NGẮM NGUYỆN MÙA CHAY

Mùa chay bắt đầu từ thứ tư Lễ Tro cho đến thứ năm Tuần Thánh. Quãng thời gian này là 40 ngày. Đối với người theo đạo Công Giáo và những đạo-phiên-chế-ăn- theo thì Mùa Chay là mùa cầu nguyện, để sám hối, ăn năn tội lỗi và từ bỏ chính mình, cũng như hạn chế những thú vui.

Thời gian 40 ngày này,tượng trưng cho 40 ngày Đức Giêsu đi vào hoang địa, nhịn ăn và chịu ma quỷ cám dỗ về ba phương diện của cuộc sống: lòng khao khát đời sống xác thịt, mong muốn quyền lực và lòng kiêu ngạo.

Cho nên Mùa chay là mùa có nhiều nghi lễ và hình thức để Giáo Hội tưởng niệm lại quãng đời trước những ngày Chúa GiêSu chịu chết. Rộn ràng và linh hoạt nhất trong đó là những phiên ngắm nguyện về cuộc đời Chúa GiêSu như ngắm MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ, NĂM DẤU ĐANH hay là NGẮM RẰNG, mà hầu như Giáo Phận nào cũng tổ chức hằng ngày trong Mùa Chay. Những bài ngắm này ban đầu, do các cố Tây soạn ra nhưng sau nầy các Giáo Phận diễn Nôm hay dịch ra chữ Quốc Ngữ nên tam sao thất bổn mỗi nơi mỗi khác, tuy nhiên về ý nghĩa và cách sắp xếp thứ tự các thứ ngắm thì vẫn na ná như nhau. Riêng văn bản của Địa Phận Vinh ta đã được các đấng Bề Trên chuyển thể qua chữ Quốc Ngữ từ năm 1941. Và, thật ngạc nhiên, không hiểu sao ở thời điểm đó ai (hay một nhóm trách nhiệm) đã chấp bút mà cho ra đời một bản văn thật tuyệt vời. Cách dùng câu chữ đơn giản không hoa hòe giả tạo nhưng  rất sống động. Cách hành văn rất dung dị nhưng cũng không kém phần văn chương. Xin trích ra đây một vài đoạn khá tâm đắc. Chẳng hạn như ở thứ mười một trong MƯỜI LĂM SỰ THƯƠNG KHÓ khi Đức GiêSu chịu chết, trời đất tối tăm mù mịt thì văn bản buông một cụm từ “ Mặt trời xem chẳng đáng”. Một cụm từ thật súc tích và quá đắt. Không phải mặt trời chói chang, không phải mặt trời gay gắt hay xấu xí mà mặt trời xem chẳng đáng thì quả thật là quá hay. Hay chẳng hạn trong NGẮM RẰNG thì các từ ngữ dễ làm cho người nghe cảm xúc, dễ mũi lòng và súc tích. Nhất là lời than NGẮM RẰNG, đây quả thật là một áng văn tuyệt vời diễn tả tâm tình thống hối ăn năn khi chứng kiến Đức Giê Su chịu trăm nghìn sự nhục nhã và cái chết đau đớn trên cây Thập Giá vì chúng ta.

Ngay như cung giọng của Vinh ta cũng thế, nghe trầm buồn và ngân nga như nỗi đau mình sắp mất đi người cha thân yêu. Người viết cũng đã có hân hạnh được nghe nhiều cung giọng ngắm của các Giáo Phận khác nhưng không biết có phải mình “mèo khen mèo dài đuôi” hay không mà cảm thấy rất ấn tượng với cung giọng ngắm của địa phận Vinh mình.

Ở đây, xét qua hai cách ngắm của MƯỜI LĂM  SỰ THƯƠNG KHÓ và NGẮM RẰNG ta thấy nó rất gần gủi  và rất quen thuộc như nó đã thẩm thấu vào máu huyết một cách rất Vinh, rất gần gủi. Thực ra, khi nghe những người lên ngắm trong nhà thờ chúng ta  có cảm nghĩ dễ ợt, mình dư sức ngắm được như thế. Nhưng khi thử liều lên đứng ngắm thì mới thấy rằng “đời không như là mơ” đâu nhé! Bởi, để ngắm cho đúng cũng tốn rất nhiều công phu. Nào là phải luyện giọng cho phù hợp với cung cách mùa thương. Nào là phải biết lúc nào nghỉ hơi, lúc nào ngân đơn, ngân kép. Cũng nhiêu khê lắm chứ nào phải chuyện đùa.

Dĩ nhiên, ai cũng có thể ngắm được nhưng để ngắm hay và diễn cảm như đem tất cả tâm tình lên với Chúa thì không mấy người làm được. Đôi khi, chưa chắc hát hay mà đã ngắm hay, bởi cung bậc của ngắm nó mặn mà hơn và mang âm hưởng cổ kính hơn.

 Ở Châu Sơn từ hơn 60 năm nay những người ngắm hay chỉ có thể đếm được trên mười đầu ngón tay mà thôi. Đó là sơ các cố Cầm, cố Trọng (Thụ), cố Đậu Quang Nghĩa hay các ông các cố còn sống như: Cố Nghĩa (Vực), cố….Nhưng nếu để được chọn ta có thể nêu lên hai cố tiêu biểu. Đầu tiên là cố Cầm, giọng thanh mảnh nhưng không yếu. Cố tuy nhỏ người nhưng có phong thái đỉnh đạc như một  tiên ông với một chòm râu bạc phơ. Thứ hai là cố Đậu Quang Nghĩa. Giọng cố rất ấm, rất diễn cảm, tiếng ngân vang tròn đẹp nhưng phảng phất nét buồn buồn. Còn nhớ, một lần  phụ trách lời than NGẮM RẰNG, cố đã đặt hết tâm tình của mình trong lời ngắm đến nỗi vì thương cảm cho nỗi đau Chúa chịu, cố đã bật khóc khiến cả nhà thờ khóc theo.

Ngắm cho hay, cho diễn đạt nó khó thế đấy. Và cũng chính vì điều đó, nên ngoài Bắc, Địa phận Vinh ta, ngày xưa, đã tổ chức những cuộc NGẮM ĐÁM để thi đua giữa các Xứ hay các Giáo Họ. Những cuộc NGẮM ĐÁM đó đã tạo nên bầu không khí hân hoan, cởi mở và đoàn kết giữa Giáo Dân trong Xứ , trong Hạt và thậm chí trong cả Địa Phận.

Bởi vì, đã là cuộc thi thì phải có luật lệ, có quy tắc dành cho người ngắm. Có nghĩa là khi ngắm phải tuân thủ nơi nào dấu phẩy thì phải nghỉ, nơi nào chấm phẩy thì ngân đơn, còn nơi  nào dấu chấm thì phải ngân kép. Nếu sai thì sẽ có tiếng trắc. Và người cầm trắc, là một trong hai vị áp ngắm (quý chức cao cấp), được xem như vị trọng tài phải chuẩn và nghiêm minh. Còn người lên ngắm phải áo mão chỉnh tề, thường là khăn đóng và áo dài quốc phục. Khi lên ngắm thường được hai người rước lên một cách rất trịnh trọng nhưng khi ngắm xong nếu bị trắc nhiều lần thì tự động tẻn tò đi xuống. Vì có  luật lệ, có tiếng trắc làm chuẩn nên đã có lắm giai thoại vui vui và tức cười xảy ra trong những cuộc NGẮM ĐÁM này.  Xin kể một một giai thoại vui sau đây: một chàng tuổi trẻ nọ, đại diện cho Giáo Họ mình lên ngắm thứ mười trong 15 SỰ THƯƠNG KHÓ. Chàng ta rất tự tin vào tài ngắm của mình, nên đi đứng nghênh ngang. Không hiểu sao đến câu: “Đem đi!” Bỗng một tiếng trắc vang lên, chàng hơi khựng lại, rồi tiếp: “Đem đi!!”. Lại trắc. Rồi không hiểu vì mất bình tỉnh hay nổi cáu chàng phang luôn: “Đem đi! Đem đi không được thì đem về”. Thế là cả nhà thờ cười um lên !!!

Thế đấy, NGẮM NGUYỆN MÙA CHAY đạo đức, sốt sắng và vui vẻ thế đấy!!!

                                             NGÀI VẪN THẾ (mùa chay 2020)

 

Check Also

Người quản lý trung tín

Trong phúc âm thánh Luca ( 16 , 1-13 ) ghi lại việc làm người …

TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh …