Phan Rang, thời thơ ấu của tôi!

 42 năm rồi, một thời gian dài đăng đẳng, hôm nay trên chuyến tàu từ ga SG về ga Tháp chàm, lòng tôi hồi hộp trong khi nghe tiếng con trai dặn dò,: mẹ nhớ để đồng hồ báo thức nhé, coi chừng ngủ quên, quá ga là mệt lắm đó,.. tôi cười, thầm cám ơn những lời dặn dò của con, vì tật tôi rất dễ ngủ, nhưng làm sao ngủ được khi 6 tiếng đồng hồ  nữa, tôi sẽ được gặp lại những người bạn thương yêu, mà sau khi đất nước hoàn toàn chấm dứt chiến tranh năm 1975, lúc ấy tôi mới 14 tuổi, tôi đã theo gia đình về Banmêthột sinh sống, ( nay là Giáo xứ Châu Sơn) tôi âm thầm ra đi không một lời từ giã, tôi sợ những lời chia tay ấy, vì linh tính cho biết lần ra đi này, chúng tôi sẽ khó có thể gặp nhau lại lần thứ hai!!! và giờ đây tôi 56 tuổi.

   Đúng 12g trưa, tiếng loa báo tin cho những ai xuống ga Tháp Chàm chuẩn bị, và cuối cùng con tàu cũng dừng lại, tôi xuống tàu lòng tràn ngập vui mừng, vội vàng báo tin cho người bạn thân nhất ngày xưa rằng: tôi sẽ ăn cơm trưa tại ga trước khi bắt xe thồ về nhà bạn, vì từ  ga Tháp Chàm cách Phan Rang khoảng 7 km, bạn tôi thét lên vì vui mừng, cuối cùng cũng vui vẻ với quyết định này, chúng tôi xa nhau lúc 14 tuổi,  bây giờ  không biết có còn nhân ra nhau nữa không, chắc bạn tôi cùng có tầm trạng như tôi, thật là hồi hộp, tuy nhiên ngoài tình bạn, tôi ao ước muốn về PR một lần, và giờ đây, tôi đang đứng đây, sững sờ , nhìn mọi thứ đều thay đổi, tôi không còn nhận ra đây là Tháp Chàm ngày xưa nữa, nỗi ước ao về thăm quê từ lâu nay đang được thực hiện, giống y như Việt Kiều về nước!

Có vài bác xe thồ hỏi tôi muốn đi về đâu? ngoài kia có hàng chục chiếc taxi đang chuẩn bị chở khách, còn tôi, vai mang balô lửng thửng ra khỏi bến ga một mình, đi bộ và đang cố gắng nhớ lại những kỷ niệm 42 năm về trước,  nơi đây, cứ mỗi thứ 5 hằng tuần, tôi được nghỉ học, cùng với chiếc xe Dahatshu, Ba tôi cho tôi theo Ba để chở hàng cho khách, vì nhà tôi bán Tạp hóa. Tháp Chàm là nơi tôi thuộc lòng tên những con đường, thế mà giờ đây nó thay đổi một cách kì lạ, những con đường đất ngày xưa bây giờ không còn nhân ra nữa, thay vào đó là những con đường nhựa hoành tráng, vào một quán cơm, vừa ăn vừa hỏi thăm, qua một vài câu chuyện, nhận thấy dân PR có tinh chất thật thà, câu chuyện làm tôi vui và hứng thú nhất đó là: Công an ở đây có vẻ hiền, thương dân: có vẻ đây là chuyện lạ,  và tôi cũng linh cảm được điều đó trong thời gian ở lại đây, như đã dự tính, tôi đón xe thồ về PR cách Tháp Chàm khoảng 7km, đến nơi chúng tôi không nhận ra nhau, trước mặt tôi là một bà già gần 60 tuổi, mừng mừng tủi tủi, bạn tôi sụt sùi lau nước mắt, con tôi thi vui như tết, hai đứa ôm chầm lấy nhau, tiếp theo là những câu chuyện bất tận, tưởng như không có điểm dừng, nhất là thời gian tôi bỏ quê hương ra đi,  do hậu quả của chiến tranh, những đau khổ và khó khăn ồ ạt tràn đến với những gia đình các bạn tôi, sau 1975 , những người cha lần lượt đi cải tạo và chết rũ tù, những bất hạnh đến với nhiều nhà đã vượt biên và chết cả gia đình ngoài biển, nhiều bạn  đã  vì nhiều lí do đã bỏ học, và có nhiều bạn vì hoàn cảnh  khó khăn không kiềm chế được, đã lao vào hoàn cảnh bi đát, rất ít người thành đat…ôi các bạn cấp II của tôi. Riêng người bạn thân yêu của tôi tên là Nghiêm thị Kim Anh, bạn bè chúng tôi hay gọi là Anh khùng,  nhà có 8 chị em, cha mẹ mất sớm, Kim Anh đã hy sinh bản thân không lập gia đình và nuôi 6 người em trưởng thành và đã rất thành đat , thật ngưỡng mộ.

   Sau khi nghĩ ngơi , chúng tôi thuê taxi đi khắp cùng thành phố, cho dù Kim Anh là 1 Phật tử chính quy, nhưng điều làm tôi rất ngạc nhiên là trước tiên bạn dẫn tôi đến nhà thờ Giáo xứ Phan Rang, có lẽ Kim Anh biết tôi thích điều đó, tuổi thơ tôi đã gắn liền với ngôi nhà thờ này. LM chính xứ thời bấy giờ là Cha Giuse Đinh Tường Huấn, Sau này Cha có về BMT và Ngài có ghé thăm gia đình tôi một lần, lúc ấy Ba Mẹ tôi còn sống, giờ đây Cha đang nằm yên nghỉ sau lưng nhà thờ, bên cạnh và cũng là dưới chân Tượng Đài Đức Mẹ, một mình Cha nằm đó thật vinh dự, với danh hiệu: Cha Hạt trưởng đầu tiên ” Cha ơi! con về đây thăm Cha nè, cám ơn Cha đã ban cho con  những Bí tích đầu đời, bao nhiêu năm rồi xa cách, Cha đã từng đến thăm con, vậy mà bây giờ con lại về thăm Cha bằng một nén hương, thương Cha thật nhiều, con xin cúi đầu tạ lỗi, …”

   Chúng tôi đi vòng xuống thăm Biển, con đường mới đi về Biển rất đẹp thay thế cho con đuòng ngày xưa xa xôi oằn èo, Biển cũng thay đổi không ngờ, không còn là Ninh Chữ hồi xưa nữa, ôi Ninh Chữ! hai hàng nước mắt lăn dài trên má tôi, không tránh khỏi cặp mắt tò mò của Kim Anh, làm sao tôi quên được những kỷ niệm thương yêu của  Ba Mẹ tôi chứ? Cứ mỗi ngày Chúa nhật đầu tháng, hoặc những ngày lễ lớn, anh em chúng tôi được Ba mẹ dồn lên xe  và chở đi biển Ninh Chữ, kể cả người làm việc trong nhà cùng được đi theo luôn, vui ơi là vui, Mẹ tôi tiết kiệm nên đưa cơm nắm và mắm bác để ăn trưa, đến trưa đói bụng đứa nào cũng khen cơm ngon và thi nhau ăn, ăn xong chiều ra về và mong sao 1 tháng mau qua để lai được đi tắm biển, còn đâu nữa những ngày xa xưa ấy? Ba Mẹ ơi!!!

   Sau đó chúng tôi lần lượt đi thăm xóm giềng cũ, ngày xưa nhà tôi là số 23 đường Duy Tân, nay đổi tên là đường Lý Thường Kiệt, những lời mời, những niềm vui, những cái bắt tay và những câu hỏi chỉ biết cười, mà không kịp trả lời, và tiếp đến là gặp bạn bè tai nhà bạn tôi, các thầy cô dạy chúng tôi hồi cấp II  hình như không còn ai ở PR nữa, Một số vào SG, hoặc định cư ở nước ngoài, hoặc đã chết, thế là những cuộc ăn uống diễn ra, đặc sản “Bánh Căn” mà chỉ PR mới có, lâu ngày ăn lại thấy ngon ngon, rồi thì hải sản .v.v…ôi thôi là ăn uống

   Thời gian ở lại PR không được lâu, gia đình Kim Anh bị sự cố nho nhỏ, thế là tôi phải chia tay, các ban thương tiếc cuôc gặp gỡ ngắn ngủi này, muốn tôi ở lại thêm vài ngày để tham quan nhiều điểm khác, nhưng tôi cũng phải về nhà vì thời gian tôi ở SG cũng quá lâu, lại thêm cuộc ghé thăm bất ngờ này, sáng hôm tôi ra bến xe về BMT , có mấy bạn ra tiễn chào, kể chuyện say mê như chưa khi nào được kể, thương các bạn nhiều lắm,

   Chiếc xe lăn bánh, những cánh tay vẫy chào, xe đi ngang qua Tân Hội, Cà Đú, Gò Đền, Hộ Diêm, Ba Tháp, Du Long……trên con đường này, vào đầu tháng 8 năm 1975, có 1 gia đình gồm Cha Mẹ và 6 người con, bỏ tất cả đồ đac trên xe tải lớn (hồi đó gọi là xe Ba Lua), tiến về Ban Mê Thuột, và trong 6 người con đó, có một người hôm nay cũng đi trên con đường này, trên chuyến xe khách, đầy ăp những kỉ niệm của một thời thơ ấu

KIM DUNG

 

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …