Dự tiệc cưới của đôi vợ chồng không hợp lẽ đạo, có bị vạ tuyệt thông???

Tôi được hai người cho biết 2 việc như sau :

1-  Bên Việt Nam, có nơi đã ra vạ tuyệt thông cho ai đi dự tiệc cưới của đôi hôn nhân nào rơi vào trường hợp “rối” chưa được tháo gỡ nhưng cứ lấy nhau và tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng…?

2- Một linh mục đang coi một Cộng Đoàn ViệtNam ở Mỹ đã rửa tội cho người tân tòng ngày Thứ sáu Tuần Thánh (Good Friday) lấy cớ là  Cộng Đoàn không có Lễ Vọng Phục Sinh tối thứ bảy. Linh mục này còn “thêm sức” cho người tân tòng nhưng nói đó là “tạm thêm sức “ thôi, chờ ngày được Giám Mục cho thêm sức thiệt !!!

Tôi thực quá  ngạc nhiên và không hiểu được  về 2 việc kể trên. Nhưng nếu đó là sự thật đã và đang xảy ra như người ta đã kể lại thì quả thực đây là những điều đáng nói lên để mọi người cùng suy nghĩ.

I –  Trước hết, về vấn đề vạ Tuyệt Thông (Anathema = Ex-communication): đây là một hình phạt nặng  nhất mà Giáo Hội bất đắc dĩ  phải tạm thời áp dụng cho một thành viên nào của Giáo Hội như giáo sĩ (Giám mục, linh mục, phó tê) tu sĩ hay giáo dân. Bất đắc dĩ vì không còn chọn lựa nào khác đối với ai đã cố  tình vi phạm và  ngoan cố không chịu nhìn nhận lỗi đã làm liên quan đến các phạm vi tín lý, giáo lý, luân lý,  giáo luật, phụng vụ  và  kỷ luật bí tích của Giáo Hội.  

Căn cứ theo bộ Giáo Luật mới ban hành năm 1983 thì có một số trường hợp nghiêm trọng  phải áp dụng vạ tuyệt thông như sau:

 Nhưng trước hết, chúng ta cần đọc kỹ  Giáo luật số 1318 qui định rõ ràng thế này:  “Nhà lập pháp chỉ nên ngăm đe hình phạt tiền kết (Latae sententiae) khi phải chống lại vài tội phạm đặc biệt cố tình phạm, mà hoặc chúng có thể gây gương xấu lớn, hay không thể phạt hữu hiệu bằng hình phạt hậu kết (Ferendae sententiae)… Ngoài ra  chỉ nên thiết lập các vạ, nhất là vạ tuyệt thông một cách hết sức hạn chế và dành cho những tội khá nặng mà thôi.”

Như thế có nghĩa là không phải ai muốn ra vạ tuyệt thông thì cứ tùy tiện mà  làm, không cần biết xem có phù hợp với giáo luật, nghĩa là có lý do chính đáng để  làm hay không. Cũng cần nói ngay ở đây là giáo quyền địa phương – cụ thể là Giám mục Giáo phận – chỉ có thể ra vạ tuyệt thông hậu kết (ferendae sententiae) sau khi đã thất bại trong cố gắng thuyết phục can phạm nhìn nhận lỗi nặng đã phạm và bằng lòng sửa sai.

Sau đây là những trường hợp vi phạm nặng phải áp dụng vạ tuyệt  thông  tiền kết (latae sententiae) theo  Giáo luật mới năm 1983, áp dụng chung trong toàn Giáo Hội Công Giáo:

1- Giáo luật số 1364, triệt 1 nói rõ : người bội giáo (apostate), lạc giáo (heretic) hay ly giáo (schismatic) sẽ bị vạ tuyệt thông tiền kết. (latae sententiae)

2- Giáo luật số 1367  phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho ai ném bỏ Bánh thánh (bánh đã được truyền phép trong Thánh lễ Tạ Ơn)  lấy hoặc giữ với mục đích phạm thánh. (Sacrilege)

3- Giáo luật số 1382 phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho Giám mục nào truyền chức Giáo mục cho người khác mà không có ủy nhiệm thư của Đức Thánh Cha. Người được truyền chức cũng bị chung vạ này.

4- Giáo luật số 1370. Triệt 1 phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho ai hành hung Đức Thánh Cha.

5- Giáo luật số 1388, Triệt 1 phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho Linh mục nào giải tội mà vi phạm trực tiếp ấn bí tích (ấn tòa giải tội = Seal of confessions). Triệt 2 : thông dịch viên giúp cha giải tội mà tiết lộ bí mật nghe được từ người xưng tội cũng có thể bị vạ tuyệt thông.

6- Giáo luật số 1398 phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho ai phá thai hoặc giúp người khác phá thai có kết quả.

7- Giáo luật số 1378 phạt vạ tuyệt thông tiền kết cho:

a – Linh mục giải tội cho đồng lõa phạm tội nghịch điều răn thứ sáu

b- không phải là linh mục mà dám cử hành Thánh Lễ cũng như giải tội cho người khác.

Cũng xin giải thích thêm là vạ tuyệt thông tiền kết (latae sententiae) là vạ tự động (automatic excommunication) áp dụng cho người vi phạm điều gì đã cấm và chỉ Tòa Thánh được tháo gỡ mà thôi.

Ngoài 7 trường hợp trên đây, tôi không thấy có khoản giáo luật nào cho phép phạt vạ tuyệt thông cho ai đi dự tiệc cưới của đôi vợ chồng không kết hôn theo đúng phép Đạo.

Nhưng thử hỏi: ai không kết hôn hợp pháp theo giáo luật, hay nói nôm na là hợp phép Đạo,  thì có  tức khắc  bị vạ tuyệt thông tiền kết không, hay chỉ tạm thời không được phép xưng tội và rước Mình Thánh bao lâu tình trạng hôn phối chưa được giải quyết theo giáo luật ?

Nếu kết hôn không hợp pháp theo giáo luật, tức là “rối”  mà không tức khắc bị vạ tuyệt thông theo giáo luật,  thì tại sao người đi dự tiệc cưới lại bị hình phạt nặng nhất này ?

Giáo luật số 1347, triệt 1 nói rõ : Không thể tuyên kết cách hữu hiệu một va, nếu trước đó phạm nhân đã không được khuyến cáo ít là một lần để chấm dứt sự cố chấp và được dành một thời gian xứng hợp để hối cải.

Như thế có nghĩa là giáo quyền, trước hết,  phải cảnh cáo và dành cho can phạm thời gian để kịp nhận lỗi để khỏi bị trừng phạt cách nào thích hợp.

Đành rằng  việc trai gái sống chung không kết hôn, (rất thông thường ở Mỹ và  Âu Châu)  hoặc vợ chồng  không kết hôn hợp pháp trong Giáo Hội là gương xấu phải tránh, và ai sống trong tình trạng này là sống trong tội, nên tạm thời không được thông công với hai bí tích hòa giải và Thánh Thể, nhưng chắc chắn đây không phải là tội lớn lao đến mức phải bị vạ tuyệt thông tiền kết hay hậu kết được,  vì không có khoản giáo luật cũ mới nào cho phép làm việc này. Lại càng vô lý và bất công khi phạt những người đi dự tiệc cưới của họ.

Trong thực tế thì ở đâu cũng vậy, ai được mời dự tiệc cưới thì người ta cứ đi chứ có ai đi hỏi giấy phép của đôi tân hôn xem họ có lấy nhau hợp phép Đạo hay không. Vả lại,  có nơi nào cha xứ  đã cấp giấy phép này cho ai chưa, và có luật nào buộc  những người muốn dự tiệc cưới của ai thì phải hỏi giấy phép này trước khi đi  để khỏi  bị vạ tuyệt thông ?

Chắc chắn là không có nơi nào trong toàn Giáo Hội có luật này.

Thêm nữa, nếu cha xứ mà  rao trên tòa giảng rằng đôi vợ chồng nào đó đã không kết hôn đúng phép đạo và ra vạ tuyệt thông cho ai đi dự tiệc cưới của họ, thì đó là hành vi bêu xấu công khai người khác (có thể bị truy tố ra tòa về tội public insult theo luật pháp Mỹ) mà không linh mục nào được phép làm vì lỗi đức ái và vi phạm đời tư của người khác. Linh mục –đặc biệt là cha xứ- chỉ có bổn phận dạy  hay giải thích rõ cho giáo dân biết  là phải kết hôn đúng theo giáo luật đòi hỏi thì mới được thông công bí tích với Giáo hội. Nghĩa là ai không tuân giữ thì không được thông công, hay cụ thể là tạm thời  không được xưng tội và rước Mình Thánh Chúa cho đến khi tình trạng hôn phối được giải quyết thỏa đáng theo giáo luật.

Đó là trách nhiệm mục vụ của linh mục, cách riêng của các cha sở (pastor).

Nhưng không hề có luật  nào trục xuất họ ra khỏi Giáo Hội với vạ tuyệt thông cả. Ở Mỹ, có biết bao cặp vợ chồng đã  sống chung và có con cái  nhưng không hề kết hôn trong Giáo Hội mà có cha xứ nào dám nêu tên tuổi của  họ ra  cho giáo dân  biết hoặc từ chối không cho họ vào nhà thờ để dự lễ và cầu nguyện đâu ? Hay ngược lại,  chỉ cố gắng khuyên bảo và giúp họ sớm hợp thức hóa tình trạng hôn phối  để được thông công bí tích với mọi người trong giáo xứ hay cộng đoàn mà thôi.

Như vậy, nếu ở đâu làm chuyện “ngược đời”  là ra vạ tuyệt thông như câu hỏi được đặt ra thì chắc chắn giáo quyền của địa phương ấy đã lạm dụng quyền (abuse of power) để tự ban hành giáo luật riêng áp dụng cho địa phương mình. Nhưng thử hỏi: giáo quyền địa phượng có được phép tự tiên làm việc này không ??? Hay tại vì sống trong một xã hội mà luật pháp quốc gia không thống nhất áp dụng  đồng đều ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ,  nên “luật của giáo Hội địa phương” cũng tùy tiện lạm dụng theo luật pháp của xã hội ?

 Thế thì còn gì là hiệp nhất (unity) và hiệp thông ( communion) với Giáo Hội hoàn vũ  trong mọi phạm vi giáo lý, tín lý, luân lý,  giáo luật và phụng vụ nữa ?

Nhưng thử hỏi : nếu lấy lý do tránh gương xấu để  phạt vạ tuyệt thông hậu kết cho những người đi ăn cưới của đội tân hôn không kết hôn theo phép Đạo,  thì tại sao nhiều  việc khác,  không những là tai tiếng, là gương xấu to lớn công khai mà còn có tội về luân lý và giáo luật, thế mà  không hề  bị vạ tuyệt thông ? Cụ thể  như linh mục công khai có vợ con mà vẫn làm mục vụ trong bao nhiêu năm, công khai ra ứng cử vào cơ quan công quyền, hoặc làm tay sai cho chế độ để trục lợi cá nhân, có nơi giáo sĩ buôn thần bán thánh (tội Simonia) hiểu ngầm dưới danh nghĩa  “Trồng cây nhớ Bác” mà người ta đã rỉ tai nhau từ bao năm nay ở một số địa phương.

Vậy tại  sao Giám mục địa phương  không ra vạ tuyệt thông cho những người này để làm gương cho người khác và bảo vệ uy tín và giáo luật của Giáo Hội ???.  Chưa hết, tại một số địa phương, cha xứ  đã áp dụng  cứng nhắc  luật cấm đồng tế trong tang lễ hay lễ cưới, dù cho linh mục là  họ hàng thân thích của người quá cố hay đôi tân hôn. Nhưng “khi quen biết “ và là người giầu có  thì lại cho hàng chục linh mục đồng tế và cho mang quan tài vào trong nhà thờ cũng như thân hành  ra nghĩa trang để làm nghi thức cuối cùng,  thay vì chỉ có “nghi thức ông Trùm” (ông trùm ra làm nghi thức cuối cùng ngoài nghĩa trang) như áp dụng cho những người nghèo, không thân quen!!

 Như vậy có công bằng và bác ái không,  và nhất là có tránh được hay còn tạo thêm gương xấu to lớn khiến giáo dân phải xa lìa Giáo Hội vì chủ chăn thiếu công bằng, bác ái của Phúc Âm  ???

 Và như thế thì còn gì là hiệu quả của việc Phúc Âm hóa môi trường, tức là mời gọi thêm nhiều người  nhận biết Chúa Kitô và gia nhập Giáo Hội của Người ??? .”

“ai có tai nghe thì nghe”. Đó là lời Chúa. (Mc 4: 23; Lc 8:8)

 

Check Also

Tiền bạc có thể mua cả triệu thứ, nhưng tiền bạc không mua nổi một thứ!!!!

Xin hãy ghi nhớ, bao nhiêu tiền bạc cũng không mua nổi một ngày Trên …

Hai mảnh đời – Hai thái độ sống!!!

Cơn gió chiều mùa Thu Sài Gòn nhảy nhót trên những ngọn cây cao vun …