Thương nhớ về một vị Tổng Thống

Lời người viết: Hôm nay ( ngày 2 tháng 11), nhân kỷ niệm Lễ

Giỗ lần thứ 54 năm của cựu Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM. Tôi xin gửi những lời thương nhớ này đến cụ, gọi là thắp một nén hương lòng để phần nào an ủi vong linh cụ.

Cách nay khá lâu, nhân một chuyến về Saigon dự lễ cưới cùng mấy người thân, trong thời gian chờ đợi, rảnh rỗi không biết làm gì để lấp vào khoảng trống: thời gian chờ đợi, ôi dài quá !!!. Bỗng một anh bạn đưa ra đề nghị : Đi thăm mộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thế là ý kiến được duyệt ngay. Tôi như được gãi đúng chỗ ngứa cũng bèn nhất trí ngay. Bởi, tôi vẫn ao ước một lần đến viếng mộ cụ, người mà lâu nay, trong tâm khảm, tôi hằng kính mến và ngưỡng mộ.

Sau khi thăm dò, biết đích xác nơi phần mộ đã an táng cụ, một chiếc tắc-xi đã được gọi tới trực chỉ nghĩa trang Lái Thiêu.

Đây là một nghĩa trang đã khá xưa, có tuổi đời cả trăm năm, nằm cách Saigon khoảng 20 km thuộc địa phận tỉnh Bình Dương. Vì là một nghĩa trang khá xưa cũ nên việc định vị thật nhiêu khê và đầy khó khăn. Ngay cả tài xế tăc-xi cũng có vẻ rất bỡ ngỡ bởi vì đây là lần đầu tiên anh ta đưa khách đến địa điểm này. Kể cả khi đến nơi rồi hỏi những dân cư bên đường họ cũng cứ ú ớ không biết gì về ngôi mộ của anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Thực ra, khó kiếm như vậy cũng phải, vì nghĩa trang này chia ra làm hai : Khu A và Khu B. Sau một hồi tìm hiểu mới biết Khu A dành cho người Tàu Chợ Lớn có cổng canh  và tường bao đàng hoàng nằm bên trái con đường hướng từ Saigon đi Lái Thiêu. Còn khu B thì có vẻ hoang tàn hơn, không hàng rào bao quanh mà chỉ có một con đường đất dẫn vào đầy những ổ gà và vũng nước to nhỏ. Vào chừng 100m thì có một con đường rộng với hai hàng cây rợp bóng tỏa mát, chia khu nghĩa trang này làm hai.

 

 Vừa quẹo vào con đường rộng đó thì chúng tôi thấy một số người chạy theo trông có vẻ hăm hở ra mặt. Khi xe vừa đậu đám người đó rất nhiệt tình hỏi chúng tôi kiếm viếng mộ ai họ sẽ sẵn sàng hướng dẫn. Hỏi ra mới biết họ là những kẻ vô công rỗi nghề làm ăn tự phát chuyên hướng dẫn khách thăm viếng nghĩa trang để kiếm ít tiền còm do khách rộng lượng trả công. Quả thật thì nhờ những hướng dẫn viên tự phát này mà chúng tôi đạt được điều mong muốn một cách mau chóng. Nếu không, có lẽ chúng tôi sẽ không “phăn ra múi” giữa hằng ngàn ngôi mộ na ná như nhau.

Điều này còn được chứng minh hùng hồn khi chúng tôi đứng trước các ngôi mộ này. Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ tuy không nằm trong một nghĩa trang ưng ý, nhưng ít ra, ngôi mộ của một cựu Tổng Thống có lẽ cũng phải tươm tất lắm chứ. Nhưng không, chúng tôi đã lầm, ngôi mộ của cụ thật bình thường nằm lẫn giữa các ngôi mộ bình thường khác. Thậm chí tên tuổi thật của cụ cũng không có nốt, mà chỉ mang một tên thánh mà thôi!!!. Chỉ có một điều an ủi duy nhất cho một cựu Tổng Thống đó là, mộ cụ được nằm cạnh mẹ và các em trai của mình. Gioan Baotixita HUYNH (Tổng Thống Diệm) – LUCIA Phạm thị Thân (Thân Mẫu) – Giacôbê ĐỆ (cố vấn Ngô Đình Nhu) và xa xa cách khoảng hai ngôi mộ là Gioan Baotixita NGÔ ĐÌNH CẨN. Nghe đâu, các ngôi mộ nầy đã được dân chúng thương mến lén lút di dời từ nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi ( Saigon) sau khi nghĩa trang này bị giải tỏa để lập công viên Lê văn Tám. Tự nhiên, tôi rưng rưng nước mắt khi đứng trước những ngôi mộ này. Ôi! Một vị Tổng Thống đã một thời oanh oanh liệt liệt đưa VNCH dẫn đầu trong khối Đông Nam Á mà bây giờ phải nằm lạnh lẽo ở một góc nghĩa trang heo hút không tên tuổi (khu B không có tên, bảng và cổng rào như khu A) không ai biết,  như thế này sao? Ôi! Ai xem thấy hình tượng này mà cầm nước mắt được ru!!!

Nhân đây, chúng ta hãy ôn lại một vài nét về khung cảnh lịch sử bắt đầu vào những năm 54 của thế kỷ trước. Ông Ngô Đình Diệm, sau nhiều năm tháng bôn ba ở hải ngoại, đã trở về nước chấp chánh và lập ra chính phủ VNCH từ năm 1954. Ông trở về trong niềm hân hoan chào đón của mọi người dân Miền Nam. Ông được suy tôn và xưng tụng như một chí sĩ, một Đấng Cứu Thế. Ai bao năm từng lê gót nơi quê người. Cứu đất nước thề tranh đấu cho tự do. Đó là những câu hát mở đầu trong bài Suy tôn Ngô Thủ Tướng. Trong 9 năm dưới triều đại của mình, nhờ sự lèo lái tài tình, ông đã đưa đất nước từ một mớ hổn độn, năm phe bảy cánh đi vào ổn định. Quãng thời gian này kinh tế Miền Nam phát triển mạnh mẽ thuộc vào hàng đầu của khối Đông Nam Á. Nhất là Thủ Đô SAIGON được ví như HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG đến nỗi Thủ Tướng Singapore LÝ QUANG DIỆU khi mới nhận chức đã ước mơ một ngày nào đó “Singapore sánh ngang được với HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG SAIGON” .

Mối bang giao với các nước lân cận tự do càng ngày càng thắt chặt hơn.  VNCH hiên ngang sánh bước với Năm Châu. Người dân miền Nam  sống rất yên bình tự do, thịnh vượng và sung túc.

Nhưng tình hình đất nước đã có những biến chuyển theo chiều hướng không thuận lợi. Khoảng đầu những năm 1960, dưới sức ép của cuộc chiến tranh ngày càng leo thang do Cộng Sản Miền Bắc chủ trương. Phía quan thầy Mỹ lại muốn thò bàn tay lông lá của mình hòng để thao túng cuộc chiến. Họ muốn đẩy cao chiến tranh và đem quân Đồng Minh ào ạt đổ bộ vào trợ chiến. Nhưng ông Diệm không muốn vậy. Ông muốn cuộc chiến của Việt Nam phải do người Việt Nam tự quyết, định đoạt. Ông đã từng tuyên bố :  Ngày nào quân đội Mỹ đặt chân lên đất nước này, chúng tôi sẽ mất chính nghĩa. Một tuyên bố khẳng định đầy tự tin  và  mang tính chất tự trị Dân Tộc cao độ. Và thế là mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh từ đó, khiến người Mỹ có cớ để đi đêm bắt tay các Tướng Lãnh tạo phản.

 Đã thế, cuộc đối nội cũng đã bắt đầu rối ren đầy biến động. Sự cai trị đất nước đã đi vào con đường độc tài, gia đình trị. Đạo Công Giáo được ưu đãi quá mức nên đã nổ ra các cuộc đấu tranh xung đột đòi hỏi công bằng của các tôn giáo khác, nhất là các tín đồ Phật Giáo. Đặc biệt, những người anh em trong gia tộc họ Ngô lại chính là kẻ đóng góp phần lớn làm cho chế độ mau sụp đổ. Trong khi đó, Cộng Sản Bắc Việt luôn biết cách rình rập lợi dụng triệt để những tử điểm đó để khai thác, phá thối khiến tình hình chính trị VNCH càng rối reng  thêm.

Và cuối cùng, cái kết đắng lòng đã xảy ra : cuộc đảo chánh đã nổ ra vào ngày mồng một tháng 11 năm 1963 do HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN CÁCH MẠNG (HĐQNCM) chủ xướng để lật đổ chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa và đã giết hai anh em ông Diệm – Nhu một cách dã man tàn bạo. Nói là HĐQNCM cho kêu vậy thôi chứ thật ra là một lũ Tướng Tá ô hợp ham quyền hành, ham bả vinh quang đứng đầu là Dương Văn Minh do Mỹ giật dây làm phản. Chúng là những tay chân thân tín, là con cháu của chế độ, là  những tên ăn cháo đá bát lừa Thầy, phản Chúa. Chúng là một lũ “ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa” như lời Tổng Thống Mỹ Lyndon JOHNSON đã chỉ đích danh.  Cũng vì những tên này mà, sau đó, VNCH đã dễ dàng rơi vào tay Cọng Sản Bắc Việt. Nhất là  Dương Văn Minh, một tên vô tài bất tướng : tạo phản cũng là y, trao VNCH cho Cộng sản cũng chính là y. Y chính là tên tội đồ đầu sỏ làm mất đất nước.

Thực ra, ở bất cứ một đất nước nào, khi nội bộ chính trị rối ren, xảy ra chuyện đảo chánh, chỉnh lý hay chính biến là điều khá bình thường. Điều đáng nói ở đây là mức độ bất nhân tàn ác của các kẻ gây ra cái chết  thê thảm của hai anh em ông Diệm – Nhu. Theo luật chiến tranh, khi một người lính địch đầu hàng, người ta không bao giờ xử bắn mà chỉ thâu nhận như một tù binh. Trong khi, đây là một vị nguyên thủ Quốc Gia đã báo nơi mình tạm lánh nạn cho phe đảo chánh thì lại bị giết một cách dã man bằng những viên đạn và lưỡi lê đâm nát người. Thật là một tội ác tày trời không thể tưởng tượng!!! Lịch sử rồi đây sẽ phán xử rạch ròi công và tội của những tên phản Chúa này.

Riêng chúng ta, những người CÔNG GIÁO DI CƯ CHÍN NÚT (1954) từ Miền Bắc vào, phải đời đời nhớ ơn cụ Diệm vì, ít ra, cụ cũng đã làm cho chúng ta sống 21 năm đàng hoàng dưới Chính Nghĩa Tự Do.

                                                                                 NGUYỄN VĂN

                                                                 

 

  

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …