Châu Sơn mở chiến dịch truy quét “Hến Bọp” ở hồ Eakao!!!

Những ngày này, trời nắng hạn…Dân Châu Sơn ta cứ đi ra đi vào, thở dài thở vắn:

– Trời nắng hạn như ri thì có chết không chớ! Có tiếng đùa:

– Chết mô mà chết, chộ cứ sống nhăn răng ra đó thôi.

– Ông không biết chứ ngoài đồng cây trồng tiêu cà đang rũ rượi dưới những cơn nắng cháy thiêu đốt, ngài mà cũng muốn chết luôn đây nầy.

– Thôi bà ơi! Than thở cũng chẳng được ích chi, việc trời làm thì buồn chịu!! Muốn giải nhiệt, giải hạn chi bằng…- ông bỏ lửng.

– Ông nói muốn giải nhiệt chi bằng là bằng thế nào?

– Bà không biết ạ! Cả làng Châu Sơn ta kỳ này đi giải nhiệt ở đập hồ Eakao đó!

– Ông nói răng mà tui không hiểu?

– Bà nhà ta bình thường thong manh lắm mà, sao bữa ni chậm hiểu thế! Bà không biết cả làng châu Sơn mở chiến dịch truy quét “Hến Bọp” ở Eakao đó sao!

– Kỳ này ông già lẩm cẩm rồi cứ ưa hoa hoè văn chương quá đi thôi! Nói dân Châu Sơn đi cào hến bọp cho mau thấy, có phải dễ hiểu không!

    Quả thật, dạo này cả làng như bị bệnh dịch “hến bọp”, người người, nhà nhà, xóm xóm…đi cào hến bọp ở hồ đập Eakao.

    Từ làng Châu Sơn muốn đến hồ Eakao phải mất một quãng đường dài khoảng 12 km. Một lộ trình Đường vành đai quẹo lên đường Phan Bội Châu rẽ phải qua đường Mai Xuân Thưởng tiếp nối đường Giải phóng, thông ra đường Lê Duẩn trở ngược lên đường Y Wang cũng mất hơn 4 km. Bắt đầu lộ trình từ đầu đường Y Wang vào đến hồ Eakao ngoằn nghèo cũng mất 8 km nữa mới tới đập Eakao.

    Hồ Eakao mở ra với một bờ đập đường cong vòng chảo cả vài cây số có thừa! Mùa hạn này, đứng trên bờ đập vào buổi sáng, hồ giống như lòng chảo sóng sánh nước như chảo dầu vàng óng. Mức nước rút xuống thấp để nổi lên những gò đống như những cánh gà đùi gà chiên lêu bểu trong cái chảo khổng lồ đó. Người có tâm hồn ăn uống, nhìn lòng hồ mà thi vị hoá thành món gà chiên cũng nhỏ nước dãi ấy chứ!

    Đã nửa buổi sáng rồi mà mây mù vẫn che kín bầu trời để không cho ông mặt trời thức dậy toả nắng chiếu lan muôn nơi, khiến cho núi rừng và mặt hồ trở nên âm u như có màn sương buông rơi lãng đãng, tạo nên không gian cảnh vật như một bức tranh thuỷ mạc linh ảo chi lạ!

    Lác đác trên hồ vài nhà lồng cá nổi bồng bềnh trên mặt nước cũng làm cho hồ Eakao thêm sinh động của mặt hồ buổi mai. Đây đó những người ngồi câu cá chờ cá lay động dài cổ, cũng buồn ngáp dài…

    Thông thường dân Châu Sơn ta đổ bộ xuống Eakao bằng xe Honda hay xe tải…Họ đi theo nhóm hay theo xóm…Cái lạ là ông mô mụ nấy đi cào hến một cách hồ hởi phấn khỏi lắm!

Xuống đến nơi là mọi người xắn quần áo lên khẩn trương bắt tay mần liền. Một nhóm lội ra xa bờ dùng lược thưa hay cái cào để cào bùn vào rổ. Một số khác theo dòng nước trờng đất bùn ra, chỉ để còn lại hến và bọp trong rổ, sau đó đưa lên bờ cho một nhóm các bà nhặt phân loại: Hến, bọp, ốc riêng ra.

Mô tả thì đơn giản vậy, nhưng xem ra cũng không dễ ăn một chút nào. Một rổ nhiều khi trờng đất bùn một lúc mà chỉ được mấy con hến thôi. Nhưng khi trúng mánh thì được nửa rổ. Nói chung, mọi người đi cào hến chủ yếu vui là chính…

Rồi những câu chuyện tám ra.

– Ông ni ở nhà có bọp rồi, sao còn đi bắt thêm chi nữa?

– Bọp ở nhà không ăn thua, khi muốn thì không hả ra, đến khi không muốn thì chè hẻ ra…

– Rứa là bọp đó hết hạn sử dụng rồi.

Thế là cả bọn cười rộ lên. Có ông trêu:

– Chứ bọp nhà chị không xài được hay răng mà phải bắt bọp khác thế chỗ cho ông nhà??

Những câu chuyện cười tếu táo cũng làm vơi đi nỗi nhọc nhằn những khi ngồi lên cúi xuống “mỏi gối chồn chân” mà vẫn cứ muốn mần…

Trời càng trưa nắng càng lên cao, tiếng cười nói càng thưa dần, để chỉ chăm chú vào việc mò hến, cào hến, xúc hến, chao hến, phân loại hến… Vì thấy thành quả càng lúc hến bọp đầy rổ đầy bao, thì mọi người đâm mê mẫn mà làm quên cả trưa.

Trung bình một người bắt được 7-10 kg hến. Xem ra cũng bầm dập lắm! Nếu quy ra thóc, cứ cho là 10 kg hơn một buổi được: 10×6 ngàn= 60 ngàn (hến kỳ này rẻ bèo).

 Thông thường thì làm đến quá trưa, ra đường Y Wang vào quán ăn cơm dĩa vui đáo để. Về đến nhà cũng đã gần 1 giờ chiều!!

Nghỉ ngơi một giấc, các bà lại lo vào bếp núc. Làm cho ra hến ăn được cũng nhiêu khê lắm chứ không dễ đâu. Đưa hến bọp ra chao rửa sạch sẽ, sau đó đem đun sôi, bắc xuống để nguội rồi đem ra chao, trờng cho hến ra một đàng, vỏ ra một nẻo. Có khi hến câm phải ngồi bóc vỏ ra, nhặt từng con mất công lắm!

Xem ra ăn chơi cũng lắm công phu. Rồi bắt đầu xào nấu, gia vị… Thông thường thì bọp để nấu cháo, vì ruột lớn. Ăn cháo bọp mát tì vị đến gan ruột. Một số hến ruột đem xào giá hành, xúc bánh tráng nổ rom rốp trong miệng kèm với hến giá thơm phức, ăn ngon không có chỗ chê. Nước hến nấu lên một màu trong đục lợ nước gạo. Số hến còn lại nấu canh ăn với cơm dặm một trái cà muối, vừa ăn vừa húp sùm sụp…ngon chi lạ!!

Cả xóm quây quần bên bàn ăn, có vợ có chồng ngồi thưởng thức món hến thì…đẹp biết mấy tình làng nghĩa xóm.

Thiết tưởng mùa chay làm việc hy sinh hãm mình bằng cách lội xuống hồ Eakao mò hến, chao hến, nhặt hến…khó nhọc vất vả cũng là một dịp đánh tội lập công đức, sau nữa là có món ăn giải nhiệt cho cái nắng của mùa hạn. Nhưng hơn hết là tình làng nghĩa xóm, vợ chồng được kết nối trong tình thân thương, tạo cho nhau niềm vui sum vầy, cũng là việc làm tốt đạo đẹp đời vậy.

Châu Sơn choa

 

Check Also

CÁO PHÓ: ÔNG PHÊRÔ PHẠM ĐỨC CẢNH (Khang)

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …

CÁO PHÓ: ÔNG AN TÔN ĐOÀN QUANG VĨNH

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU!!!  R.I.P                 BĐD Tiến Đức kính báo cho quý bà con …