Lời tự tình của đôi bạn già…

Tôi chưa thấy ai lì lợm như bạn tôi! Chết mà chẳng sợ nữa là…Trong khi cuộc sống của hắn, nhiều người mơ cũng chẳng thấy. Cuộc sống và cơ ngơi của Hùng có nhiều hơn cả tiêu chuẩn của các nhà tâm lý học về hôn nhân: vợ đẹp, con khôn…

Vợ thì đệ nhất phu nhân, ra giáng một mệnh phụ rồi, khỏi phải nói. Tuy đã qua cái thời xuân sắc, nhưng cũng vừa đến tuổi hồi xuân, vẫn còn mặn mà hương sắc của ngày xưa còn váng vất, nên “tuy đã 6 con cùng chàng, nhưng vẫn còn duyên dáng lắm”!

Con cái, thì, kéo cả bè đoàn thi đỗ vào học Trường chuyên Nguyễn Du – BMT chiếm hết chỗ của thiên hạ!! Hiện nay, 4 đứa du học bên Mỹ, lấy chồng lập nghiệp và định cư bên đó! Và ngay cả vợ chồng Hùng cũng đã đi định cư bên Mỹ, có thẻ xanh rồi. Vậy mà hắn bỏ thi quốc tịch Mỹ, để về VN sống ru rú nơi căn nhà trong hẻm hóc GX Thanh Đa để nương bóng Chúa Mẹ GX Thanh Đa.

Một cơ ngơi sáng lạn như thế, vậy mà hắn vẫn dưng dưng chẳng thèm quan tâm để vun đắp, mới là lạ chứ! Nghe đâu hắn sang Mỹ ở được 6 tháng rồi quay về VN sống ẩn dật…Vợ con hắn khổ tâm vì hắn lắm!! Bao nhiêu người ước ao để được sang định cư bên “thiên đàng Hoa Kỳ” không được, còn hắn có đủ điều kiện: con cái sum vầy, có thẻ xanh định cư ở Mỹ. Vậy mà hắn vẫn về VN…

Chẳng lẽ, bao nhiêu phù hoa ở nước Mỹ đó cũng không đủ sức quyến rũ được hắn ở lại Mỹ?? Hắn nói: Sang bên nớ đàn ông rẻ mạt và nhục nhằn lắm bác ơi! Chồng làm lụng vất vả như osin, mà con mụ vợ còn hạnh họe nạt trên trốc trên tai. Ai có đời, chồng đi làm cả ngày về mệt nhọc, vợ ở nhà nuôi con, vậy mà chồng về là phải bế con, chăm chút cho con ăn, giặt đồ…vào bếp nấu nướng. Ở bên VN, có thứ vợ mà như rứa thì vạng cho một vạng chết rấp cho rồi! Có thì có cho nên, không thì thôi. Tôi bảo: ông cứ nói quá đi, chứ có mô mà thảm như rứa! Em không nói ngoa mô bác: Chứ mấy đứa con rễ nhà em đó chứ mô xa xôi!

Ở bên Mỹ nữ quyền được đề cao lắm! họ cưng phụ nữ nâng như nâng trướng, hứng như hứng hoa. Tơ lơ mơ, vợ nó đòi ly dị một cái là “ăn cho hết”, cửa nhà tài sản chia đôi, rồi phụ cấp cho vợ cho con cái… Em thấy mà cũng phát sốt lên. Bác chẳng đã biết, bảng xếp hạng ở Mỹ, con vợ đứng hàng đầu mà thằng chồng đứng hạng 5 đó sao??! Đúng là nhất vợ nhì trời bác ơi!!

Rồi hắn trải lòng: Ở Mỹ tính độc lập cao lắm bác ạ! Cha mẹ cũng khó có thể ở chung chạ như VN “tứ đại đồng đường”! Kể cả cha mẹ, con cái có thể chu cấp tiền bạc cho cha mẹ, nhưng sống chung với cha mẹ là cả một vấn đề! Vì thế mà đến tuổi già, con cái đun đẩy cha mẹ vào viện dưỡng lão, một thân một mình cô quạnh là thế đấy!

Khi cha mẹ mới sang Mỹ, đứa nào cũng mừng rỡ đón đưa, chứ ở cả đời rồi thì sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề. Đó là văn hóa Mỹ nó như thế! Mình nhập gia phải tùy tục mà bác. Liệu sống lâu dài mình có tùy tục được không? Vì hai nên văn hóa Mỹ – Việt hoàn toàn khác biệt nhau.

Thành ra, nếu định cư ở Mỹ, vợ chồng em phải mua một căn nhà riêng. Bán nhà ở VN sang mùa nhà ở Mỹ chẳng khó với vợ chồng em. Nhưng rồi cuộc sống sinh nhai như thế nào đây bác??? Chẳng lẽ ăn nhờ ở đợ nhà con?? Tôi biết tính Hùng nó khí khái và tự trọng cao lắm! Chính hắn không muốn làm khó dễ con cái trong cuộc sống, để từ chối cuộc sống ở Mỹ mà về lại VN. Thôi thì “kính như viễn chi” cho tụi con nó còn coi trọng mình, chứ khi đã chung đụng với nhau thì khó có thể đem lại điều tốt đẹp cho nhau, mà chỉ là cắn đắng nhau thì còn ra gì nữa hả bác!

Đây là một vấn đề mà cha mẹ VN thường có kỳ vọng sang để sống nhờ con cái. Nhưng đó là họ chưa hiểu hết cuộc sống thực tế và văn hóa Mỹ. Câu Slogan của người Mỹ: sống độc lập, sống tự lập. Vì thế mà, sống không nương nhờ, không cậy dựa….vào người thân. Sang đây em mới thấy chữ Độc lập của họ đúng nghĩa hơn chữ Độc lập của nhà nước VN ta thường cao rao trên báo đài. Đúng nghĩa đến mức rạch ròi vô cảm mà chính em phải sợ cái sự độc lập của họ luôn.

Chẳng lẽ, sang đây, tuổi già về hưu rồi mà còn phải nai lưng ra cày ải, làm lại từ đầu thì vợ chồng em chắc không kham nổi. Thế thì tội chi mà phải đánh đổi như thế! Ở VN, nói nhỏ với bác, gia đình em cũng tương đối có của ăn của để và có thể “ngồi mát ăn bát vàng” thì tội chi sang bên Mỹ làm thân tôi đòi ở cái tuổi thất thập nữa hả bác!

Em thấy rất nhiều người ở VN, có cuộc sống sung túc, thậm chí là “vua một cõi”, thế mà vì sĩ diện đánh đổi sang cho được Mỹ, để có được cái danh xưng Việt Kiều thì lấy làm thích thú và hãnh diện lắm! Nhưng rồi phải đổi lấy cuộc sống bươn chải, làm lại từ đầu hết sức vất vả, như thế để làm gì cho khổ đời hả bác??? Người VN ta vốn “sĩ diện hảo”, nên mới có câu: không chết vì bệnh tim, mà chết vì bệnh sĩ là thế đó!

Nếu sang định cư ở Mỹ, em như bị đóng đinh vào nước Mỹ mất rồi! Về VN em vẫn còn hai đứa con, nhưng không còn nhà riêng nữa thì cũng chỉ về chơi VN độ một tháng rồi cũng phải về lại Mỹ. Bác biết tính em rồi đó. Cuộc sống càng về già thì càng sống nội tâm, chỉ thích thủi thủi một mình để gặm nhắm những triết lý sống cho riêng mình… Rỗi rãnh thì lần hạt…kiếm vé lên thiên đàng. Không thích giao lưu tiếp xúc tiệc tùng ăn nhậu nơi phồn hoa đô hội…ngoại trừ các bác ở Châu Sơn thì em rất hoan nghênh! Vợ thì muốn em sang Mỹ để thi cho có quốc tịch Mỹ, rồi về VN sống cũng được.

Đây là vấn đề mà vợ chồng em cứ lấn cấn với nhau hoài đó bác! Em thấy, nghĩ như vợ em cũng rất hợp tình hợp lý. Nhưng với riêng em, trước hết, không còn nhà riêng ở VN để em có một cõi đi về là một thất thế không hề nhỏ. Và như thế thì vô hình chung, mặc định “một cõi đi về” là gửi xác thân ở bên Mỹ nơi đất khách quê người, mặc dầu là có 3 con gái 1 con trai, cũng xem ra khá yên lòng. Nhưng nguyện vọng của em là được gửi thân xác nơi VN, nhưng phải là ở GX Châu Sơn cơ! Em vẫn thích trâu ta ăn cỏ đồng ta! Được về nằm lại nơi quê nhà Châu Sơn thì mới thấy là ấm áp tình quê, tình làng xóm, và hơn hết là được đoàn tụ với thầy mẹ em ở nghĩa trang Châu Sơn. Được thế thì cuối đời còn gì mãn nguyện hơn nữa bác.

Có lẽ niềm ước mong này không quá lớn, có thể trong tầm tay. Vậy mà khi nằm xuống, những tính toan của Hùng, mộng đã không thành, để Hùng ra đi trước những toan tính.

Khi Hùng đang nằm nguy kịch thập tử nhất sinh trên giường bệnh, một người bạn ở Sài Gòn rất thân với gia đình Hùng đã trao đổi: Ước nguyện của Hùng là muốn khi chết được về nằm tại nghĩa trang Châu Sơn với thầy mẹ, người nhà nghĩ sao?? Đây cũng là một điều làm khó dễ cho vợ con của Hùng. Vợ Hùng bảo: Đó là ước nguyện riêng của anh Hùng trước khi nằm xuống, vợ con cũng rất muốn tôn trọng ý nguyện đó! Nhưng xét thấy hoàn cảnh không tiện lợi cho vợ con anh sau này. Thử hỏi, sau này một chốn đôi quê như thế, liệu một năm vợ con về thắp hương khói cho anh được mấy lần?? Còn anh yên nghỉ ở Sài Gòn, anh Hùng có vợ, có đủ cả con trai và con gái, thiết nghĩ sau khi anh qua đời, hỏa táng rồi gửi Tiểu mộ vào nhà thờ Thanh Đa, để mỗi ngày hay mỗi tuần vợ con đến thắp hương khói và thăm viếng dễ dàng và thuận tiện cho vợ con, thì hương hồn anh sẽ ấm áp biết mấy…

Đó là chưa nói đến việc đưa xác anh từ Sài Gòn về Châu Sơn sẽ rất nhiêu khê. Rồi biết về quàn thi hài anh tại nhà ai??? Ở Châu Sơn, anh chỉ còn lại các em…Rồi ai cũng lo hương khói cho cha mẹ mình là chính, thế thì việc thăm viếng hương khói sẽ không thể thuận tiện hơn cho vợ con, bằng khi tống táng anh ở Sài Gòn.

Người bạn có trao đổi lại với tôi, và tôi thấy: Dù là nguyện vọng của Hùng là muốn về Châu Sơn an nghỉ, nhưng cuộc sống vợ con của Hùng cũng rất quan trọng. Vì họ là những người hương khói cho Hùng sau khi chết, thì phải chọn sự thuận lợi là rất hợp tình hợp lý.

Như đã tính toan trước cho một cõi đi về, Hùng đã nhiệt tình để đóng góp cho nghĩa trang Châu Sơn 50 triệu đồng vào năm 2010.

Nhưng cuộc đời là thế đấy! Quả là, người tính không bằng trời tính là vậy!

Thôi thì bằng lòng đi nhé Hùng! Nằm ở đâu mà chẳng là một cõi đi về, cái cõi đi về tốt nhất là bến bờ thiên đàng, để được an cư lạc nghiệp bên lòng Chúa nhân từ muôn đời mới là đáng kể.

Đúng là, Tiên vàn hãy tìm nước trời.

Một người bạn – Nguyễn Văn Kính

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …