CÔ GÁI CHỢ CHÂU SƠN
tienducchauson
03/04/2016
Thời Sự Châu Sơn
406 Views
Cô Gái Chợ
Cách đây không lâu, trong lúc tùy hứng tôi đã nói ít nhiều về chợ “Châu Sơn” của chúng tôi, hôm nay, lại một lần nữa tôi lại chợt nhớ đến Cô “chợ” ấy !
Có lẽ nói đến chợ “Châu Sơn” cả TP Buônmathuột, không ai mà không biết! Tuy là chợ tự phát , nhưng những người con Châu Sơn đi xa về, hay những người ở xa, về Châu sơn để thăm bà con bạn bè, hoặc những người làm công, về Châu Sơn để thu hoạch mùa màng cho dân làng, cho dù chưa một lần ghé thăm, thì chỉ qua một vài lời giới thiệu, tức khắc xe đã đỗ ngay chợ rồi, thật là vinh dự cho chúng tôi, khi đang ngồi trên xe, thấy Cô “chợ” nghiêng nón vui vẻ chào anh Taxi trẻ đẹp, khiến khách lữ hành cảm thấy vui vui!
Cô “chợ”, chính là niềm tự hào của người dân chúng tôi, Cô sinh ra tự lúc nào không ai nhớ, chỉ nhớ loang thoáng cách đây khoảng hơn 10 hay 15 năm gì đó, cô sinh ra trong cảnh nghèo nàn ốm yếu, với vài ba người bán hàng lẻ tẻ bên cạnh chị (Ánh Từ),trong đó có chị Thanh(Huệ) là người chị cả trong nhóm người này, lúc đó cũng chưa mấy ai để ý đến cô, có chăng, đó là Cha Phó Tiến lâu lâu ghé thăm Cô chỉ giáo đôi lời, Cô chỉ biết thút thít im lặng lắng nghe, lúc đó Cô còn nhỏ lắm. Rồi thời gian dần trôi qua, những quán nhỏ liu điu bắt đầu mọc lên, như nói lên sự trưởng thành của Cô đang bắt đầu đến tuổi “dậy thì”. Thời gian này, Cô phát triển rất nhanh, như một cô gái trẻ đang đầy sức sống: Nào những hàng cá, hàng thịt, những hàng rau củ quả, những hàng quần áo bày la liệt, những quán ăn cũng bắt chước mọc lên, nằm hai bên đường Tỉnh Lộ 5, Bên cạnh Tượng Đài Đức Mẹ đầu làng….
Từ 4g30 sáng, Cô đã thức dậy bắt đầu làm việc chăm chỉ, lác đác vài ba người đi chợ đêm, về sớm để dọn hàng, như một thói quen tốt, họ thắp nén nhang dưới chân Mẹ lâm râm cầu khấn, trong làn khói hương nghi ngút, những người “Samari” ngoại Đạo đang cầu nguyện cho phiên chợ được Bình An, mua may bán đắt, đến 5-6g, người mua kẻ bán bắt đầu gặp nhau, mua mua bán bán, cười cười, nói nói, “giống như cái chợ” bắt đầu, thế nhưng chỉ đến khoảng 10g Cô chợ đã mệt nhoài thở phì phò như không còn sức sống và khi không cầm cự được nữa, phiên chợ lại vắng dần, để kết thúc một ngày bình yên.
Có một điều lạ, Cô chợ có Quốc tịch Châu Sơn, nhưng Cô lại nói được nhiều thứ tiếng, có lẽ do phần đa là dân các nơi về đây bán hàng, nhưng thật ra Cô chợ của chúng tôi, người dân Châu sơn chỉ bán những món hàng nhẹ như rau quả, ít vốn như chị Nhường, chi Trúc, chị Ngân, chị Anh…hoăc nhẹ vốn hơn nữa, ta gọi là “ngồi xổm” như chi Mai, chị Quyền, chị Bích, chị Hường…hoặc có nhiều nhà trồng rau sạch ăn không hết cũng đem ra chợ bán, cũng có những trái cây vườn như đu đủ, mít, vài ba ký chôm chôm, hay vài trái thanh long…..còn những sạp thit bò heo gà hoặc cá, ngoài chị Thơ Đạt ra, thì hình như đa số là dân thôn 8 hoăc thôn 1, mãi sau này hàng thịt heo có thêm chị Nga thôn 3 và vợ chồng anh Chí thôn 2… tươm tất hơn là những dãy áo quần thì đa số là những người ở phố vào kinh doanh, giữa chợ có 2 hàng trái cây to lớn của chi Tuyết và chị Hanh ngồi ngay trung tâm chợ suôt sáng tới chiều, như chào mời quý khách ở xa về Châu sơn thăm bà con có tí “quà” để thêm tình quý mến!
Cô chợ của chúng tôi rất ngăn nắp sạch sẽ, nói đến ngăn nắp: bằng chứng vì là chợ tự phát, chưa đươc ai lãnh đạo, nhưng những người bán hàng đã tự chon cho mình môt địa thế thích hợp, như: dãy hàng bán cá, thịt, dãy hang bán quần áo, dãy hàng ăn uống, dãy hàng bán dụng cụ gia đình…..trông thật đẹp mắt. Và mỗi người bán hàng, tự bao giờ đã được mọi người (?) đặt cho những cái tên mới, cái tên không muốn mà được như: chi Thanh”cháo”,Chị Quý thịt, chị Linh bún, chị Thu cá khô, chị Hạnh đậu nành, chị Oanh “:xôi”, chị Trang “bánh mì”, chị Thắm “cá”, chị Thủy “chè”, chị Tuyết “trái cây” chị Thảo “rau”, chị Sương “hoa”……có lẽ người bán hàng dù muốn hay không, cũng tự “an phận” với cái tên “chợ” của mình!!! và đặc biệt nhất đó là, mỗi sáng sớm, tin tức thời sự nhanh như tên bay, tốc đô nhanh hơn đường truyền Internet, bất kỳ trong 24h qua, có chuyện hay dở, tai nạn, trộm cắp, ai đau ốm hoặc cấp cứu,,hoặc qua đời đột tử, chó đẻ mấy con, gà đẻ mấy trứng, càfê, tiêu lên xuống bao nhiêu? anh nào sắp cưới chị nào, hoặc ngược lại v.v…loan truyền một cách nhanh chóng từ đầu chợ đến cuối chợ tùy theo chuyện quan trong nhiều hay ít, cứ thủ thỉ, thủ thỉ, mọi người đều biết và cùng nhau thông cảm.
Phải chăng đó cũng chỉ là bản chất và cũng là bản năng “tự có” của Cô chợ chúng tôi??? Kế tiếp cũng không quên nói đến sự sạch sẽ của Cô, một Cô gái dậy thì đáng yêu , đứng bên cạnh là một Người Nữ Sang Trọng và đầy Diễm Phúc, nên được mọi người hướng dẫn vệ sinh sạch sẽ, trước khi tan chợ, không ai bảo ai, mỗi người bán hàng xong, tự dọn dep vệ sinh sạch sẽ , gom rác vào bao và tự đưa về nhà, hoăc sẵn xe rác đi qua thi cũng “quá giang” luôn, Người có công hướng dẫn mọi người giữ vệ sinh chung, công lao lớn nhất là Bà Huynh đầu làng, làm việc không lương bổng cũng vì lòng yêu mến Đức Mẹ.
Năm vừa qua, tình hình ách tắc Giao thông, Cô chợ bị Nhà Nước phân tán, nước mắt lưng tròng, Cô kêu cứu người dân giúp đỡ, và người dân cũng hết sức yêu mến và gắn bó tình cảm với Cô, nên đã bảo vệ Cô đến cùng, cuối cùng Cô cũng được bằng yên nép bên cánh tay Mẹ, dời sang hai bên đường C thôn 2, và Cô chợ của chúng ta lại bắt đầu hoạt động mọi ngày như thường lệ.
Những Cô Chợ bạn của Cô ở TP Bmt, nhiều lúc ghen tỵ nhưng vẫn công nhận và thường to nhỏ với nhau : Cô chợ Châu Sơn có nét kiều diễm, e lệ, dễ thương, hiền lành, thật thà…. , phải chăng nhờ Cô sinh ra và lớn lên bên cạnh Đức Mẹ Đầu làng? Đúng vậy, bắt đầu từ cách ăn nết ở , những tật xấu như cân gian bán dối, móc túi, trộm cắp, hoặc tranh giành quyền lợi chửi nhau chí chóe, môi trường bẩn thỉu….. như những các Cô chợ khác, hầu như không có, nếu có cũng chỉ là rất hiếm, chính vì Cô được giáo dục từ thuở nhỏ! và giờ đây Cô đã trở thành một Cô chợ xinh xắn với cái tên “Chơ Châu Sơn”.
Thiết nghĩ một ngày nào đó, có chăng nếu Cô chợ thay đỗi chỗ ở, dân làng Châu Sơn chắc buồn lắm, Nghĩ đến đây, trong lòng tự nhiên bồi hồi thương thương, nhớ nhớ, Thương cô thiếu nữ “chợ” trẻ trung hiền lành xinh đep kia, khi không còn đứng gần Mẹ nữa, có còn thật thà đáng yêu nữa không? rồi không biết những người Samaria ngoại đạo kia còn thắp nhang cho Mẹ nữa không? Rồi những chàng taxi mỗi sáng chở khách xa về, còn biết liếc mắt đưa tình với ai đây? Và…tôi vội nhắm mắt lại và không muốn nghĩ tiếp…………
Kim Dung