Tản mạn về chuyện CÒ – CÒ MỒI

 Tản mạn về chuyện                                                                                                                                               CÒ   –    CÒ MỒI

          Hễ mỗi lần nghe hát bài “Con cò là cò bay lả lá bay la, bay qua là qua ruộng lúa, bay về là về là về đồng xanh.Tình tính tang là tang tính tình…” là lòng tôi lại gợn lên bao mối cảm xúc lâng lâng về một cảnh trời thanh bình đơn sơ, ruộng đồng phì nhiêu cò bay thẳng cánh. Và, trong mắt tôi, từ khi nào đến giờ, hình ảnh con cò là một hình ảnh đẹp, hiền hòa, dễ mến.

co1

        Thế nhưng, không hiểu tự lúc nào cò được  hiểu theo định nghĩa là kẻ chuyên dẫn dắt người khác vào những chiêu trò bịp bợm và được ví như con chim mồi đánh lừa đồng loại  bay đến mắc bẫy đã được sắp sẵn để cho vào tròng. Như vậy, hình ảnh cò trong mắt mọi người đồng nghĩa là một kẻ xấu xa, chuyên đi lừa lọc thiên hạ để đem cái lợi bất chính về cho mình. Thực ra, hình ảnh cò trong thơ văn , đôi khi, cũng mang đầy vẻ không chính chuyên cho lắm .

                     Con cò mà đi ăn đêm,

                     Đậu phải cành mềm, lộn cổ xuống ao.

                     Ông ơi, ông vớt tôi nao,

                     Tôi có lòng nào, ông sẽ xáo măng.

                     Có xáo thì xáo nước trong,

                     Chớ xáo nước đục, đau lòng lòng cò con.

        Có một điều gì đó không mấy trong sáng nơi chú cò này. Bởi, thường thì cò đi kiếm mồi ban ngày chứ sao lại đi ăn đêm? Nghe có vẽ hơi trái khoáy và lạc loài phải không nhỉ? Và khi không may gặp tai nạn, được “ông” cứu  cò đã không rối rít cám ơn lại còn khoe mình là một món mồi ngon (có lẽ biết ông hay nhậu chăng?) rồi còn đặt điều kiện này nọ nữa. Xem chừng như cố tình câu giờ để giở chiêu trò hay sao đây?

        Rồi một câu ca dao khác cũng khiến người ta phải suy nghĩ về độ chân thành của cò.

                     Cái cò, cái vạc, cái nông,

                     Sao mày dẫm lúa nhà ông hỡi cò.

                     Không không tôi đứng trên bờ,

                     Mẹ con cái vạc đổ thừa cho tôi.

                     Chẳng tin thì ông đi coi,

                     Mẹ con nhà nó còn ngồi đây kia.

  “Ông” đang hỏi một cách chung chung về sự phá hoại mùa màng nhà “ông”, nhưng cớ sao chưa chi cò đã chối bay,chối biến nhỉ ? Mà lại còn đổ vấy cho kẻ khác nữa. Cái tội đổ vấy là không tốt, không thành thật. Đó chẳng phải là cái tội gắp lửa bỏ tay  người hay sao? Phải chăng có một chút “ma đạo” đang manh nha xâm nhập vào cò?

co5

        Nhưng, nghĩ cũng tội nghiệp “thân cò lặn lội bờ ao”,dẫu sao đi chăng nữa cái “tư cách” của cò cũng chưa đến nỗi phải chịu “chết tên” với cái định nghĩa lừa đảo, mánh mung đó.Vậy phải chăng lúc ban đầu, một anh chàng nào đó, ngẫu nhiên sáng tác thuật ngữ CÒ chỉ là thuận miệng phát tác, rồi lâu dần thành thói quen trong quảng đại quần chúng? Nếu ví dụ như anh ta dùng một đại từ nào đó như chim, như chuột hay bướm để chỉ cái ý tứ lừa đảo, bịp bợm thì, có lẽ, cũng vậy thôi. Ừ nhỉ? Tại sao “anh chàng nào đó”không đột nhiên dùng từ bướm ngay từ thuở ban đầu nhỉ? Từ BƯỚM nghe có vẽ tượng hình lắm đấy chứ? Chỉ nghe đến BƯỚM thôi, đã thấy hấp dẫn và mát mẻ lắm rồi. Chỉ nghe đến BƯỚM mọi người đã liên tưởng đến MỸ NHÂN KẾ, để gái thuyền quyên lừa lọc trai anh hùng hào kiệt trong thiên hạ rồi. Chả vậy mà mấy tay Tráng niên Châu Sơn khi hát bài kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng, x.o.è đôi cánh, x.o.è đôi cánh… đã  tranh dành nhau anh ngồi xem, anh nằm xem rối rít ngậu xị cả lên. Giả sử nếu  hoán đổi được giữa hai từ CÒ và BƯỚM tôi đoan chắc CÒ cũng rất vui và BƯỚM cũng thích. BƯỚM MỒI! nghe cũng hay đấy chứ.

co2

       Ái chà! Hơi lan man dài dòng mất rồi. Xin trở lại vấn đề nhé!

Từ đầu, chúng ta đã nói về nguyên ủy cái thuật ngữ “CÒ – CÒ MỒI” khá dài dòng và tưởng như nó có từ lâu đời nhưng thật ra cái thuật ngữ này cũng chỉ mới xuất hiện đại trà trong khoảng thời gian mấy chục năm gần đây thôi, tuy nhiên, về bản chất của nó thì đã xưa như trái đất. Có nghĩa là trò lừa bịp, gian dối của con người thì đã có từ khuya. Và khi nói đến chuyện CÒ – CÒ MỒI, bao giờ cũng có sự phối hợp làm ăn giữa tay ba đối tác : bên nguyên – bên bị và ở giữa là CÒ.

        Sở dĩ nói đến chuyện xưa như trái đất, vì ngay từ khi lịch sử loài người bắt đầu, thủy tổ ADAM và EVA đã bị siêu cò Lucifer lừa ăn trái cấm (biết lành, biết dữ) nên đã bị Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn Eden khiến chúng ta sinh ra ai cũng mắc tội Nguyên Tổ. Và sau đó là CÚ SIÊU CÒ ngoạn mục nhất, nổi tiếng nhất từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây phải là cú lừa của Giuda. Hắn đã bán thầy mình là Đức Kitô khi dựng lên một vở kịch không thể nào hoàn hảo hơn, bằng cách tiến vào nơi cầu nguyện Giệt-sê-ma-ni và giả chước ôm hôn thầy một cách thắm thiết. Và, còn có một điều tuyệt vời hơn nữa là chưa chắc hắn ngày sau sẽ sa hỏa ngục mà chớ ??? Bởi, biết đâu hắn là một “tiền định” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa?

        Còn ở nước ta, thuở còn mang tên Âu Lạc cũng đã có một cú lừa tình vô tiền khoáng hậu. Những ai thuộc lịch sử đất nước hẳn còn nhớ, năm 210 TCN An Dương Vương xây thành Cổ Loa để chống quân xâm lược miền Bắc, được thần Kim Quy ban cho nỏ thần nên Triệu Đà không đánh nổi. Triệu Đà bèn lập mưu cho con trai mình là Trọng Thủy cưới con gái An Dương Vương là Mỵ Châu để tìm cách cướp nỏ thần. Trọng Thủy đã thành công trong việc đưa nỏ thần về cho Triệu Đà. Không còn nỏ thần, An Dương Vương lên ngựa chạy trốn, chở theo cả con gái cưng Mỵ Châu. Nhưng chạy đến đâu cũng không thoát vì Mỵ Châu ngồi sau rắc lông ngỗng làm dấu cho Trọng Thủy theo. Cuối cùng thần Kim Quy hiện lên bảo: CÒ đang ngồi đằng sau lưng. Nhà Vua bèn một đao giết chết con gái. Cú lừa tình này quả thật là li kỳ và hy hữu.

        Trên đây là những chuyện CÒ điển hình, nó đã làm thay đổi cả cục diện nhân loại.Còn trong xã hội hiện nay, đâu đâu ta cũng cảm  nhận được mùi tanh hôi của chuyện bịp bợm, lừa đảo. Chuyện CÒ MỒI lúc ban đầu chỉ xuất hiện trong phạm vi mua bán,đổi chác trên thị trường nhưng bây giờ thì xảy ra ở bất cứ lãnh vực nào.

co3

Nhất là trong guống máy hành chánh, chánh quyền, chuyện mua quan, bán chức xảy ra nhan nhãn. Thậm chí, người ta còn ấn định giá cả cho từng chức quan, cho từng vị trí văn phòng. Rồi thì, lây lan thành một bệnh dịch, đến cả những nghề nghiệp tôn quý như y tế hay giáo dục đám CÒ MỒI cũng không tha. CÒ còn xâm nhập cả vào giới đại trí thức của nước ta nữa. Một đất nước nghèo hèn và chậm tiến như nước ta mà có đến 24.300 ông Tiến Sĩ thì kể cũng thật là quái lạ (cao gấp 5 lần nước Nhật). Trong đó, nhất định, có rất nhiều tiến sĩ giấy, bằng dỏm, bằng giả do chạy CÒ mà có, điều này đã được nhiều vị “chức sắc” trong chính quyền xác nhận. Vả lại, qua trình độ non kém của các ngài ta cũng có thể xác được điều đó một cách dễ dàng. Một vị Tiến sĩ Nông nghiệp mà không phân biệt nổi một cây lúa nước với một cây cỏ vực hay không biết một từ tiếng Anh nào thì hỏi làm sao đây? Đã có những tiết lộ cho biết một số mua bằng của Đại Học Thái Bình Dương với giá 17.000 USD!!!.

        Những ai am hiểu về bóng đá thế giới chắc hẳn không thể quên được Siêu cò Jorge Mendes người Bồ Đào Nha . Ông được vinh danh là người đàn ông quyền lực nhất trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ. Những cầu thủ nổi tiếng nhất như CR7, Cavani, Falcao v.v…đều do một tay ông đạo diễn. Dưới trướng ông có hằng trăm cầu thủ và HLV trông chờ niêu cơm do ông mang đến. Ở phạm vi nhỏ hẹp hơn như Việt Nam ta cũng nổi lên một siêu cò bóng đá không kém cạnh Trần Tiến Đại với biết bao thủ thuật chuyển nhượng cầu thủ khiến mọi người đều nể phục.

co6

        Đám Cò Mồi hoạt động dữ dội, trơ táo và ngang tàng nhất, có lẽ, là ở bến xe hay sân ga, hành khách nào lơ mơ là dễ mất túi xách, thậm chí có khi mất mạng như chơi. Đặc biệt là đám cò xe thồ trước các bệnh viện, chúng tổ chức rất quy mô bài bản đánh lừa, chặt đẹp các bệnh nhân nhẹ dạ với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương. Như báo CA Đà Nẵng đưa tin, một tên Huỳnh Thất nào đó ở Huế, vốn xuất thân từ nghề xe thồ, giả danh  Bác sĩ móc nối với đám cò xe thồ đưa các bệnh nhân từ các bệnh viện chung quanh đến chữa và đã trở thành đại gia. Đó là trường hợp điển hình, ngoài ra còn rất nhiều những trường hợp na ná như thế.

        Chúng ta đã bàn về nhiều chiêu trò bịp bợm của CÒ và hầu như không ai có cái nhìn thiện cảm về họ, bởi những công việc họ làm hơi quá và trái với lương tâm. Nhưng, nếu nhìn dưới lăng kính thoáng hơn, phân tích sự việc kỹ hơn, ta sẽ thấy sự hiện diện của CÒ đôi khi cũng cần thiết để đời sống được vận hành suôn sẻ. Ví dụ khi có một thay đổi cấp thiết nào đó, ta cũng phải cần đến những bàn tay CÒ MỒI mới giải quyết  tình huống một cách mau lẹ. Và giả sử thế giới này nếu không có những SIÊU CÒ như Lucife hay Giuda thì chắc gì cuộc sống đã thú vị như ngày nay.

        Tóm lại, dù sao cũng phải duy trì CÒ, bởi CÒ nhiều khi cũng rất cần thiết cho đời sống con người. Nhiều khi ta cũng cần biết sống chung với lũ. Dù biết lòng dạ nó độc nhưng hãy nhịn mà chào nó. Phải không CÒ???

 

                                                                   NGÀI VẪN THẾ

 

.

 

 

 

 

[/highlight]

Check Also

Ấm nước mới – Nhớ lại ngày xưa, Châu Sơn quê ta- Tên làng… Phần II  

Ấm nước mới nhà quê, thường được xem là nơi cái đình làng của xóm… …

Ấm nước mới – Đám cưới ơi!!! Báo động đỏ!!! Thừa mâm thiếu khách đó!!!

– Sao bữa này bảnh vậy ta! Đi uống nước mới mà diện áo quần …