Chuyện của lớp tôi ngày ấy! Cô Trần Thị Thư và cô Phạm Thị Bích Nguyệt

Tôi đưa “chuyện lớp tôi ngày ấy” để minh họa cho những sinh hoạt vui chơi tuổi thơ, ngày hai buổi cắp sách đến trường của thế hệ di cư vào Nam đi học. Sau nữa là để phần nào vẽ lên đôi nét chân dung của các thầy cô và những cách dạy dỗ con em ngày xưa thời mới lập trại. Lớp Mẫu giáo cho đến lớp Nhất – hệ thống giáo dục của Pháp, ngày nay là lớp Mẫu giáo đến lớp 5.

Tiếng là học với nhau từ lớp Mẫu giáo – cô Thư dạy, nhưng phải lên đến lớp Tư – lớp thầy Duyệt, chúng tôi mới có đôi chút khái niệm về tình bạn, để kết thân với nhau. Nhưng dù sao, ký ức trong tôi vẫn còn đọng lại hình ảnh mái trường thân yêu ngày đó – mái trường được định vị ở góc cổng Tây khuôn viên Thánh đường bây giờ, với mái nhà tôn cũ kỹ đánh lẹp lẹp mỗi khi gió đưa cành lá của cây Săng lẻ (bằng lăng) ngã bóng ôm ấp lấy mái trường. Vách ván thô sơ màu xám xịt, với nền lán xi măng màu xanh ố vàng đã có đôi chỗ loang lỗ. Nắng mai rộn rã, chiếu rọi qua khe ván những tia nắng vàng, óng ánh sắc màu lung linh trên bàn ghế, làm cho buổi mai hôm ấy thêm chút ấm áp.

Ngày đó, chúng tôi còn nhỏ dại lắm, chưa biết chi, để không thể cảm nhận được cảnh vật, mây trời lãng mạn như nhà văn Thanh Tịnh tả trong “Tôi đi học” với áng văn đẹp và bất hủ: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và đầy gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm cầm tay tôi trên con đường làng dài và hẹp…”.

Bây giờ nhớ lại buổi mai hôm ấy, chúng tôi vào lớp học với những bước chân rụt rè, ngại ngần và lạ lẫm như cô dâu mới về nhà chồng vậy. Có đứa nhớ nhà khóc đòi về. Có những đứa ngô nghê với khuôn mặt thò lò mũi xanh, quẹt ngang. Có đứa không dám xin cô ra ngoài, ủn cả trong quần. Nhưng cũng có đứa táo tợn giật quà bánh của đứa khác, khiến đuổi nhau chí choé.

So với thời bây giờ, lúc đó chúng tôi lớn hơn tuổi đi học chừng vài tuổi, nhưng bọn tôi còn ngây ngô, và vô tư hơn lớp trẻ con bây giờ nhiều. Những bài đọc ê a ngượng ngọng đánh vần a, b, c lốp đốp như ngô nổ. Những nét chữ viết bút chì đầu tiên nguệch ngoạch trên tập vở, như dấu chân gà bươi, không làm nản lòng cô giáo, khi phải cầm tay uốn nắn cho từng đứa một. Cô Thư, nhỏ người xinh xắn trong chiếc áo dài thướt tha, với một bên bờ tóc chải vồng lên, làm dáng cô thêm cao.

Kỷ niệm ngày đầu đi học, là tôi bị một quả đấm sưng vù mặt, vì tranh nhau xếp hàng vào lớp với một thằng to con nào đó, mà về sau tôi cũng không còn nhớ tên. Ở lớp này, tôi chỉ nhớ thằng Đ… ở gần nhà, nó nói ngọng:  con voi đọc là on om, thưa thầy đọc là ưa ầy…     Hình ảnh Minh họa

Lên lớp Năm – lớp Cô Tân – Phạm Thị Bích Nguyệt. Chúng tôi đã dần quen biết nhau và kết bạn thành từng nhóm, túm tụm nhau chơi đá kiện, bắn bi lỗ, bi vòng, theo kiểu Huế, Sài gòn. Còn con gái thì chơi ô quan, hất địu, u mọi, nhảy dây…

Cô Tân dáng người cao, đẫy đà. Mái tóc cúp ngắn rất phù hợp với những mốt áo dài bà Nhu – hở ngực, rất thời thượng, càng tôn cái dáng tân thời của một cô giáo thành thị hơn là thôn quê. Nếu cô Thư nhẹ nhàng, tuỳ luỵ và luôn tươi cười với học sinh thì, cô Tân có phần nghiêm nghị hơn.

Dạy được một thời gian, cô Tân cùng gia đình chuyển ra Thị xã, nên sau thầy Hoa dạy thay. Thầy Hoa sau đi lính thì thầy Tấn (anh của thầy Hoa) phải dạy thế.

Thầy Hoa dáng người phong độ với mái tóc Birăngtin chải mượt mà. Dù là nam giới dạy lớp nhỏ, nhưng thầy rất nhẹ nhàng các em. Ở lớp này, chúng tôi đã đọc các bài đọc khá trôi chảy và chữ viết ngay lối thẳng hàng rồi. Những phép toán cộng trừ, tính nhẩm cũng đã thông thạo. Kỷ niệm của tôi về lớp học đó, là chiếc áo trắng tinh mới mua, lần đầu mặc đã bị loang lỗ mực tím dây bẩn, khi đứa bạn ở bàn sau vô ý, làm đổ.

Một thành viên lớp Nhất 64 – 65

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …