…..” Đây là lá thư tâm tình của một người anh gởi cho em ruột của mình, mới nhận lãnh thiên chức linh mục được 2 tuần lễ, đang hân hoan bước vào những ngày đầu phục vụ Cộng đoàn Dân Chúa….”
Chú Thắng thân mến!
Hai tuần lễ sau ngày chú thụ phong linh mục đã trôi qua rất mau, chú nhỉ. Thế là chú đã tới nhiệm sở và bắt đầu công tác mới trong tư thế của một linh mục phó xứ. Tạ ơn Chúa.
Anh mới nhận được thư chú, trong đó chú nêu lên một câu hỏi: “Người giáo dân mong muốn điều gì nơi linh mục?”
Đọc thấy câu hỏi này, anh biết ngay rằng chú đang ưu tư nhiều về đời sống linh mục. Chú ưu tư là phải, vì chú làm linh mục không phải cho mình, nhưng là cho người khác, cho các linh hồn để làm vinh danh Chúa.
Chú Thắng à, hôm nay anh xin trả lời câu hỏi trên đây của chú bằng những tâm tình chân thực, phát xuất từ trái tim tràn đầy tình thương mến đối với các linh mục nói chung và đối với chú nói riêng.
Chú biết không, theo truyền thống và thực tế, đa số giáo dân Việt Nam rất kính trọng và cảm phục các linh mục, bởi vì các ngài có chức thánh, là Đức Kitô thứ hai, có quyền cử hành các phép bí tích, nhất là các ngài hy sinh cả cuộc đời, chấp nhận sống độc thân, để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.
Trong khi họ kính trọng linh mục như thế thì đương nhiên họ cũng kỳ vọng rất nhiều nơi linh mục.
Với tư cách là một giáo dân, anh mong muốn chú, một linh mục, phải đặc biệt lưu tâm tới những điểm sau đây:
– Về đời sống siêu nhiên: Anh ước ao chú luôn thánh thiện, đạo đức, được biểu lộ qua nếp sống khó nghèo, qua thái độ khiêm tốn thực sự, qua sự kiên nhẫn chịu đựng.
– Về đời sống xã hội: Đời sống siêu nhiên tốt lành trên đây phải được trải rộng sang đời sống xã hội. Nói một cách cụ thể, khi tiếp xúc với giáo dân, chú phải tỏ ra mình là người Việt Nam, mặc dù sống trên đất Mỹ. Anh muốn nhấn mạnh điều này: chú nên kính trọng mọi người, nhất là người lớn tuổi. Chắc chú đã từng nghe nói: “kính lão đắc thọ”. Chú đừng bao giờ ỷ mình là linh mục mà có những lời bất kính đối với những giáo dân đã trọng tuổi.
Chú Thắng à, cách xưng hô cũng là điều chú nên để ý. Chú chỉ nên xưng mình là “cha” với các em nhỏ mà thôi. Xưng mình là “cha” với các cụ cao niên là điều tối kỵ.
Anh chứng kiến một trường hợp xảy ra trong một cộng đoàn. Cha quản nhiệm mới chừng 32 tuổi, rất tự nhiên xưng mình là “cha” với một cử tọa gồm đa số lớn tuổi, có vị trên 70 tuổi. Lập tức, vị cao niên này phản ứng thật gay gắt: “Cha hỗn quá! Tuổi của tôi đáng là ông nội của cha. Cha nên thận trọng trong cách xưng hô. Cha phải hiểu rằng linh mục “được gọi là Cha”, chứ từ ngữ “cha” không minh nhiên tạo nên liên hệ cha và con.
Anh muốn nói thêm về việc xưng hô. Chú phải thật linh động và biến báo khi xưng hô. Khi nói chung, ví dụ tại nhà thờ, chú cứ xưng hô: “Quý vị và tôi” là được rồi.
Còn khi nói riêng, thì phải hết sức cẩn thận. Chú phải lưu ý tuổi, phái tính của người đối thoại. Chú cố gắng xưng hô thế nào vừa thân thiện. lịch sự, vừa tránh được sự đàm tiếu hoặc phiền trách của giáo dân. Thí dụ: năm nay chú 28 tuổi, gặp cụ già 80 tuổi mà chú gọi cụ bằng “anh” và tự xưng mình là “tôi” thì không lịch sự chút nào.
Nhất là gặp một cô gái trẻ đẹp mà lại ngọt ngào xưng hô : anh” và “em” thì thật là nguy hiểm!
– Lắng nghe và phục thiện: Chú nên vui vẻ đón nhận những ý kiến xây dựng, bình tĩnh trước những lời chỉ trích chê bai. Nếu chú muốn giáo dân nghe theo mình, thì chú cũng phải lắng nghe những đề nghị tốt lành của những giáo dân thiện chí. Đứng nổi nóng khi bị chống đối!
– Hy sinh hết mình, phục vụ tận tâm: Là hình ảnh một chủ chăn tuyệt vời, giáo dân nào mà không phục một vị linh mục như thế. Đối với giáo dân, chú không nên áp dụng nguyên tắc quá khắc khe và máy móc, cũng đừng giữ giờ qúa đáng để trở thành khô khan, lãnh đạm.
– Nêu gương sáng: Chú phải sống những điều chú giảng và chỉ giảng những điều chú đã sống. Giáo dân không muốn vâng phục một linh mục mà lời nói không đi đôi với việc làm.
– Tín nhiệm: Đối với giáo dân cộng sự viên, chú phải tín nhiệm họ và coi họ là ân nhân của mình. Hễ chú tỏ ra nghi ngờ họ, là chú sẽ làm cho họ tránh xa chú và không ai dám cộng tác với chú nữa.
– Công bằng: Chú phải đối xử công bằng với mọi người, không thiên vị ai. Không có thái độ trọng người này khinh người kia. Chú nên cố gắng hòa nhã và cởi mở với bất kỳ ai, không phân biệt giàu hay nghèo, trí thức hay ít học.
– Tạo niềm tin: Hằng ngày, chú phải trau dồi đức tin và sống niềm tin, để nhờ đó chú có thể tạo được niềm tin cho giáo dân, cũng nhờ đó giáo dân tiến gần tời Chúa hơn. Chú nên biết rằng giáo dân, nhất là các bạn trẻ, khi gặp linh mục, họ mong ước được linh mục trao tặng cho họ những kinh nghiệm cá nhân về Chúa. Chắc chú còn nhớ lời Đức Phaolô VI:
“Ngày nay người ta không muốn nghe những nhà giảng thuyết suông, mà chỉ muốn nghe những nhân chứng”
Thật vậy, nếu chú chỉ giảng những điều chú hiểu biết về Đức Kitô mà không thực hành những điều Ngài dạy, thì lời giảng của chú rất khó nhập vào tâm hồn người nghe, có thể còn làm cho người nghe bất mãn và nghi ngờ.
– Đối với phụ nữ: Chú nên hết sức thận trọng và khôn ngoan khi tiếp xúc với họ, nhất là các thiếu nữ trẻ đẹp. Chú phải thường xuyên suy gẫm trường hợp vua Đavít để nhận ra thân phận yếu đuối của mình, để khiêm nhường bám vào Chúa và Mẹ Maria.
Chú nên theo gương một cha già cố, lúc bình sinh, khi ngài phải tiếp khách phụ nữ, ngài tiếp họ tại phòng khách, các cửa sổ mở hết và không có màn che.
Được mọi người thương mến là điều đáng quý, nhưng nếu được một số người đẹp đặc biệt cảm tình, v.v… lại tặng quà nữa, thì chú phải coi chừng. Nhất là khi chú cảm thấy quyến luyến cách riêng với một bóng hồng nào đó, thì lập tức chú phải dừng bước ngay, và tránh không tiếp xúc với người đó dưới bất cứ hình thức nào. Nếu cứ liều lĩnh lấn tới, chú sẽ sa lầy thảm bại
– Đối với tiền bạc: Người ta thường nói: “Tình và tiền đi đôi với nhau”. Đúng vậy, có tình thì phải kiếm tiền để nuôi dưỡng tình. Có nhiều tiền thì lại kiếm tình để tiêu cho bõ. Các vị tu trì hay giáo dân cũng đều bị chi phối bởi cái vòng luẩn quẩn oái ăm này.
Anh khuyên chú nên tập cho mình thói quen không tham tiền, vì người tham tiền không thể có tâm hồn bay bổng lên được.
Đành rằng tiền bạc cần thiết cho cuộc sống con người, nhưng chú đừng để cho tiền bạc làm hoen ố thiên chức linh mục.
Chú đừng tham tiền cũng đừng nói nhiều về tiền. Giáo dân sẽ rất khó chịu khi thấy linh mục quá nhấn mạnh tiền bạc. Tuy nhiên, nếu vì công ích mà phải đề cập đến tiền bạc, thì chú phải lên tiếng trong sự khéo léo tế nhị.
Chú Thắng à, tiện đây anh xin đưa ra 2 hình ảnh của 2 linh mục có thói quen hoàn toàn khác nhau. Cả hai đều là bạn thân của anh.
– Linh mục thứ nhất trả lời mọi người để lại lời nhắn qua điện thoại, không sót một ai, sau khi vắng nhà dù là 2 hay 3 tuần lễ.-
Trái lại, linh mục thứ hai thì không hề đáp lễ người nào cả, mặc dù người đó để lại lời nhắn qua điện thoại nhiều lần.
Chú nên bắt chước linh mục thứ nhất trong công tác mục vụ bằng điện thoại và tuyệt đối đừng theo chân linh mục thứ hai. Anh thầm nghĩ: “Một giáo dân bỏ Chúa cả 10 năm, nay tự nhiên được Chúa Thánh Linh đánh động, quyết tâm tìm gặp linh mục để xưng tội”. Đương sự gọi điện để lấy hẹn, linh mục đi vắng và để “tape recording”.
Nhưng linh mục đã không gọi lại cho giáo dân đó! Thế là Chúa mất luôn một con chiên lạc. Trách nhiệm đó thuộc về ai?
Tóm lại, chú nên suy nghĩ về những điều sau đây để tự rút ra cho mình những bài học bổ ích.
+ Thái độ của giáo dân đối với linh mục:
Giáo dân khó có thể chấp nhận một linh mục nếu linh mục:
– Đứng về phe hay những tổ chức chống đối Giáo Hội.
– Liên hệ thân mật với các cô gái.
– Sống bê tha, thiếu đức trong sạch.
– Tỏ ra ham mê và chạy theo tiền bạc.
– Không giữ lời hứa.
Giáo dân chấp nhận gượng ép một linh mục, nếu linh mục:
– Hay khoe khoang và tự đề cao.
– Hay tìm danh vọng.
– Độc tài, nóng nảy, cố chấp (không phục thiện)
Giáo dân dễ chấp nhận một linh mục, nếu linh mục:
– Khiêm nhường, biết lắng nghe.
– Nhẫn nại, chịu đựng.
– Vui vẻ, hòa nhã, chân thành.
– Bình dân, thân thiện.
Giáo dân hết lòng kính trọng một linh mục, nếu linh mục:
– Thực sự đạo đức, thánh thiện.
– Chăm chỉ, cần mẫn với việc bổn phận.
– Thực hành nếp sống đạo trong đời sống hằng ngày những điều mình giảng dạy tại nhà thờ.
+ Ảnh hưởng của linh mục trên giáo dân:
– Linh mục thánh thiện – Giáo dân tốt lành.
– Linh mục tốt lành – Giáo dân khô khan.
– Linh mục khô khan – Giáo dân tội lỗi.
Chú Thắng à!
Trước khi kết thúc lá thư này, anh muốn nêu lên một đề nghị cụ thể:
Nếu chú muốn giáo dân mình sống tốt lành và biết nghe theo mình, thì chú nên thực hiện ít nhất 4 điều sau đây:
1- Siêng năng chầu Thánh Thể.
2- Dành khoảng 15 phút mỗi ngày cho việc hồi tâm, xét mình xem hôm nay trong tư tưởng, lời nói, việc làm, có điều gì làm mất lòng Chúa, mất lòng giáo dân. Sau đó, thống hối tội lỗi mình và tội lỗi của mọi giáo dân trong cộng đoàn, xứ đạo. Kế đó, dâng phó mình và toàn thể cộng đoàn lên cho Chúa và Đức Mẹ.
3- Coi nỗi đau và niềm vui mừng của giáo dân như là của chính mình.
4- Luôn biết tự chế trong lời nói và hành động.
Xin Chúa giữ gìn chú trong mọi hoàn cảnh.
Thân mến,
Anh
Phêrô Ngọc Toà