Một chọn lựa cay đắng
Bà bạn người công giáo gọi điện cho mình thở dài thườn thượt bảo, buồn quá bà ơi, Đức Giáo Hoàng đầu hàng tụi ác ôn rồi, ngài không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma!
Mình hụt hẫng, bàng hoàng và có phần trách móc. Hình ảnh nụ cười thánh thiện của ông hình như lịm tắt trong lòng mình.
“Hội nghị các giải Nobel Hòa bình” lần thứ 14 sẽ được diễn ra ở Roma sau khi công luận phản đối nó tại Nam Phi và một vài khôi nguyên hòa bình tẩy chay vì chính phủ Nam Phi từ chối không cho Đức Đạt La Lạt Ma tham dự.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô Sáng hôm12 tháng 12, hãng tin Reuters cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối không gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ vài tuần trước đây phái đoàn Tây Tạng đã dàn xếp một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng Tòa thánh Vatican đã từ chối lời đề nghị này.”
Đức Giáo Hoàng của người nghèo, bất hạnh nay bỗng nhiên quay mặt lại với người Tây Tạng bị bạc đãi ức hiếp và chà đạp.
Đức Giáo Hoàng của niềm tin mới nơi người Công giáo sau bao năm chìm đắm trong đức tin một chiều, đóng cửa với xã hội và chỉ làm những việc gì trực tiếp cho Chúa.
Ngài đã mạnh mẽ nói với giáo dân khắp thế giới rằng hãy tham gia vào các hoạt động chính trị, hãy hòa minh với xã hội để thấm nỗi đau của người chung quanh và hãy bỏ nỗi sợ hãi phía sau vì niềm tin vào công lý cuối cùng sẽ thắng.
Đức Giáo Hoàng với những cử chỉ lay động quả tim nhân loại ấy nay lại quay mặt đi với một nhân vật thánh thiện khác cũng theo đuổi những mục tiêu như ngài đặt ra. Đức Đạt La Lạt Ma đã suốt đời vì nhân dân Tây Tạng mà đấu mặt với tập đoàn vô nhân Bắc Kinh. Ngài không có một thứ khí giới nào trong tay, vũ khí duy nhất là tiếng nói của những nguyên thủ quốc gia vì hòa bình và công lý lên tiếng ủng hộ cho một đất nước bất hạnh nhất thế giới đang bị tiêu diệt dần mòn dưới thứ chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.
Cả ngày mình không yên. Cả ngày quần thảo với những ý nghĩ tiêu cực về con người đáng kính ấy. Bỗng nhiên nổi lên câu hỏi nếu ngay lúc này được cho phép diện kiến ngài và đặt một câu hỏi thì câu hỏi ấy sẽ là gì?
Trong thời gian trước đây Vatican đã có nỗ lực hàn gắn ngoại giao với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự cho phép giáo hội Trung Quốc được tấn phong chức Giám mục vốn hàng chục năm qua chưa bao giờ được công khai nghi thức quan trọng này. Giám mục do nhà nước cộng sản dựng lên đã và đang hủy hoại niềm tin trong Ki tô hữu và hơn 50 triệu tín đồ Công giáo đang thực hiện niềm tin của họ dưới bóng tối của chủ nghĩa vô thần.
Mấy năm gần đây Trung Quốc đã phần nào nới lỏng việc quản thúc giáo hội và khả năng cho phép Vatican phong chức giám mục đang dần hiện rõ. Đây có phải là lý do khiến một vị Giáo hoàng có tư tưởng và hành động khai sáng, dấn thân như ngài phải chùn bước hay không? Và nếu phải chắc ông sẽ rất đau lòng cho quyết định của mình, một quyết định có thể làm sụp đổ niềm tin hàng tỷ người trên hành tinh này, kể cả người ngoại đạo như mình.
Nếu nhắm mắt thả lỏng tư tưởng để tưởng tượng giáo hội công giáo trong đất nước Trung Quốc hoạt động ra sao, và nhất là nó bị bao vây, cô lập sách nhiễu như thế nào đối với hơn 50 triệu giáo dân âm thầm trong đất nước khổng lồ ấy chắc chắn nhiều người như mình sẽ thấy được những hình ảnh không khác gì đang xảy ra tại các giáo xứ xa xôi nhỏ bé tại Việt Nam. Nơi ấy giáo xứ bị côn đồ ném vật dơ bẩn vào giáo đường, tu sĩ bị đánh đập, Giám mục bị chặn đường không cho hành lễ, nữ tu bị cấm không được giúp trẻ em nghèo khuyết tật và còn biết bao hình ảnh tối tăm khác nữa?
Nhân lên những hình ảnh ấy chắc chắn bức tranh về tự do tôn giáo tại Trung Quốc sẽ ảm đạm hơn rất nhiều và những hình ảnh đau lòng này buộc Đức Giáo Hoàng phải hy sinh, và sự hy sinh ấy đang làm ông đau đớn.
Một con người với đức tính nhân ái, khiêm nhường nhưng mạnh mẽ như ngài khó mà chịu được sự dằn vặt khi đưa ra một quyết định phản lại sức mạnh nội tâm của một chủ chiên vốn bị bó buộc vào mục tiêu truyền giáo khắc khe. Tiếng rên xiết của giáo hội Trung Quốc không cho phép ngài giữ danh hiệu một Giáo Hoàng của người người nghèo trong thế giới tư bản khi cùng lúc người nghèo và bị áp bức trong thế giới cộng sản hiện diện song hành.
Ngài phải chọn một trong hai. Phải hy sinh và chịu sự lên án của dư luận kể cả lòng bất mãn của giáo dân trên khắp thế giới. Sức ép ấy không có gì so sánh được và sự chịu đựng của ngài mới đáng cho mình suy nghĩ.
Ngài từng mạnh mẽ nói với giáo dân khắp thế giới rằng hãy tham gia vào các hoạt động chính trị, thì đây, ngài đang tham gia chính trị với một quyết định nao lòng. Ngài hòa mình với xã hội Trung Quốc để thấm nỗi đau của người Ki tô hữu và ngài bỏ mặc nỗi sợ hãi vì bị phán xét để tin rằng công lý cuối cùng sẽ thắng.
Nhận thức được điều này làm mình choàng tỉnh và ngay lập tức muốn tới hôn chân ông, một hình ảnh tỏa sáng hào quang hơn nữa trong trái tim của một người ngoại đạo.
Mình thấy rõ ngài quỳ gối cầu nguyện mà vai run bần bật. Đôi vai mạnh mẽ ấy phải vác trên vai hàng tỷ tín đồ nay lại phải vác thêm một thách thức kinh khủng của dư luận.
Mình cũng thấy sự hy sinh của ngài đang làm Bắc Kinh toại nguyện vì cứ tưởng là đã hạ gục một sức mạnh mới của niềm tin. Mình lại cả tin rằng sự toại nguyện ấy sẽ không bao lâu nếu bánh ít đi mà bánh quy không lại.
Thế giới sau một lúc bàng hoàng vì Vatican từ chối tiếp Đức Đạt La Lạt Ma sẽ theo dõi sự phản ứng của Bắc Kinh ra sao trước sự hy sinh khó tưởng tượng này. Nếu nhỏ mọn, Bắc Kinh sẽ bị tẩy chay khinh bỉ. Nếu thỏa hiệp thì Vatican là kẻ chiến thắng kéo vào lòng mình hơn 50 triệu tín đồ, một sức mạnh không nhỏ chút nào đối với một tôn giáo luôn bị o ép sách nhiễu và cưỡng bách hoạt động theo chủ trương của một chế độ độc tài toàn trị.
Năm mươi triệu con người ấy có lẽ đang cùng thầm thì cầu nguyện cho ngài, vị chủ chăn dám hạ mình chấp nhận sự phán xét của toàn thế giới để hy sinh cho đàn chiên lưu lạc của ông tại một đất nước mà không một sự thế chấp nào thô bỉ hơn khi công chính bị đòi hỏi để trao đổi cho chủ nghĩa bành trướng vô nhân.Tiếp Đức Đạt La Lạt Ma là một chọn lựa dễ dàng, thế giới sẽ tung hô tinh thần bất chấp cường quyền bạo lực của ngài và trong tâm tưởng nhiều người Đức Giáo Hoàng sẽ được ghi thêm một điểm son. Không đưa tay ra với một người như ngài, Đức Giáo Hoàng đã chọn lựa con đường thánh giá với những viên đá nhọn ném vào mình. Sự chọn lựa ấy sẽ làm nhiều người đỗ vỡ và giáo hội công giáo toàn cầu sẽ gồng mình chấp nhận bao nhiêu phán xét.
Mình biết ngài sẽ khóc nhưng sau những giọt nước mắt ấy là hình ảnh sừng sững của hy sinh để thế giới thấy rõ hơn sự nhỏ mọn hèn hạ của một đất nước luôn tưởng rằng mình vĩ đại.
Hình ảnh nụ cười của ông từng là chất liệu chữa trị mối hoài nghi của mình trước các vấn đề đạo đức xã hội bỗng nhiên trở lại và mình cay đắng nói với lòng rằng cuộc sống còn quá nhiều hiềm nghi này cần một sự tha thứ như ngài. Ngài đang tha thứ cho chế độ ác tâm bằng những giọt nước mắt cũng như an ủi người lo âu bởi nụ cười từng làm hàng triệu con tim sống lại sau những mất mát trong cuộc sống.
Cánh Cò
(RFA)
Con Đường Chúa Đã ĐiTác giả: Lm. Văn ChiLạy Chúa con đường nào Chúa đã đi qua
Con đường nào Ngài ra pháp trường
Mão gai nào hằn sâu trên trán
Lạy Chúa, Thánh Giá nào Ngài vác trên vai
Đau thương nào phủ kín tâm tư
Đường tình đó Ngài giành cho conĐk: Lạy Chúa xin cho con bước đi với Ngài
Xin cho con cùng vác với Ngài
Thập giá trên đường đời con đi
Lạy Chúa xin cho con đóng đinh với Ngài
Xin cho con được chết với Ngài
Để được sống với Ngài vinh quangLạy Chúa mũi đòng nào đâm thấu con tim
Đinh nhọn nào còn loang máu đào
Xỉ nhục nào còn vương trên mắt
Lạy Chúa những bước nào gục ngã đau thương
Bao roi đòn hằn khoét thê lương
Đường tình đó Ngài giành cho con