Chúng ta đang sống trong những ngày cuối cùng của mùa chay, trong những giờ phút thánh thiêng của mầu nhiệm vượt qua; Cùng nhau sống và tái hiện mầu nhiệm sự thương khó của Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ; Chiêm ngắm tình yêu, lòng nhân từ, bao dung, nhẫn nại của Thiên Chúa được tỏ lộ nơi khuôn mặt của Đấng cứu thế – Một tình yêu vô bờ không bao giờ ngơi nghỉ trước tội lỗi, sự yếu đuối và bất trung của con người. Trang thuật Tin mừng hôm nay cho chúng ta chiêm ngắm chỉ một chút thôi, nhưng cũng quá đủ để ta có thể vững tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta.
Khi ấy “Đức Giêsu cảm thấy tâm thần xao xuyến. Người tuyên bố: “Thật, Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (c. 21) Cũng như một con người, đứng trước tội lỗi, bất trung, sự phản bội, sự đau khổ, nhục hình, cái chết, tâm hồn Đức Giêsu thực sự xao xuyến buồn rầu. Cái buồn thâm sâu rúng động của một tình yêu dâng hiến bị chối từ, bị phản bội.Không gì đau đớn cho bằng bị người thân yêu phản bội. Điều đó giúp ta hiểu nỗi lòng của Chúa Giêsu, Ngài đã xao xuyến khi phải đối diện với sự thật phũ phàng : sự phản bội. Thật xót xa khi thầy trò đang sống trong khung cảnh ấm cúng thân thương, những giây phút ngắn ngủi bên nhau trước giờ chia ly, mà phải nói lên sự thật : một trong anh em sẽ là kẻ nộp thầy ! Và sau đó lại phải tuyên bố với Phêrô: Thầy bảo thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần !
Phêrô và Giuđa đều là những tông đồ được Chúa Giêsu thương yêu cách đặc biệt : được giao cho chức vụ Quản lý và được chọn làm Tông đồ trưởng. Nhưng cả hai đã lợi dụng chính tình thương, sự tin tưởng của Thầy để phản bội : sự tham lam và lòng tự mãn. Tiền bạc đã làm mờ mắt lương tri của Giuđa; lòng kiêu hãnh đã khiến Phêrô mất cảnh giác, không thấy được sự bất toàn yếu đuối của chính mình, thiếu lòng cậy trông vào Chúa để rồi sẽ sa ngã cách thảm thương.
Đau khổ và bẽ bàng trước lòng người sao quá chai cứng, trí người sao quá cằn khô, tâm người sao quá phù du. Đôi tay cứu thế vươn ra, dang rộng, nhưng con người lại trốn chạy theo những gọi mời giả trá. Hơn nữa, những môn đệ đã cùng Người gắn bó, cùng chung chia thâm tình cuộc sống bao tháng ngày, được Người dạy dỗ cách đặc biệt rồi cũng sẽ phản bội – không phải chỉ riêng Giuđa, nhưng là hầu như tất cả sẽ chối và phản bội (Giuđa rắp tâm bán thầy, Phêrô môn đệ thân tín sẽ chối thầy, các môn đệ khác sẽ bỏ trốn) đã làm cõi lòng Người rối bời tan nát. Thế nhưng, dẫu nỗi sầu nhức nhối con tim, Đức Giêsu vẫn ở đó, bày tỏ tình yêu trong bữa ăn sau cùng…
Lúc Giuđa nhận mẩu bánh, quỉ nhập vào lòng ông. Thật khủng khiếp khi tiếng gọi của tình yêu thương biến thành động lực của lòng ghen ghét. Đó là việc ma quỉ có thể làm. Nó có thể lấy những điều đẹp đẽ đáng yêu nhất để bẻ cong thành tay sai cho hỏa ngục. Nó có thể lấy tình yêu để biến thành dục vọng, lấy sự thánh khiết để biến thành kiêu ngạo, lấy kỷ luật để biến thành tàn ác gây đau đớn, lấy sự trìu mến biến thành sự dễ dãi gây tai hại. Chúng ta phải thận trọng cảnh giác để ma quỉ không thể lấy những điều đẹp đẽ, đáng yêu nhất để sử dụng cho những ý đồ riêng của nó.
Tuy trái tim tình yêu của Người quá đau khổ và tan nát, nhưng ý chí vững vàng không lay chuyển vâng theo thánh ý và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha, dẫu rằng có phải chết, vì Người biết đó là lúc mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa được tôn vinh: Khi Giuđa đi rồi, Ðức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người, (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người”.
Như chúng ta đã biết “Giờ” trong Tin mừng Gioan là lúc Đức Giêsu chịu khổ nạn và chết trên Thập tự giá để cứu độ con người, thế nhưng Người lại gọi đó là giờ “Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.” Thật là lạ lùng phải không! Vì có ai trong chúng ta cho rằng khi mình bị bắt bớ, xỉ nhục, bị hại là điều tốt, điều lành, là vinh quang? Thường thì không, ngàn vạn lần không! Mà ngược lại chúng ta cho đó là những điều xúi quẩy, là “sao quả tạ chiếu.” Chúng ta làm mọi cách hết sức có thể để tránh nó. Chúng ta phản ứng bất bình để chống lại….
Vâng, vì đau khổ tự thân chẳng có gì tốt lành. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những nét cong, Ngài có thể dùng đau khổ để làm ích cho chúng ta; vâng, nếu chúng ta biết lợi dụng đau khổ, thì đó là phương tiện để chúng ta huấn luyện mình, đó là lửa tinh luyện, loại đi những cặn bẩn và làm cho vàng thêm tinh ròng, thêm sáng hơn. Nói như thánh Phao-lô: “Vì danh Đức Ki-tô, tôi đành mất hết tất cả, tôi coi mọi sự như cỏ rác…” (x.Pl. 3,8); hay như các thánh Tử đạo: chấp nhận khổ hình để đạt triều thiên bất diệt; hoặc như các thánh coi những đau khổ, hy sinh , trái ý mà mình chịu vì yêu mến Chúa như những hạt ngọc, viên kim cương đính trên áo, gắn trên triều thiên của mình.