Trà hay cà phê?
tienducchauson
09/01/2015
Tủ thuốc sức khỏe
249 Views
Trà hay cà phê?
“Coffee, tea, or me?” ; “Cà phê, trà, hay là tôi?” là một câu nói có tính cách lẳng lơ, tựa đề của một cuốn hồi ký xuất bản vào năm 1967, kể chuyện vui về “đời hoạt động” của hai cô tiếp viên hàng không ở Mỹ. Ở đây ta tạm bỏ qua chữ “tôi”, để so sánh ưu điểm cũng như khuyết điểm của hai thứ thức uống, trà hay cà phê?
Đối với một số người, cà phê được xem dường như là một loại thuốc giúp đỡ chống lại sự mệt mỏi, nhức đầu, lười biếng, tình trạng thiếu linh hoạt hay minh mẫn của cơ thể. Trong những thập niên đầu của thế kỷ trước, cà phê mang tiếng xấu vì nó đi kèm theo với thuốc lá, phòng trà, quán bar, quán rượu, tiệm bi-da, sòng bạc v.v…
Trên phương diện đời sống xã hội, so với cà phê thì trà có vẻ thanh tao, ít “bệnh hoạn” hơn. Nhưng thời xưa ở nước ta, các quán trà cũng mang tiếng xấu không kém gì các “quán bia ôm” ngày nay. Bên tám lạng, bên nửa cân.
Thế thì, trà có thực sự tốt hơn cà phê hay không?
Nguồn gốc:
Trà là thức uống thông dụng trên toàn thế giới chỉ đứng sau nước lạnh mà thôi. Trong khi đó cà phê từ đầu thế kỷ 21 ngày càng trở nên thông dụng, nhất là từ khi Starbuck ra đời, cà phê không thể thiếu trong đời sống hằng ngày.
Theo truyền thuyết, vua Thần Nông, năm 2737 trước công nguyên, đang đun nước uống…ngoài đồng (khổ, thời ấy làm vua mà phải tự đi đun nước!) thì có lá trà cháy rớt vào nồi, tiếc của, ông nếm thử và đâm ra “khoái” cái mùi vị của…nước trà. Khởi thuỷ trà chỉ được dùng làm thuốc, và mãi tới thời nhà Tần, nhà Hán, 200 năm trước công nguyên, chỉ có vua chúa hay hoàng gia mới được nếm tới..trà. Tới đời nhà Đường, trà lan qua Nhật và người Nhật đã đẩy việc uống trà lên đến đỉnh cao của nghệ thuật. Trà cũng tràn sang Việt Nam rất sớm có thể qua ngã Vân Nam như miêu tả trong tiểu thuyết của Kim Dung, Thiên Long Bát Bộ. Cuối cùng mãi tới thế kỷ thứ 16, trà mới tới Âu Châu và cũng chỉ có “đại gia” thời đó mới có khả năng, tiền bạc để thưởng thức trà.
Trong khi đó cà phê, được khám phá trễ hơn. Chuyện kể có một người chăn dê tên Kaldi của xứ Ethiopia, để ý thấy mấy cô chú dê nhà mình có vẻ “phê”, đi dứng lạng quạng sau khi ăn hột của một loại cây…sau này gọi là cà phê. Thời gian đầu chỉ có các vị tu sĩ và mục đồng uống cà phê để tỉnh táo mà chăn cừu, hay để…đọc kinh cầu nguyện. Sau đó cà phê lan rộng qua bán đảo Ả Rập và đi khắp nơi.
Ưu điểm:
Cả hai thứ cà phê và trà đều có “yêu điểm”. Một số nghiên cứu cho thấy cà phê có khả năng làm giảm bệnh mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, và giảm khả năng bị tiểu đường loại 2. Cà phê cũng giúp làm nở các khi quản giúp đỡ cho người bị hen suyễn kinh niên. Chất caffeine có trong cà phê lẫn trà giúp chống bệnh nhức đầu kinh niên và giảm bớt cơn say. Người uống cà phê thường xuyên ít bị đột quỵ tim hơn. Một số nghiên cứu cũng cho thấy cà phê cũng làm giảm bớt khả năng bị bệnh sạn túi mật, giảm bệnh xơ gan và ung thư gan. Cà phê cũng được biết giảm khả năng bị bệnh thống phong gout cho đàn ông trên 40.
Một cách chung chung, nghiên cứu từ trường Đại Học Harvard cho thấy, cà phê cũng không có hại gì cho sức khoẻ, không làm cho người uống cà phê chết sớm, nhưng cũng không kéo dài tuổi thọ bao nhiêu.
Trong khi đó, trà, theo viện nghiên cứu về ung thư National Cancer Institute, có nhiều chất polyphenols, có khả tính chống oxide hoá (antioxidant), giúp phòng ngừa các bệnh ung thư như ung thư phổi, chống hư hại cho DNA. Chất polyphenols có nhiều trong trà xanh hơn là các loại trà khác. Một nghiên cứu cho thấy uống trà xanh làm giảm khả năng bị ung thư thực quản đến 60%, nhưng uống nước trà quá nóng lại tăng khả năng bị ung thư thực quản. Trà xanh cũng được biết làm cho mỡ trong người biến thành nhiệt giữ ấm cho cơ thể, một đặc tính riêng biệt không liên hệ đến chất caffeine.
Khuyết điểm:
Trong cả hai thức uống, nhiều chất caffeine cũng có thể làm cho tim đập mạnh, hồi hộp, khó ngủ, buồn nôn. Các loại cà phê phin, hay cà phê nấu chín, chứa nhiều caffeine hơn những loại cà phê lọc bằng giấy, có thể làm tăng lượng cholesterol xấu LDL. Phụ nữ mang thai nếu uống trên 8 ly cà phê Mỹ mỗi ngày, (phải trừ hao nếu uống ly cà phê đen hay sữa đá “nhà mềnh” nhé!) có thể dễ bị hư thai hay sẩy thai, hay sanh sớm. Trà còn có chứa chất fluoride, một chút thì tốt cho răng…cỏ, nhưng nhiều quá có thể làm loãng xương. Một số trà Tàu hay trà Ấn Độ có chứa chất nhôm và chất chì có thể gây ra nhiễm độc cho hệ thần kinh.
Tóm lại cả hai thức uống đều có các “yêu điểm” và “yếu điểm”. Nhìn chung, cả hai đều an toàn vì nhân loại đã dùng cả hai loại thức uống từ nhiều trăm năm qua. “Dùng” ở đây hàm ý điều độ, vừa phải. Xin lưu ý, kẻ xấu trong ly cà phê sữa đá hay ly trà thái, bạn đã biết, không phải là cà phê hay là trà.
“Cà phê, trà, hay là tôi?”; cuốn hồi ký của hai nàng tiếp viên hàng không thật ra chỉ là một tiểu thuyết hài hước, thuộc loại “những thoáng mơ hoang” của một tay viết mướn tên Donald Bain. Cuốn sách được đóngthanh phim và cái tựa đề của nó đã trở thành một thành ngữ Mỹ dí dõm, từ trong chỗ “trà dư tữu hậu” cho đến chốn phòng the riêng tư ở mọi nhà.
Tuỳ ý bạn chọn thứ nào tuỳ theo trường hợp nhé.
Bs Hồ Ngọc Minh