“Chúa chọn” hay “Chúa gọi”?
tienducchauson
14/06/2015
Diễn Đàn Bạn Đọc
458 Views
“Chúa chọn” hay “Chúa gọi”?
Ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt cảm xúc, suy nghĩ và tư tưởng của con người. Thực ra, ngôn ngữ cũng chỉ biểu đạt được ước lệ chừng mực nào đó của tư tưởng, cảm xúc con người mà thôi. Ví như nỗi đau thể xác cũng như tâm hồn…làm sao ngôn ngữ có thể diễn đạt được, để người đối diện cảm nhận được nỗi đau đớn giống như người bị đau. Đó là chưa nói đến thói quen dùng câu từ diễn đạt sai trong đời sống thường ngày. Ví như nói: “hôm nay tôi đi khám bác sĩ”. Qua câu này, có nghĩa là bác sĩ bị đau và tôi tới khám cho bác sĩ. Hoặc câu nói: “hôm nay, con ở nhà, nấu cháo em ăn nha! Có nghĩa là đem em ra nấu cháo…”.
Cũng vậy, người Công giáo thường hay lầm lẫn giữa quan phòng và an bài. Chuyện tốt thì không nói, nhưng chuyện xấu tai ương hoạn nạn nào cũng đổ cho Chúa mặc định an bài, trong khi Chúa chỉ quan phòng cho chúng ta thôi (đề tài quan phòng và an bài sẽ được đề cập trong một dịp khác). Thực ra, Chúa quan phòng là quan tâm và phòng bị cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh, cho dù là xấu nhất, thì ngài vẫn mở cửa hẹp cho chúng ta. Có lẽ, do câu thánh kinh: “Một sợi tóc trên đầu rơi xuống, cũng đều do thánh ý của Chúa” suy diễn ra, mọi sự đều do Chúa xếp đặt, an bài…Theo tôi nghĩ: việc “Chúa biết” và “Chúa làm” là hai động thái khác nhau. Chúa biết sợi tóc sẽ rơi xuống khi nào, vì Chúa là Đấng thông minh sáng láng, đương nhiên Ngài phải biết, chứ Chúa không hề làm cho sợi tóc rơi. Chúa sáng tạo ra các chân lý, quy luật khoa học…Chúa cũng sẽ tôn trọng công trình sáng tạo của Ngài. Tôi nhớ trong sách Công đồng Vaticano II có câu: “Mọi chân lý và khoa học, không thể tự mâu thuẫn nhau được”.
Người Công giáo chúng ta vẫn có thói quen dùng lẫn lộn giữa “Chúa chọn” và “Chúa gọi”. Thực sự thì cũng chưa thấy ai phân định cách dùng nào là đúng. Nhưng hệ quả của hai từ này là hoàn toàn khác nhau.
Chúng ta vẫn thường nghe nói “Chúa chọn” 12 thánh tông đồ để rao giảng tin mừng và thiết lập nền tảng hội thánh. Nhưng khi Ju Da phản nghịch bán Chúa, có người, nhất là người ngoại đạo lên tiếng chê: “Chúa các ông thông minh, tỏ tường, vậy mà vẫn chọn lầm Ju Da”. Đây là mâu thuẫn có tính nội tại. “Nói Chúa chọn, để tỏ ra Chúa thông tỏ mọi sự và không sai lầm khi chọn, nhưng khi cá nhân được chọn, lầm lạc, thì Chúa bị cho là không thông tỏ để chọn lầm”. Bản thân tôi không được học thần học, nên không biết cách để lý giải tỏ tường cho người ngoại đạo rõ, nhưng lý đoán ra rằng: “Chúa mời gọi” rất nhiều người đi theo Chúa, nhưng ai cũng từ chối, chỉ có mấy ông lão ngư phủ, dốt nát, quê mùa là thuận tai để “chọn Chúa” mà đi theo. Lý giải như thế để đỡ tiếng oan cho “Chúa chọn lầm”.
Trộm nghĩ, ngày ấy, Chúa đi dạo trên bờ hồ, rồi tình cờ gặp ai Chúa cũng mời gọi hay là rủ rê các ông đi theo cùng, để rao giảng, chứ không đích thân chọn lựa riêng một ai.
Truy tìm lại bốn tin mừng, tin mừng nào cũng viết: “Đức Giêsu “kêu gọi” bốn môn đệ đầu tiên”. Thánh Mathêu và Thánh Marco viết: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới ngươi như lưới cá. Lập tức các ông bỏ chài lưới mà đi theo ngài”.
Thánh Luca tình tiết bài bản hơn: Sau nhiều lần Chúa rao giảng và làm phép lạ, Chữa người bị quỷ ám, Chữa bà mẹ vợ ông Simon, Chữa lành nhiều người đau ốm… Tiếng đồn Chúa làm những việc lạ đã được loan truyền trong dân Do Thái …Rồi mới mời “gọi bốn môn đệ đầu tiên”. Nhưng trước khi mời gọi, Chúa đã ra tay làm một phép lạ kỳ diệu, làm chóa mắt mấy ông. Sau một đêm dài mệt mỏi, các ông không đánh bắt được con nào, Chúa bảo các ông chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Dĩ nhiên là các ông cũng không được mặn mà cho lắm! Vì cả đêm đã mất ngủ mà chẳng đánh được con cá nào. Nhưng dù sao, qua một số phép lạ mà Chúa làm trước đây, khiến các ông có chút tin tưởng để vâng lời chèo ra. Đánh bắt được nhiều cá, thuyền sút chìm, phải nhờ các thuyền bạn đến giúp dùm. Một màn ra mắt ngoạn mục của Chúa như thế, bảo sao các ông dám từ chối với lời “mời gọi” của một người cao tay ấn phép tắc như thế! Và họ “chọn Chúa” đề đi theo đấy chứ!
Vậy là, Chúa “mời gọi” các tông đồ trong sự tình cờ, chứ không có chủ tâm chọn ông này bỏ ông kia. Mời gọi hay thu phục nhân tâm để cuối cùng chính họ “chọn Chúa”, chứ không phải “Chúa chọn” họ.
Theo tôi, một người Công giáo có bốn lần được mời gọi: Lần mời gọi đầu tiên, để làm một người Công giáo, qua phép rửa (ơn gọi này ít được nhắc nhở trong giáo hội). Ơn gọi thứ hai là ơn gọi hôn nhân. Ơn gọi thứ ba là ơn Thiên triệu giáo sĩ, và ơn gọi thứ tư là ơn gọi về với Chúa, “khi Chúa thương gọi con về…”. Trong bốn ơn gọi này, có hai ơn gọi không tự mình quyết định được: Đó ơn gọi làm người Công giáo qua bí tích rửa tội, việc sinh thành là do cha mẹ, bản thân mình không lựa chọn để sinh vào gia đình giàu có, hay nghèo, Công giáo…Và “Ơn gọi cái chết”, bản thân không ai quyết định được. Phải nói ơn gọi thứ tư mới là “Chúa chọn”, dân gian hay nói “trời kêu ai, người ấy dạ”!
Còn hai ơn gọi: hôn nhân gia đình, và Giáo sĩ tu sĩ này, yêu cầu hàng đầu của bản thân người đó, phải có ý thức tự nguyện, thì mới thành sự được. Vậy thì chính bản thân mình phải tự “lựa chọn”, chứ không ai lựa chọn cho mình.
Chúa mời gọi hết mọi người chúng ta về hai ơn gọi đó. Chính chúng ta phải suy tư, trăn trở để tự mình đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng, chứ không phải là Chúa. Và như vậy, chính bản thân mình phải có trách nhiệm với sự lựa chọn đó! Nếu Chúa chọn thì, chính chúng ta lại “quá thụ động”, và trách nhiệm không thuộc về chúng ta nữa, khi đó, chính Chúa lại phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó, thì có oan cho Chúa không!
Nhiều người đi tu không thành sự, rồi cho rằng: Chúa gọi thì nhiều, mà chọn thì ít; đó là thói quen chúng ta thường đổ lỗi cho sự an bài của Chúa, để bao biện cho sự không thành của chúng ta. Thông thường chúng ta vẫn dùng “ơn gọi” tu sĩ, chứ không dùng là “Chúa chọn” tu sĩ.
“Ơn gọi” hay “Chúa chọn”, cũng chỉ là một cách dùng từ ngữ mà thôi, ý nghĩa thì không khác nhau là mấy, trong ơn gọi đã có Chúa chọn, và trong Chúa chọn đã có ơn gọi. Nhưng hệ quả đưa lại thì trái ngược nhau, để người ngoại giáo có thể bắt bẻ khi một giáo sĩ lầm lạc, phá giới sẽ quy trách nhiệm là “Chúa chọn lầm”.
Để Chúa khỏi bị tiếng oan “Chúa chọn lầm” tôi nghĩ, chúng ta nên dùng “Chúa gọi” và Giáo sĩ “chọn Chúa”, làm như thế sẽ lợi cho Chúa: Chúa mời gọi hết thảy mọi người chứ không riêng tư, thiên vị một ai, như vậy Chúa thể hiện sự công bằng trong “ơn gọi”. Hai là khi cá nhân nào “chọn Chúa”, nếu lỡ họ lầm lạc, phá giới, thì cá nhân người đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình, và không thể đổ lội cho Chúa là “Chúa chọn lầm”.
Một vài lý giải hạn hẹp và nông cạn của một giáo dân, chỉ là thiện ý mong muốn điều tốt đẹp cho Chúa, và để Chúa khỏi chịu tiếng oan “Chúa chọn lầm” mà thôi.
Rất mong được sự góp ý của các bậc cao kiến cho sự việc sáng tỏ hơn.
Xin cám ơn.
Nguyễn Vĩnh Căn – Gx Châu Sơn