Chuyện Phiếm
NÉM ĐÁ
Ném đá là một phản ứng do bức xúc khi mình muốn tấn công một ai đó. Ném đá cũng là một phản xạ tự vệ khi bị ai đó tấn công mình. Cho nên, ném đá là một hành động tự nhiên nơi con người khi bị kích động. Và đó là lẽ thường tình giữa cá nhân và cá nhân. Nhưng còn với tập thể thì sao? Thông thường, một tập thể xúm lại ném đá một người là vì người ấy phạm những tội lỗi công khai như cướp của giết người, ăn trộm ăn cướp hay hiếp dâm ngoại tình.
Tục lệ này đã có từ rất xưa. Ngày nay ở các nước Trung Đông hay các nước chậm phát triển chưa có hệ thống luật pháp rõ ràng, vẫn còn áp dụng. Ở Do Thái, thời Chúa Giêsu, cũng đã áp dụng tục lệ này đối với những tội công khai. Nhưng Ngài đến để cởi bỏ chứ không phải để cổ vũ cho tục lệ này. Mà Ngài cởi bỏ một cách rất tài tình, nhẹ nhàng.
Chúng ta hẳn còn nhớ, phúc âm Thánh Gioan đã kể: một ngày nọ, vào tảng sáng, trước đền thờ Giêrusalem, một nhóm kinh sư đem một người đàn bà bị bắt quả tang vì tội ngoại tình, đến trước mặt Chúa Giêsu. Họ bảo theo luật Mô sê thì phải ném đá, nhưng theo thầy thì sao? Biết họ gài bẫy, Chúa chỉ dùng ngón tay vu vơ viết trên đất. Một lúc lâu Chúa mới nói. Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi. Nghe vậy kẻ trước người sau, theo thứ tự già trước, trẻ sau, bèn bỏ đi.
Còn ngày nay thì sao? Dĩ nhiên, cái tục lệ dã man, “ném đá đến chết” đã giảm đi rất nhiều, chỉ còn lại vài nơi ở các nước Hồi Giáo cực đoan nữa thôi. Ném đá ngày nay không còn là một tục lệ giết người công khai nữa mà đã biến tướng sang một cách thế mới: nhẹ nhàng hơn, văn minh hơn nhưng ngày càng náo nhiệt hơn. Ném đá đối với dân Việt ta bây giờ, nó trở thành như một thuật ngữ để chỉ thái độ phản ứng, chỉ trích ai đó làm việc gì sai trái, dở tệ hay có những phát ngôn ngạo mạn, mất tư cách. Cũng có thể nói chung chung là chịu búa rìu dư luận. Ném đá kiểu này thường xảy ra trên các trang truyền thông hay trên mạng ảo, nhắm vào giới được mệnh danh là người-nổi-tiếng-của-công-chúng. Họ là giới chính trị gia hay các đại gia mới nổi nhất là trong giới làm nghệ thuật, ca nhạc sĩ, showbiz…Hoạt động này hiện nay đang rất sôi nổi và thu hút mọi chú ý cho nên các nạn nhân (người nổi tiếng) hãy coi chừng.
Sau đây, ta hãy lược lại các vụ ném đá nổi đình nổi đám trong thời gian gần đây mời các bạn hãy cùng theo dõi.
Trước hết, về chính trị, ta hãy đề cập đến ngài “ma dê in VN” hay “ cờ lờ mờ vờ”. Quả thật là rất đáng nghi ngờ về trình độ, khả năng của vị quan to này đã không thể đọc chuẩn một từ tiếng Anh thông thường hay một vài chữ cái viết tắt trong một thông báo hay văn thư gì đó cho thông thoáng. Thật đáng buồn thay cho một đất nước luôn tự hào bốn ngàn năm Văn Hiến!!!
Hay như trường hợp các nhân viên nhà nước khi đi ra nước ngoài công tác đã giở trò hà tiện ăn cắp khiến quốc tế khinh thường. Điều này các Camera ghi hình rõ ràng nên không chối vào đâu được.
Ôi! Quốc thể, quốc nhục biết đến bao giờ mới gột rửa sạch hết các vết nhơ này? Nhân dân không ném đá mới là lạ.
Thôi, bây giờ ta hãy bước sang thăm giới nghệ sĩ, ca sĩ, showbiz… một giới nổi tiếng là lắm chiêu trò, ném đá dấu tay thiên hạ cũng nhiều, mà bị cả thiên hạ ném đá cũng lắm.
Ở lãnh vực này, không khí thật ồn ào náo nhiệt. Thiên hạ cứ đụng nhau chan chát, chan chát. Scandals xảy ra như cơm bữa. Nhiều không sao kể xiết. Chỉ xin đơn cử một vài trường hợp thôi nhé. Chẳng hạn như Đàm Vĩnh Hưng (Mr. Đàm) đang làm mưa làm gió trong giới Showbiz được mệnh danh là “ông hoàng nhạc Việt” đã hỗn hào với bậc tiền bối đáng kính NGUYỄN ÁNH 9 khi ông này góp ý chê bai giọng hát của mình. Thế là anh ta cảm thấy bị xúc phạm, liền nhảy đổng lên viết tối hậu thư cho rằng bậc tiền bối này là ngụy quân tử, là kịch sĩ…
Hay như trường hợp ca sĩ mới nổi Hương Giang Idol, trong một gameshow nào đó, đã “cho” nghệ sĩ lão làng Trung Dân “đút đầu vào cầu tiêu”. Những trường hợp này bị thiên hạ chỉ trích, ném đá là đáng, nhưng rất may họ đã nhận ra lỗi lầm và đã công khai xin lỗi.
Trên đây là những trường hợp đụng độ giữa cá nhân và cá nhân nên dễ dàn xếp và thông cảm chứ những xúc phạm ngạo mạn chê bai cả một tập thể, cả một vùng miền thì không thể tha thứ được.
Đó là trường hợp của ca sĩ NSƯT Thanh Lam. Trong khi đang yên, đang lành cô ta bỗng nổi hứng chê bai: phần nhiều ca sĩ Miền Nam chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng là nhờ truyền thông. Phát ngôn của cô ta thật ngạo mạn. Đành rằng, cô ta được học hành trường lớp đàng hoàng nhưng cô ta lấy quyền gì để chê bai cả một tập thể, vùng miền như thế. Phải chăng cô ta nghĩ mình là người có học, mình là NSƯT nên có quyền kiêu ngạo. Có học mà như thế à? Có học là phải biết khiêm tốn, biết nhún nhường, biết cầu thị. Hay phải chăng cô ta tự nghĩ mình là Diva nên coi khinh thiên hạ.
Cái này nên coi lại à nghen. Đừng ảo ảnh quá theo kiểu con ếch muốn to bằng con bò. Diva là một danh xưng do cảm tính người ái mộ tôn phong chứ không phải là một sắc phong hay một tấm văn bằng. Thực ra, nguyên ngữ nghĩa của Diva là Nữ Thần, thường dùng để xưng tụng đối với các siêu danh ca trên sân khấu opera hay những ca sĩ có khả năng tạo cho mình một phong cách, một thương hiệu riêng và có sức ảnh hưởng lớn đến nền nghệ thuật quốc gia hay rộng hơn nữa. Các danh ca của nước ngoài hay các nghệ sĩ có tâm họ rất ngại được xưng tụng như vậy. Thường thì họ khiêm tốn từ chối vinh quang này.
Nói cho công bằng thì giọng ca của Thanh Lam rất đáng ngưỡng mộ. Một giọng ca phong phú, đầy nội lực. Một giọng ca hiếm, kỹ thuật cao và rất đa dạng. Nhưng cũng chính vì có tài như thế nên kiêu căng ngạo nghễ coi trời bằng vung và muốn lấn át ai thì lấn át nhất là các đồng nghiệp đàn em.
Có lẽ Thanh Lam nên học sự khiêm tốn của đàn chị NSND Lê Dung, bởi lúc sinh thời trong một lần du diễn phía Nam có ghé thăm Châu Sơn một ngày, bà đã tâm tư: rất ngưỡng mộ và xem Thanh Lan như thần tượng. Thấy chưa, một người xứng đáng được tôn vinh là Diva, đã từng nổi danh trên các sân khấu Châu Âu, đạt nhiều giải thưởng Quốc Tế giá trị mà lại khiêm tốn nhận một ca sĩ Miền Nam (nơi các ca sĩ chẳng học hành gì) là thần tượng.
Thực ra cũng có một số người tỏ ý bênh vực cho rằng Thanh Lam bị gài bẫy, bị trích đoạn, bị lỡ lời hay bị tai bay vạ gió. Nhưng nếu ta đọc lại phát biểu của Thanh Lam thì những bênh vực đó đều không đủ sức thuyết phục: “không có ngành nghề nào mà không cần phải học cả. Người không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi. Nhưng trong miền Nam lại nổi lên nhiều ca sĩ chẳng học hành gì cả mà vẫn nổi tiếng nhờ truyền thông”(hết trích). Thấy chưa, một câu nói “có học” khẩu khí như thế đâu phải là câu nói bị gài bẫy, lỡ lời.
Đáng lý ra Thanh Lam nên có lời xin lỗi công khai chắc mọi người (ca sĩ Miền Nam) cũng dễ dàng bỏ qua, đằng này cô còn nói cứng. “nếu ai dành thời gian ra đọc một cách thiện chí và chí tình sẽ thấy chia sẽ của tôi với mục đích vì một nền âm nhạc tốt hơn”. Với mục đích vì một nền âm nhạc tốt hơn tại sao không phát biểu một cách đúng mực mà lại ngạo mạn vơ đũa cả nắm?
Nếu Thanh Lam cứ giữ mãi thái độ mục hạ vô nhân và tự cho mình là soái ca thì còn phải bị ném đá dài dài…Hiểu chứ?
NGUYỄN VĂN