: Sáng lễ cưới về làm một chầu, trưa mổ heo tiết canh lòng lợn nhậu tuý luý…Tối mới là bữa cơm chính làm giúp, hoành tráng hơn với vài chục mâm, nhậu xả ga một tăng nữa thì ngày mai vào đám cưới, sức đếch mô mà ăn uống cho nổi nữa trời!!
– Mấy cái thiệp cưới mà la làng lên rứa!
– Chưa hết mùa mà nhà nhận mon men 40 cái chứ ít đâu. Mất toi cả chục chai đi đong! Rồi còn đám cưới của con cháu ruột thịt thì phải phụ thu mấy xị nữa…Tính hết mùa cưới cũng mất đi ¼ tấn cà phê là cái chắc.
– Mà không hiểu răng, nhà nớ tui có mời bao giờ đâu, bỗng dưng lại mời tui mới lạ chứ!
– Thì phải có quan hệ bạn bè gì đó người ta mới mời chứ!
– Có đâu. Hôm trước ngồi ăn nhậu, uống vài ly với nhau rồi bây giờ mời, quá ngán.
– Chưa bằng tui, bữa hôm chạy xe máy qua, vẫy tay, cười với nhau một cái, bây giờ dính cái thiệp cưới mới oan chứ!
– Rẫy nương thì cách xa cả cây số, chứ đâu có cận lân, rồi cũng mời như bạn rẫy!!
Nhiều khi cầm cái thiếp, thật không hiểu vì sao mình lại bị mời. Suy nghĩ mãi mới ra: thông gia của thông gia…hết biết. Có khi trong một ngày 3 cái thiếp, không biết xử lý ra sao đây?
Rồi còn phải tiền đi mừng nữa chứ! Tiền chứ đâu phải lá mít mà muốn đi là được. Đi mừng một lúc cả 3 thì méo mặt cháy túi. Mà không đi thì khó coi, lòng áy náy. Khi gặp nhau cũng thấy thẹn lòng… Quả là tiến thoái lưỡng nan.
Bà con ta ơi! Lúc này suy thoái kinh tế cả toàn cầu chứ không riêng Châu Sơn ta đâu. Thử hỏi nguồn thu nhập cà phê và tiêu của dân ta có còn bao nhiêu nữa đâu?? Hãy nhìn thực tế: cái ăn, cái tiêu pha lúc này của nhà làng là đã rất khó khăn rồi, nói chi đến chuyện đám tiệc!!
Đành rằng bây giờ bà con họ hàng đông, quan hệ xã hội rộng rãi thì bàn tiệc phình ra lên đến cả 100 bàn. Thực ra, trong số 100 đó, có đến 20 mâm bàn thuộc diện vơ vét mời tào lao vô căn cớ. Hiện nay, GX chúng ta đang có phong trào: “chạy đua vũ trang, leo thang mâm bàn”, mời cho thật nhiều bàn tiệc, để phô trương: gia đình cánh họ choa chẳng thua thằng tây mô.
– Như nhà nớ…bà con nội ngoại có một nhúm, lấy đâu mà mời lên đến 70 mâm!!
– Rứa mới bị dư 20 mâm đó!
– Đáng đời chưa!!!
Lúc này, đám cưới thừa 10 đến 15 mâm là chuyện bình thường. Tính ra cũng mất toi đi một số tiền vài chục triệu. Tiền làm đã không ra, mà tự mình mời huếnh hoáng, làm thâm thủng mấy chục triệu thì có đau không chứ!
Tuy nhiên, cũng có người rất hiểu đời để biết đắn đo khi đặt bút mời và đến thông cảm:
– Lẽ ra em mời bác là rất đúng, nhưng thấy kỳ này bác lu bu lắm đám quá, nên em tinh giản cho bác nhẹ gánh.
– Chú nghĩ được cho bác như vậy, thì cũng xin cám ơn chú.
Thiết tưởng, mỗi người chủ hôn nên có ý thức khi đặt bút mời nhau. Thiếp mời là một niềm vinh dự gửi đến cho người được mời, đừng để thiếp mời là gánh nặng, là áp lực cho “người được mời” thành “người bị mời”.
Thực ra, đây cũng chỉ là nợ đồng lần, nay anh mai tôi mà thôi. Đừng tự làm khó nhau, mà khổ cho cả hai. Dễ người dễ ta, sau khỏi làm khổ nhau.
Xin hãy đo đắn để “tinh giản biên chế khách mời” mâm bàn cho gọn nhẹ, để tâm lý khách mời cảm thấy vui mừng, vì vinh dự khi được mời.