DƯ ÂM MỘT NGÀY ĐẠI LỄ BUỒN.

        DƯ ÂM MỘT NGÀY ĐẠI LỄ BUỒN.

        Hằng năm, cứ đến ngày Chúa Nhật cuối năm phụng vụ là ngày lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ toàn thể giáo dân Giáo Xứ Châu Sơn, đặc biệt Đoàn Tráng Niên, lại tổ chức hành hương lên núi Chúa dâng thánh lễ trọng đại để vinh danh con Thiên Chúa hằng sống. Mỗi lần như thế giáo dân chuẩn bị rất chu đáo trước cả mấy tháng. Ngay cả chuyện xin phép chính quyền để được dâng thánh lễ trên núi, Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX) cũng đã làm tờ trình ngay từ đầu năm.

a

Để cho ngày lễ thêm phần trang trọng và sốt sắng những giáo dân đạo đức, những người có lòng yêu mến Chúa thường âm thầm sửa sang tô vẽ lại khuôn viên tượng đài Chúa cho đẹp đẽ hơn, trang nghiêm hơn xứng với ngày đại lễ một năm một lần. Và năm nay họ đã chôn trụ hình thánh gía để gắn các hình ảnh 15 chặng đường thánh giá (thêm một chặng để tưởng nhớ sự phục sinh của chúa) vốn đã có từ trước nhưng chưa đem lên chỗ trang trọng. Với việc làm này ai lên viếng Núi Chúa cũng khen đẹp và rất ý nghĩa.

Riêng đoàn Tráng Niên giáo xứ lại càng chuẩn bị cho ngày lễ một cách chu đáo hơn vì đó chính là ngày Bổn mạng của họ, nhất là việc phần hồn, tâm linh. Họ muốn tổ chức một ngày lễ cho thật long trọng sốt sắng để làm đẹp lòng Đấng Chí Tôn, Đức Vua mà họ nhận làm Quan Thầy.

 Và thánh lễ sáng Chúa Nhật cuối năm phụng vụ đã diễn ra rất long trọng sốt sắng tại thánh đường Giáo Xứ. Cũng vẫn có đoàn rước đầy đủ thành phần vào nhà thờ. Cũng vẫn hàng hàng lớp lớp tráng niên tham dự thánh lễ một cách đông đảo và trang nghiêm. Nhưng đâu đó, phảng phất một nỗi buồn. Tiếng nhã nhạc của dàn kèn đồng vẫn rộn ràng réo rắt nhưng nghe như một tiếng thở dài ảo nảo. Tiếng hát HOAN HÔ CHÚA CỨU THẾ hào hùng lẫm liệt từ thuở nào, giờ sao thiếu dứt khoát, rập ràng. Lá cờ Vua Vũ Trụ và 19 toán vẫn tung bay trên vòm nhà thờ nhưng sao thiếu gió. Cả buổi lễ như chìm vào bầu không khí trang nghiêm lặng lẽ.

 Chỉ đến khi anh Đoàn Trưởng Tráng Niên đại diện anh em cám ơn quý cha chánh phó xứ và mọi thành phần dân Chúa thì nỗi buồn phảng phất đã trở thành nỗi buồn thực tế. Khi anh Đoàn Trưởng thú nhận sự bất lực không bảo vệ nổi những công trình do những người yêu mến chúa âm thầm thực hiện thì cả nhà thờ như câm lặng. Một sự thật đã được gọi tên. Một giọt nước đã làm tràn ly. Nhưng đã có sự đồng cảm xót xa. Đã có những tiếng nấc nghẹn ngào sâu lắng. Đã có những giọt nước mắt lặng lẽ. Sau đó là tiếng vỗ tay của cộng đoàn Dân Chúa vì những lời mang đầy tính ước lệ về sự quan phòng của Chúa cũng như những lời chúc tốt đẹp cho một ngày hành hương lên Núi Chúa an lành. Tiếng vỗ tay tuy vẫn rào rào, bôm bốp nhưng không át nổi những giọt nước mắt đang lặng lẽ nuốt ngược vào lòng.

h

        Thực ra, nỗi buồn này đã âm ỉ khá lâu. Bởi, cách nay chừng hai tháng Tòa Giám Mục (TGM) đã kêu gọi cha Quản Xứ và HĐGX thu hồi các trụ xi măng gắn 15 chặng đường thương khó chúa Giêsu (thêm một chặng diễn tả sự phục sinh của Chúa) vì chính quyền làm khó dễ bắt phải triệt bỏ. Nói cho đúng, việc này Cha và HĐGX không hề chủ trương vì đây là việc làm âm thầm của những người đạo đức muốn dâng hiến lòng thành kính của mình làm món quà dâng Chúa nhân dịp lễ Kitô Vua hằng năm. Họ nghĩ rằng mình không làm việc gì sai trái cả vì chỉ chôn những trụ đường thánh giá trong phạm vi khuôn viên tượng đài là việc được nhà nước cho phép chứ không hề cơi nới hay mở mang thêm. Họ nghĩ chắc có sự hiểu lầm nào đó thôi nên đợi chính quyền xét lại cho dân nhờ.

l

Nhưng không ngờ,vào khoảng trưa ngày 18/11 đã có những người âm thầm (lại cũng âm thầm !!!) lên tháo gỡ 15 chặng thánh giá cả trụ và 15 hình ảnh cuộc thương khó của chúa (đã có trước) đem về trả  TGM. Vậy là cuối cùng chỉ có Chúa chịu thiệt cả vốn lẫn lời thôi, Chúa ơi!!!

n

         Nhưng dù sao thì sao, dù gì thì gì cuộc lên Núi Chúa vẫn được tiến hành theo như chương trình đã được hoạch định. Tuy có buồn nhưng giáo dân vẫn tấp nập, lũ lượt cùng nhau hành hương lên Núi Chúa. Bắt đầu từ 9 giờ sáng, đoàn người, từ đỉnh xuống dưới chân núi, cuồn cuộn như một dòng thác sinh động đầy sắc màu. Tiếng gọi nhau í ới của của đám thiếu niên, tiếng chào hỏi đon đả của các cô gái hay tiếng ồm ồm của các tráng niên tay xách nách mang, tất cả đã tạo nên một âm thanh rộn ràng phấn khởi làm tạm quên đi những giây phút ảm đạm trong giáo đường, sáng nay.    

A14

        Đúng 10 giờ thánh lễ trên Núi Chúa bắt đầu, bây giờ thì giáo dân đã nêm chật cứng trên khuôn viên tượng đài và lèn đầy cả tầng hai (là tầng dựng 15 chặng đường thương khó bao quanh tượng đài), chưa kể còn một số rất đông đi trễ đứng tại thổ cư của mình hướng vọng lên thông công. Năm nay, có lẽ người đi hành hương còn nhiều hơn mọi năm. Dường như mọi người đang muốn làm ngược lại hoàn cảnh để chứng tỏ thái độ bất khuất với những áp lực mà mình đang khấng chịu. Có ai đó đã nói, khi lệnh cấm đạo ban ra thì người tuẫn đạo càng thêm can đảm, điều này thật đúng tâm trạng của giáo dân lúc này. Và thật ngẫu nhiên khi cả ba cha đồng tế là các linh mục trẻ đang tràn đầy nhiệt huyết.

M2U00306.MPG_snapshot_00.06_[2014.11.23_16.27.32]

        Mở đầu thánh lễ cha chủ tế kính chào Đức Giám Mục Giáo Phận như một sự giới thiệu, lúc đó mọi người mới biết có sự tham dự của ngài trong thánh lễ này. Mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía ngài, khi ngài ngồi lẫn trong giáo dân. Thực ra, ngài đã lên Núi từ  rất sớm, sớm hơn tất cả. Ngài xuất hiện để mọi người hiểu rằng ngài sẽ không để con cái lẽ loi với một sự cố không đáng có. Đức Cha ơi! Chúng con xin lỗi vì đã làm Đức Cha phiền lòng vì một chuyện chẳng ra gì. Phần chúng con, thì nỗi oan khiên này chỉ là chuyện nhỏ, bởi chúng con đã gánh chịu quá nhiều thiệt thòi rồi.

A11

        Sau thánh lễ, vẫn là phần ngắm đàng thánh giá như thường lệ. Đây mới chính là điểm nóng thời sự đang nung nấu tâm can mọi người trong dịp lễ Kitô Vua này. Và lúc này đây, khi cùng nhau ngắm nguyện 15 đàng thánh giá trong cảnh trống vắng những hình ảnh minh họa cuộc khổ nạn của Chúa mọi người mới thấy nỗi buồn đang cố quên đi bỗng chốc lại ùa về. Hóa ra sự gồng mình đổi buồn thành vui, kể từ lúc lên núi, đã triệt tiêu trước sự mất mát thua thiệt của một thực tế xót xa. Và những lời ngắm nguyện bỗng trở thành những lời khóc than, nhất là khi đọc đến câu: Lạy mẹ âu sầu xin đóai thương con… mà nước mắt cứ rưng rưng. Sự bất lực của con cái sự sáng đã hoàn toàn bị khuất phục bởi quyền lực tối tăm.

A1

        Thế rồi không hiểu sao, giữa bầu không khí nặng nề u ám đó, bước chân tôi như có một sức mạnh vô hình nào đó thúc đẩy tôi tiến về phía trước tượng đài Chúa. Ngước mắt nhìn lên, Chúa vẫn dang tay che chở đàn con cái như tự thuở nào nhưng mà sao Chúa lại buồn thế? Ô hay, mắt tôi có quáng không đây? Ánh nắng lung linh có làm tôi lầm lẫn không đây? Mà sao tôi thấy trên đôi má phong sương của Chúa long lanh? Tôi đang gặp thị kiến hay đang mơ mình gặp thị kiến???. “Chúa ơi! Chúng con biết Chúa buồn lắm. Buồn vì thế gian đã tước mất biểu tượng cuộc khổ nạn mà cách đây hơn hai ngàn năm Chúa đã đổ biết bao mồ hôi và máu. Chỉ trong một đêm ngày Chúa đã chịu dư năm nghìn đòn cùng bảy mươi hai cái gai nhọn đâm vào óc, tất cả chỉ là để cứu chuộc nhân loại, thế mà nhân loại khinh mạn dễ duôi triệt hạ, chối bỏ hết. Chúa ơi! Xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi vì chúng lầm chẳng biết”.

A6

        Như vậy, phần LỄ đến đây xem như đã xong. Và  đã đến lúc phần HỘI bắt đầu nhưng phần HỘI năm nay cũng giảm đi bội phần vì người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ. Phải không quý bà con? Nhưng nếu có người hỏi: LỄ HỘI Núi Chúa năm nay có thành công không? Thì ta cũng phải nói tuy thành công nhưng vẫn buồn.

        Vâng, vẫn buồn là vì niềm vui đã không trọn vẹn, bởi những ngày sau đó dư âm về cuộc lễ trên Núi Chúa cứ làm cho chúng ta ấm ức, khắc khoải và những câu hỏi thắc mắc cứ lởn vởn  trong đầu mà chưa được giải đáp.

        Chẳng hạn như những người đạo đức mến Chúa đã làm gì sai trái để đến nỗi bắt phải triệt hạ việc làm của mình? Chẳng qua, họ chỉ muốn làm đẹp, muốn tân trang cho ngày đại lễ thêm phần tươi sáng thôi. Họ đâu có lấn chiếm hoặc cơi nới ra ngoài phạm vi cho phép mà bảo họ làm việc sai trái? Nếu bảo tại sao không xin phép? Ủa, điều này đâu cần nhỉ? Ví dụ cha mẹ cho con cái một ngôi nhà đến ngày lễ hoặc ngày Tết con cái muốn trang trí cho tươi sáng hay xây thêm một hòn non bộ cho đẹp cảnh nhà lại phải xin phép cha mẹ nữa sao? Ôi, có cha mẹ nào hẹp hòi đến thế? Có cha mẹ nào kèn cựa với con cái như thế? Vậy thì xin cha mẹ hãy rộng lượng, hãy bao dung hơn một tí! Đã cho tự do tôn giáo thì cũng nên để cho giáo dân một khoảng cách an toàn chứ.

        Rồi có người bảo chính quyền triệt hạ 15 chặng đường thánh giá và đem về trả TGM là không đúng, không có lý vì của César thì trả lại cho César chứ sao lại đem về trả quan Philatô? Nhưng lại có lập luận: trả như vậy là đúng vì họ là kẻ mạnh. Và lý của kẻ mạnh thì bao giờ cũng đúng. Như vậy khác nào một mũi tên diệt được hai con chim. Một là dằn mặt TGM vì con dại cái mang, hai là cảnh báo cho người Châu Sơn biết mấy người chẳng là cái đí gì, bóp thì chết thả thì sống.

        Riêng tôi, thật tình mà nói tôi không thể hiểu nỗi tại sao lại có cảnh “ngăn sông cấm chợ” này. Tôi nghĩ đáng lẽ ra chính quyền phải nắm bắt cơ hội để khuyến khích tôn giáo vì họ đang xây dựng, đang làm đẹp quê hương mà. Thử hỏi các công trình kiến trúc vĩ đại trên thế giới từ cổ chí kim có mấy công trình thoát khỏi bàn tay tôn giáo xây dựng. Từ đền Parthenon của Hy Lạp đến cung điện Sixtin nguy nga Vatican. Từ Đế Thiên Đế Thích đến Đền Vàng Taj Mahal của Ấn Độ. Từ tượng Phật Trung Quốc đến tượng Phật Afghanistan. Còn nhiều, rất nhiều nữa…Và phải chăng tất cả đều do tôn giáo kiến tạo nên? Không đâu xa, ngay Việt Nam chúng ta thôi, tượng Chúa Kitô Vua ở Vũng Tàu đang là một thách thức với tượng Kitô Vua nổi tiếng của Brasil. Cho nên những điều tôn giáo thực hiện bao giờ cũng trong thiện ý làm đẹp đất nước, làm đẹp quê hương. Thế thì sao phải cấm đoán? Thế thì sao không khuyến khích? Tại sao không khuyến khích giáo dân Châu Sơn xây dựng một Núi Chúa hoành tráng làm địa chỉ cho khách du lịch hành hương tỉnh nhà?

        Ôi, một ngày Đại Lễ buồn là một ngày Đại Lễ đáng … buồn, đã đi qua. Xin chào ! Xin chào! Mong rằng Đại lễ năm sau sẽ sáng sủa hơn, vui vẻ hơn

 TRỌNG THI

       

       

       

 

       

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                                         

Check Also

20 Năm trời cách biệt – Nguyễn Thị Hường, Thầm lặng với một cõi riêng!!!

Viết tưởng niệm cho thầy và các bạn xong… đến lượt bạn Nguyễn Thị Hường, …

Theo bạn, có nên chấp nhận HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH!!??

Bước vào thiên niên kỷ thứ 3, năm 2000, nhân loại đã phải đối đầu …