TẨY TRẦN VÀ THĂNG HOA
Ăn mừng là một chuyện mâu thuẫn, là do có sự tác động lẫn nhau giữa nỗi mong chờ và thành tựu, nỗi khát khao và việc dang dở chưa thành, cái tầm thường và điều đặc biệt, công việc và vui chơi. Cuộc sống và tình yêu phải được ăn mừng theo một nhịp điệu “nhịn đói – tiệc tùng” nào đó. Thời vui chơi sẽ có lợi ích nhất khi đi sau những giây phút làm việc, thời hưởng thụ sẽ càng được tôn lên bởi những thời khát khao, còn thời thân mật sẽ nảy nở từ những thời cô độc. Sự có mặt là tùy thuộc vào sự vắng mặt, sự thân thiết tùy thuộc vào sự cô độc, vui chơi tùy thuộc vào công việc. Kể cả Chúa cũng chỉ nghỉ ngơi sau khi đã làm việc sáu ngày!
Ngày nay chúng ta chật vật vì điều này. Nhiều hội hè tiệc tùng của chúng ta trở nên nhạt nhẽo vì trước đó chưa có thời nhịn đói. Ngày xưa, thường có một kỳ nhịn đói dài trước khi diễn ra một buổi hội hè, và sau đó là một lễ mừng vui vẻ. Ngày nay, chúng ta làm ngược lại, có ăn mừng kéo dài trước khi diễn ra hội hè và sau đó là nhịn đói.
Lấy Giáng sinh làm ví dụ: Mùa Vọng khởi sự cho việc ăn mừng Giáng sinh, thực thế. Các bữa tiệc bắt đầu, đèn hoa trang trí sáng lên, và nhạc Giáng sinh trỗi dậy. Khi cuối cùng lễ Giáng sinh đến, thì chúng ta đã phát ngấy với những điều thích thú của kỳ lễ này, mệt mỏi, bão hòa với những thứ của Giáng sinh, và đã muốn chuyển ngay sang lễ tiếp theo. Vào đúng ngày Nô-en thì chúng ta đã trở lại cuộc sống bình thường. Mùa Giáng sinh trước đây thường kéo dài đến tháng Hai. Bây giờ, thực tình mà nói, nó hết hẳn vào ngày 25 tháng 12.
Từ trước đến nay không phải lúc nào cũng như vậy. Trước đây, quá trình từ khởi sự chuẩn bị là hướng tới tiệc tùng, sau đó mới đến ăn mừng. Bây giờ thì tiệc tùng trước, nhịn đói sau. Vì điều đó mà chúng ta nghèo nàn đi. Nếu trước đó không có nhịn đói thì chẳng có được bao nhiêu tính chất thăng hoa trong tiệc tùng ăn mừng.
Một đồng nghiệp của tôi thích nói rằng xã hội chúng ta ngày nay biết cách mong đợi/thúc đẩy một sự kiện mà không biết cách làm sao để duy trì nó. Điều này cũng chỉ đúng một phần. Rất đúng là chúng ta không biết cách duy trì một điều gì đó; mà chúng ta cũng không biết làm thế nào để mong đợi/thúc đẩy nó. Chúng ta lẫn lộn giữa mong đợi và lễ mừng bởi vì chúng ta thấy khó mà sống trong trạng thái dang dở và căng thẳng của sự chưa xong nếu không tiến tới giải quyết nó. Chuyện mong chờ và nhịn đói không phải là những điểm mạnh của chúng ta; ăn mừng cũng không phải nốt. Bởi vì chúng ta không thể chuẩn bị cho đúng đắn để hướng tới một lễ mừng, nên chúng ta cũng không thể ăn mừng một cách đúng đắn.
Lễ mừng tồn tại được là nhờ vào mâu thuẫn: để mừng lễ, trước hết chúng ta phải nhịn đói; để đạt đến sự viên mãn thật sự, chúng ta trước hết phải sống trong khiết tịnh; và để nếm mùi vị đặc biệt, trước hết chúng ta phải hiểu vị bình thường. Một khi việc nhịn đói, chuyện đợi chờ dang dở, và nhịp điệu thông thường của cuộc sống bị đi tắt bỏ qua, thì sự mệt mỏi của tinh thần, sự chán nản và thất vọng sẽ thay thế lễ mừng và chúng ta chắc chắn chỉ còn lại cảm giác trống rỗng: “Tất cả là thế thôi sao?” Nhưng đó là vì chúng ta đã đi tắt, đã bỏ qua cả một quá trình. Đôi điều chỉ có thể thăng hoa nếu, trước tiên, có sự tẩy trần.
Tôi đã lớn tuổi để biết về một thời đại khác. Giống như thời đại của chúng ta, thời đại đó cũng có những sai lầm của nó, nhưng cũng có những mặt mạnh. Một trong những mặt mạnh của nó là niềm tin, và người ta sống, thực hành theo niềm tin đó, rằng lễ mừng là tùy vào việc nhịn đói trước đó, và cái thăng hoa đòi hỏi phải có sự tẩy trần trước đó. Tôi nhớ rất rõ những mùa chay thời thơ ấu. Mùa chay đó mới nghiêm ngặt làm sao! Nhịn đói và từ bỏ: không lễ cưới, không nhảy nhót, rất ít tiệc tùng, rất ít đồ uống, đồ ăn tráng miệng chỉ có vào Chủ nhật, và nói chung là tất cả những thứ tạo nên sự đặc biệt và lễ mừng đều ít hơn. Các nhà thờ trang hoàng toàn bằng màu tím. Sắc màu thì tối thẫm ảm đạm và tâm trạng thì ăn năn hối lỗi, nhưng lễ mừng theo sau đó, Lễ Phục Sinh, thì thật sự là đặc biệt!
Có lẽ đây là nói theo kiểu hoài cổ; xét cho cùng, hồi đó tôi còn nhỏ, ngây thơ và chẳng có gì, và tôi có thể gặp gỡ Phục sinh cũng như những lễ mừng khác với tinh thần háu đói hân hoan. Có thể như vậy, nhưng tính chất đặc biệt quanh những lễ mừng đã chết vì một lý do khác, đó là, chúng ta đã không còn mong đợi chúng một cách đúng đắn nữa. Chúng ta bỏ qua chuyện nhịn đói, sự đợi chờ dang dở, và nỗi mong mỏi bắt buộc phải có trước. Nói nôm na như sau – làm sao Giáng sinh có thể đặc biệt cho được nếu khi chúng ta bước qua ngày 25 tháng 12 với trạng thái kiệt sức sau bao nhiêu tiệc tùng liên hoan hàng tuần trước đó? Làm sao lễ Phục sinh lại đặc biệt cho được khi chúng ta sống mùa chay cũng như bất kỳ mùa nào khác? Thật sự là, làm sao có chuyện bất cứ cái gì cũng có thể thăng hoa khi chúng ta đã đánh mất khả năng tẩy trần?
Ngày nay, tình trạng thiếu vắng sự đặc biệt và thích thú trong đời sống chúng ta một phần lớn là do nhịp điệu này đã gãy đổ. Nói ngắn gọn, Giáng sinh không còn đặc biệt nữa vì chúng ta đã ăn mừng Giáng sinh suốt cả mùa Vọng; đám cưới không còn đặc biệt nữa vì chúng ta đã ngủ với cô dâu, và tất cả các trải nghiệm thường đều nhàm chán nhạt nhẽo, không thể nào làm chúng ta phấn khởi lên được vì chúng ta đã nếm chúng khi chưa đến độ. Trải nghiệm lúc chưa chín muồi là dở chỉ bởi vì nó chưa chín muồi, chẳng vì lý do nào khác. Ăn mừng Giáng sinh suốt mùa Vọng, ăn mừng Phục sinh mà không nhịn đói trước, bỏ qua cái độ chờ mong trong bất kỳ điều gì lĩnh vực gì, thì cũng giống như đã ngủ với cô dâu trước đám cưới, một lỗi về sự khiết tịnh. Tất cả những trải nghiệm chưa chín mùi đều có tác động là vắt kiệt nhiệt tình và những kỳ vọng lớn lao của chúng ta (mà chỉ có thể được dồn từ từ và tăng dần lên thông qua tẩy trần, căng thẳng và đợi chờ đau đớn khó chịu).
Bây giờ là tuần chay. Nếu chúng ta dành mùa này để nhịn đói, để tăng cường độ nỗi chờ mong, để tăng nhiệt độ tâm lý của chúng ta, và để học biết được những điều gì có thể ấp ủ hoài thai trong lò rèn khiết tịnh, thì lễ mừng theo sau sẽ có cơ hội thăng hoa.
Rev. Ron Rolheisher, OMI
Bình luận