Cổ nhân ta nói: “Sinh kí tử quy”, sống là tạm gửi, chết mới là về. Ðó là một nhân sinh quan, và cái nhân sinh quan ấy chi phối đời sống người ta, đến độ có nhiều người nói rằng “sống là chuẩn bị cho cái chết.”
Từ quan niệm ấy, người Việt Nam hình như không sợ hãi khi đối diện với cái chết. Những cụ già xây sẵn phần mộ, mua sắm sẵn cỗ áo quan, ra vào vuốt ve ngắm nghía nó như ngắm một vật thân quí, đôi khi vào nằm thử một cách bình tĩnh. Các cụ còn định sẵn cả chương trình cho đám tang của mình, phải tổ chức ra sao, nghi thức thế nào. Thật đúng là sự chuẩn bị cho một cuộc trở về.
Ðó mới chỉ là những cái bên ngoài biểu lộ quan niệm “sinh kí tử quy”. Một cách sâu xa hơn, người ta chuẩn bị cho chuyến trở về bằng cả một cuộc sống của mình. Ðể cho cuộc trở về tốt đẹp, người ta sống tốt đẹp, cư xử tử tế với mọi người, tạo phúc đức để lại cho con cháu, trả sạch nợ nần để không phải vướng mắc với ai, không tạo ra những ác nghiệp v.v… Thực hiện được những điều đó, người ta thanh thản trở về thế giới bên kia.
“Sinh kí tử quy.” Sống là tạm gửi, chết mới là về. Nhưng về đâu? Ðó là vấn đề. Có phải là về với lòng đất? Có phải là về với hư không? Có phải là về với tổ tiên? Hay là về chốn bồng lai tiên cảnh?… Ðiều đó tùy thuộc quan niệm và niềm tin của từng người. Người Công giáo chúng ta tin rằng con người có linh hồn bất tử, và khi chết, linh hồn của mình sẽ về cùng Thiên Chúa, đấng tạo dựng nên mình. Thiên Chúa là nguồn cội. Từ Thiên Chúa, có muôn loài muôn vật, có chính mình. Bởi thế, chết là một cuộc “lá rụng về cội” lớn lao nhất, quan trọng nhất.
“Lá rụng về cội”. Ðó có thể coi như một nguyên tắc, một lẽ đương nhiên? Thật ra không hẳn thế. Quan sát sự kiện thực tế ngoài đời, ta sẽ biết ngay: có chiếc lá khi rụng, chao đi vài vòng, rồi nhẹ nhàng đặt mình dưới gốc cây. Nhưng cũng có những chiếc lá vừa lìa khỏi cành đã bị trận bão loạn gió cuồng cuốn bay đi xa lắc. Lá rụng, nhưng lá không về cội.
Ðời người ta cũng như những chiếc lá. Như lá được sinh ra và nuôi dưỡng từ chất nhựa từ cội là gốc rễ đưa lên thế nào, con người cũng được sinh ra, lớn lên, sinh hoạt trong dòng đời, từ chính cội nguồn của sự sống là Thiên Chúa như thế. Cái chết của con người cũng giống như chiếc lá lìa cành. Về với Thiên Chúa cũng như “lá rụng về cội”. Nhưng lá rụng chưa chắc đã về cội thì con người khi chết cũng chưa hẳn sẽ được về cùng Thiên Chúa. Về được với Chúa hay không, cái đó tùy ở cách sống của mình, tùy ở chính mình.
Có người ví cuộc hành trình về với Chúa, hay nói khác đi là về Thiên Ðàng, là một chuyến đường. Người đi phải tập làm quen với con đường, hay nói khác đi là phải đi lại nhiều lần trước khi ra đi để về thật. Nếu không quen đường thuộc lối, rất có thể người ta sẽ đi lạc, và như thế chẳng về được nhà.
Con đường về với Chúa là con đường gì? Ðó là đường Tình Yêu, bởi vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Và Thiên Ðàng là nơi gồm toàn những người biết yêu Chúa và yêu nhau. Như thế, làm quen với con đường về Thiên Ðàng cũng có nghĩa là tập sống yêu thương. Yêu Chúa và yêu người.