Người ta thường nói, tuổi già là tuổi của hoài niệm, tuổi của mong muốn gợi nhớ kỷ niệm một thời xa xưa…
Và hai ông bạn già đi thăm một ông bạn già khác, nhân ngày Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, xem ra cũng thật tốt đạo đẹp đời phải không các bạn.
Nhớ ngày đó sau 75, ngày tan đàn sẻ nghé của miền Nam VN…Tất cả mọi người con dân Châu Sơn đủ mọi thành phần dù ở nơi xa cũng đều quy hồi cố hương về GX Châu Sơn để họp đàn đông vui trong nỗi lo sợ của thời hậu chiến.
Ngày đó, nhà tôi – một mái tôn, vách ván, nền đất ẩm thấp vào mùa mưa. Nhưng nơi đó được xem như “Chiến khu Đ” để các chiến hữu tìm về nương náu với những trò vui chơi tiêu khiển cho qua ngày đoạn tháng thời hậu chiến.
Bộ tứ chúng tôi gồm Khánh, Hùng, Linh, Kính…Tối thứ 7 và ngày Chủ nhật nào cũng quy tụ về đây mở hội, chơi bài tiến lên, bài phỏm, cờ triệu phú…vui đáo để. Sát phạt nhau từng điếu thuốc hay từng vệt nhọ nồi bôi đầy mặt, trông mà cười vỡ bụng…
“Cuộc vui ngắn chẳng tày gang…”. Rồi như cánh chim, mỗi người mỗi ngã, xông trận vào cái nợ cơm áo gạo tiền với biết bao muôn vàn khó khăn và nhục nhằn của thời hậu chiến.
Sau rốt, mấy năm rồi các chiến hữu cũng yên bề gia thất vợ con đầm ấm yên vui…
Duy chỉ có một người mãi đi tìm lý tưởng cho đời mình mà phải đong đầy biết bao long đong lận đận, bao truân chuyên…mãi sau mới tìm được bến mơ.
Nhớ lại ngày đó…Có một chàng trai hai mươi lẻ có thừa. Đã từng một thời đi tu chủng viện Kontum…Thời hậu chiến, Chủng viện tan hàng, thế là chàng trai đó, bỗng chơi vơi giữa dòng đời thời cuộc.
Và “thế sự thăng trầm quân mặc vấn”. Rồi chàng trai ấy cũng phải bơi lội giữa dòng đời trôi để “hà hồi phân giải”.
Sau 75 nhà nước kiểm soát rất gắt gao về hàng nông sản: cà phê…Nhưng càng cấm thì đi buôn trót lọt lại càng lắm lời. Bước đầu chàng trai đã đi buôn cà phê…Chỉ cần trót lọt 10 Kg cà phê từ Ban mê về Sài Gòn là đủ trang trại chi phí và bỏ túi vài trăm đồng khỏe re như bò kéo xe…Nhưng đi mãi chường mắt ra, đi đêm lắm có ngày cũng gặp ma. Mà rủi thay, người trạm gác thuế vụ bắt hàng buôn lậu lại là ông bố của chàng trai, thế mới oan gia ngõ hẹp chứ!?? Nghe chuyện kể, ai cũng khen cha chàng là người công tư phân minh.
Nhưng rồi khốn khổ cho chàng trai phải bỏ nghề đi buôn về làm rẫy. Trồng mía ở Buôn Ali B…cũng cơ cực lắm, sáng 4 giờ xe bò lọc cọc chở mía ra chợ bán trong gió rét mùa đông. Rồi cũng bôn ba lên làm ruộng ở Trung Hòa, tay lấm chân bùn mất mấy mùa…Sau đi làm cho xưởng giấy nhà nước, xem ra “việc tìm đường cứu nước” cũng còn xa vời. Phong trào trồng tiêu ở Châu Sơn lúc đó rộ lên. Chàng trai ốm yếu như que củi cũng theo bà con đi tìm cọc lọi ở bãi mì cầu 5. Vác trên vai những cọc lọi nặng hàng tạ chứ phải chơi đâu. Xem ra, phải đong đầy bao mồ hôi nước mắt nhọc nhằn vất vả trăm chiều. Bỏ nhà nông về Sài Gòn chường mặt ra, đi bán quần áo dạo lề đường ở chợ trời Sài Gòn…
Thời gian thấm thoát trôi qua…Người nhà lo lắng cho chàng trai ấy, cuộc tìm kiếm lý tưởng chẳng thấy gì sáng sủa, mà tuổi ngày càng chồng chất. Sau đó, người nhà giới thiệu cho chàng một cô nàng ở Trung Hòa. Sau khi xem mắt về, hỏi con có ưng không? Chàng trai bảo con vẫn muốn đi tu.
Khốn khổ đời cho chàng trai ấy. Đi tu Chủng viện Kon Tum không xong, sau xuất ra, đi tu dòng Phancicô, phải sống chung với lũ, được làm xếp bọn du đảng Cầu Muối…Cuối cùng cũng bị xuất ra bởi một lý do hết sức ngớ ngẩn, vì trong bài trắc nghiệm: “đi tu rồi, con có chịu bỏ thuốc lá không?”. Chàng trai ấy thưa, con chẳng bỏ. Thế là phải khăn gói rời cõi tu. Chàng trai ấy lý luận: Nếu đó là điều kiện tiên quyết chọn giữa đi tu và bỏ thuốc, thì con sẽ bỏ.
Thế là bến bờ của cõi tu lại xa vời…Tìm về Giáo phận BMT cũng trục trặc và không ổn. Gia đình dời cư về căn cứ 3 trên đường quốc lộ 1 A về Sài Gòn. Sau rốt, cũng tìm được bến đỗ đi tu ở GP Xuân Lộc…Về giúp giáo xứ căn cứ 3. Vì thời cuộc khó khăn, mà phải 15 năm trong vai trò một ông thầy giúp xứ, nhưng phải đảm nhiệm vai trò phụng vụ của một cha xứ, mà không có tiền xin lễ bỗng lộc của giáo dân…
Bạn bè và người thân phải ái ngại cho ngài: Gớm sao mà Chúa khéo vẽ đường thẳng bằng những đường cong ngoằn ngèo lắt léo cho cuộc đời ngài truân chuyên đến thế!??
Ngày ngài lên bàn Thánh hiến tế đời mình cho Chúa, tuổi đời cũng đã trên 40 có thừa. Nhưng cái câu khẩu hiệu linh đạo của ngài chọn không chê vào đâu được: “Không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được”. Quả thế, ngài đã đến với thiên chức linh mục bằng “những đau khổ lớn lao” mà không bút sách nào có thể tả hết những dâu bể đời ngài. Ngài suýt bị đánh mất thiên chức bởi một cuộc hôn phối gán ghép.
Ngày ngài về GX Vinh Hòa dâng Thánh lễ tạ ơn, Ngài có xin phép cô nàng – mà ngày trước xem mắt, được đưa vào bài giảng của ngài, và cô ấy đồng ý. Lúc này thì cô nàng cũng đã mấy con với một chồng rồi. Đây quả là một cuộc hội ngộ đầy lý thú!!!
Đó là linh mục Thomas Aquino Trần Duy Linh nhà ta đấy!!!
Tôi tuy là lớp đàn em, nhưng chơi với ngài rất thân thiết. Ngày ngài thụ phong Linh mục tôi suýt bật khóc, vì quá cảm động cho một cái kết cục tuyệt đẹp sau những gian nan nhục nhằn như thế!! Gặp bạn bè ngài cười tươi: ngươi ta đi đường ngắn, Chúa cho mình đi đường dài truân chuyên, kết cục vẫn về được bến mơ để có được nhiều trải nghiệm đường đời mà sống với giáo dân cho gần gũi và thực tế, thì còn gì tuyệt vời hơn được nữa chứ!
Ở GP Xuân Lộc, ngài quản xứ ở mãi miền đồi núi gần Bảo Lộc mấy năm trời. Ở đó ngài khuyến khích người dân tộc trồng cây lâu năm: Xoài, mít, sầu riêng…cà phê. Ngài thuê người khoan giếng để bà con có nguồn nước mà tưới tắm cây trồng.
Sau rồi ngài cũng mãn nguyện khi “Châu về hợp phố” với giáo phận Mẹ Kon Tum. Rồi ngài lại dấn thân làm quản xứ GX Lệ Chí, 15 năm trời. Một GX có địa bàn rộng của 3 xã với các giáo họ và giáo điểm thôn buôn ở cách xa nhau. Ngày Chúa nhật phải luân phiên làm 7 thánh lễ cũng mệt đừ người rồi. Cũng may, ông cậu đàng Mẹ, trước khi chết đã cho ngài chiếc xe hơi, hơi bị cà rịch cà tàng để cha đi lại mục vụ. Thôi thì méo mó có còn hơn không vậy.
Lúc này cha đã về GX Đức Hưng, nằm trên tỉnh lộ đường vào huyện Đức Cơ…
Vừa xuống xe bước vào cổng nhà thờ, ngài đã ra đón, tay bắt mặt mừng với nụ cười xởi lởi thân thương. Ngôi nhà thờ khá cổ kính xây dựng năm 1959 trông bề thế lắm. GX chỉ khoảng 1.500 giáo dân, là giáo dân góp tứ xứ đến. Mỗi tuần cha phải đi dâng lễ ở giáo buôn có khoảng 50 người và giáo điểm xóm cùi chỉ có vài chục người. Xem ra cha cũng rất tận tụy với giáo dân, và được giáo dân luôn thương mến.
Lúc này, trông ngài dòn giã hơn, nên dù ở tuổi 70 nhưng trông vẫn thư sinh như ngày nào. Vẫn cái cặp kiếng cận muôn thuở, và khuôn mặt hiền hòa và có nụ cười hóm hỉnh trông dễ mến chi lạ!!
Ba chúng tôi gặp nhau như cá gặp nước, chuyện trò rôm rã suốt mấy ngày đêm…Bao nhiêu kỷ niệm thửa xưa chợt tràn về, tháo tung cái ký ức cùn mằn tuổi già để câu chuyện cứ liên tu bất tận… Chúng tôi thân tình lắm, nên gọi cha bằng anh em.
Rồi bao nhiêu thắc mắc chuyện đời thường, chuyện tín lý tôn giáo…bao nhiêu khúc mắc đều được cha giải mã một cách thấu tình đạt lý.
Ngày trước khi ra về, cha chở anh em chúng tôi đi tham quan biển Hồ, thăm nhà thờ gỗ GP Kon Tum, thăm Tiểu chủng viện…Đi thăm Đức Mẹ Măng Đen. Và nhất là nhà truyền thống của giáo xứ, là một phòng trưng bày nông cụ, nhạc cụ, đồ cổ, tượng điêu khắc của người dân tộc…Và rất nhiều tư liệu lịch sử giá trị…
Chúng tôi chia tay nhau trong sự tiếc nuối và hứa lần sau, cha chuyển xứ sẽ đi thăm cha lại lần nữa.
Xin cám ơn cha đã cho chúng con cuộc thăm thú và dạo chơi đầy thú vị và hết sức ngoạn mục.
Xin Chúa ban cho cha sức khỏe dồi dào để cha phục vụ con dân Chúa một cách trọn lành.
Xin chào và hẹn gặp lại…
Nguyễn Văn Kính – Một người bạn chí thân của cha