Cha và con gái
tienducchauson
30/05/2017
Diễn Đàn Bạn Đọc
1,051 Views
Kim Nhung – Một người con Châu Sơn
Là chị cả của một gia đình đông em nhưng phải công nhận một điều là mình rất thích nhỏng nhẻo với Cha. Hy vọng đến lúc có chồng thì chuyển công việc này cho chồng.
Kỷ niệm về Cha thật là nhiều, năm tháng trôi qua thì tình thương và kỷ niệm về Cha lại được nhân lên. Giấy bút không ghi lại hết được, nhưng con gái luôn ghi nhớ trong lòng để lấy làm động lực sống tốt hơn, luôn hướng về gia đình, hướng về Cha Mẹ và các em!
Xưng tội lần đầu – Cha Giuse Vũ Đức Hậu
Thuở nhỏ <những kỷ niệm hay được Cha Mẹ nhắc lại>
Được mệnh danh là hay khóc nhất xóm, chỉ có Cha nằm đu võng hát bài “Những đồi hoa sim” thì mới nín thôi. Mẹ còn công nhận là Cha dỗ con khéo mà.
Sống giữa một làng quê mà nhà nào cũng nghèo như nhà nấy, xe đạp cũng không có mà đi. Vậy mà mình lại đòi ăn bánh mì, cứ khóc và mè nheo hoài để Cha phải đi mượn xe đạp của hàng xóm, phải chạy ra đầu làng mất 2km để mua bánh mì cho con gái yêu. Chưa hết, mua về ăn có chút xíu thì bỏ mứa. Sao lúc đó con không hiểu được công Cha mà ăn cho vui vẻ và ngon lành nhỉ?!
Ngày mẹ đi xa, con gái ở nhà với Cha, lại điệp khúc nhà nghèo mà đòi ăn sang, suốt ngày đòi ăn thịt, cứ không có thịt là không chịu ăn và lại khóc. Thế là Cha mua cho nửa kg thịt nạc, luộc lên, và cho ngồi ăn một mình thỏa thuê, ngán đến tận sau này. Đây có lẽ là lý do vì sao mà đến giờ mình vẫn không thích ăn thịt.
Hồi đó, Cha có một sở thích là hay hút thuốc lào, con gái thì thích chơi hộp quẹt dầu của Cha, chơi xong con nhét vào trong ống điếu, Cha tìm mỏi con mắt mà làm sao tìm ra được. Chỉ đến khi xúc điếu thì mới lòi ra, lúc đó thì hỡi ơi, hộp quẹt dùng được mới lạ.
Xóm nhỏ của nhà mình thì hay uống nước chè, Cha ươm chè để sau này có dịp còn mời xóm, chứ uống của người ta không thì ngại lắm rồi. Chè ươm được khoảng 30cm, chuẩn bị trồng xuống đất, thì con gái ngắt làm cầu đá hết rồi. Hỡi ơi, con ơi là con!
Chịu phép thêm sức – Do Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực ban
Những năm tháng học trò
Mùa khai giảng năm ấy, Cha mua cho hai chị em hai cái cặp có in chữ “siêng học”. Ngày nào cũng vậy, trên đường từ trường về nhà, sẽ đi ngược chiều với những cô chú nông dân đi rẫy về trên những chiếc xe bò, họ thấy hai chị em đi về là kêu bò dừng lại, lấy vở hai chị em ra coi, lần nào cũng thấy điểm 10. Toàn bị chọc là “tại Cha bay mua cho bay cặp siêng học nên đưa mô cũng học giỏi”. Lúc đó, cứ mong họ coi xong nhanh mà về nhà, nhưng cứ hết người này, rồi lại đến người kia dừng bò lại để coi vở.
Ngày ấy, đường đi học thật là bụi, dốc và xa. Bạn nào mà có được chiếc xe đạp Trung Quốc là sang lắm. Mình cũng muốn có nhưng Cha lại không chịu mua, có lẽ là vì nhà không có tiền, mà cứ bắt đi cái xe đạp đầm xấu quắc kia. Cuối cùng, đến năm lớp 7, nhờ tại nhỏng nhẻo và bịa đủ thứ trò với chiếc xe cũ kỹ đó nên cuối cùng cũng được mua chiếc xe đạp Trung Quốc thời thượng hồi đó. Chiếc xe đó đã theo mình đến hết đại học, và sau này để lại cho mấy đứa em đi thêm một thời gian nữa.
Con đường từ nhà đến trường của mình ngày đó, giống như một câu truyện cổ tích vậy đó. Bước ra khỏi nhà là một con đường đầy bụi, khoác trên mình là cái nắng của cao nguyên. Đi được một đoạn thì phải đi qua một làng dân tộc, mà dân tộc nó phá và lì lắm, thích chọc con gái kinh nữa chớ, nên đi học qua đây là phải chạy thật nhanh đó nha. Qua được cửa ải này thì được thả xuống một cái dốc, qua một con suối, rồi lại dắt bộ lên một cái dốc cao, sẽ nghỉ chân ở đây dưới tán cây me khoảng 10 đến 15 phút và bắt đầu là đường nhựa trải đá gồ ghề, qua thêm vài cái dốc nữa thì đến đường thành phố BMT xinh đẹp và đến trường.
Sở dĩ quãng đường và khoảng thời gian này được in dấu ấn trong con gái là vì Cha đã theo con suốt ngần ấy thời gian. Mỗi lần trời mưa, suối chảy mạnh, làm sao con đi qua được, Cha lặn lội từ nhà đứng đợi dưới mưa ở đó để cõng con qua, rồi dắt xe đạp con qua để con an toàn về tới nhà. Rồi những buổi tối con đi học về khuya, Cha phải đứng đợi ở đoạn làng dân tộc để kè con về không bị tụi đê nó chọc và đánh con.
Tốt nghiệp giáo lý thanh thiếu niên – Lễ Lên Đường
Thời sinh viên,
Ngày vào đại học, đèo con trên chiếc xe 81 cũ kỹ, vượt quãng đường gần 400km để vào nhập học, làm thủ tục xong, dẫn con chọn phòng, chọn chổ cho con, mua ổ khóa tủ, coi lại giường… Rồi cứ có dịp là lại vào KTX thăm con, nhét vào túi con mấy trăm ngàn, có khi mấy chục ngàn, Cha chỉ để lại đủ tiền xe về.
Có lần về quê ăn Tết xong quay lại Sài gòn đi học, bạn rủ đi bằng xe máy, Cha thấy nguy hiểm không cho đi. Thế mà con đứng đầu dường năn nỉ cả một đêm, cuối cùng cha cho đi với bạn và dặn dò đủ điều. Nghĩ lại thấy mình ngang thật!
Còn bây giờ,
Xếp đồ vào vali lên đường du học mà biết bao thứ Cha mua cho: dù, đèn pin, pin tiểu, phích cắm, ổ điện, máy sấy tóc, băng keo, kéo … xứ người có lẽ không thiếu những thứ này, nhưng con gái đã xếp tất cả vào vali mang theo vì trong những thứ đó chứa đựng tình yêu Cha giành cho con gái.
Mỗi lần về quê, lúc nào Cha cũng dặn để cha đi đón, đi máy bay thì Cha đi taxi ra tận sân bay, đi xe đò thì cha đi xe máy ra tận nhà xe. Cả đi và về đều như vậy, dù biết rằng con đã đi khắp thế giới một mình lo liệu đủ thứ, nhưng riêng về quê thì cảm giác khác hẵn, quá đỗi bình an.
Con gái và các em thật là may mắn vì đứa nào cũng giành được trọn vẹn tình thương, sự quan tâm và chăm sóc đầy đủ của Cha và Mẹ. Cha mẹ có hai đặc tính mà con rất ngưỡng mộ đó là rất lắng nghe và tôn trọng quyết định của con cái. Cảm ơn thế giới luôn có những dịp như thế này để các bậc làm con luôn hướng về Cha Mẹ và gia đình của mình. Nguyện Chúa Thánh Thần luôn gìn giữ Cha Mẹ và gia đình con!
Kim Nhung