NÊN CHĂNG, ĐƯA TIẾNG NGA VÀ TRUNG VÀO CHƯƠNG TRÌNH HỌC LỚP 3?
tienducchauson
06/12/2016
Diễn Đàn Bạn Đọc
196 Views
Ngay khi Bộ Giáo dục – Đào tạo đề xuất dạy thí điểm tiếng Trung Quốc và tiếng Nga cho học sinh lớp 3, ngày 17/9, đã dấy lên làn sóng dư luận phản hồi trái chiều nhau, nóng lên trên báo chí và trên mạng xã hội.
Người chê cũng nhiều mà người khen cũng không ít.
Trên FB, có phụ huynh bức xúc để bày tỏ: Nếu trường nào đưa vào chương trình tiếng Nga và Trung, tôi sẽ đưa con sang học trường khác. Một phụ huynh khác: một nền giáo dục cưỡng bách như thế, tôi thà cho con thất học để đi học nghề còn hơn là học 2 thứ ngôn ngữ vô bổ đó. Một phụ huynh nọ mạnh mẽ hơn: Tôi sẽ cho con đi học nước ngoài…Nhìn chung, phản ứng của cư dân mạng là rất gay gắt khi đưa ra đề xuất này.
Vậy, chúng ta thử xem ý kiến của các bậc thức giả và quan chức trong ngành giáo dục ra sao:
Giáo sư Ngô Bảo Châu ủng hộ sự lựa chọn học tiếng Trung, Nga. “Việc trẻ con có thể chọn một trong 5 sinh ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là tiến bộ. Hiển nhiên trong số 5 sinh ngữ đấy phải có tiếng Trung”. Theo giáo sư, trẻ em Việt Nam từng học tiếng Anh vì nước Mỹ giàu nhất thế giới. Hay từng có lúc Liên Xô vĩ đại nên trẻ con phải học tiếng Nga. Vì thế, việc có thể chọn một trong 5 ngôn ngữ để học như ngoại ngữ thứ nhất là điều tiến bộ và trong đó, phải có tiếng Trung.
Có FB comments phản hồi: GS NBC ơi! Ngài chỉ giỏi toán thôi, còn chuyện giáo dục ngài chẳng hay tí nào! Một nền giáo dục không có định hướng, mà cứ chạy theo đuôi sự giàu sang, sự vĩ đại như thế, thì làm sao đất nước tiến bộ lên được. Tại sao lại phải có tiếng Trung, khi mà TQ đang lăm le thôn tính nước ta. Chẳng lẽ học để làm nô lệ sao?
Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với quan điểm do giáo sư Ngô Bảo Châu đưa ra. Giáo sư Hà Huy Khoái bình luận: “Nếu không là bắt buộc, mà tự chọn, thì tất nhiên càng có nhiều thứ để lựa chọn thì càng tốt thôi”.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng nói thêm rằng, việc học tiếng Trung là để có thể buôn bán với người Trung Quốc và để hiểu về nước láng giềng.
Facebooker Thanh Tran-Trong không đồng tình với quan điểm trên. “Không ổn! Ai thích học thì học, không cần phổ cập. Từ ngày dân Ba Lan bỏ học tiếng Nga họ phát triển ầm ầm, mà vẫn buôn bán với Nga.
Nguyễn Quốc Hùng MA, người thầy giáo rất nhiều năm gắn bó với việc dạy và học tiếng Anh thì bày tỏ quan điểm không nên đưa tiếng Nga và tiếng Trung làm ngoại ngữ bắt buộc. Thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mấy chục năm qua, chúng ta chỉ học tiếng Anh nhưng kết quả tới nay vẫn rất thấp.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần phải tạo được xu thế toàn xã hội học ngoại ngữ một cách tự thân. Với đề án dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông từ năm 2008 – 2016, sau khi đi được nửa chặng đường, cần có nhìn nhận thấu đáo để tránh tình trạng đi nhanh nhưng không bền vững, hiệu quả thấp.
Trên đây là những ý kiến khen chê trái chiều nhau. Vậy chúng ta thử đưa ra những điều bất cập của chương trình học 2 thứ tiếng Nga- Trung?
Đã có một thời, tiếng Nga và tiếng Trung được đưa vào chương trình học ở cấp II, III và đại học trước và sau 1975. Khi cuộc chiến TQ bành trướng chủ nghĩa Sovanh để chiếm đánh nước ta ở mặt trận phía bắc năm 1979. Với thái độ địch thù và gây hấn, nước chúng ta đã bỏ học tiếng Trung.
Cũng vậy, tiếng Nga được đưa vào chương trình học… Nhưng khi Liên Xô sụp đổ và tan rã ra nhiều mảnh, chia cắt ra thành nhiều nước tách rời Liên Xô, chính thời kỳ này, Nga đã quay lưng lại với VN để tố cáo với Mỹ: VN còn bắt giữ nhiều tù binh Mỹ. Điều đó, khiến VN đắng lòng để bỏ dạy tiếng Nga.
Bây giờ hai nước này đang có quan hệ trở nên thân thiện với nước ta, thì Bộ lại đưa chương trình hai thứ tiếng này vào dạy, quả là một nền giáo dục chẳng có định hướng, chẳng có lập trường gì hết. Một chương trình giáo dục tuỳ tiện, thiếu định hướng lâu dài, thích học, thích bỏ xoành xoạch như thế, bảo sao đất nước ổn định để phát triển được.
Ngôn ngữ tiếng Nga dùng theo mẫu tự Hy Lạp, khác hẳn với mẫu tự La tinh, nên không phổ cập và khó nhận diện mặt chữ. Tầm ảnh hưởng văn hoá của Nga không có được một sự quảng bá trải rộng trên thế giới. Nếu như ngày xưa thì văn hoá Nga có tầm ảnh hưởng với các nước XHCN thì còn được. Bây giờ chính các nước đồng minh của Nga ngày xưa lại đang quay lưng với Nga. Nền kinh tế Nga cũng vừa trải qua những năm tháng suy thoái và khủng hoảng trầm trọng. Chẳng lẽ học tiếng Nga để chỉ đọc các tác phẩm văn học cổ điển: Puskin, Lep Toltoi, Dostoiepki…Thường chỉ dành cho các học giả mà thôi.
Vì vậy, xét về lợi ích và tầm ảnh hưởng của nước Nga thì không nên đưa tiếng Nga vào chương trình học, như bộ đã dự kiến.
Tiếng Trung Quốc, vốn là một ngôn ngữ mà dân tộc ta đã bị Bắc thuộc 1.000 năm để cưỡng bách phải học, để đồng hoá với người Tàu. Chính cha ông ta đã cay đắng và căm giận để “ngậm bồ hòn làm ngọt” qua ngàn năm nô lệ. Sau đó, chúng ta đã thoát ra khỏi sự vay mướn ngôn ngữ tiếng Tàu, bằng cách tạo cho nước ta một ngôn ngữ chữ Nôm riêng biệt. Sự thoát ra khỏi ngôn ngữ Tàu, đã đem lại cho nền văn hoá phong phú cho đất nước để có được một đại thi hào Nguyễn Du với tuyệt tác bất hủ Truyện Kiều…Rồi một đỉnh cao khác là bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương với những bài thơ tinh tế và sâu sắc. Những thăng hoa của các nhà thơ: Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Trần tế Xương…
Rồi vào các thế kỷ 18, 19…Chúng ta lại được thừa hưởng một di sản của các cố đạo truyền giáo người Tây, mà điển hình là Đức Cha Bá Đa Lộc đã mượn mẫu tự La tinh để phiên âm chữ nôm ra chữ Quốc ngữ như ngày nay. Với chữ quốc ngữ, đã cho chúng ta một nền văn học rực rỡ trăm hoa đua nở với các nhóm: Hàn Thuyên, Tự Lực Văn Đoàn, Thi Sơn…với các tác giả: Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Thạch Lam, Nguyễn Tường Tam. Các nhà văn hiện thực: Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng…. Các nhà thơ, Bích Khuê, Hàn Mạc Tử, Tản Đà…
Có người tếu táo: cha ông ta đã thoát thân chạy mất dẹp ra khỏi chữ Tàu là đã mừng hết lớn rồi, bây giờ lại quay lại học chữ Tàu là sao???
Tự thân, chữ Tàu là một sự kết hợp của nhiều nét cổn, sổ…rất phức tạp và khó học, khó nhớ…Tại sao lại tự làm khó cho mình, khi phải là tự mua hột mà nót như thế? Trong khi nước Nhật và Hàn đang La tinh hoá ngôn ngữ nước mình, để người nước ngoài dễ dàng giao dịch tiếp xúc cho dễ hiểu.
Một vấn đề nhạy cảm là, trong khi TQ đang muốn dần thâu tóm đất nước ta, mà lúc này chúng ta lại học tiếng Trung, thì có phải là nối giáo cho giặc, học tiếng Tàu để TQ dễ sai bảo chúng ta chăng??
Đây chính là điểm mấu chốt làm tổn hại đến lòng tự trọng của một dân tộc, khiến người dân ta dị ứng để có những phản ứng kịch liệt.
Với những điều bất cập như trên, quả thời điểm này đưa tiếng Nga và Trung vào chương trình học là không thiết thực và cũng không lợi ích một chút nào.
Giá như lúc này, đưa tiếng Hàn và Nhật vào chương trình học, có lẽ, người dân sẽ ủng hộ hơn. Vì tầm ảnh hưởng văn hoá, kinh tế, thời trang, phim ảnh và ca nhạc…của hai nước này đang lấn sân, được ưu chuộng và phổ cập với xã hội chúng ta hiện nay.
Thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, mấy chục năm qua, chúng ta chỉ học tiếng Anh nhưng kết quả tới nay vẫn rất thấp.
Vậy thì theo nên theo kinh nghiệm của cha ông ta: Một tiếng cho chín, hơn là chín tiếng!!
Thiên Lương – GXCS