NHỮNG TRÒ CHƠI TUỔI THƠ ĐÃ MAI MỘT.

Mới đây, trên trang TIẾN ĐỨC Châu Sơn đăng bài viết MỘT THẾ HỆ ĐÃ VÀ ĐANG DẦN BIẾN MẤT, sưu tầm của một tác giả (inconnue) nào đó? Bài này,  đại ý phàn nàn về thế hệ trẻ ngày nay đang tận hưởng phủ phê công nghệ truyền thông nào là mạng internet, nào là máy tính, nào là trò chơi games, trò chơi play stations… mà dần dần quên đi những nét văn hóa truyền thống hay những trò chơi của tuổi thơ đã một thời vang bóng và cảm thấy thế hệ từ năm 1985 về trước đang DẦN BIẾN MẤT.

Tôi, rất like về những điều tác giả đã nêu trong bài viết đó, nhưng ở đây, tôi muốn cho thế hệ trẻ tiếp cận những trò chơi ngày xưa các bậc cha ông đã “ sáng tác” trong điều kiện sống tối thiểu của mình.

Vâng, tôi muốn đề cập đến những trò chơi tuổi thơ đã thất truyền, đã mai một mà thế hệ ông bà, tổ tiên đã một thời gắn bó. Phái Nam thì có: đánh đáo, chơi khăng, chơi bắn bi hay chơi HỤ  …còn phe Nữ chơi ô quan, chơi ù mọi, chơi nhảy giây, chơi lò cò…

Tất cả các trò chơi đó đều lành mạnh đậm chất giải trí trong sáng của tuổi thơ. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn dừng lại ở trò chơi gọi là chơi HỤ vì trò chơi này tương đối trong sáng nhất và ẩn chứa tính nghệ thuật khi chơi cũng như khi tạo hình.

Trò chơi này, có nhiều cách gọi tùy theo  từng vùng miền. Miền Bắc thì gọi là chơi đánh cù, con quay. Miền Nam thì gọi là Bông Vụ. Còn miền Trung lại gọi là chơi Vụ. Ở Châu Sơn ta cũng đã có hai cách gọi. Thọ Ninh – Yên Phú – Kẻ Tùng gọi là chơi HỤ. Còn Đông Tràng thì gọi chơi GỤ. Cuối cùng thống nhất với nhau là chơi HỤ, cho dù tên gọi này có vẻ thô thiển (Thiểu số phải phục tùng đa số mà, dù rằng từ GỤ vẫn dễ nghe hơn). Vậy đó, mới có mỗi tên gọi thôi mà đã thấy nhiêu khê và gây ấn tượng rồi.

Con HỤ thường có đường kính bề ngang chừng 4 – 5 cm và chiều đứng 9 – 10 cm. Có anh muốn chơi trội đẽo những cái HỤ thật to nhưng chẳng phải như vậy là ưu thế đâu, càng to nó càng cồng kềnh khó thao tác. Cho nên mới có câu “ to trôốc, môốc trọ” là vậy.

Chất liệu để đẽo HỤ là các nhánh cây  nhỏ tròn, nhưng không phải đụng cây gì cũng đem về đẽo cả đâu. Các HỤ Thủ trước khi đẽo HỤ thường chọn lựa rất kỹ càng chất liệu, bởi mỗi loại cây đều có nét đặc thù riêng. Có cây thì cho ra thành phẩm cứng như đá, có cây lại rất nghít , có loại phát ra tiếng vi vu rất êm tai. Bởi vậy, dân trong nghề lập ngôn : “Nhất hụ si, nhì hụ da, tam ba hụ ổi, trỗi hụ mưng, trưng hụ nhạn…”.

Để đẽo một chiếc HỤ bình thường, có lẽ ai cũng làm được nhưng đẽo một cái HỤ đẹp khiến mọi người trầm trồ thì phải cần những HỤ thủ khéo tay. Nghiệm lại, thời thịnh hành của trò Chơi HỤ ở xứ ta, chỉ có hai ông Nguyễn Quang Thịnh và Đậu Quang Hảo là khéo tay hơn cả, chỉ tiếc rằng hai ông đều đã quy Thiên nên thất truyền.

Sau đây, xin phác tả một vài nét đan thanh về chiếc HỤ, mong các bạn tưởng tượng tiếp nhé. Một chiếc HỤ gồm ba phần cơ bản: Mào – Thân – Chân. Nguyên tắc phần Mào thì nhọn ; phần thân tròn ; còn phần chân ngắn  nhỏ gấp 3 hay 4 lần phần thân, rồi vì nhu cầu thi đấu nên phần chân biến thể thành một chiếc đinh 7- 8. Đại khái là thế nhưng với các HỤ thủ lão luyện họ trau chuốt chiếc HỤ rất công phu, trên Mào họ phết mực tím, đôi khi họ còn bôi sáp cho trơn để khi bị trọi (chọi) nó sẽ trượt. Để khởi động cho chiếc HỤ quay, cần phải có một sợi dây quấn quanh thân HỤ trước khi thao tác.

Bây giờ, mời các bạn hãy quan sát cuộc chơi gồm năm tay nhé. Trước hết hãy vẽ một vòng  đường kính chừng 60cm giữa sân. Và tất cả đều sẵn sàng vào cuộc. Một tay hô to: Tùng một, tùng hai, tùng ba ra hụ. Thế là cả năm tay đều ném HỤ ra. Mọi con HỤ đều quay tít gọi là nghít kim, tuy nhiên chỉ có HỤ nào ngã sau cùng là thắng còn bốn tay kia đều phải giam HỤ vào vòng tròn đã vẽ. Nếu Fair-play thì người thắng  sẽ lần lượt cứu các bạn ra. Rồi mỗi người sẽ lần lượt cứu nhau ra hết và sẽ tiếp tục ván khác. Nhưng đâu phải ai cũng thích chơi đẹp. Và sẽ có một tay xấu số bị làm con mồi giam mãi đến phát khóc….vì bốn tay kia làm thịt HỤ của mình không thương xót bằng những chiếc đinh đã mài nhọn hoắt. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp một trong bốn tay kia sơ sẩy như đinh cắm vào HỤ mồi ngã chỏng gọng hoặc lộn dây thế nào đó khiến HỤ ù mào (quay lộn ngược). Thế là tay bị giam thế chỗ cho ông bạn xấu số. Và đòn thù được trả đầy đủ.

Vậy đó, trò chơi này là một trò chơi…trời cho rất lành mạnh, trong sáng ẩn chứa trong đó một chút trí tuệ, một chút nghệ thuật. Thế mà đã thất truyền, đã mai một theo thời gian. Tôi nhớ, khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, ở Châu Sơn ta, trò chơi này đã lùi dần vào bóng tối của ký ức. Tiếc thật !!!

NVT

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …