MÙA CHAY – ĂN CHAY hay ĂN CHÁY
tienducchauson
09/03/2016
Ấm Nước Mới
151 Views
MÙA CHAY
ĂN CHAY hay ĂN CHÁY
Đây là một đề tài rất nghiêm túc bởi nó đề cập đến vấn đề linh thiêng và đạo hạnh của các tín hữu. Tuy nhiên kẻ viết bài này chưa đủ “trình” để có thể soi rọi vào những khía cạnh tâm linh sâu xa. Vả lại, dưới góc nhìn của sân chơi Ấm Nước Mới nên có phần hơi phiên phiến giữa sự nghiêm túc và tính trào lộng (humor). Mong được thông cảm.
Đối với tất cả các Tôn Giáo, Mùa chay hay Ăn chay là một khái niệm khá phổ biến mà hầu như mọi tín hữu đều cũng đã kinh qua. Như Phật Giáo thì có ăn chay trường, ăn chay lạt. Hồi Giáo thì có tháng Ramadan. Hay như Công Giáo chúng ta thì có cả một Mùa chay.
Ý nghĩa của Mùa chay hay Ăn chay của các Tôn Giáo đều na ná giống như nhau nhưng cũng có đôi phần khác nhau tùy theo mỗi Tôn Giáo. Mục đích truyền thống của nó là việc chuẩn bị của các tín hữu qua lời cầu nguyện, sám hối, ăn năn tội lỗi, thực hành bác ái từ thiện, hay chuộc tội, từ bỏ chính mình. Khi nói về Ăn chay – Mùa chay, ta cũng cần tìm hiểu và rút ra những gì là chân thật và thánh thiện nơi các Tôn Giáo để làm phong phú hơn trong đời sống tâm linh của mình.
Riêng đối với người Công giáo chúng ta thì Mùa chay là một mùa quan trọng bậc nhất trong suốt cả năm Phụng Vụ. Bởi đó chính là mùa tưởng niệm lại tất cả công nghiệp của Đức Kitô đối với nhân loại. Nói một cách nào đó, không có cuộc Tử Nạn của Đức Kitô thì không có Mùa chay. Mà không có Mùa chay thì không có Phụng Vụ. Và ta cũng nên nhớ người Công Giáo bao giờ “ăn chay” cũng phải “kiêng thịt”. Hai phạm trù này tuy khác nhau nhưng luôn đi đôi với nhau và bổ sung cho nhau.
Nhân đây chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm về Mùa chay. Như chúng ta đã biết Mùa chay khởi đầu từ thứ tư Lễ Tro và kết thúc trước thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ năm tuần thánh. Vậy là vẻn vẹn chỉ trong 40 ngày.
Con số 40 mang nhiều ý nghĩa và trùng hợp với nhiều sự kiện trong kinh thánh Cựu Ước.
-
40 ngày Mose trên núi Sinai.
-
40 ngày đêm Đại hồng thủy.
-
40 năm hành trình về Đất hứa.
-
Và nhất là 40 ngày trong hoang địa, Chúa Giêu Su nhịn ăn và chịu ma quỷ cám dỗ về 3 phương diện của cuộc sống: Lòng khao khát đời sống xác thịt, sự mong muốn quyền lực và lòng kiêu ngạo. Nhưng chúa Giê Su đã vượt thắng ma quỷ bằng cách trích dẫn nhiều câu kinh thánh Cựu Ước để phản bác lại ma quỷ.
Như ta đã biết, các Tôn Giáo đều có những cách thức ăn chay rất nghiêm nhặt. Và nếu đem lên bàn cân so sánh, đạo Công Giáo chúng ta tuy có thời gian Mùa chay là 40 ngày nhưng chỉ phải thực hiện sự chay tịnh (Ăn chay- kiêng thịt) chỉ trong hai ngày mà thôi. Đó là thứ tư Lễ Tro và thứ sáu Tuần Thánh. Xem ra Giáo Hội CG rất thoáng trong cách thể hiện bên ngoài. Tuy nhiên, đôi lúc càng nghiêm nhặt thì người ta lại càng bộc lộ vẻ vụ hình thức bề ngoài hoặc thực hiện theo quán tính. Đối với các Tôn Giáo khác thì dư luận truyền thông đã bêu rếu nhiều nhưng đạo Công Giáo tuy ít tai tiếng hơn nhưng cũng không ít trường hợp có những biểu hiện không mấy hay ho. Ví dụ, tôi còn nhớ cách nay khoảng gần 50 năm, hồi đó chúng tôi đang là sinh viên học sinh đi học xa nhà, đến ngày ăn chay kiêng thịt chúng tôi vẫn được cha mẹ nhắc nhở qua thư từ trước cả tháng và chúng tôi cũng đã vâng lời thực hiện nhiệm vụ một cách đúng luật nhưng đã có những sáng kiến (?) biến thế rất nhiều. Chẳng hạn, để giữ chay cho tốt (?) chúng tôi đã đợi đến 23g30 (ngày trước khi vào chay) rủ nhau đi ăn một tô phở cho chắc bụng và ngày hôm sau đợi đến khi chuông đổ nửa đêm ra tiệm ăn một tô cháo lòng cho đỡ xót xa cái bụng giun đang réo (Ê! Không phải nhậu đâu vì ngày ấy nghiêm chỉnh lắm chứ không nhậu nhẹt bừa bãi tào lao như bây giờ đâu nhé!). Quả thật, giữ chay như thế không biết có được ơn ích gì không nhỉ? Nhưng mà vẫn đúng luật đấy chứ! Đó là một vài trường hợp lẻ tẻ của lớp trẻ nêu ra cho vui chứ thực ra tất cả đều nghiêm chỉnh.
Riêng bản thân tôi, không hiểu sao, thuở còn niên thiếu tôi đã nghĩ: ăn chay là ăn cháy. Cho đến bây giờ, hễ mỗi lần đến ngày Ăn chay tôi vẫn tự cười thầm: tại sao hồi đó mình lại liên tưởng như vậy nhỉ? Phải chăng hồi đó thầy tôi thường cho tôi ăn những tảng cháy sù sì mỗi lần nấu cơm quá lửa rồi từ đó nó gây ấn tượng trong đầu óc non nớt của tôi? Hay phải chăng “chữ cháy liền với chữ chay một vần” khiến tôi đã nghĩ như thế”. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy cũng hay hay và cũng có phần đung đúng. Có ai đó đã nói, cái cảm nhận ban đầu thường đúng và khá chuẩn xác. Bởi, nếu cho rằng cháy là trầm tích của một nồi cơm thì tại sao tội lỗi không thể là trầm tích của cuộc sống con người? Mà trầm tích là gì nếu không phải phần vật chất lắng đọng xuống dưới?
Ăn chay là để gạt bỏ những ham muốn xác thịt, để tỏ lòng sám hối tội lỗi đối với Thiên Chúa thì tại sao không cho rằng ăn cháy là ăn những hạt gạo trầm lắng bị đốt cho cháy đi? Và như thế, là đã giải mã được sự liên tưởng non nớt của tôi từ thuơ thiếu thời rồi đó.
NGÀI VẪN THẾ