-
Từ Cầu Khóng trẩy xuống Kẻ Tùng bằng một con đường bê tông thoai thoải nằm dưới chân bờ đê. Một bờ đê bề thế đắp tầm cao mắt người, phủ đầy “cỏ non xanh rợn chân trời”. Từ trên cao nhìn xuống, bờ đê giống như một con rắn xanh khổng lồ uốn lượn dọc theo dòng sông La, để che chắn cho dân làng và ruộng đồng khỏi bị lụt lội.
Đê La Giang được xem là công trình phòng lũ trọng điểm của tỉnh Hà Tĩnh, với chiều dài 19,213 km đi qua địa phận huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh có nhiệm vụ bảo vệ an toàn tính mạng gần 30 vạn dân cư với 35.000 ha đất canh tác của các huyện Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh, Can Lộc…
Trên bờ đê là một khoảng rộng cho trẻ con đùa chơi tha diều, thả bò…Người lớn chạy bộ thể dục buổi sáng, và để du khách nhàn tản dạo gót ngắm nhìn cảnh quan sông nước làng mạc thì còn gì thi vị bằng.
Con đê này đưa lối dài khoảng 6 km qua các khu dân cư Bùi Xá, Liên Minh các thôn 7,8,9…chợ Trổ… Đến Hạ Tứ rẽ trái, vượt qua con đê để đi vào đường làng Hạ Tứ. Hạ Tứ là một giáo họ nhỏ trực thuộc GX Kẻ Tùng, bắt đầu từ chân bờ đê chạy sâu vào Xã Đức La qua một chiếc cầu nhỏ, mà muốn vào Kẻ Tùng còn phải qua một đỗi ruộng gần cả 2 cây số.
Từ xa đã thấy làng Kẻ Tùng thấp thoáng sau những bóng tre làng…
Năm 2005 khi chúng tôi đến Kẻ Tùng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là ngôi nhà thờ Kẻ Tùng trông lạ lẫm và không giống ai, tây không ra tây, ta không ra ta. So với kiểu mẫu nhà thờ chung chung ở miền Bắc thường xây theo lối cổ điển Pháp, hay Rome là xây tháp một hoặc tháp đôi, cao sừng sửng giữ bầu trời, trông rất bề thế.
Nhà thờ Kẻ Tùng (2005) tổng thể một màu vàng nhạt, đã có nhiều mảng loang lổ và xuống cấp xám xịt theo màu thời gian (hiện nay 2018 đã sơn lại màu trắng). Mặt tiền nhà thờ, trên cao chót đỉnh là một ô vuông Thánh giá, ở giữa có hình con chim bồ câu. Phía dưới là một toà đài Đức Mẹ chia 3 mảng bê tông làm mái che, có chút phỏng theo đường viền hoạ tiết Đông Phương, với một toà nhô cao lên và 2 toà thấp xuống tạo thành thế tam phân. Dưới chân Đức Mẹ là 2 chữ nổi Anpha và Omega. Tiếp đến là một mái bê tông nhô ra phía trước cửa chính nhà thờ. Nhà thờ tuy không đặc sắc, nhưng xem ra “Kẻ Tùng nhà ta cũng tè” thiệt, khi dám cách tân cho mình một cái riêng biệt không nhầm lẫn vào nhà thờ khác được.
Làng mạc Kẻ Tùng nằm giữa hai cánh đồng ruộng và cách dòng chảy sông La khoảng hơn 1 km. Nhìn tổng thể xóm làng Kẻ Tùng khá giống với hình ảnh Yên Phú. Đường ngang lối dọc khá ngay ngắn, tuy không được thoáng rộng, vì bị những cây xanh trong vườn, nhất là những khóm tre nhao ra, tạo thành những vòm cây khuất lấp tầm nhìn, nhưng lại tạo nên một hình ảnh ấp ủ tình quê rất đặc trưng cho làng quê Việt Nam. Có một điều lạ là, dù hoàn cảnh nghèo khó đến mấy thì các làng miền Bắc, vườn tược nhà nào cũng luôn được xây bờ tường che chắn, tạo sự ấm cúng cho mái nhà những khi trời mưa gió bão bùng tơi bời…
Kẻ Tùng tiếng là ở ngoài đê, nhưng khác với Thọ Ninh và Yên Phú là, Kẻ Tùng vẫn ở bên phải dòng chảy sông La tính từ cầu Thọ Tường đi xuống. Trong khi Thọ Ninh và Yên Phú lại ở bên trái dòng chảy, và vì thế phải hứng chịu bao nhiêu thảm khốc lũ lụt cuồng lưu cuốn trôi nhà cửa…Trái lại, cũng lũ lụt nước lớn, Kẻ Tùng nước lũ chỉ dâng ngập lên cao chứ không cuốn trôi, vì đã có bờ đê ngăn không cho nước lũ cuốn trôi. Đó là tính đặc thù của Kẻ Tùng khi ở ngoài đê mà không bao giờ bị tác hại của lũ lụt. Tuy vậy, khi vào vườn nhà nào cũng thấy đắp một ụ đất cao. Hỏi ra mới biết, những ụ đất này để cho trâu bò lên “tỵ nạn” những khi nước lũ dâng cao.
Vào những năm 2005, GX Châu Sơn trong ta đã xây cất nhiều nhà mái Thái, thì các làng ngoài bắc ở khu vực các GX hạt Nghĩa Yên chưa mấy nhà xây mái Thái. Vậy mà ở Kẻ Tùng đã có mấy nhà Thái mái đỏ rồi. Xem ra, “Kẻ Tùng cũng tè” đấy chứ!!
Đến năm 2011 đến Kẻ Tùng lần nữa, đã thấy thay đổi tích cực hơn, đường sá quang đãng hơn, nhiều nhà mới xây hơn…Hình như phong trào lao động nước ngoài đã đem về kinh tế để làm thay đổi bộ mặt của Kẻ Tùng thì phải!?? Mặc dầu người Kẻ Tùng nhà cửa xây cất lên nhiều, nhưng cảnh quan vẫn giữ được nét dân dã miền quê.
Ra Bắc, người dân quê ta làng nào cũng hiếu khách, cũng ân cần hỏi han và rất mến khách, nhưng người Kẻ Tùng hiếu khách một cách săn vặn hơn. Họ mời vào nhà hỏi han chuyện trò. “Các ông ở trong nớ có biết ông Tuyên, ông Tiến, ông Kỳ (Đông), ông Hoá, ông Đông, ông Huệ (Bài)… không?”. “Dạ, những ông này nhà con cũng chẳng lạ lẫm chi ạ!”. Họ hỏi thăm: “Trong đó mùa màng tiêu cà năm nay có được mùa không? Ngoài này ruộng nương thu nhập ăn thua chi, như các ông thấy đấy”. “ Ở đâu rồi cũng có nỗi khó khăn cả các ông ơi. Trong đó, lúc này cà lão hoá lâu năm rồi, nên cho năng suất thấp, vả lại giá cả cũng bèo bọt lắm các ông ạ!”.
“Tiện thể, chẳng mấy khi ra đây, mời các ông vào dùng vài chén rượu lạt Kẻ Tùng cho biết”. Rồi mâm bàn bày ra, cá đồng chiên xù, hến sông La xúc với bánh tráng thì ngon ơi là ngon…Đúng là đặc sản miền quê! Nhưng còn món rượu thì hơi bị ngán ngẫm! Bởi ở quê nhà Châu Sơn đã từng gặp các hảo tửu Kẻ Tùng và thường bị đo ván, nên ra đây “quê thật Kẻ Tùng”, thì phải biết lễ độ chứ! Tôi bảo với người em, dân Kẻ Tùng uống rượu không phải dạng vừa đâu, anh em mình uống vài ly rồi xin kiếu chuồn là vừa. Nhưng đã vào hang cọp rồi thì đâu có dễ ra. “Các ông làm chi thì làm chứ đã vào đây thì phải vào 3 ra 7 cho phải phép”. Tôi nghĩ, rượu nếp miền bắc trong vắt như mắt mèo với nồng độ 45 độ C, rượu vào đến đâu thì ruột gan nóng cháy cồn cào đến đó. Uống cở ly con “vào 3 ra 7” thì có mà tỏi ạ! Chối chăng mãi rồi cũng phải đi tàu suốt 6 ly, lắc lư con tàu đi, họ mới cho về. Hiếu khách kiểu ni thì nhà em chạy mất dẹp thôi!! Ở Kẻ Tùng có câu: làm đến nơi, chơi tới bến!!
Wa!! Xem ra, Kẻ Tùng cũng tè thật!!
Ra đến Kẻ Tùng lại nhớ đến cánh họ Bùi: bà Hoà, bà Nhã, ông cụ Hiền và đặc biệt là ấn tượng với cha Bùi Văn Cao. Lần mới thụ phong linh mục, cha có ghé thăm bà con Kẻ Tùng Châu Sơn. Trông người cha còn trẻ măng, và non nớt lắm! Ấy vậy mà là một tài năng trẻ của giáo phận Vinh đấy! Đỗ cụ xong, cha được giáo phận Vinh gửi đi học Pháp, Rome. Học xong về dạy Đại chủng viện Vinh Thanh…
Trong Nam này, Kẻ Tùng Châu Sơn cũng không kém cạnh. Cha GB Nguyễn Quốc Hưng thuộc thế hệ trẻ, là một linh mục có năng lực xuất sắc và đã được GP BMT gửi đi du học Pháp, và đã tốt nghiệp thạc sĩ Thần học Thánh kinh. Hiện đang tiếp tục trình luận án Tiến sĩ Thần học Thánh kinh. Xem ra, hoa trái tinh thần của Kẻ Tùng cũng tè thật!