Lúc này tuổi đã xế bóng gần thất thập cổ lai hy, nên đã xa lắc xa lơ cái thời mà mỗi năm tết đến xuân về, để háo hức nô nức với hội chợ xuân.
Vậy mà bỗng đâu có người bạn (TN)đánh tiếng: “Nhân đây em cũng muốn nhờ anh xem xét và có thể viết một bài «đánh giá» hay nhìn lại việc tổ chức hội chợ xuân nơi các xứ đạo ở VN? Có nên không việc tổ chức hội chợ xuân? Em nghĩ là anh viết rất tốt, lại có cái nhìn và lối phân tích thấu đáo mọi khía cạnh.
Thú thật, được người bạn tin cậy, lại được khen, ai mà chả thích, nhưng ngặt một nỗi, đây là một vấn đề tôi chưa bao giờ nghĩ tới để: đánh giá và đặt ra vấn đề là, có nên tổ chức hội chợ hay không? Hơn nữa như tôi nói ở trên là, lâu lắm rồi tôi đã xa rời không khí hội chợ những mấy chục năm, nên khó có thể đánh giá thực tế được. Sau đó, người bạn lại đặt ra nhiều vấn đề mặt trái của việc tổ chức hội chợ xuân…Phải nói, vì sự nhiệt tình của người bạn đã khiến tôi phải ngồi vào bàn để viết bài tản mạn này…Nhưng có lẽ, đề tài này cũng đáng cho chúng ta xem xét lại một lần, và kể cả các nhà tổ chức cũng nên rà soát lại xem: liệu có nên tổ chức hội chợ xuân mỗi năm không?
Ngày đó, khi tiếng nhạc xuân rộn ràng trong tiết nhịp sống động, vui tươi, xen lẫn tiếng loa vang mời gọi mọi người tới tham gia các trò chơi hội chợ trước sân nhà thờ, thì trẻ con là khán giả có mặt sớm nhất.
Đã mấy mươi năm rồi, bây giờ hồi tưởng lại, trong tôi vẫn thấy nao nức như mới ngày nào…3 ngày tết chẳng thiết ăn uống chi, chỉ cần áo quần mới cáo cạnh, đôi săng đan mới kít, đi chúc tết xong có tiền lì xì là thẳng tiến về sân hội chợ nhà thờ ngay.
Trẻ con lên 3 lên 5 thì thích đánh đu, ngồi xe lửa…với xướng ngôn viên hát: một cây số mỏi chân… Lớn lên 9, 10 tuổi thì thích trò chơi ném vòng, câu cá, ném cổ chai…Tuổi teen thì thích đi khèo, ném phi tiêu, ngậm thìa xúc bi…. Xổ số lô tô…Con gì đây là cái con gì đây? Còn các anh chị tuổi đôi mươi thì “quần là áo lượt” đi dạo hội chợ tán tỉnh và trao duyên cho nhau trong ngày đầu xuân…
Hồi ức lại một chút để có một vài hình ảnh gợi nhớ lại bầu khí về hội chợ xuân….Thông thường thì các gian hàng hội chợ được thiết kế một vòng tròn hay ô chữ nhật khép kín, trước là để giữ khách dù muốn hay không, đều phải đi một vòng hết các gian hàng rồi mới ra cửa. Hai nữa là để che chắn gió lùa vào làm bụi bay mù trời. Ba nữa là tránh kẻ gian ăn cắp hàng…có lối tẩu tán. Những gian hàng gần kề nhau, có các trò chơi bày ra rất phong phú và đa dạng…Mỗi gian hàng có loa phóng thanh để các người xướng ngôn hát ca, mời mọc khách hàng tới gian hàng mình. Xướng ngôn nào “to còi” lại khéo nói, sẽ câu được khách về gian hàng mình đông đảo, và hiệu ứng đông người càng thu hút khách hàng về mình. Và kết quả gian hàng đó sẽ thu về mình lợi nhuận càng nhiều quỹ càng tốt…
Dù thích hay không, thì cũng phải nhìn nhận bầu khí bất cứ hội chợ xuân nào cũng đều tưng bừng, náo nhiệt, từ âm thanh các loa vọng lại, rồi khách ra vào các gian hàng cũng tập nập hơn bất cứ nơi đâu trong ngày tết. Vì vậy hội chợ luôn thu hút được một lượng khách rất đông đảo, nhất là thiếu nhi và giới trẻ.
Thiển nghĩ, các Giáo xứ (GX) tổ chức hội chợ xuân có được hai điều lợi: một là gây quỹ cho các hội đoàn hoặc cho GX. Hai là tạo điều kiện cho mọi người trong GX có được nơi vui chơi giải trí lành mạnh, sau nữa để tránh tệ nạn nhậu nhẹt say sưa, cá cược đá gà hay lao đầu vào chiếu cờ bạc…trong ba ngày tết.
Tuy nhiên, cũng đừng vì lợi ích tập thể hội đoàn hoặc GX để các trò chơi hội chợ ăn lời quá nhiều…Một vòng quay số chỉ nên thu lợi từ 10% đến 20% mà thôi. Ví như vòng quay 1 triệu đồng, bán hết vé thì chỉ nên thu về lợi nhuận từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng. Giải thưởng càng cao, vật thưởng càng lớn mà tiền mua vé càng nhỏ thì sẽ thu hút được nhiều người chơi, và số lượt quay xổ sẽ nhanh và nhiều lần lên. Đừng như một số gian hàng, giải thưởng không giá trị mà tiền mua vé lại lớn thì sẽ có ít người tham gia mua, dù có lời cao nhưng ít lượt quay thì sẽ không mang đến lợi nhuận. Và như thế hội chợ chẳng khác nào để trấn lột người chơi.
Anh bạn tôi lại trao đổi thêm: “Em thấy người ngoại đạo, họ cảm thấy không thuyết phục vì nó mang tính nặng về tiền bạc ăn thua. Mà cha xứ thì sợ lỗ nên ba ngày tết lúc nào cũng kêu gào mua vé số ủng hộ, người đi lễ có khi ba ngày lại «chuyên tâm» cầu nguyện việc trúng giải lớn..”.
Nếu nói về hội chợ xuân, có lẽ chẳng có hội đoàn xã hội nào và kể cả bên giáo hội Phật giáo cũng không có điều kiện tổ chức như các giáo xứ Công giáo. Trước hết phải nói về lợi thế của các GX, là người cùng chung tôn giáo, ở cùng chung một khu vực gần gũi nhau, lại có một sự đồng tâm để xây dựng GX, nên họ chung tay vào việc tham gia hội chợ khá đông đảo.
Xét về mặt xã hội, hội chợ được nhà nước cho phép và khuyến khích, kể cả tôn giáo cũng không lỗi đức công bằng…vì vui chơi công khai và tự giác không ai bị ép buộc, trước mua vui trong GX, sau là gây quỹ cho hội đoàn GX.
Hội chợ dù là vui xuân cũng là hình thức nhỏ của sự cá cược đánh bạc ăn thua, nhưng dù sao cũng được xã hội và tôn giáo cho phép, so với bài bạc thì nó đỡ nguy hiểm tán gia bại sản hơn nhiều. Cuộc sống không thể cứ lý tưởng được, đôi khi phải chấp nhận mất cái nhỏ để được cái lớn. Ngay cả tôn giáo, giữa những cái xấu cũng phải chọn cái đỡ xấu hơn. Giết người là trọng tội đối với xã hội và tôn giáo, nhưng có khi cũng cần cho phép ra tay giết kẻ khủng bố đang đe dọa giết mấy chục người trên máy bay…
Bạn nói: “Mà cha xứ thì sợ lỗ nên ba ngày tết lúc nào cũng kêu gào mua vé số ủng hộ…”. Nói cha xứ thì quả tội cho ngài, vì thông thường tổ chức hội chợ thường là của HĐGX hay các ban ngành Thiếu Nhi, Thanh niên…Cha xứ chỉ động viên giáo dân tham gia hội chợ mà thôi. Các hội đoàn thường lợi dụng các em đoàn thiếu nhi để trét cho các em một số vé đi bán. Điều này cũng tạo áp lực cho các em rất nhiều. Để bán hết số vé chỉ tiêu các anh chị giao cho, các em phải đi nài nỉ, đi tấn cho người lớn: cha mẹ, anh chị em trong nhà đến hàng xóm…Đó cũng là nỗi khổ cho các em, liệu có nên làm khổ các em trong dịp tết vui xuân chăng??
Bạn lại bảo rằng: “Rồi người thắng cũng lo. Lo là phải «lại quả» nếu không thì cũng điều nọ tiếng kia, rồi bao chuyện phiền toái khác…”. Điều này thì tôi thấy bạn nói đúng, chí ít là một số GX đã xẩy ra trường hợp như thế. Ở một GX nọ, người trúng thưởng được mời vào nhà xứ để trả giá cho việc lấy thưởng phải ký quỹ bao nhiêu?? khiến người được giải thưởng bất mãn, vì họ bị cưỡng bách phải cúng quỹ cho ban tổ chức. Điều này là một sự khiên cưỡng, vì khi làm ra trò chơi, ban tổ chức đã chiết tính lợi nhuận cả rồi, hà cớ chi lại bắt người trúng thưởng phải ký quỹ nữa. Hãy để cho người trúng thưởng được tự giác cho nhiều hay ít tùy lòng hảo tâm của mình, chứ đừng áp lực định mức bắt người trúng thưởng phải lại quả là không công bằng.
Bạn góp ý thêm: Nếu vui thì nên tổ chức quy mô nhỏ. Các trò vui chơi cho các bé thiếu nhi không nên thu tiền. Hãy đưa các trò chơi dân gian vào cho đúng với tinh thần tết cổ truyền. Tôi cũng rất đồng ý với bạn.
Thay cho lời kết: Tổ chức hội chợ xuân là để tạo sân chơi lành mạnh cho mọi người vui xuân, nhưng cũng xin đừng quá vụ lợi nhằm hướng đến góp quỹ cho hội đoàn…mà đánh mất vẻ đẹp vui xuân trong sự cá cược ăn thua đủ. Hội chợ xuân cũng nên tạo một sân chơi bổ ích và lành mạnh cho các em thiếu nhi trong dịp ngày đầu năm mới, trong đó, chúng ta nên tổ chức hội chợ với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn và thú vị, như: Chơi bịt mắt bắt dê, chơi đánh đu, chơi đấu vật, chơi kéo co, đập niêu đất, đi cầu kiều…. Vui chơi hội chợ như thế sẽ mang tính giáo dục hơn là đưa vào các trò chơì chỉ để đánh cược vào vật chất ăn thua đủ…
Chắc chắn đề tài này còn nhiều góc khuất mà người viết chưa nêu ra được hết. Rất mong các bạn tham gia góp ý cho vấn đề sáng tỏ hơn.
Nguyễn Vĩnh Căn