Giàu sang, quyền lực

Thời trước, người ta ít nói đến “sống trên đời” cho bằng việc rỗi linh hồn.  Họ không lưu tâm nhiều đến những vấn đề kinh tế, chính trị như chúng ta ngày nay.  Họ chú tâm nhiều về những vấn đề luân lý, đạo giáo.  Ngày nay, sức lôi cuốn của Trời Cao đã giảm bớt đối với nhiều người, và người ta quan tâm gắn bó với trần thế nhiều hơn.  Khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa đã và đang nhường chỗ cho khát vọng săn đuổi giàu sang, quyền lực.  Thần tượng của thế kỷ này không phải là các thánh, mà là những kẻ đạt tới “đỉnh cao”.

Xoay quanh việc xác định tầm mức quan trọng cho các tiêu chuẩn thành công trên đời này, người ta có hai thái độ trái ngược nhau.  Liệu có nên tôn sùng và tìm kiếm sự thành công, cho đó là điều thiện hảo nhất trong cuộc đời hay không?  Hay ngược lại, phải kết án chuyện đó bởi vì nó xấu xa?  Những kẻ đầy tham vọng chấp nhận thái độ cực đoan đầu.  Thái độ sau là của hai nhóm phản kháng: nhóm vô chính phủ – lên án mọi thứ quyền bính, và nhóm Cộng sản – phỉ báng mọi người giàu có.

Chỉ có một tiêu chuẩn đúng đắn và đầy đủ lý lẽ để đánh giá các quan điểm trên đây.  Đó chính là cuộc đời của Chúa chúng ta.  Những chuyện thuật lại trong Tin Mừng cho thấy rằng quyền lực và giàu sang đều là những lý tưởng và tham vọng chính đáng, nhưng chúng phải tuân theo một số qui định mà thế gian này thường không đếm xỉa gì đến.  Những qui định này được mặc khải cho ta qua cuộc đời ẩn dật của Chúa Giêsu tại Nazareth.  Đó là hai điều này: không ai có thể cầm giữ quyền bính nếu kẻ ấy không học biết vâng phục, như Đức Kitô hằng vâng phục cha mẹ mình vậy.  Và không ai có thể tận hưởng giàu sang được nếu kẻ ấy không học biết cách từ bỏ nó, như Chúa đã làm, Ngài đã chọn cho mình một nghề khởi đầu là nghề thợ mộc nghèo nàn.

Vậy thì, ở đây là Uy Quyền đã trở thành Hèn Kém, Chủ trở nên nô lệ, vị Chúa Tể trở nên kẻ phục vụ.  Qui phục Chúa Cha là khúc dạo đầu cho các phép lạ và quyền lực kế tiếp.  Và chúng ta cũng phải bắt chước như thế.  Hết thảy mọi thứ quyền lực… chính trị, công nghệ, xã hội, kinh tế… đều phải qui phục Quyền Năng trên cao và phải khép mình vào kế hoạch của Thiên Chúa trước đã, sau đó mới có thể chính đáng qui phục kẻ khác được.  Quyền lực không phải được kiểm tra từ phía dưới, kiểu như thái độ thách thức vô chính phủ hoặc đảo chánh, mà chính nó phải biết tự giới hạn từ trên xuống.  Quyền lực trần thế có quyền yêu cầu mọi người tuân phục chỉ khi nào biết vâng phục Đấng Toàn Năng trên cao.  Quyền bính trần thế được tôn trọng khi phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hoá.  Kẻ cầm quyền chỉ được tôn phục khi họ biết tôn kính Thiên Chúa.

Với giàu sang cũng vậy: Chúa đã dạy ta rằng không ai trở nên giàu sang nếu họ không học biết từ bỏ nó.  Những năm ẩn dật ở Nazareth không phải có ý nhắn nhủ ta phải tôn vinh sự nghèo khổ, cam chịu những điều kiện sống tồi tệ nhếch nhác, hoặc sống gian khổ trong cảnh đói rách bần hàn.  Chúa chúng ta nghèo khó thật sự.  Ngài lao động cật lực mới kiếm đủ ăn đủ mặc.  Ngài là một thợ mộc nghèo nàn, nhưng Ngài cũng là một Thiên Chúa giàu sang, làm chủ cả thế giới.  Ngài còn là vị Thiên Chúa quyền uy nhưng lại tự mình trở nên hèn kém.  Giàu sang và quyền uy tự bản thân của chúng đều không có gì xấu xa, bởi vì chúng thuộc về Thiên Chúa.

Bởi thế người Cộng sản căm thù kẻ giàu có chỉ vì họ giàu.  Người Cộng sản không hề tìm thấy sự tán đồng của Kitô giáo trong việc đó.  Không ai có quyền khinh miệt người giàu có, nếu cũng như Chúa, họ đã chứng tỏ rằng mình không bị đam mê chiếm hữu ràng buộc… và như thế, họ cũng không muốn miệt thị ai cả.  Cuộc sống đạm bạc ở Nazareth không phải là để lên án sự phú quý hoặc tôn vinh sự nghèo hèn: mà là minh họa cho học thuyết tuyệt diệu về việc từ bỏ.  Các môn đệ theo Chúa Kitô, họ cũng dứt bỏ được của cải để tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa, dù rằng sản nghiệp của họ chỉ vỏn vẹn một ít ngư thuyền và lưới đánh cá, và quí báu nhất là ý chí của họ.

Thiên Chúa không hề xúi kẻ nghèo chấp nhận sự nghèo đói, hay bảo ta phải đi tìm kiếm bần cùng.  Ngài không tôn vinh người nghèo cũng như kẻ giàu.  Nhưng Ngài đã khen ngợi người nghèo khó kia, kẻ đã một thời gian giàu sang, nay vui lòng sống nghèo khổ… chính người nghèo, do sẵn sàng từ bỏ mọi sự, mà trở thành có mọi sự – kẻ nào không muốn gì cả, lại có tất cả.  Bởi vì Thiên Chúa không hề khuyên răn phải “từ bỏ” sự phú quý để được sự “hư không”; đúng hơn, Ngài thừa nhận việc đánh đổi sự phú quý để được giàu có lớn lao hơn trên Nước Trời.  Ngài không bảo “Phúc cho kẻ nghèo” hay “Phúc cho kẻ giàu.”  Ngài bảo “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó.”

Cuộc đời ẩn dật ở Nazareth không chỉ nói lên lý lẽ đơn giản về “thanh bần” hoặc “yếu hèn trong sự thánh thiện”; bản thân những điều này không phải là nhân đức theo nghĩa của đạo Công giáo.  Bài học Nazareth dạy ta biết về sự giàu sang của những ai đạt tới tinh thần khó nghèo bằng sự từ bỏ, và về quyền lực của những ai biết trở nên hèn kém để phục vụ anh em.  Chúa của chúng ta là Đấng duy nhất từ xưa tới nay đã đồng hành với thế giới mà hết thảy những người, giàu hoặc nghèo, chủ hoặc tớ, mạnh mẽ hay yếu đuối đều được quyền gọi Ngài là Chúa, đều có quyền thành tâm gọi Ngài là đồng loại với mình, Ngài là Người như ta.

Đức cha Fulton Sheen

(Nguyên tác: Way to Happiness)

Vùng tệp đính kèm

Check Also

Người quản lý trung tín

Trong phúc âm thánh Luca ( 16 , 1-13 ) ghi lại việc làm người …

TÌNH YÊU MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ LÚC NÀY?

“Hoàn toàn có thể cho rằng chúng ta tạo nên Thiên Chúa theo hình ảnh …