Tự tình với một người bạn tri âm – Phần I

Đến bây giờ, tôi không hiểu tại sao tôi lại bạn với anh? Một người đàn anh, trên tôi đến 3 lớp học, và tôi kém anh cũng không dưới 3 tuổi…nhưng lại thân thương nhau lắm! Có lần anh bảo: anh không có người bạn đồng niên nào thân như tôi. Có lẽ, đã là tình bạn thì đâu cần phải so bì tuổi tác, lớp học…phải không các bạn. Chỉ cần có cái gu nào hợp với nhau là có thể kết nối với nhau về tình bạn rồi. Ăn nhậu ư? Anh ấy tửu lượng cũng không dở, nhưng lại không thích thù tạc nhậu nhẹt say sưa…Văn nghệ văn gừng ư? Về mặt này thì anh ấy là người ngoại đạo, vì có lần tôi đàn nhạc, anh ấy bảo: ông đàn cho tôi nghe, khác nào đàn gải tai trâu! Nghĩ mãi, cuối cùng tôi cũng tìm ra được cái lý do để tôi và anh ấy quen thân nhau!

Cãi, cãi, cãi…cái gì cũng cãi được; đó chính là lý do để chúng tôi hợp gu nhau. Chuyện làng trong xóm ngoài có điều chi mới lạ, vặt vãnh, cũng là đề tài cãi nhau. Chuyện trăng sao trên trời, đến chuyện thổ tả dưới đất …đều tranh cãi được. Cãi cối nhăng cuội không đâu vào đâu, đến cãi chầy chảy nước. Cãi cùng đường đến khùng lên chửi nhau “đồ ngu như bò”…Rõ khi tức nhau, bức bí quá, cùng đường thì nói cho bỏ ghét, sau đó, lại cứ thân thương nhau như thường…Nói cái gì cũng là cãi, không sai, nhưng nếu để gặp nhau rồi cứ để cãi chuyện ba xàm ba láp như thế, làm sao tình bạn chúng tôi thân nhau được lâu dài chứ!

Thực ra, khi nghiêm túc chúng tôi cũng tranh luận cao đạo lắm các bạn ạ! Hết hình nhi thượng, hình như hạ của Khổng Tử. Nhưng rồi cũng phê phán Khổng Tử ỏm tỏi lên: Khổng Tử dạy đạo làm người để thành chính nhân quân tử với tam cương ngũ thường, nhưng mà để: quân tử trả thù 10 năm chưa muộn, thì quả là Khổng Tử đã thiếu mất cái độ lượng từ bi hỉ xã của Phật, và cái đức ái siêu đẳng của Công giáo: Tha thứ 70 lần 7, yêu thương kẻ thù nghịch ta…

Rồi lại bàn về Lão giáo vô vi: một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên, nó là nguồn gốc của vạn vật. Nếu thuận theo Lão giáo với lẽ tự nhiên vô vi mà loại bỏ khoa học văn minh tiến bộ của loài người, không chừng đến lúc này, xã hội vẫn còn ăn lông ở lỗ như thủa tạo thiên lập địa!??

Thực ra, hồi đó, những đề tài chính của chúng tôi thường tranh luận với nhau xoay quanh về môn triết lớp 12 là chính. Môn triết là một môn khoái khẩu nhất cho những học sinh giàu suy tư trăn trở về phận người. Bởi, trong môn triết lớp 12 bao gồm: tâm lý học, đạo đức học, luận lý học, và siêu hình học. Phải nói, môn triết đưa vào lớp 12 là rất chính đáng, để học sinh trước khi bước vào đời có được những hành trang khái niệm tư duy logic đúng sai về mọi vấn đề nhân sinh quan của con người.

Có người bảo: “Học triết lớp 12 xong, con người tự trưởng thành hơn lên, tư duy chín chắn hơn và, hơn hết  là nhận chân ra chính mình, để trở thành nhân bản hơn trong cuộc sống. Sau 75, giáo dục nhà nước bỏ môn triết là một thiếu sót rất đáng kể, điều đó tác hại đến trật tự xã hội một cách khôn lường. Chính sự đào tạo con người thiên về thành công – giỏi về các bộ môn chuyên môn: toán lý, hóa, tin học… để đem sở trường ra ứng dụng với cuộc sống, mà mất đi tính nhân bản, mất đi đạo làm người, dẫn đến một xã hội tội phạm đầy dẫy trong cuộc sống hôm nay”.

Quả thật thế, trong tâm lý học với ý thức, vô thức, phương pháp nội quan giúp cho con người tự soi xét về mình. Đó là chưa nói đến phân tâm học của Simund Freud đã soi rọi vào nội tâm sâu thẳm của tính dục…động lực tạo nên mọi hành động của con người. Đạo đức học, hay luân lý học, là môn khoa học triết học về giá trị của đạo đức trong đời sống xã hội. Đạo đức học cho con người biết được đâu là thiện ác, sự thật và sự giả dối…Luận lý học cho ta nhận thức về sự đúng sai bằng các phương pháp: diễn dịch loại suy, tam đoạn luận, quy nạp…

Đó là những vấn đề mà anh em chúng tôi thường tranh cãi với nhau liên tu bất tận…

Rồi đến văn chương, có thể anh bạn tôi đọc truyện nước ngoài không nhiều lắm, nhưng đọc quyển nào thì nhớ rất dai tên các nhân vật, chẳng những thế mà còn soi rọi vào nội tâm của nhân vật và ý tưởng của tác giả. Ví như trong tác phẩm “Âm thanh và cuồng nộ” của tác giả William Faukner, có một thằng ngốc tên Benjamin người bị mắc bệnh chậm phát triển tâm thần và xem ra đần độn, cứ hễ nói ra là “ngửi thấy mùi cây”, hắn đeo cái đồng hồ không kim chỉ giờ phút…Nhưng anh bạn tôi suy diễn ra: dù nhân vật đó có ngu ngơ đần độn cách mấy vẫn có sự tư duy trong đầu, giống như chiếc đồng hồ không có kim chỉ số, nhưng rõ là đồng hồ vẫn hoạt động…

Đọc Zarathutra đã nói như thế! Anh bạn vẫn có cái nhìn thấu đáo khi tác giả Nietzsche nói về người đi xiếc trên đu dây giữa hai đỉnh tháp trong thành phố…Sở dĩ người ấy đi qua được một cách dễ dàng, vì tự tin để không sợ hãi khi nhìn xuống dưới mặt đất thăm thẳm. Anh bạn diễn giải, ý tưởng của tác giả cổ vũ cho sự vô thân và báng bổ tôn giáo. Nếu con người ta sống vô thần thì sẽ không sợ các thế lực ma quỷ, không sợ thần thánh nên sẽ sống một cách thoái mái và dễ dàng hơn người có đạo, thường lo âu sợ hãi với hình ảnh khiếp khủng của viễn ảnh hỏa ngục đời đời…

Sống với anh tôi học được nhiều điều….

Nguyễn Vĩnh Căn

Xem tiếp phần II

Tự tình với một người bạn tri âm

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Như một lời chia tay!!!

Sáng nay bầu trời có chút nắng hiếm hoi xuất hiện sau cả tuần mưa …