CẦN CÓ NHỮNG TẤM LÒNG ĐỘ LƯỢNG VÀ VỊ THA NHƯ THẾ!

Lâu nay chúng ta thường nghe về những hành vi ngược đãi của các cô giáo đối với học sinh trên báo đài rất nhiều. Dư luận trên mạng xã hội cũng rất bức xúc vì những hành vi phi nhân tính của các cô giáo. Ví như:

Hội đồng kỷ luật UBND Huyện Bát Xát (Lào Cai) đã ra quyết định buộc thôi việc đối với Trần Thị Thu Trà – giáo viên Trường tiểu học Phìn Ngan người đã đánh học sinh Phàn Chung Thủy, học sinh lớp 1 đến tím mặt phải nhập viện điều trị nhiều ngày trước.

co-danh-tim-mat-hoc-tro

Hậu Giang: Cô giáo mầm non dùng ca đánh học sinh. Bé Ngọc không nín, cô Duyên cầm chiếc ca nhựa đang uống nước đánh vào đầu bé.

Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thu Hiền cho biết: Chiều 22/10, chị đón bé Trương Gia Tuệ (4 tuổi) đi học từ trường mầm non Sao Mai về thì nghe cháu kêu đau ở tay và nói là bị cô giáo chủ nhiệm tên Hương đánh. Xem kỹ hai bàn tay của cháu, tôi thấy hàng chục vết giống như kim đâm chảy máu”.

ban-tay

Hành vi cô giáo bạo ngược học sinh là rất nhiều ở trên trang mạng xã hội…

Đâu rồi những cô giáo như mẹ hiền, cô giáo như bà tiên, đã được các nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn ca ngợi và khắc họa nên hình tượng đẹp đẽ như thế!??

Mà quả thật, hình ảnh cô giáo phải đẹp như mẹ hiền, vì biểu tượng của người mẹ hiền là tình thương để bảo bọc con thơ, là nhẫn nhục để dạy dỗ con cái, là vững chải để nâng niu dìu bước con đi trong đời. Là bà tiên thì phải hiền hậu, đức độ và phải dịu dàng trong cách ứng xử thì mới đáng là bà tiên chứ!

Một hình tượng đẹp đẽ như thế, mà tiếc thay, các cô giáo lại nỡ đáng mất đi, để thay bằng nhưng hành vi phản cảm hành hạ ngược đãi các em hãy còn thơ dại, thì có khác chi đang hành hạ chính con cái mình.

Giáo dục trước hết phải là “tiên học lễ hậu học văn”. Buồn thay, cô giáo không có được đức độ, không có được đạo hạnh nhân bản, thì làm sao dạy lễ phép lễ độ cho con em mình đây!

Phải hiểu rằng: nhà giáo là một nghề cao quý hơn trong tất cả các nghề. Bởi nhà giáo là khuôn mẫu mô phạm để dạy dỗ giáo dục con em theo cái khuôn mẫu đó. Rủi thay, cái khuôn mẫu đó bị sai lệnh thì các thế hệ tương lai đất nước cũng sẽ đen tối vô cùng. Khi các cô giáo đối xử ngược đãi bạo hành như thế, thì chính các em cũng sẽ nghiễm lấy cái phi nhân tính đó, để sau này cũng noi gương các cô mà hành xử phi nhân tính như thế! Phải chăng vì lối giáo dục bạo hành đó, đã tạo nên một xã hội phi nhân tính để: đâm chém, giết người, cướp của, hiếp dâm…một cách dã man trong xã hội VN ta ngày nay chăng??

Có người ví von: Một bác sĩ sai lầm làm chết bệnh nhân. Một nhà cầm đầu đất nước sai lầm, sẽ đem đất nước vào chỗ diệt vong. Nhưng nhà giáo sai lầm, sẽ đầu độc biết bao thế hệ tương lai con em chúng ta, sẽ tạo ra một xã hội tồi tệ, nhiễu nhương và xào xáo là khó tránh khỏi!!

Tuy nhiên, khi đọc bản tin: về một cô giáo trẻ Phùng Hồng A. (trường tiểu học Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) dán băng dính vào miệng 6 học sinh, chiều 8/12, nhưng lại được tập thể phụ huynh lớp 3A8 đã ký chung một tâm thư gửi ban giám hiệu nhà trường để xin tha cho cô giáo được trở lại dạy.

Bản thân tôi rất lấy làm ngạc nhiên, vì cách ứng xử của phụ huynh không giống như cách làm của các cha mẹ học sinh thường thấy trước đây: bức xúc với cô giáo để làm đơn đề nghị với nhà trường là phải kỷ luật, đuổi cô giáo đó ngay…Mà hành động như thế quả là chính đáng, vì một nhà giáo không thể sai phạm như thế được.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, bản thân nữ giáo viên này cũng có đơn gửi BGH nhà trường xin nghỉ thử việc và đã được đồng ý.

Bà Nguyễn Thị Bích Hạnh (Hiệu trường trường tiểu học Hoàng Liệt) cho biết, cô Hồng A. tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, bắt đầu thử việc tại trường từ tháng 9/2016. Trong số 9 giáo viên trẻ đang thử việc tại trường, cô Hồng A. được đánh giá là người có trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp khá tốt. Hành động của cô A. là bộc phát, nhất thời của một giáo viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm.

co-giao

Thiết tưởng, chúng ta cũng nên xem lại bức tâm thư của 6 phụ huynh đã bày tỏ những lời lẽ khẩn thiết với nhà trường như sau:

“Sự việc vừa xảy ra với cô giáo Hồng A. khiến chúng tôi cảm thấy rất buồn. Đó là việc đáng tiếc, không ai mong muốn. Đối với lớp chúng tôi, hình ảnh cô để lại trong tâm trí đa phần các phụ huynh là gần gũi, giản dị, mộc mạc và thân thiện. Bản thân chúng tôi rất tin tưởng khi giao con tới trường, tới lớp. Ngày ngày khi đón các con đi học về, chúng tôi đều hỏi các con mọi hoạt động vui chơi và học tập ở trường, ở lớp. Đa phần các con đều kể với tinh thần vui vẻ, kể về sự quan tâm của cô dành cho.

Khi chúng tôi hỏi các con: “con có quý cô không?”, thì đều nhận được cái gật đầu đầy yêu thương từ các bé. Có những hôm ở nhà dạy con học, nhiều bài tập không hiểu cách giảng, phụ huynh đã bấm máy gọi hỏi cô Hồng A. Mặc dù đã rất muộn, nhưng cô vẫn vui vẻ bắt máy và chỉ bảo tận tình. Còn rất nhiều việc làm âm thầm của cô giúp các con, chúng tôi không thể viết hết ra được ở đây.

Quãng đường cô đi còn rất dài, cô kém chúng tôi hơn 10 tuổi. Cô không thể không vấp ngã, sai sót. Sự vấp ngã hôm nay của cô, chúng tôi nghĩ rằng đó là giây phút bồng bột. Chúng ta là những người anh, người chị, người cô đã đi hơn cô Hồng A. một quãng đường xa, nếu chúng ta nhìn lại quãng đường mình đã đi qua có lẽ không thể nói là chúng ta chưa vấp ngã và mắc sai lầm. Quãng đường cô đi chưa dài nhưng vấp ngã này thật sự rất đau đớn, thương cô nhiều hơn là giận cô. Hành động của cô chúng tôi không bao biện cũng không bênh vực.

Cái sai của mình cô đã nhận ra, nó có thể trở thành quá muộn hay không là do những người đi trước như chúng ta có cho cô một cơ hội để sửa sai hay không?. Đừng vùi dập cô thêm, mà hãy đứng cạnh cô và thông cảm để cô có động lực đứng dậy sống tiếp, làm việc, cống hiến để báo đáp mẹ cha. Đó là điều nhân văn mà có lẽ chúng ta nên làm lúc này.

Hôm qua các con đi học về mặt rất buồn. Chúng tôi hỏi tại sao con khóc? Con trả lời, hôm nay cô Hồng A. lên chia tay lớp. Chúng con khóc rất nhiều, tại sao cô phải nghỉ dạy vậy mẹ? Nếu các con trách cô, ghét cô ,thì liệu có cảm xúc đó hay không?

Tập thể phụ huynh lớp 3A8 kính mong BGH nhà trường giảm bớt hình thức kỷ luật với cô Hồng A. Chúng tôi những phụ huynh của lớp hiểu sự việc và tha thứ cho cô. Các con mãi yêu thương cô và cảm ơn cô thời gian qua đã thay chúng tôi dạy dỗ các cháu. “Sống để yêu thương, bao dung và vị tha” cái đó là điều chúng tôi thường dạy các cháu”.

Qua sự việc trên, đã cho chúng ta thấy, cách hành xử đầy nhân văn của các phụ huynh học sinh này, đã hiện thực được những điều cổ nhân và thánh nhân cũng đã từng dạy bảo chúng ta: Đánh kẻ chạy đi, chứ không ai đánh kẻ quay lại. Đức Khổng Tử cũng đã nói: trong đời, ai cũng có lần sai phạm, vấp ngã vì: Nhân vô thập toàn. Đức Phật đã mời gọi kẻ lầm lạc: Quay lại là bờ. Nhưng nếu kẻ quay lại mà tấm lòng của chúng ta không mở ra thì làm sao quay lại để có bờ đây! Chuyện Tam quốc ngày xưa, Khồng Minh 7 lần bắt và 7 lần tha cho Mạnh Hoạch, nhờ thế mà Mạnh Hoạch trung thành mãi với nước Thục. Nhưng Chúa Giêsu lại quảng đại hơn để dạy chúng ta: không phải chỉ tha 7 lần, mà là 70 lần 7.

Cách hành xử của các phụ huynh trên, là một tấm gương và là một bài học đầy cảm xúc nhân văn rất đáng biểu dương: Cần có những tấm lòng độ lượng và vị tha mở ra như thế, thì xã hội chúng ta sẽ tốt đẹp biết bao!!! Chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết trong một bản nhạc: “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”.

Thiên Lương

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …