Sau khi định cư, nhà cửa vườn tược ổn định trên mảnh đất Châu Sơn thân thương, có lẽ, cây trồng đầu tiên mà người Châu Sơn nghĩ đến, phải là cây chè xanh và thứ đến là cây trầu không.
Thế là một sáng một chiều, người Châu Sơn hưởng ứng khẩu hiệu: “Nhà nhà trồng chè, người người đều uống”. Và chỉ hơn vài năm sau, chè Châu Sơn lấn át chè đồn điền Bác Ái, ( ở Đức Minh) khắp BMT, vì gần chợ, cho nên chè xanh tươi ngon, thơm hơn và nước chè cũng đẹp màu hơn. Ngày đó, bà Kỳ (Uy) là đại lý buôn chè xanh có tiếng ở Thị xã Buôn Mê Thuột.
Còn Châu Sơn thời đó, bất kể sáng trưa tối, hễ khi nào có khói lan toả trên mái bếp, thì tất là rôm rã có ấm nước mới đâu đó trong thôn xóm.
Ngày đó, điện, đài chưa có…thì thú tiêu khiển của người dân, không chi bằng ấm nước mới. Thế là sáng, trưa, tối nào cũng nghe tiếng trẻ con nhao nhác ngoài ngõ:
– Mời ông Bằng sang nhà con uống nác. Có tiếng vọng:
– Con nhà ai đó bây.
– Nhà ông Thông…
Hồi đó, phải đi từng nhà mời uống nước, và có khi hai ba nhà, tranh nhau đi mời, nhưng nhà nào mời trước thường đông khách hơn. Cho nên nhà nào nấu nước, cũng phải lo tranh thủ nấu cho sớm.
Một buổi sáng mùa đông… dưới mái bếp, những chiếc cọc gỗ còm lưng chống mái tranh thấp lè te, ấm áp toả khói lan ủ ê, bên nồi nước đang ùng ục sôi vội vã để đón chờ khách tới.
Từng làn hơi nước chè xenh nghi ngút bốc thơm ngào ngạt thoảng vào gió đông se lạnh, một mùi chè xanh thơm lừng hương chan chát, ngây ngất đến quyến rũ. Khó ai có thể cưởng nổi khi mùi hương chè xanh thoang thoảng vào khứu giác, mà không uống một bát nước chè xanh, tưởng như phải chịu một cực hình chay tịnh vậy.
Ấm nước mới chè xenh bắt đầu, khi những người hàng xóm đến ngồi xếp vòng trên chiếc chõng tre kèo cọt, hay trên những chiếc dong( ghế dài), bên những chiếc bát đọi bày la liệt giữa chõng. Một mầu nước mới vàng đậm pha lẫn chút màu xanh mật gấu, sóng sánh trong hơi khói làm cái giá lạnh mùa đông như chợt tan biến, chỉ để lại hơi ấm tình người và nồng nàn hương vị khói thuốc lào ngây ngất.
Thổi phù bát nước sóng sánh màu vàng xanh, rồi khoan thai từng hớp nước nóng chan chát thấm thía trên vị giác lưỡi, ngon ơi là ngon! Và rồi nước chát thấm đẩm vào tì vị, làm thức tỉnh mọi vận hành ngũ phủ lục tạng cơ thể, để nhẹ lâng lâng lên trí não, và tâm hồn ta bỗng cảm thấy sảng khoái và dễ chịu biết bao. Nhưng nếu muốn ép phê đủ liều lượng, bạn đừng quên, tay trái vân vê những sợi thuốc lào ba số tám, mầu nâu thẩm, văn gọn, rồi cho vào nọ điếu cày( phải là điếu cày làm bằng tre già, càng lâu năm hút càng ngon và phê). Tay phải cầm đóm le ngâm( 3 tháng ngâm hồ, suối, thì đóm mới cháy rực ngọn, gió cũng khó tắt), châm vào ngọn đèn nhỏ Hoa Kỳ leo lắt.
Chờ cho đóm cháy rực, bập miệng vào ống điếu, đóm lửa kề vào nọ, rít một hơi dài kéo theo tiếng nước quyện khói thuốc cuốn theo đóm lửa chui tọt vào nọ, vang lên tiếng rít trong ống điếu nghe réo rắt sướng tai vô vàn! Hơi ngã người phía sau, mặt ngước nhìn lên cao trầm tư với đôi mắt lim dim, miệng phà ra, thả từng sợi khói nhạt màu lưa thưa bay lên, bay lên xoã vào không gian màu trắng mờ sương, khiến cho ta như lạc vào cõi tiên mờ hồ nào đấy. Và trong người, máu cơ hồ về tim, vội vã chạy rân rân khắp cơ thể. Âm dương nhị khí trời ơi! sướng tê người đấy các bạn ạ! Trời đất bỗng mơ hồ chếnh choáng trong ta,( chỉ có trời mới biết được ta đang nghĩ gì) phải mất đi một khoảng lặng, sau đó mới trở lại được trạng thái bình thường. Bạn không tin ư! Cứ thử nhập thiền bài bản như lời chỉ dẫn trên, bạn sẽ thấy: Lời diễn tả trên là một sự vụng về không chuyển tải hết cảm xúc thực sự của cú ngã bàn đèn độc đáo, quốc hồn, quốc tuý của làng quê VN đấy các bạn ạ!
Mời các bạn xem tiếp phần II
Châu Sơn choa