ĐỨC TIN ĐÍCH THỰC

Đức tin là một ơn ban của Chúa.  Người tín hữu đón nhận ơn này khi lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy (còn gọi là Bí tích Rửa tội).  Như thế, người không được rửa tội thì không có Đức tin.  Sự tin tưởng mà họ có nơi bạn bè và những người thân quen không được gọi là Đức tin mà đó chỉ là “niềm tin.”

Giáo lý công giáo dạy: Đức tin là một nhân đức “đối thần”, tức là nó giúp ta hướng thẳng về Chúa.  Gọi là nhân đức “đối thần” để phân biệt với các nhân đức khác như khôn ngoan, công bình can đảm, tiết độ.  Bốn nhân đức này được gọi là bốn “nhân đức trụ”, có nghĩa chúng làm nền tảng cho các nhân đức luân lý khác cần thiết cho đời sống con người.  Bốn nhân đức trụ này, cũng như các nhân đức luân lý, khi sinh ra, chúng ta chưa có, phải do học hành và luyện tập mới có được.

Đức tin là một ơn ban của Chúa, nên có người nhận được và có người lại không.  Nói cách khác, có người sẵn sàng mở lòng đón nhận, nhưng cũng có người khép kín khước từ.  Con người được tự do chọn lựa tin vào Chúa hay khước từ Ngài.  Tin vào Chúa, đó là một đề nghị được đặt ra cho chúng ta.  Đó không phải là mệnh lệnh hay một điều ép buộc.  Vì thế, trong Giáo Hội, không bao giờ bắt ép ai theo Đạo.  Nếu có ép buộc một người nào phải lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy, thì việc lãnh nhận Bí tích sẽ không thành sự, nghĩa là chẳng mang ơn ích gì.  Trong trường hợp này, người bị ép buộc cũng không phải là người công giáo đúng nghĩa.  Khi nói đến quyền tự do tin hay không tin Chúa, nhiều người đã phê phán Giáo Hội ép buộc người ta theo Đạo khi rửa tội cho trẻ em.  Câu trả lời của Giáo Hội rất rõ ràng: cũng như cha mẹ muốn điều tốt cho con mình nên phải dạy chúng từ khi còn nhỏ mà đâu có hỏi xem chúng có đồng ý hay không.  Khi trẻ lên 5 tuổi, cha mẹ bắt ép chúng mới đi đến trường học.  Vậy, việc dạy con những điều hay lẽ phải, việc cho con đi học mặc dù chúng không thích có bị phê phán là thiếu tự do hay không?  Giáo Hội chủ trương rửa tội cho con trẻ, vừa muốn cho chúng có một nền tảng giáo dục từ ban đầu, vừa qua đó để xin ơn Chúa xuống nơi tâm hồn em bé qua việc lãnh nhận Bí tích.

Vì là một ơn ban, nên có người giữ được mà cũng có người đánh mất.  Vì thế, trong ngôn ngữ bình dân, chúng ta vẫn gọi người này người nọ là “mất Đức tin.”  Người mất Đức tin là người tuyên bố công khai bỏ Đạo, còn người lười biếng đọc kinh, không đến nhà thờ hoặc người đang sống trong ngăn trở thì chưa thể căn cứ vào đó mà kết luận là một người mất Đức tin.  Tuy vậy, tình trạng khô khan lười biếng thường dẫn đến tình trạng Đức tin phai nhạt và rồi mất Đức tin.

Có người có Đức tin đích thực, lại có người có Đức tin giả tạo.  Người có Đức tin đích thực thì luôn tìm kiếm Chúa và cầu nguyện với Ngài, vì họ xác tín Chúa đang hiện diện trong cuộc đời họ.  Người có Đức tin giả tạo thì chỉ hời hợt bề ngoài, gió chiều nào xoay chiếu ấy, đời sống mang nhiều khuôn mặt khác nhau.  Đối với người có Đức tin giả tạo, Giáo Hội chỉ như một tổ chức trần tục, tham gia cho vui, không hề gắn bó và yêu mến.  Thánh Luca ghi lại phép lạ Chúa Giêsu chữa lành mười người phong cùi trên đường đi Giêrusalem (x. Lc 17,11-19).  Mười người trong họ đều có lòng tin.  Nhờ lòng tin đó mà họ được chữa lành.  Tuy vậy, chỉ có một người trong họ trở lại để tôn vinh Thiên Chúa, mà người ấy lại là người Samaria, tức là người ngoại thường bị người Do Thái khinh bỉ.  Như thế, Đức tin đích thực không mang những nhãn hiệu hào nhoáng hay vỏ bọc bề ngoài.  Chín người kia chỉ chú ý đến mục đích khỏi bệnh.  Lòng tin của họ là lòng tin vì bản thân, ích kỷ và vụ lợi.  Người Samaria là người có lòng tin đích thực.  Anh vừa được chữa bệnh phong cùi, vừa được mở con mắt tâm hồn để nhận ra chân lý.  Lòng tin của anh đã cứu chữa anh. ”  Lời tuyên bố của Đức Giêsu cho thấy “tin” là một điều kiện cần thiết để chữa lành.  “Tin” cũng có một sức mạnh phi thường để chữa lành, không chỉ những chứng bệnh nan y mà còn chữa lành những tâm hồn đau thương vỡ nát.  Đức tin đích thực dẫn ta đến gặp gỡ Chúa, tôn nhận Ngài là đích điểm đời ta.  Đức tin đích thực giúp ta nhìn nhận xa hơn để đến với tha nhân, xây dựng một cuộc sống công bằng nhân ái với hết mọi người.

Người tín hữu là người được ban ơn Đức tin, và để Đức tin lớn lên mỗi ngày, họ phải trau dồi đạo đức, chuyên tâm cầu nguyện và thực thi bác ái.  Đức tin không phải là một “tấm thẻ ưu tiên” hay “tấm bùa hộ mệnh” để rồi ai sở hữu là tất nhiên được cứu rỗi.  Tâm hồn đón nhận Đức tin phải như mảnh đất tốt, để nhờ đó mà hạt giống được gieo vào nảy nở đâm bông kết trái (x. Mt 13,1-9).

Có người có Đức tin mạnh mẽ, lại có người có Đức tin non yếu.  Các thánh tử đạo là những người có Đức tin mạnh mẽ.  Các ngài không sợ chết.  Vì Đức tin khẳng định với các ngài rằng ai trung tín với Chúa sẽ được sống đời đời dù có phải tù đày hay phải chết phần xác.  Những người có Đức tin non yếu chỉ tin vào Chúa khi gặp hạnh phúc may mắn, nhưng khi gặp thất bại gian nan thì họ bỏ Chúa, thậm chí phủ nhận vị trí của Ngài trong đời họ.  Cũng có khi họ chọn lựa thế gian và lợi lộc vật chất hơn là chọn lựa Chúa.  Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt thiên thần của Thiên Chúa.  Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8).  Mạnh mẽ tuyên xưng Đức tin chính là bảo chứng cho việc chúng ta được cứu rỗi trong ngày sau hết của cuộc đời.

Tân ước dẫn chứng rất nhiều tấm gương về Đức tin.  Người phụ nữ xứ Canaan đã kiên nhẫn nài nỉ xin Chúa chữa cho con gái bà khỏi bệnh.  Mặc dù Chúa Giêsu đã trả lời bà bằng một câu xem ra không có hy vọng, bà vẫn kiên trì và bà đã được như lòng mong ước (x. Mt 15,21-28).  Với vị Đại đội trưởng đến xin Chúa chữa cho đầy tớ ông được khỏi, Chúa Giêsu đã khen ngợi ông:  Tôi không thấy một người Israen nào có lòng tin như thế” (Mt 8,19).  Lòng tin nơi ông mạnh mẽ đến nỗi ông so sánh quyền lực của Chúa với một vị chỉ huy, chỉ cần truyền lệnh là mọi sự đâu vào đấy.

Bạn thân mến, chúng ta là người tín hữu, vì chúng ta đã được lãnh nhận Bí tích Thanh tẩy.  Bí tích này làm cho chúng ta trở nên con người mới, giống như Chúa Giêsu Kitô.  Tuy được mặc lấy Chúa Giêsu, nhưng chúng ta còn là con ngưi, bị tác động bởi biết bao những cám dỗ.  Chính sự yếu đuối của thân phận con người nơi thân xác chúng ta cũng là một trong những nguy cơ làm cho chúng ta phai nhạt tình yêu và lòng tín thác đối với Chúa.  Chính vì vậy, Đức tin phải được tuyên xưng nơi môi miệng, phải được sống nơi cuộc đời và phải được loan truyền cho anh chị em xung quanh.

Chúng ta cùng chiêm ngắm và noi gương Đức Trinh nữ Maria thành Nagiarét.  Mẹ là mẫu mực của các tín hữu trong hành trình theo Chúa.  Mẹ được chúc phúc vì Mẹ đã tin những gì Chúa phán cùng Mẹ sẽ thành hiện thực.  Đức tin đã giúp Mẹ vượt qua những gian khổ trong cuộc đời.  Nhờ Đức tin, Mẹ nhìn thấy thánh ý Chúa trong những biến cố đau thương và luôn một niềm trung tín.  Đức tin của Mẹ là Đức tin đích thực.  Xin Mẹ giúp chúng ta biết tin như Mẹ đã tin và sống như Mẹ đã sống.

Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: gphaiphong.org

Check Also

Người quản lý trung tín

Trong phúc âm thánh Luca ( 16 , 1-13 ) ghi lại việc làm người …

TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh …