Ăn cơm trước kẻng!!!

Trong bầu khí rộn ràng của một ấm nước mới, một lúc nào đó có người đề cập đến vấn đề luyến ái của giới trẻ như có ý trách móc giới trẻ bây giờ tự do quá trong vấn đề tình dục, trong các quan hệ nam nữ nhất là tệ nạn tiền dâm hậu thú ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG xảy ra ngày càng nhiều. Thế là cả ấm nước mới sôi nổi hẳn lên. Tất cả như chạm mạch. Tất cả như cháy bùng lên. Ai cũng muốn phát biểu lên ý nghĩ của mình. Ai cũng muốn nâng vấn đề lên tầm quan trọng. Có người từ tốn trình bày. Có người cao giọng đã kích. Lại có người phân tích và tìm hiểu nguyên nhân

Vậy thì ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG là gì mà mọi người bàn tán sôi nổi như thế? Thật ra, cụm từ này chẳng có gì là khó hiểu. Chỉ đơn giản là ăn cơm trước khi có tiếng kẻng đánh vậy thôi.

Thông thường, trong cuộc sống tập thể, quần tụ cả trăm, cả ngàn người như trong quân đội, trong hợp tác xã hay công nhân trong một nhà máy, trước giờ ăn cơm người ta đánh một hồi kẻng, một hồi trống hay văn mình hơn là một lời thông báo trên haut-parleur để các thành viên, các cá nhân đang làm việc ở mọi nơi biết đã đến giờ cơm. Hãy buông công việc. Hãy dừng tay nghỉ làm để tập trung về nơi ăn cơm (thường là nhà bàn, là phòng ăn hay một nơi thuận tiện nào đó). Đơn giản chỉ có thế.

Đánh kẻng là để thông báo, để ra hiệu lệnh. Nhưng trong cuộc sống tập thể, bầy đàn thì vấn có những kẻ “trác lạc” thích ăn cơm trước khi có tiếng kẻng báo hiệu. Và thường đó là những anh phụ trách tạp dịch nhà bàn hay những anh háu đói muốn chơi trội. Những anh chàng đó được coi là vô kỉ luật, không tôn trọng tập thể. Ở trong quân đội thì bị phạt hít đất hay một hình phạt nhãn tiền nào đó. Còn ở trong một hợp tác xã là kiểm điểm chẳng hạn

Vậy đó, ý nghĩa thông thường là như thế. Đơn giản như đang giỡn vậy mà. Nhưng cụm từ này khi được nâng tầm, hiểu theo thuật ngữ dành cho nam nữ phá giới, xé rào trước hôn nhân, trước ngày lễ cưới thì lại khác. Nó trở thành một hiện tượng vô kỷ luật không biết tôn trọng luật hôn nhân gia đình, không biết tôn trọng ngay chính cả bản thân mình

Vì thế mà ở Châu Sơn ta (và có lẽ cả các giáo xứ khác) các cha xứ, từ trước đến nay, thừơng xử phạt(?) những quý vị ăn cơm trước kẻng không được dâng lễ hôn phối( ngày trọng đại của một đời người) chính danh ở nhà thờ trước sự chứng kiến của hai gia đình, hai gia tộc và toàn thể cộng đoàn giáo dân. Và chỉ có thể được dâng lễ tại một nơi vắng vẻ nào đó, thường là nhà mặc áo. Kể ra thì cũng đúng thôi. Phải không các bạn? Ít ra là để răn đe, để làm gương, để phân biệt sư chính chuyên và sự vô kỷ luật. Và lại, trong mốt ngày trọng đại như thế mà cô dâu mang cái bụng chình ình. Bước đi ưỡn bụng vượt mặt thì còn ra thể thống gì, ai mà xem cho được. Chỉ xét về mặt thẩm mỹ không thôi đã thấy chướng lắm rồi. Người ta mang balo sau lưng chứ ai mang balo ngược. Đó là về mặt ngoại cảnh còn về mặt truyền thống, về mặt tâm linh, về mặt giá trị đạo đức nó càng phản cảm và sinh ra nhiều phản ứng phụ lắm. Các linh mục có biện pháp là đúng thôi. Ai bảo hỗn hào, vô phép. Và thế là cái thuật ngữ ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG được hiểu theo một nghĩa không mấy cảm tình : một tệ nạn,

Nhưng do đâu mà nên nỗi. Do đâu mà xảy ra chuyện ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG. Quả thật, có rất nhiều lý do để lý giải: từ nội tại đến ngoại cảnh, từ chủ quan đến khách quan. Có nghĩa là “tại anh, tại ả, tại cả và đôi”

Có nhiều cách để đổ lỗi. Như người ta hô hào “yêu nhau đi chiều hôm tối rồi”. Như sự suy đồi về trao lưu tình dục phương Tây. Như thông tin bùng nổ tràn lan trên các trang báo mạng là nơi tự do quá trớn mà không có một chuẩn mực đạo đức nào có thể “phanh” lại. Hay như một sự tò mò muốn thử trước, không muốn “hoãn sự sung sướng”.

Đã có những nguyên nhân do ngoại cảnh thì cũng có những nguyên nhân do nội tại, do sắp đặt, do mong muốn.

Chẳng hạn, nàng chủ động vì nàng sợ chàng bỏ nàng đi theo một hình bóng nào khác mà nàng chưa thể “quản lí” được chàng. Thôi thì dùng kế sách hạ đẳng này để bắt chàng”ách giữa giường, gông vô cổ”.

Chẳng hạn, chàng muốn toại nguyện, muốn đoạt nàng để chứng tỏ, hay để loại địch thủ suốt ngày quẩn quanh theo nàng.

Chẳng hạn, do mẹ nàng đã ưng ý chàng nên bật đèn xanh: “con còn kén cá chọn canh gì nữa. Nó con nhà giàu này. Nó đẹp trai này. Nó lai Pháp này. Nó lại là dân phố nữa”. Và mẹ nàng chẳng ngại ngùng vận dụng câu ca dao: “Mẹ già ngọt miệng thì con sớm chồng”. Và thế là tạo cơ hội.

Hay chẳng hạn, tứ thân phụ mẫu vì sự nể nang, vì một lời hứa vu vơ bên một cuộc nhậu mà nay thấy hai đứa lủng la, lủng lẳng, chưa bén duyên nhau nên đã có những cuộc ngầm cho phép, ngầm sắp sếp

Những chuyện này kể ra có thể “thật như đùa” phần đa cũng đã xảy ra tại Châu Sơn ta nhưng tạ ơn Chúa tất cả hầu như đã trót lọt, kết quả xảy ra rất tốt đẹp. chỉ có một đến hai phần trăm là tắc tỵ thôi

Trong cách ăn mặc, trang phục cũng phải làm thế nào cho đứng đắn, cho xứng hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đôi tình nhân đến chỗ ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG

Các thiếu nữ Châu Sơn bây giờ cũng “quậy” lắm. Cũng model, cũng à la mod lắm. Thích mặc những bộ y phục hở hang, thừa tiền thiếu vải. Các cô gái nhu mì, xinh đẹp và dễ thương của Châu Sơn ơi đừng bắt trước ăn mặc như thế. Bởi mình không phải như người ta. Mình là chân chính. Mình là chân quê, chân quê thì cứ chân quê đi đừng đầu tỉnh. Chân “quê” mà đầu “tỉnh” thì không hay ho gì đâu. Bắt chước chi mấy kiều nữ chân dài trong giới showbiz. Họ có nhiều chiêu, nhiều trò lắm. Họ muốn nổi tiếng một cách không thông thường không lương thiện. Vì muốn nổi tiếng nên họ không ngần ngại tạo scandal. Vì muốn nổi tiếng nên quần áo, y phục của họ nó khác người. Đôi khi cố tình lộ hàng. Đôi khi cố tình quên cả nội y. Đó là một sự cố ý vô tình. Hay là vô tình cố ý. Thật là kinh khủng khi họ muốn đi tắt đón đầu để mau nổi tiếng bằng những cách thể rẻ tiền như vậy. Họ cố tình làm ra trơ trẻn nhưng tài năng họ không có. Họ không có tài mà chỉ có tai…tiếng. Họ quên đi rằng những nghệ sự chân chính nổi tiếng bằng chính chân tài của mình. Hãy nghĩ xem các diva trong làng nhạc Việt họ đâu cần chiêu trò mà vẫn nổi tiếng, vẫn được phong tặng NSƯT hay NSND bằng chính tài năng thiên phú của mình.

Các kiều nữ hay cả  kiều nữ Châu Sơn ơi! Xin can. Xin đừng bắt trước ăn mặc hở hang, lộ cả hàng hóa. Chúng ta là Châu Sơn, chúng ta là truyền thống, chúng ta là “thịt to kho mặn”. Mà đã truyền thống thì phải bảo đảm truyền thống. Nhé! Các nàng Kiều. Thực ra, khi các cô nàng đi gặp người yêu mà cứ khiêu khích, cứ khiêu gợi lộ hàng thì tài cha chi ai mà chịu nỗi. Các chàng chỉ nuốt nước bọt khồng tìm cách ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG mới là lạ…

Có một nguyên nhân nữa cũng dễ làm cho nam nữ dẫn đến tình trạng ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG đó là hoàn cảnh, là tâm trạng của mình.

 Trong thời gian yêu nhau, chờ đợi đến ngày hai người lên bàn thờ thề hứa “giữ lòng chung thủy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan…” trước mặt Chúa, trước mặt linh mục, trước mặt công đoàn, hãy gặp nhau trong môi trường trong sáng, trong trạng thái vui tươi. Đừng gặp gỡ nhau ở những nơi vắng vẻ, khuất khoáng. Đừng gặp nhau trong tâm trí ủy mĩ, thổn thức. Đừng nói lẩy theo kiểu cụ Nguyễn Khuyến: “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ…”. Đó là lúc mình dễ sa ngã. Đó là cạn bẫy đấy…

“Chàng và nàng hẹn nhau một nơi thanh vắng, lãng mạn. Lời yêu thỏ thẻ bên tai. Chàng thề thốt rất cảm động. Và nàng bật khóc. Khóc vì vui sướng. Khóc vì mũi lòng. Những hạt châu sa trên môi, trên má nàng. Chàng dùng những nụ hôn lau khô dòng lệ. Trong cơn bi lụy chàng ôm chặt nàng. Nàng quấn quýt chàng. Và thế là sự gì đến, sẽ đến…!!

Chàng và nàng ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG là như thế đó!!

Vậy mà có những kẻ lại bênh vực và cổ vũ cho cái sự ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG mới là lạ. Họ thật là thoáng, nhưng là “thoáng ui”

Có một Baby Châu Sơn rất xinh đẹp, rất dễ thương ngây thơ cụ (!) tuyên bố dõng dạc một câu xanh rờn như thế này. “ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG ư? Chuyện nhỏ (?!), tớ là sản phẩm của cha mẹ tớ ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG đây. Vậy mà tớ vẫn xinh đẹp, vẫn phây phây chứ có sao đâu”. Ôi! Thật là hết ý, chả biết baby đó sau này hậu vận ra sao có ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG như song thân mình không nhỉ?

Những kẻ có quan niệm phóng khoáng đó cho rằng thích thì cứ làm. Làm khi tươi sốt mới đã. Dại gì phải “hoãn cái sự sung sướng lại”, phí lắm. Lỡ mai đây duyên không thành thì mình cũng chẵng thiệt thòi gì.

Thấy chưa? Lỡ mai đây duyên không thành thì mình cũng chẳng thiệt. Đó là lời lẽ, là giọng điệu của các chàng Đông-Giăng, các chàng Sở Khanh thời đại. Các chàng không thiệt nhưng cách nàng thì thiệt thòi là cái chắc.

Cho nên các kiều nữ Châu Sơn thân mến, hãy bình tâm lại, hãy nhớ lại quan niệm lễ giáo dân tộc. Hãy nhớ lời cảnh báo của cụ Nguyễn Du: “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” Người ta quý trọng là khi về với nhau mà vẫn trinh khiết, vẫn origin đàng hoàng. Người ta trao nhau cái quý nhất đời trong đêm động phòng hoa chúc. Bởi đó là món quà quý giá nhất vợ dành cho chồng. Bởi đó là phần thưởng chồng được vợ dâng hiến trao thân. Nhưng cái “ngàn vàng” quý giá nhất đời đã mất thì đêm động phòng còn ý nghĩa gì? Đêm động phòng mà xài đồ cũ, xài đồ second-hand thì còn giá trị gì nữa? Các cụ tổ, cụ tông của dân Việt ta thường khuyên vợ chồng luôn “ tương kính như tân” thế mà ngay cái đêm đầu tiên đã không còn tôn trọng nhau thì hóa ra mình coi lời khuyên của các ngài trả là cái “thá” gì hay sao?

Chúng ta đã tìm hiểu, đã lý giải về cái hiện tượng ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG xảy ra ngày càng nhiều trong các điều kiện kết quả tốt, may mắn và đầu xuôi đuôi lọt nhưng đằng sau tấm huy chương đẹp đẽ mĩ miều còn có mặt trái. Và mặt trái lại có rất nhiều nhiêu khê chờ đón

Vâng, thử hỏi khi mình đã lỡ ăn “trái cấm” mà duyên không thành thì sao đây? Có phải là lỡ làng cả một đời không? Nó là con đường dẫn đến “ngồi cồn” đấy các bạn ạ! Chàng thì có thể đỡ gạt: không có”cạu” lành thì xài “cạu” rách chứ nàng thì…”ống chề” là có. Đã lỡ làng rồi thì khốn nạn lắm. Ly nước đã đổ xuống đất rồi làm sao để hốt lại? Nhất là nàng nào lỡ có “em bé” nữa thì ở vậy nuôi con là cái chắc.

Rồi thì không thiếu những lục đục, những phản ứng phụ nó gây ra vì chuyện ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG đâu. Bạn hãy giả tảng vờn qua nhà các “cặp đôi không hoàn hảo” đi. Một lúc nào đó, cơm không lành canh không ngọt, có thể bạn sẽ được nghe những lời không mỹ miều sau đây” “ Nè, chưa chắc thằng…đã là con tôi, cô dễ dàng với tôi trước đây thì cô cũng có thể dễ dàng với thằng khác…”. Sau đó là tiếng nức nở: “ Không con anh thì con ai. Trời ơi sao tôi khổ thế này. Sao anh có thể nghi ngờ thế được…”. Đó là trường hợp nhẹ… Còn nhiều trường hợp nặng tới mức có thể tan vỡ gia đình nữa kìa. Đàn bà nông nỗi rất dễ bị nghi ngờ. Mà nghi ngờ đó đôi khi lại đúng cũng nên. Chả vậy mà có câu: “cháu nội chưa chắc đà là cháu ông nội. Cháu bà ngoại thì mới thật là cháu bà ngoại”.

Cho nên các bạn trẻ ơi, hãy cố mà gìn giữ, đừng cho là chuyện nhỏ như con thỏ của một Baby nào đấy. Bởi tâm lý chung của con người là thế khi “con – ong – đã – tỏ – đường – đi – lối – về” rồi thì dễ quất ngựa truy phong lắm. Ở cái xứ Châu Sơn ta cũng không thiếu gì trường hợp đã nên trên đâu. Hãy lấy đó mà làm gương. Hãy cố gắng nhịn. Hãy nuốt ực nước miếng vào. Và chớ có ĂN CƠM TRƯỚC KẺNG. Nhé!!

NGÀI VẪN THẾ

 

 

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …

Ấm nước mới – Đám cưới ơi!!! Báo động đỏ!!! Thừa mâm thiếu khách đó!!!

– Sao bữa này bảnh vậy ta! Đi uống nước mới mà diện áo quần …