Nếu có ai đó hỏi bạn: – Tuổi nào đẹp nhất trong cuộc đời? Chắc chắn phần đông sẽ có một câu trả lời giống nhau: – Tuổi học trò. Điều đó quả thật đúng, khi đang bôn ba ngược xuôi trên dặm trường, bỗng có lúc ta chợt nhớ về ngôi trường làng năm xưa với biết bao kỷ niệm dấu yêu, tự nhiên lòng ta cảm thấy an vui, ấm áp. Nơi đó, có những đứa bạn học trò mà suốt cuộc đời sương gió ta cũng không bao giờ quên. Cho dẫu thời gian phôi pha, hoặc đến tận chân trời góc bể, khi gặp lại nhau, ta như sống lại những ngày xưa thân ái, tay bắt mặt mừng và những câu chuyện kể kéo dài như bất tận.
Tuổi học trò còn gắn liền với những người đã dạy dỗ ta, mở mang trí óc và chỉ vẽ cho ta, biết sống với một tấm lòng vị tha nhân ái. Đó là những Thầy Cô kính yêu, thường được xem như là người cha, người mẹ thứ hai của ta. Một trong những người ấy, hôm nay người viết muốn nói đến: đó là Cô giáo Lục, thưở đi học chúng tôi bao giờ cũng xưng hô: Chị Lục và xưng em.
Tối hôm nay, thứ năm ngày 17/11/2916, anh chị em chúng tôi, đại diện “Trang Web tienducchauson.net” đến thăm Chị Lục, khi được biết Chị đang lâm trọng bệnh. Thấy Chị nằm trên giường, người ốm o, gầy xọp, ai trong chúng tôi đều không khỏi chạnh lòng, xúc động. May mà Chị còn tỉnh táo, nói chuyện thăm hỏi từng người. Chị nhắc đến những học trò, tính nết mỗi đứa ra sao! Chị còn nhớ hết….Riêng lớp học chúng tôi (trước 1975, gọi là lớp Nhì, bây giờ là lớp Bốn), niên khóa 1966 – 1967 được hân hạnh là lớp học đầu tiên của Chị, khi Chị từ trường Độc Lập thị xã Banmêthuột về trường Tiến Đức. Phải công nhận là mỗi người Thầy – Cô đều mang lại cho học trò những dấu ấn đặc biệt. Qua lớp Chị Thư, Chị Tân… khi mới chân ướt chân ráo cắp sách tới trường, học Thầy Duyệt (lớp Tư) hiền lành hay kể chuyện, đến (lớp Ba) với Thầy Thái tính tình cẩn trọng, hơi nghiêm khắc. Và Thầy Chấp (lớp Nhất) nổi tiếng là người Thầy dạy giỏi, tuy kỷ luật sắt nhưng bất cứ đứa học trò nào sau này, khi nói chuyện về Thầy đều kính cẩn nói thầm hai tiếng: Cảm ơn.
Chị Lục dạy chúng tôi rất nhiều điều, có những chuyện với tuổi đời non nớt hồi đó, chúng tôi nghĩ không ra. Chẳng hạn khi đứa nào phạm lỗi, sau khi bị phạt quỳ hoặc quất cho vài roi vào mông, phải đứng ngay ngắn, khoanh tay lại, và thưa: Cám ơn Chị. Mấy đứa nói nhỏ với nhau: – Chị Lục lạ thật, đã bị roi ê ẩm, còn bắt cám ơn. Đến bây giờ ta mới hiểu, chứ Cám ơn giá trị biết chừng nào! Có một trân đòn mà hầu hết con trai lớp tôi đều khó quên: chuyện là đang giờ ra chơi, có một đoàn trực thăng bay qua, bỗng đâu một chiếc gặp sự cố và rơi tại Thôn 6. Thế là không ai bảo ai, ào chạy sang đó để xem. Cả đời có nhìn thấy chiếc trực thăng tường tận đâu…. Vậy là bỏ học, sáng hôm sau đến lớp mắt đứa nào đứa đó lấm la lấm lét, hóa ra toàn bộ sách vở, cặp… Chị Lục đã thu giữ trong tủ, ai không có cặp thì lên quỳ đó! Sau bài giảng, Chị cầm cái thước gỗ đập lên “lắc lè” hai chân, hình như hồi đó đi học vẫn có những đứa mặc quần đùi nên càng thấm đòn hơn. Đến nỗi lúc Chị tha phạt, mà không đứa nào đứng lên nỗi. Kỷ niệm thưở đi học Chị Lục thì rất nhiều, không kể hết….
Chị Lục kính yêu. Đứng bên giường Chị là những học trò mà một thời Chị đã dày công dạy dỗ nên người. Thời gian đã cuốn trôi đi nhiều thứ, nhưng tấm lòng của chúng em đối với Chị thì không bao giờ nhạt phai. Gần đến ngày 20/11: ngày Hiến Chương Nhà Giáo, chúng em nguyện xin Ơn Trên tuôn đổ dồi dào trên Chị, mong Chị gặp thầy gặp thuốc, để Chị vẫn luôn sống vui vẻ lạc quan, là chỗ dựa tinh thần cho những người học trò của Chị.
tkđ
Nhấp vào đây để Trả lời, Trả lời tất cả hoặc Chuyển tiếp
|