Karaoke ơi! Inh ỏi khắp xứ ta mấy ngày tết…
tienducchauson
13/02/2022
Diễn Đàn Bạn Đọc
470 Views
Mấy ngày tết này, đi đâu, khi nào cũng nghe inh ỏi hát karaoke xập xình rạo làng rạo xóm, bảo sao mà xuân lại không vui được cơ chứ!!??
Được “thoát xác” sau một năm cấm cố, ngồi tù rạc trong nhà do con mệ Covid nó hoành hành khắp đất nước, bảo sao khi được bung ra, mở toang cửa, người dân lại không vui cho được…
Nhưng vui thì cũng vui vừa vừa thôi chứ! Nhà bên này hát xọ sang nhà bên kia, sau lưng hát vọng ra nhà trước…Thôi thì hát búa xua, làm đinh tai nhức óc…điên cả cái đầu làng xóm.
Trước kia, thông thường là phải sau một bữa nhậu hay tiệc vui ban trưa hoặc ban chiều tối mới hát. Bây giờ thì không kể sáng trưa chiều tối…Khi nào có tụ tập đông vui, thích là hát…
Tưởng, chúng ta cũng thử nhìn lại, văn hóa giải trí hát Karaoke bắt nguồn từ đâu mà được thịnh hành trên thế giới như vậy??
Văn hóa giải trí hát Karaoke bắt nguồn từ Nhật Bản từ những năm 1984. Từ Karaoke được ghép bởi hai từ “kara”(trống rỗng) và “oke” (dàn nhạc), có nghĩa là hát không có dàn nhạc sống trình diễn. Chỉ có nhạc beat đệm trong băng đĩa kèm theo lời bài hát trên màn hình để dẫn dắt người hát theo mà không sợ bị lỗi phách nhịp trống đàn.
Hát Karaoke là một trong những hoạt động văn hóa giải trí quen thuộc trong xã hội chúng ta ngày nay. Sau những ngày lao động vất vả, cùng nhau năm ba người ngồi uống mấy vại bia, sướng trong người rồi hát Karaoke.
Ngày nay Karaoke rất phổ biến để cả gia đình hay bạn bè tụ tập sau những bữa tiệc mừng sinh nhật, kỷ niệm…
Trước đây, hát Karaoke là một trò chơi xa xỉ…vì các gia đình chưa sắm nổi một dàn Karaoke gồm: âm ly, mic, loa thùng…nên thường ra các quán hay nhà hàng Karaoke…xem ra nặng túi tiền và rất dễ bị tai tiếng. Ví như thuật ngữ: “hát có tay vịn” em út,: “Hát mỏi tay” chứ không mỏi miệng, mới là lạ chứ!! Rồi vào thời kỳ dịch Sars có thêm thuật ngữ H1R5 (hát một rờ năm). Đây cũng là dịch vụ trá hình cho gái làng chơi và gái gọi hẹn hò khách hàng rất thuận lợi.
Đến những năm 2015 trở đi…thì việc hát Karaoke đơn giản hơn ngày trước nhiều. Chỉ cần một loa kéo có giá từ 4 đến 10 triệu và với smart phôn cá nhân thì có thể hát Karaoke xập xình cả ngày mà không thua kém quán Karaoke là mấy.
Thế là các nhà hàng Karaoke dần dẹp tiệm…để nhường chỗ cho hát Karaoke gia đình… vừa gọn gàng, tiện lợi vừa đỡ hao tài lại vừa ấm cúng và tránh được tệ nạn gái gú…thuốc lắc và ma túy Vì thế mà hát Karaoke nhao xóm nhao làng là thế đấy!
Văn hóa giải trí hát Karaoke vui làng vui xóm thì rất là lành mạnh. Nhưng cái gì cũng thế, hát vừa nghe thì hay, hát quá to và qúa lâu thì mất hay. Chẳng những mất hay mà còn như tra tấn xóm làng. Vì thế, mỗi nhà hát Karaoke nên vặn volum vừa đủ nghe thôi, đừng hát trong nhà, chỉa loa sang hàng xóm rồi thét gào cả ngày thì cơ quan nào chịu cho nổi!!!
Rồi cũng phải chọn thời điểm mà hát Karaoke cho thích hợp. Ví như giữa trưa trời nắng oi bức mà đưa loa ra hát Karaoke thì khác gì tra tấn xóm làng kia chứ!!?? Tội nhất là những người xem Thánh lễ online ban tối…hát Karaoke nhao tàu như thế thì làm sao mà cầm lòng cầm trí cho nổi. Bên này thì “con biết bây giờ mẹ chờ em trông”…Bên kia thì “xuân đã về, xuân đã về…”. Hát bát nháo lên, rồi chính Chúa cũng không biết nghe lời nào đây??
Khổ nhất là nhà có đám tang, những nhà kề cạnh thì chắc là không dám mở hát Karaoke rồi, nhưng những nhà ở phía sau lưng thì cứ vô tâm để hát Karaoke xập xình thoải mái vô tội vạ. Nếu người chết ngồi dậy được thì, có lẽ sẽ nói: Khi sống tao đã khổ nhiều rồi, bây giờ tao chết, bây cũng không cho tao nằm yên là sao???
Hát Karaoke là văn hóa giải trí nhằm tạo niềm vui và hưng phấn với nhau cho thêm yêu đời cũng là điều tốt thôi. Nhưng là niềm vui cho mình lại chính là gây phiền thoái khó chịu cho kẻ khác thì có nên chăng???
Vậy thì muốn để niềm vui trọn vẹn cả nhà hát Karaoke và cả hàng xóm, tưởng khi vui nên tiết độ lại, hát vừa đủ vui, và chọn những thời điểm thích hợp cho cả nhà mình và hàng xóm.
Đó cũng chính là cách thể hiện đức ái, yêu thương nhau của người Kitô hữu chúng ta.
Châu Sơn choa