Thời gian gần đây, khắp trên mọi miền đất nước, bỗng nổi lên phong trào hát nhạc Bolero một cách rộng rãi, rầm rộ và mạnh mẽ như một cơn bão điên cuồng. Và nó không những phổ biến trong dân gian qua những cuộc hội diễn hay trong các đám cưới mà các chương trình vô tuyến truyền hình, các events, các games show hầu như đều bị nhạc Bolero phủ sóng, ngự trị. Ít ra có đến mươi hai chương trình cổ súy hoặc suy tôn nhạc Bolero ở thời điểm hiện tại. Sau đây xin đơn cử những chương trình truyền hình và games shows đang nổi sóng trong thời gian gần đây:
– Hát cùng Bolero.
– Thần tượng Bolero.
– Solo cùng Bolero.
– Tình Bolero.
– Tình Bolero hoan ca…vv và vv…
Ngoài ra còn có những chương trình như Ca Sĩ giấu mặt, Ca Sĩ bí ẩn… đều dựa vào những ca khúc Bolero làm nền.
Nói tóm lại Bolero đang ngự trị cả đất nước từ Nam chí Bắc, từ thôn quê cho đến thành thị.
Nhưng nhạc Bolero là gì mà có sức lan tỏa ghê gớm như thế?
Thực ra, Bolero là một thể loại (thể điệu) nhạc trữ tình xuất xứ từ Tây Ban Nha và các nước thuộc Châu Mỹ Latinh du nhập vào nước ta từ thập niên 50 của thế kỷ trước (20) và rất thịnh hành ở Miền Nam thời VNCH. Loại nhạc này có giai điệu chậm mang tính chất đơn giản, du dương, êm đềm và dễ đi vào lòng người. Tuy nhiên khi thể loại này đến với đất nước chúng ta nó đã biến thể rất nhiều và mang một âm hưởng rất đặc thù Việt Nam: lãng mạn hơn, mượt mà hơn và cũng mang đậm chất dân ca hơn. Nhạc BOLERO dễ nghe, dễ hát nhưng để hát cho hay, cho truyền cảm, cho mê đắm lòng người thì lại rất khó.
Chính vì quan niệm dễ nghe dễ hát và được giới bình dân ưa chuộng nên thuở ban đầu NHẠC BOLERO hơi bị coi thường và được đánh đồng với các tên gọi như “nhạc sến”, nhạc “Mari phông-ten” hay cải lương.
Thời gian trước năm 75, BOLERO được sáng tác nhiều, được ưa chuộng cũng nhiều và đã có nhiều bài hát trở nên bất hủ, nhưng nó chỉ được xem là loại nhạc hạng hai và có trình độ thấp hơn, ít bác học hơn so với các ca khúc của các nhạc sĩ trẻ khác như Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Lê Uyên Phương hay như các “cây cao bóng cả” Phạm Duy, Phạm Đình Chương hoặc Văn Cao. Vả lại, một phần cũng do quan niệm lớp trẻ (thời đó) ưa làm dáng trí thức, ra vẻ ta đây hợp thức, hợp thời, có trình độ, biết thưởng lãm. Hát là phải hát những bản nhạc du ca, phản chiến nói về thân phận tuổi trẻ lạc loài sinh lầm thế kỷ hay đọc là phải đọc triết hiện sinh của Jean PAUL SARTRE hay Nietzsche. Chính vì những lý do đó nên Bolero đã bị đối xử không mấy công bằng trong cách đánh giá. Nhưng Bolero lại được đại đa số quần chúng hát nhiều hơn, mến chuộng hơn. Âu đó cũng là lẽ phải của đất trời vậy.
Thế rồi, bẵng đi có đến gần 40 năm, sau ngày Miền Nam bị Miền Bắc xâm chiếm, nhạc Bolero (nói riêng) cùng những thể loại nhạc khác (nói chung) của VNCH đều bị liệt vào loại “ nhạc vàng” và bị cấm hát một cách rất nghiêm ngặt (mà kể cũng thật là lạ: Đã công nhận là nhạc VÀNG mà VÀNG là thứ quý hiếm trên đời nhiều người hằng ao ước có nó, lại bị cấm một cách triệt để thì không hiểu ra làm sao nữa???). BOLERO đã lại bắt đầu hồi sinh càng lúc càng mạnh mẽ và trở thành cơn cuồng nghiện Bolero. Cuồng nghiện đến nỗi được ví như một slogan “sáng Bolero – trưa Bolero – tối Bolero”.
Và thế là đã có nhiều cách lý giải cho các cơn cuồng nghiện đó. Có kẻ thì cho rằng bởi vì Bolero là một dòng nhạc tự sự mang nhiều tính chất hoài niệm nên giữa lúc đất nước đang trong cơn hoài nghi sẽ bị bán đứng cho anh hàng-xóm-vãi-đị, người ta lại muốn thả hồn về dĩ vãng với những hình ảnh vàng lộng ngày xưa. Có người lại bảo: “Bolero đang trở thành nguồn dinh dưỡng chủ đạo cho nền âm nhạc Việt Nam”. Một số người khác lại cho rằng: “Các ca nhạc sĩ sáng tác và hát theo định hướng thì làm sao có những ca khúc cảm xúc để đời như giòng nhạc tự do được”.
Chính những điều đó đã khiến cho ca sĩ Tùng Dương phải thốt lên: “ Cả nước xúm vào nghe Bolero thì chỉ kéo lùi một nền âm nhạc”. Đúng, Tùng Dương đã nói rất đúng. Âm nhạc mà không có những sáng tác mới và chỉ nhai đi nhai lại của người cũ rồi khen nức nở, đến nỗi cuồng nghiện thì thế là thụt lùi đứt đuôi con nòng nọc chứ còn gì nữa? Nhưng nếu Tùng Dương phát biểu với một thái độ giận lẫy hay Gato thì đáng phải đét đít cho anh ta vài cái mới đáng đời. Bởi vì anh ta là công cụ, là con cưng của chế độ mà không kéo nỗi khán giả về mình thì rõ ràng anh ta có lỗi, không xứng đáng với sự tin yêu của nhà nước.
Đến đây cũng xin phân bua với các nhạc sĩ sáng tác theo định hướng một vài điều. Các vị sáng tác định hướng là các vị có lương bổng đàng hoàng (do tiền nhân dân đóng góp), vậy thử hỏi trong hơn 70 năm qua các vị đã để lại được mấy bản nhạc bất hủ, để đời? Có mấy bài hát được nhân dân còn hát mãi cho đến bây giờ? Trong khi đó VNCH chỉ trụ được vỏn vẹn 21 năm, lại có cả hàng trăm, hàng ngàn bản nhạc đang làm cho nhân dân cả nước cuồng điên đến nỗi các anh phải ta thán “đồng bào cả nước đang xúm nhau… kéo lùi cả một nền âm nhạc”
Còn một điều nữa khiến cho Bolero thêm nổi đình nổi đám đó là do mấy anh quan có thẩm quyền không thống nhất với nhau. Quan trên thì cho phép còn quan dưới lại ra lệnh cấm. Đúng là trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Chồng chéo lẫn nhau. Điều đó đã nảy sinh ra sự tò mò để bà con ta phải tìm tòi xem và nghe thử bằng được . Chẳng hạn như năm bản nhạc: CON ĐƯỜNG XƯA EM ĐI (Châu Kỳ) – CÁNH THIỆP ĐẦU XUÂN (Lê Dinh- Minh Kỳ) – RỪNG XƯA (Lam Phương) – CHUYỆN BUỒN NGÀY XUÂN (Lam Phương) – ĐỪNG GỌI ANH BẰNG CHÚ (Diên An ?) nếu me xừ Nguyễn Đăng Chương CTCNT&BD không ra lệnh cấm với lý do hát sai bản chính thì làm gì nhiều người biết và hâm mộ đến thế? Hay là tay này giở chiêu trò cổ súy vẽ đường cho hươu chạy nhỉ? Nghe nói tay này bị hạ tầng công tác rồi thì phải ? Nghĩ cũng tức cười thật!!!
NGUYỄN VĂN