Mặt trái của bề nổi đạo đức. Những điều trông thấy để phải nghĩ suy!!!

Tôi có một người bạn (NTH), lương chẳng ra lương mà giáo cũng chẳng ra giáo. Đạo nào cũng tin theo hầm bà lằng, nhưng năm nào cũng đi hành hương: Chùa Bà, Thánh Thất Tây Ninh, Cha Diệp, cha Long, lăng Ông…Tôi nói: “Cậu là tín đồ thâu tóm các đạo góp lại, giống như Dương Quá thâu tóm các môn võ của các sư phụ…”. Bạn tôi cười và bảo: “thì đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, chứ có đạo nào dạy ác đức đâu, nên tớ theo cũng đâu có sao!”.

Có lần bạn tôi nói: “lúc trước đạo Công giáo tự coi mình là cao đạo để xem các đạo bên Lương, đạo Ông bà cúng quầy nhang khói, bái lạy…là mê tín. Vậy mà bây giờ tớ thấy đạo Công giáo cũng biến tướng ra sùng bái thánh thần còn hơn bên Lương tụi tớ ấy chứ! “. Tôi bảo: “Đạo tớ có gì mà biến tướng sùng bái mê tín đâu?”. Hắn bảo: “không tin cậu đi xuống cha Long, cha Diệp mà xem…”.

Lúc này đây, sau một chuyến hành hương cha Long lẫn cha Diệp, nên những điều vừa trông thấy, xem ra cũng đáng để suy gẫm lắm!!

Nhớ lại lời bạn tôi nói: cậu không tin thì cứ xuống xem cha Long sờ nấn, chẳng khác nào các ông thầy sờ, bà đồng, bà cốt bên Lương tớ. Bây giờ đi tới nơi đã mục sở thị. Quả lời bạn tôi nói đúng thật.

Nhưng rõ ràng là Đức Tổng Giám Mục (ĐTGM) GP Sài Gòn cũng biết cha Long hành tác đặt tay lên đầu, mình, thân thể… mỗi người. Xem ra hành vi này có phần chiêu trò và mê tín như bên Lương!? Trước đây cũng đã có một cha dùng nhân điện đặt tay lên đầu giáo dân để chữa bệnh. Việc sử dụng nguồn nhân điện này hoàn toàn khoa học, nhưng Đức Giám Mục một giáo phận…nọ vẫn không công nhận là phép chữa bệnh này là chân chính cùa một linh mục. Vậy mà bây giờ cha Long đưa tay làm phù phép đặt tay lên để chúc phúc và chữa bệnh là làm sao?? Xem ra người bạn tôi nhận xét quả không sai.

Điều này khiến tôi suy nghĩ và trăn trở mãi…nhưng cũng chẳng tìm thấy lời giải đáp nào thoả đáng.

Đã thế, người ta còn mua hàng lố những chai nước khoáng để đưa cho cha làm phép. Và thế là người ta đem về bảo là nước thánh của cha Long. Chẳng lẽ cứ lấy nước lã đưa làm phép một cách đại trà như thế là nước phép sao?? Liệu như thế có lạm dụng nước thánh không?? Điều này ở nơi cha Diệp cũng thế. Lấy nguồn nước giếng nơi mồ cũ của cha rồi đem làm phép cũng trở thành nước thánh sao?? Xem ra có khác gì người Lương uống tàn nhang nước thải…hay múc nước của các bà thánh cô này, bà bóng kia để uống cũng gọi là nước thánh thiêng? Thế thì đạo Công giáo chúng ta đang bị biến tướng trong sinh hoạt đạo đức giống như người ngoại đạo rồi?

Đã được nghe nói nhiều về khuôn viên địa linh của cha FX Trương Bửu Diệp: quy mô, hoành tráng, cao sang, bề thế…nhưng khi được tận mắt chứng kiến thì mới thấy là hơn cả sự tưởng tượng.

Xem ra, để làm đẹp nhà Chúa cũng thật là kỳ công và tốn kém tiền bạc không ít…

Bên trái ngôi thánh đường là một toà nhà để làm nơi an nghỉ của cha FX Trương Bửu Diệp…Đây là một dãy nhà chia làm ba toà, kiến trúc theo lối Á Đông, trên có hoa văn giản dị và mái ngói đỏ viền cong theo kiểu cung đình.

Hai toà bên để trưng bày ảnh tượng và tư liệu về cha Diệp. Ngôi toà giữa là mộ hiện nay của cha Diệp với đỉnh hương to lớn, để khách hành hương thắp nhang cúng vái. Những tro tàn nhang tràn ngập cả đỉnh hương, cho thấy lượng khách hành hương cả lương và giáo đến khu địa linh mỗi ngày là rất đông.

Phía dưới là một bàn thờ chất đầy hoa nến và trái cây…Thậm chí như hôm tôi đến, có một gia đình nọ, chắc là người bên Lương, đưa đến cúng 3 con heo quay cùng một lúc. Cúng xong rồi xẻ thịt chia cho mọi người…Điều này làm cho bầu khi của nhà thờ của cha Diệp nhuốm mầu lễ hội trần tục đông phương hơn là đạo Công Giáo…

 

Rất nhiều người phủ phục bên mộ của cha để cầu xin cha điều này điều nọ, mà phần đông là xin cha chữa lành bệnh tật. Nhiều người bên Lương và giáo ngưỡng mộ cha đến mức, lấy tay xoa lên mộ rồi bôi lên trán lên ngực…tưởng như mộ của cha là một linh dược để chữa lành bệnh. Điều này chẳng phải riêng ở linh địa cha Diệp đâu, mà kể cả Đức Mẹ Giang Sơn thuộc GP Ban Mê Thuột và tại linh địa Đức Mẹ La Vang, tôi đã từng thấy những thanh niên nam nữ cũng làm như thế. Xem ra có vẻ phản cảm và cuồng tín…Nhưng người ta tin như thế, và niềm tin đó cũng đã được đền bù lại thoả lòng, thì người ta có lý do để hành xử như thế!?? Thật là khó lý giải về cách hành xử này đúng hay sai, niềm tin này là sủng tín hay cuồng tín?? Mọi sự gán ghép điều này điều nọ hay chê bai đều vô nghĩa, khi việc sùng bái đó, đem lại những lợi ích thiết thực cho họ, như: được ơn phúc và được chữa lành bệnh. Với tôi, điều đó thật khó để lý giải.

Ngày xưa, khi đạo Công giáo được truyền vào nước ta, được xem là một đạo văn minh ánh sáng, không mang tính chất huyền bí và mê tín như các đạo đông phương: Phật, ông bà, Khổng, Lão, Cao Đài…Cũng không có tính bói toán, mê tín dị đoan…. Thế mà ngày nay, người ta sùng bái cha Long và cha Diệp đến mức cuồng tín đến như thế!!??

Người bạn tôi nói: “Người ta sùng bái mấy ông cha đó còn hơn cả Chúa, không biết Chúa có buồn lòng không?”. Điều này tôi nghĩ, bạn tôi nói có lý, vì người ta đã lấy phương tiện làm cứu cánh mất rồi. Thay vì nhờ các cha cầu xin Chúa để chữa lành bệnh cho họ, mà quên mất là, chỉ có Chúa mới có quyền phép chữa trị lành bệnh mà thôi.

Điều này, quả thật không dễ để lý giải một chút nào! Bởi chạm đến niềm tin là điều rất nhạy cảm…Người bạn của tôi bảo: “Sao các cha không can thiệp hoặc cấm đoán những động thái có tính mê tín đó đi”. Quả thật là không phải dễ để làm việc đó. Chẳng lẽ khi người ta đập đầu khấn vái cha Diệp, thì một ông cha khác đến khuyên ngăn, cấm cản sao??? Có khi lại là người ngoại đạo, họ thích biểu hiện lòng sùng bái theo cái cách của họ, làm sao mình cấm cản họ được.

 

Rồi còn một toà nhà nghỉ cho những khách hành hương cũng độ sộ không kém hai toà nhà kia, để đáp ứng nhu cầu cho khách hành hương phương xa đến, ăn ở ngủ nghỉ… Chính điều này đã làm cho anh bạn tôi có ý kiến: “Có vẻ như đạo Công giáo đang muốn phô trương, muốn biểu dương tôn giáo mình qua việc xây cất lừng lẫy cho mọi người biết rằng: đạo Công giáo đang thời kỳ phồn thịnh… Liệu điều này có lãng phí và không phù hợp với hoàn cảnh là, trong khi xung quanh giáo dân còn nghèo, nhà chưa đủ ở, cơm chưa đủ no, thế mà xây dựng công trình hơn cả 100 tỷ đồng là sao?”.

Tôi đắng lòng để chống chế: Việc xây dựng nhà Chúa thì bao nhiêu cũng chẳng là đủ cả, vì Chúa cao trọng vô cùng, sự đền đáp của con người cao sang cũng chẳng đáng là chi. Người bạn lại bảo: “Tớ nghe nói Đức Giáo Hoàng FX khuyên bảo các linh mục tu sĩ đừng sử dụng những phương tiện xa xỉ, lãng phí, như thế thì anh em còn rao giảng sự khó nghèo cho người nghèo sao được nữa”. Đến đây thì tôi cũng bó tay.com mất rồi.

Tôi bào chữa: “Thì tiền cúng của khách hành hương cho cha Diệp, làm cho cha Diệp cũng là phải lẽ thôi”. Bạn tôi trả lời: “Liệu cha sống lại, cha có muốn xây dựng lãng phí thế không? Hay là chỉ xây dựng vừa phải để còn phân phát cho những người nghèo quanh ta??. Bạn tôi còn nói tiếp: Các cha xây dựng công trình vì danh Chúa hay danh cha Diệp hay chính để cho cái bảng thành tích của riêng mình?”. Đây quả là một câu hỏi hóc búa, mà chính các linh mục quản xứ thường hay bị mang tai tiếng khi xây dựng GX quá sức để bắt giáo dân đóng góp!!

Những trao đổi trên đây, có lẽ cũng làm tôi và bạn trăn trở suy nghĩ… Nhưng có lẽ, chúng ta đành phải chập nhận một thực trạng đang tồn tại, trong cái bề nổi sống đạo, vẫn còn nhiều điều bất cập, mà chính các đấng bản quyền cũng đành phải lực bất tòng tâm, khi đụng chạm đến lòng tin của một số giáo dân như thế…Vì niềm tin vào tâm linh thì không thể lý giải được bằng ngôn từ.

Phải chăng, nhờ sự mê tín và sự sùng bái đó, đã làm cho đức tin cuả người giáo dân Công giáo chúng ta luôn cắm rễ sâu vào tâm thức để phát triển mạnh mẽ???

Nguyễn Vĩnh Căn

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …